Montag, 28. Juli 2014

Trung Quốc muốn "Thoát-Mỹ" – Mà không dễ

 
Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2014-07-24

000_Hkg3450821.jpg-305.jpg
Nhân viên một ngân hàng tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc đang xếp đôla Mỹ bên cạnh đồng nhân dân tệ
AFP PHOTO

Tình trạng "Mỹ thuộc" của nền kinh tế Trung Quốc là một nghịch lý mà chúng ta nên nhìn ra. Diễn đàn Kinh tế giải thích điều ấy hầu quý độc giả qua phần trao đổi sau đây của Vũ Hoàng cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa...

Vấn đề sinh tử của Bắc Kinh

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, thống kê từ bộ Ngân khố Hoa Kỳ ngày Thứ Tư 16 tuần qua cho thấy Trung Quốc mua Công khố phiếu Mỹ tới mức dồn dập chưa từng thấy kể từ năm 1977 là khi Hoa Kỳ bắt đầu bút ghi loại nghiệp vụ này. Theo dõi thị trường tín dụng Mỹ, ông giải thích thế nào về hiện tượng ấy khi người ta cứ cho rằng Bắc Kinh nắm dao đằng chuôi và có thể gây khó cho Hoa Kỳ khi giảm dần số lượng Công khố phiếu họ vẫn mua của Mỹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ đây là cơ hội cho chúng ta nhìn ra quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để thấy là ngược với nhận thức của nhiều người, kể cả các chính trị gia Mỹ, kinh tế Trung Quốc quá lệ thuộc vào nước Mỹ! Và đây là vấn đề sinh tử của Bắc Kinh.
Trước hết, xin nói về bối cảnh thì từ vụ khủng hoảng rồi Tổng suy trầm năm 2008, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có biện pháp kích thích kinh tế bất thường là hạ lãi suất tới sàn rồi mua vào trái phiếu và trả bằng tiền được tá ghi trong sổ sách kế toán của ngân hàng để các ngân hàng có thêm thanh khoản nên cho vay ra dễ dàng. Từ Tháng Năm của năm ngoái, khi kinh tế Mỹ có chiều hướng khả quan hơn thì Ngân hàng Trung ương Mỹ làm thế giới chấn động qua dự tính "vuốt nhọn" chính sách tiền tệ, tức là giảm dần mức độ bơm tiền và còn có thể nâng lãi suất.
Khi thu vào Mỹ kim thì họ làm gì để tiền đó đó khỏi mất giá? Họ mua tài sản tại Mỹ, mà loại tài sản có mức an toàn nhất vì coi như được Chính quyền Mỹ đảm bảo chính là Công khố phiếu.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Khi đó, các thị trường dự đoán là phân lời trái phiếu cùng lãi suất tại Mỹ sẽ tăng. Điều ấy chưa xảy ra, phân lời trái phiếu Mỹ lại giảm và giá công khố phiếu lại tăng. Tức là có chủ nợ sẵn sàng cho Mỹ vay tiền bằng cách mua vào Công khố phiếu vì thế giá mới tăng và phân lời mới hạ. Lúc đó, người ta mới thấy vai trò của Trung Quốc là năm nay họ mua thêm Công khố phiếu Mỹ với mức chưa từng thấy và tính đến cuối Tháng Năm vừa qua thì làm chủ một khoản nợ gồm Công khố phiếu và cả trái phiếu ngắn hạn lên tới một ngàn 271 tỷ Mỹ kim, bằng 10,6% tổng số Công khố phiếu Mỹ.
Vũ Hoàng: Ông vừa cho biết Trung Quốc làm chủ hơn 10% tổng số nợ dưới dạng Công khố phiếu của Mỹ mà lại nói rằng kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào Hoa Kỳ thì nhiều thính giả của chúng ta tất nhiên là không hiểu. Vì vậy, để khởi đầu, xin ông giải thích cho nghịch lý đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong chuyện này, ta tìm hiểu hai lĩnh vực là tài chính và thương mại, hay ngoại hối và ngoại thương, thì may ra sẽ thấy được nghịch lý ấy.
Trước hết, ta bay qua bên kia đại dương để xem giới hữu trách kinh tế tại Bắc Kinh suy tính gì. Từ Đại hội 18, họ cứ nói đến tái cân bằng cơ chế kinh tế, cụ thể là nâng sức tiêu thụ nội địa và giảm dần sự lệ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu. Họ chưa làm được chuyện ấy mà vẫn cố bán hàng nhiều hơn với giá rẻ hơn. Một cách kích thích xuất khẩu là can thiệp vào thị trường ngoại hối, là mua vào Mỹ kim và bán ra đồng nội tệ, tức là đồng Nguyên mà họ cứ gọi là "Nhân dân tệ" trong tinh thần mị dân. Khi thu vào Mỹ kim thì họ làm gì để tiền đó đó khỏi mất giá? Họ mua tài sản tại Mỹ, mà loại tài sản có mức an toàn nhất vì coi như được Chính quyền Mỹ đảm bảo chính là Công khố phiếu. Nôm na là Bắc Kinh bóp cổ người dân để bán hàng rẻ, và thu về một dự trữ ngoại tệ cứ được ca tụng là kỷ lục của thế giới, vì lên tới gần bốn ngàn tỷ đô la, rồi suy đi tính lại thì vẫn lại cho Mỹ vay tới hơn một phân tư chỉ vì đấy là nơi chọn mặt gửi vàng an toàn nhất!

“Bụt chùa nhà không thiêng”

Một nông dân Trung Quốc tận dụng những mảnh đất                   để trồng rau, phía sau là dự án nhà cao từng ở An Huy,                   Trung quốc. AFP
Một nông dân Trung Quốc tận dụng những mảnh đất để trồng rau, phía sau là dự án nhà cao từng ở An Huy, Trung quốc. AFP
Vũ Hoàng: Ông trình bày từ giác độ của Trung Quốc, nhưng nhiều người ở tại Hoa Kỳ lại cứ lo Trung Quốc có thể tẩy chay thị trường trái phiếu Mỹ tức là không cho Hoa Kỳ vay tiền nữa. Ông giải thích thế nào về chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng nhiều khi báo chí và các chính trị gia không hiểu hoặc muốn tác động vào dư luận theo chủ ý riêng của họ nên cứ hăm dọa chuyện khôi hài đó.
Trên diễn đàn này, cách đây mấy năm chúng ta có nhắc đến lời than của một viên chức cao cấp tại Bắc Kinh, rằng "ghét Mỹ lắm mà vẫn phải mua Công khố phiếu của Mỹ"! Thật ra, trị trường trái phiếu Mỹ có hai ưu điểm là sâu rộng và an toàn hơn hẳn mọi thị trường khác trên thế giới. Sâu vì lớn hơn tổng số thị trường của năm nước lớn nhất sau Mỹ và an toàn vì có thanh khoản cao, tức là khi cần rút ra để lấy về tiền mặt thì rất nhanh và dễ. Nhìn cách khác, nếu có tài sản mà muốn lưu giữ dưới dạng ngoại tệ, ta có thể chọn đồng Euro, đồng Yen Nhật, đồng Anh kim hay Phật lăng Thụy Sĩ, v.v.... Trong số này, nhiều đồng bạc có khi vững giá hơn Mỹ kim, nhưng thị trường lại quá nông và hẹp, thí dụ như nếu rút ra 100 tỷ là gây chấn động và có khi bị lỗ nặng.
Sau cùng cũng cần nói thêm chuyện "bụt chùa nhà không thiêng". Người ta cứ ca tụng kinh tế Trung Quốc, nhưng nếu đầu tư vào thị trường ấy mà an toàn và có lời thì tại sao Bắc Kinh phải gửi tiền qua biển cho Mỹ vay?
Vũ Hoàng: Từ lĩnh vực tài chính ta bước qua lĩnh vực ngoại thương. Thưa ông, nếu kinh tế của Trung Quốc lệ thuộc vào Hoa Kỳ thì tại sao nước Mỹ cứ bị nhập siêu, tức là nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, khi mua bán với Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật là nước Mỹ có gặp vấn đề ấy, nhưng nó được khuếch đại và gây ấn tượng sai lạc, có khi là với chủ đích chính trị mà truyền thông không hiểu rõ. Một lối nhìn khác là ta nên thấy ra mối lo của Bắc Kinh khi kinh tế mắc bệnh nghiện xuất khẩu!
Hoa Kỳ có một nhược điểm kinh tế mà lại là ưu điểm xã hội là có mức tiêu thụ quá cao, tới 70% Tổng sản lượng GDP. Tôi nói là ưu điểm xã hội vì cho thấy tư thế và khả năng chọn lựa của người dân, là điều Trung Quốc không có vì tiêu thụ bị đè nén và giảm dần từ nhiều năm qua.
Thế dân Mỹ tiêu thụ những gì? Họ chủ yếu mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, xin tính tròn cho dễ nhớ là tới 88% tổng số tiêu thụ là của nội địa, chỉ có 12% là nhập từ ngoài, trong số này nhiều sản phẩm lại do doanh nghiệp Mỹ góp phần làm ra và xuất ngược về Mỹ. Nghĩa là chỉ có 12% thị trường tiêu thụ của Mỹ mà lại là nguồn sống cho rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Vũ Hoàng: Ông vừa nói trong số hàng nhập vào Mỹ lại có nhiều sản phẩm do doanh nghiệp Mỹ chế tạo từ bên ngoài, thí dụ như tại Trung Quốc, nên có thể kiếm lời ngay từ gốc. Phải chăng, con số gọi là nhập siêu của Mỹ với Trung Quốc thật ra lại không nặng như vậy.
Người ta cứ ca tụng kinh tế Trung Quốc, nhưng nếu đầu tư vào thị trường ấy mà an toàn và có lời thì tại sao Bắc Kinh phải gửi tiền qua biển cho Mỹ vay?
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cho dễ nhớ thì tôi xin nêu vài thí dụ.
Thứ nhất là trong số hàng tiêu thụ nhập vào Mỹ, chỉ có gần 3% là đến từ Trung Quốc, bên trong thì hơn phân nửa là do công ty Mỹ nắm lấy từ khi hàng cập bến bên Tầu, chở qua đây bán cho nhà tiêu thụ cuối cùng ở Mỹ. Nói nôm na thì khi mua một đô là hàng "Made in China", dân Mỹ chi 55 xu cho người Mỹ tại Mỹ đã. Mà 45 xu kia cũng chẳng lọt hết vào tay Trung Quốc. Thí dụ kia từ một kinh tế gia của Ngân hàng Dự trữ Mỹ tại Dallas sẽ làm rõ ra điều ấy.
Giả dụ như tôi bỏ ra 500 đô la để mua tại Cali một cái iPhone ráp chế bên Tầu. Về nhà tìm hiểu thêm mới biết là để có món hàng loại sang gọi là "Made in China" thì Trung Quốc phải mua bộ nhớ và âm thanh của Mỹ mất 11 đồng, mua linh kiện xử lý và thu hình từ các xứ khác mất 162 đô la, tổng cộng là mất 173 đô la. Rồi tốn thêm bảy đồng ráp chế trước khi bán qua Mỹ được 180 đồng. Các doanh nghiệp Mỹ tốn 180 đồng để mua một sản phẩm ráp chế bên Tầu rồi tính thêm chi phí này nọ trước khi bán cho tôi lấy 500 đồng.
Từ nghiệp vụ ấy, bà nhân viên Bộ Thương Mại Hoa Kỳ thì bấm máy ghi rằng Mỹ bán hàng vặt cho Tầu được có 11 đồng mà mua của Tầu 180 đồng nên bị nhập siêu mất 169 đồng! Đó là 162 đồng do Trung Quốc bỏ ra để mua linh kiện từ xứ khác, cộng thêm bảy đồng ráp chế. Trong khi ấy, cô bí thư tại Bắc Kinh lè lưỡi ghi bằng bút chì phần đóng góp của Trung Quốc cho dự án iPhone đó là vỏn vẹn có bảy đồng!
Vũ Hoàng: Qua mấy con số rất vui đó thì có lẽ ta thấy sức nặng ngoại thương của Trung Quốc với Mỹ thật ra không nặng như người ta thường nghĩ! Thưa ông, có phải vậy không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi tin là lãnh đạo Bắc Kinh ý thức được nhược điểm bên trong mà chưa thể cải sửa hay cải tiến được. Họ tự khoe là công xưởng toàn cầu, thực ra thì bán hai chục triệu cái áo hay chục triệu đôi giầy mới đủ tiền mua một máy bay Boeing. Mà loại sản phẩm ráp chế như giày dép áo quần, hay cả máy điện thoại loại khôn thì doanh nghiệp Mỹ có thể làm hoặc mua của xứ khác, chứ Trung Quốc không có nhiều chọn lựa khi phải mua máy bay.
Ta thấy ra sự khác biệt của nền kinh tế khi Hoa Kỳ, hay Âu Châu, Nhật Bản và cả Nam Hàn đã tiến tới hình tháí hậu công nghiệp với trị giá gia tăng rất cao của dịch vụ và trí tuệ mà Trung Quốc mới chỉ đi vào lĩnh vực chế biến ở ngọn chứ không có gốc. Cũng vì vậy nên Bắc Kinh cố đi tắt bằng thủ đoạn ăn cắp sản phẩm trí tuệ và bí mật kỹ thuật của xứ khác, mà vẫn không xong.
Vũ Hoàng: Bây giờ thì có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra nghịch lý mà ông nói là kinh tế Trung Quốc ở vào tình trạng "Mỹ thuộc". Kết luận của ông là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Kinh tế Hoa Kỳ và cả Âu Châu nữa có nội lực riêng nên ít lệ thuộc vào xuất nhập cảng, tức là ít lệ thuộc vào xứ khác. Kinh tế Trung Quốc thì lệ thuộc vào xuất cảng đến gần phân nửa, tức là gấp đôi Hoa Kỳ và thực tế thì nằm trong vòng kiềm tỏa của Mỹ. Chuyện phũ phàng ấy, lãnh đạo Bắc Kinh có biết và cũng muốn thoát mà không xong. Với khối dự trữ ngoại tệ khổng lồ, họ được cái danh hão để hù dân là trở thành chủ nợ của nước Mỹ với một ngàn hai trăm tỷ Công khố phiếu Hoa Kỳ ở trong tay. Thật ra, họ cứ nơm nớp lo là khoản tài sản đó mất giá. Bây giờ còn lo thêm là vì nội tình bất ổn, và nhân công có tay nghề thì ít nên cứ đòi tăng lương làm cho giới đầu tư sẽ tìm xứ khác làm ăn. Tôi nghĩ lãnh đạo Bắc Kinh muốn "Thoát Mỹ" mà không nổi!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi hữu ích này
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen