Sonntag, 13. April 2014

Lên Tiếng Cho Chị Hồ Thị Bích Khương: Đúng việc, đúng cách

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 12 tháng 4, 2014
Tuần rồi chúng tôi đã chuyển hồ sơ của chị Hồ Thị Bích Khương cho các thành phần hữu trách của Liên Hiệp Quốc để yêu cầu can thiệp và cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam diễn ra vào tuần thứ hai của tháng 5 sắp đến.
Các cơ cấu LHQ gồm có: Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về tra tấn, Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về sức khoẻ và Uỷ Hội Về Tình Trạng Phụ Nữ. Các báo cáo viên đặc biệt là những chuyên gia độc lập cố vấn cho Hội Đồng Nhân Quyền LHQ. Uỷ Hội Về Tình Trạng Phụ Nữ là cơ cấu LHQ có nhiệm vụ theo dõi những cam kết của các quốc gia thành viên LHQ về quyền của phụ nữ.

Nếu hồ sơ được soạn đúng quy cách, các nơi này sẽ chính thức gởi công văn đến chính quyền Việt Nam để yêu cầu phối kiểm thông tin và giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền. Cách làm việc của họ thường âm thầm, không ầm ĩ ở bên ngoài, nhưng hiệu quả. Trước đây, hồ sơ Đỗ Thị Minh Hạnh cũng được nộp cho các nơi này và đã có sự lên tiếng ngay của họ.

Tháng 2 vừa qua, chúng tôi phối hợp với tổ chức VETO! ở Đức và một tổ chức nhân quyền ở Anh để thực hiện chương trình huấn luyện 8 buổi cho trên 30 người ở trong nước, ở Thái Lan và ở hải ngoại về viết báo cáo các vi phạm nhân quyền cho LHQ. Một trong những người tham gia khoá học đã soạn bản báo cáo bằng tiếng Việt cho chị Hồ Thị Bích Khương. Sau đó, ban phiên dịch gồm những người tình nguyện đã dịch sang tiếng Anh trước khi chúng tôi nộp cho các thành phần hữu trách của LHQ.
Chúng tôi cũng nộp bản báo cáo này cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để lên tiếng với phái đoàn Việt Nam tại cuộc đối thoại nhân quyền trong hai ngày 12 và 13 thnág 5 tới đây ở Hoa Thịnh Đốn.
Trước những vụ đàn áp, chúng tôi nhận thấy rất ít người làm đúng việc và làm việc đúng cách để kịp thời can thiệp cũng như để ngăn ngừa sự tái diễn. Chúng ta thường tri hô theo tính cách mình nói cho mình nghe. Làm vậy chỉ tạo nên tình trạng hỗn độn thông tin, hoàn toàn không hiệu quả.
Không những vậy, nhiều khi lại còn phản tác dụng. Khi chúng ta la hoảng mà kết quả không có là bao thì bạo quyền sẽ xem thường và ngày càng thêm hung hãn. Còn như chúng ta giữ im lặng, thế mà nhất nhất mỗi vi phạm nhân quyền đều có sự can thiệp hoặc lên án của quốc tế thì bạo quyền sẽ e dè vì không biết “cú đánh” từ đâu đến.
Tôi mong rằng sẽ có thêm người học cách làm hồ sơ báo cáo cho LHQ và các chính quyền dân chủ, và cũng có thêm người tình nguyện giúp phiên dịch để sao cho độ dày của hồ sơ báo cáo sẽ tỉ lệ thuận với mức vi phạm nhân quyền diễn ra ở Việt Nam.
Tôi cũng mong rằng sẽ bớt dần đi tình trạng mình nói cho mình nghe, một tình trạng mà tôi dùng cụm từ “căn phòng âm vang” để mô tả: rất ù tai cho những ai ở bên trong nhưng đứng ngoài thì chẳng nghe thấy gì.
Nơi trang blog này còn có nhiều báo cáo vi phạm nhân quyền khác nữa:http://dvov.org/un-special-procedures/.
__._,_.___
Reply via web post Reply to sender Reply to group Start a New Topic Messages in this topic (1)

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen