Phương Tây chính
thức loại Nga khỏi G8
- Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh
đạo các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới ngày 24/3 đã quyết định hủy hội
nghị thượng đỉnh G8 sắp tới tại Nga, nhằm tăng cường cô lập Mátxcơva vì can
thiệp vào cuộc khủng tại Ukraine.
Sau các cuộc họp
khẩn cấp hôm qua do Tổng thống Obama đề xuất, phương Tây thông báo rằng hội nghị
thượng đỉnh G8, dự kiến diễn ra tại Sochi (Nga) vào tháng 6 tới, sẽ bị hủy và
được thay thế bằng thượng đỉnh G7 ở Brussels (Bỉ) mà không có sự tham gia của
Nga.
G7 cũng đe dọa
áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga vì việc sáp nhập
Crimea, vốn khiến quan hệ giữa phương Tây và Mátxcơva rơi xuống mức thấp nhất kể
từ Chiến tranh Lạnh.
"Nếu Nga tiếp
tục leo thang tình hình này, chúng tôi sẵn sàng tăng cường các hành động, trong
đó có các biện pháp trừng phạt phối hợp vốn sẽ gây ảnh hưởng ngày càng nặng nề
lên nền kinh tế Nga", các lãnh đạo G7 cho biết trong một tuyên bố.
"G7 xích lại gần
nhau vì có trọng trách và quan điểm chung. Các hành động của Nga trong những
tuần gần đây không phù hợp với chúng. Trong tình hình này, chúng tôi sẽ không
tham dự thượng đỉnh G8 được lên kế hoạch ở G8", tuyên bố nói thêm.
Ngay sau quyết
định của G7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng một động thái như vậy
"không phải là vấn đề lớn".
"Chúng tôi sẽ
không cố bám vào khối này (G8) và chúng tôi không nhận thấy có vấn đề gì to lớn
nếu khối không nhóm họp", Ngoại trưởng Nga tuyên bố.
Ông Lavrov cũng
khẳng định Crimea "có quyền tự quyết". Việc Nga sáp nhập khu vực không phải là
"ý đồ xấu" mà nhằm "bảo vệ những người Nga đã sống tại đó hàng trăm năm
nay".
Ngoại trưởng
Pháp Laurent Fabius cho biết việc loại Nga "có lẽ là hành động quan trọng nhất
vì nó cho thấy tất cả các quốc gia khác trong khối không chấp nhận hành động sáp
nhập Crimea là việc đã rồi".
Ông Fabius nhấn
mạnh rằng, G7 cũng đã nhất trí tìm cách giảm sự phụ thuộc năng lượng vào
Nga.
Nga tham gia G8
- vốn cũng bao gồm Mỹ, Nhật, Đức, Ý, Pháp, Canada và Anh - vào năm
1999.
Theo AFP
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen