Mittwoch, 2. Juli 2014

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 01/07/2014

Miến Điện : Đập thủy điện Trung Quốc đe dọa bang Kachin
Đập thủy điện Myitsone ở  bang Kachin, Miến Điện
Đập thủy điện Myitsone ở bang Kachin, Miến Điện
DR / Irrawaddy

Minh Anh
Thời sự Châu Á khá rải rác trên các mặt báo Pháp sáng nay 01/07/2014, tập trung chủ yếu vào các lãnh vực kinh tế, chính trị và môi trường. Mục điểm báo xin mở đầu với bài phóng sự đề tựa « Miến Điện : Bang Kachin dưới mối họa của đập thủy điện Trung Quốc » trên báo Le Monde. Tờ báo nhận định dự án công trình khổng lồ này có nguy cơ làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục ngàn người, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái và làm biến mất nhiều điểm thờ tự tôn giáo cũng như văn hóa quan trọng của bang Kachin.

Đối với người dân Miến Điện, Myitson thuộc bang Kachin, phía bắc đất nước, nơi hợp lưu hai dòng chảy Mali và N’mai, là một địa điểm thiêng liêng. Vì từ đây bắt nguồn con sông lớn nhất nước, sông Irrawady, chảy dọc từ bắc chí nam với chiều dài hơn 2000 km, là nguồn huyết mạch quan trọng, và là cái nôi văn hóa của đất nước.
Nhưng đến năm 2005, chính phủ tập đoàn quân sự lúc bấy giờ đã ký kết một hợp đồng xây dựng đập thủy điện trị giá 3,6 tỷ đô –la với Tập đoàn China Southern Power Grid Trung Quốc ngay tại chính nơi hợp lưu hai dòng chảy đó. Và phần lớn lượng điện sản xuất ra là nhằm cung cấp cho tỉnh Vân Nam Trung Quốc bên cạnh chứ không phải cho người dân bang Kachin.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, công trình thủy điện này có thể để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng cho dân cư và hệ sinh thái. Cuộc sống của hơn 11 ngàn người chung quanh khu vực sẽ bị xáo trộn. Nhiều đền chùa Phật giáo, các nhà thờ Công giáo cùng nhiều đền thờ văn hóa khác của tộc người Kachin, đại đa số theo đạo Thiên chúa có nguy cơ biến mất. Hệ sinh thái khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là loại cá heo nước ngọt, một loài cá đang trên đà tuyệt chủng. Đó là chưa kể đến việc công trình này nằm trên đới đứt gãy.
Người dân nơi đây cũng cảm thấy tiền bồi thường do tập đoàn Trung Quốc chi trả cũng không công bằng. Chỉ có hai gia đình giàu có, sở hữu nhiều ngôi nhà được nhận hàng chục triệu kyats (khoảng 22.000 euro), trong khi phần đông hộ gia đình bị di dời chỉ nhận được chừng trăm ngàn kyats, tức khoảng 75 euro.
Le Monde nhắc lại là năm 2011, khi lên nắm quyền, Tổng thống Thein Sein gây bất ngờ cho Bắc Kinh khi ra lệnh đình lại dự án chí ít cho đến khi nào nhiệm kỳ của ông kết thúc là năm 2015. Gần sắp đến kỳ bầu cử Quốc hội 2015, nhiều nhà đấu tranh bảo vệ môi trường nghi ngờ việc ngưng dự án chỉ là tạm thời. Nhiều cuộc tuần hành phản đối hay trưng cầu dân ý tại khu vực dự án đã diễn ra nhằm nhắc nhở rằng mối họa công trình đang được âm thầm nối lại là có thật.
Điều đáng chú ý là hôm 27/06 vừa qua, Tổng thống Thein Sein đã đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, cho đến giờ chẳng ai biết được nội dung cuộc họp giữa ông Tập Cận Bình với người đứng đầu nhà nước Miến Điện, quốc gia từ lâu lệ thuộc quá nhiều vào cường quốc láng giềng trên phương diện kinh tế và quân sự.
Đương nhiên, việc cho ngưng dự án đập thủy điện cũng là cách để Naypyidaw tái cân bằng lại chính sách ngoại giao của mình. Nhưng Miến Điện cũng không thể tự cho phép mình rơi vào tình trạng tranh chấp với Bắc Kinh. Dù là cách nào đi chăng nữa, hoặc phải để cho công trình được tiếp tục, hoặc là phải bồi thường cho phía đối tác, Miến Điện cũng sẽ phải trả giá đắt cho hành động táo tợn của mình, Le Monde kết luận.
Brazil 2014: người giàu Brazil thích xem bóng đá nhưng không biết cổ vũ
Nếu như chiến thắng của đội Pháp hôm qua trước đội Nigeria tràn ngập trên các mặt báo Pháp sáng nay, thì tờ Libération trong mục Góc nhìn từ São Paulo, có bài viết khá hay về các cổ động viên đội bóng Brazil. Theo tờ báo, « Tại các sân vận động, người giàu Brazil thiếu sự nhiệt tình dân tộc ».
Cúp bóng đá thế giới 2014 cho phép các cổ động viên khám phá đất nước và con người mà ở đó bóng đá là môn thể thao vua, nhưng đồng thời lại lộ rõ cho thấy sự phân hóa xã hội sâu sắc. Một bên là của « Black Blocs », những người biểu tình phản đối Cúp bóng đá Thế giới, và bên kia là « Yellow Blocs », những người có điều kiện tận hưởng các trận thi đấu.
Đến ngồi trên các khán đài cổ động cho đội nhà chỉ là những thành phần da trắng, thuộc khối « Yellow Blocs ». Nhìn lên khán đài chỉ toàn một màu da trắng, đến mức người ta có cảm tưởng là chỉ có người da trắng ở Brazil. Trong khi mà đến hơn phân nửa dân số lại là người da màu. Bởi vì chỉ có những người da trắng mới có đủ điều kiện để trả một chiếc vé đôi khi còn mắc hơn cả mức lương tối thiểu (tức khoảng 242 euro).
Tuy người da trắng có thể tận hưởng những giây phút tuyệt vời trên khán đài của Cúp bóng đá Thế giới, nhưng họ không phải là một công chúng tuyệt vời cho đội nhà, đến mức người ta phải gọi là « khủng hoảng trên khán đài ». Trong trận cầu với Mehicô, cổ động viên của đối thủ (Mêhicô) nhiệt thành đến mức người ta cứ tưởng Mêhicô đang thi đấu trên sân nhà.
Brazil 2014 lộ rõ nghịch lý tại đây. Cầm quyền 11 năm nay, chính quyền cánh tả tổ chức đã tổ chức một cúp bóng đá thế giới cho người giàu, Libération nhận định. Trong khi mà theo yêu cầu của cựu tổng thống Lula, FIFA đã chấp thuận nhường 300 ngàn xuất (chiếm 10% tổng số vé) với giá bình dân, tức (từ 10 đến 55 euro). Thậm chí FIFA còn cho 50000 xuất vé từ thiện Chương trình hỗ trợ những người nghèo khó Bolsa Familia.
Thay vì phải hâm nóng đội nhà, những cổ động viên giàu có đó chỉ biết luôn mồm nói rằng « Tôi là người Brazil, với cả niềm tự hào và cả trái tim » hay chỉ biết hát quốc ca. Vào những giây phút khó khăn, cần sự cổ vũ, họ chỉ hiết lặng thinh, biến đổi sắc mặt chỉ vì sợ thua. Tệ hại đến mức các nhà tài trợ phải tuyển một hoạt náo viên để hâm nóng cổ động viên trước mỗi trận đấu nhưng vẫn không thành công.
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen