Donnerstag, 20. März 2014

Putin khai mở một thời kỳ đối đầu mới giữa Nga và phương Tây

Putin khai mở một thời kỳ đối đầu mới giữa Nga và phương Tây

Tổng thống Putin (G) và các lãnh đạo Crimée sau lễ ký kết văn kiện sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga tại Matxcơva, 18/03/2014
Tổng thống Putin (G) và các lãnh đạo Crimée sau lễ ký kết văn kiện sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga tại Matxcơva, 18/03/2014
REUTERS

Trọng Nghĩa
Hơn 20 năm sau khi Liên Xô bị phân rã, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin có dấu hiệu bước vào một cuộc đối đầu trở lại với phương Tây sau khi nhanh chóng thôn tính vùng Crimée của Ukraina, bất chấp sự phản đối của phương Tây. Theo giới phân tích, với xu hướng không chấp nhận trật tự thời hậu Xô Viết được ông Putin bộc lộ rõ ràng, khả năng một kỷ nguyên đối đầu mới giữa phương Tây và Nga không thể loại trừ.

Cách nay gần một phần tư thế kỷ, ngày 08/12/1991, lãnh đạo các nước Nga, Ukraina và Belarus đã phê chuẩn trong một hiệp ước sự phân rã của Liên Xô thành nhiều quốc gia độc lập. Thế nhưng gần đây, bằng cách lấy lại vùng Crimée từ tay Ukraina, Tổng thống Nga Putin đã biểu thị quyết tâm sẵn sàng thay đổi biên giới hiện tại của nước Nga.
Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, hiện chưa thể biết được là ông Putin sẽ bằng lòng với vùng Crimée, hay là ông sẽ tiếp tục tìm cách sát nhập vào Nga những khu vực nói tiếng Nga khác ở Ukraina, Moldavia hay tại Belarus và Kazakhstan.
Khả năng thứ hai là một điều rất hiện thực nếu căn cứ vào các tuyên bố đanh thép gần đây của chủ nhân Điện Kremly, tự nhận là ông có nhiệm vụ khôi phục lại sức mạnh của nước Nga.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, Giáo sư Nikolai Petrov, thuộc Học viện Kinh tế Cao cấp Mátxcơva cảnh báo : « Chúng ta mới ở bước đầu, chứ chưa phải là bước cuối của một tiến trình đầy sóng gió ». Đối với chuyên gia phân tích này : « Diễn văn của ông Putin hôm thứ Ba 18/03 vừa qua chỉ mới kết thúc giai đoạn thôn tính Crimée, câu hỏi đặt ra là : Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian sắp đến ? »
Quan điểm « phục hận » của ông Putin thể hiện rõ qua một số yếu tố được ông nêu bật : Nước Nga không còn muốn bị phương Tây « bỏ xó », phải tiếp tục chịu đựng chính sách « kiềm chế » có từ thế kỷ 18 và 19 để chống lại chế độ Sa hoàng và trong thế kỷ 20 để chống lại Liên Xô. Tổng thống Nga còn cho rằng Châu Âu và Mỹ đã « quá đáng » khi góp phần dựng lên chính phủ thân phương Tây ở Kiev sau vụ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị truất phế.
Theo Giáo sư Petrov, với vụ thôn tính Crimée, cục diện đã chuyển qua một thời kỳ mới với nước Nga của ông Putin trực diện đối đầu với phương Tây : « Tổng thống Putin đã tuyên chiến với phương Tây và không thể có sự hòa giải… (và) bây giờ phương Tây sẽ phải cố gắng hạ bệ chế độ Putin. »
Đối với ông Dmitri Trenin, Giám đốc chi nhánh tại Mátxcơva của Trung tâm nghiên cứu Carnegie, sự sáp nhập Crimée vào Nga là một « bước ngoặt » trong chính sách đối ngoại của Mátxcơva.
Theo ông Putin, trật tự thế giới hình thành sau sự sụp đổ của Liên Xô đã cho phép Hoa Kỳ coi thường luật pháp quốc tế tại Nam Tư, Irak và Libya. Sự kiện Mátxcơva tung lực lượng thân Nga đến Crimée để kiểm soát vùng này đã cho thấy là nước Nga không còn tôn trọng các biên giới được thiết lập vào năm 1991.
Câu hỏi đang được giới phân tích đặt ra là liệu ông Vladimir Putin có chịu dừng lại ở việc sáp nhập của Crimée hay không ? Hay là ông sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường đối đầu với phương Tây.
Trên vấn đề này, Tổng thư ký khối NATO Anders Fogh Rasmusssen không che giấu nỗi lo ngại. Phát biểu tại Mỹ vào hôm qua, 19/03, ông cho rằng Tổng thống Nga rất có thể sẽ không tự bằng lòng với việc sáp nhập Crimée : « Crimée chỉ là một ví dụ... là một phần trong một tổng thể lớn hơn, một chiến lược dài hạn hơn của Nga hoặc ít ra là của ông Putin ».
Đối với ông Rasmussen, vụ Crimée là tín hiệu cảnh báo cho các nước phương Tây, do đó, các thành viên của NATO cần phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quốc phòng.

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen