Mối Căm Thù Cuả Ông Vladimir
Putin
Năm 1990, từ một
vùng hẻo lánh xa xôi ở tỉnh Cavendish, tiểu bang Vermont, nhà văn Aleksandr
Solzhenitsyn tái xuất hiện, công bố một bản cương lĩnh vĩ đại, mang tựa đề: “Làm Cách Nào Để Hồi Sinh Nước Nga”.
Tài liệu khá dài, được đăng nhiều kỳ trên báo Komsomolskaya Pravda. Đây là một tài liệu lỗi thời, viết bằng thứ văn
chương của thế kỷ thứ 19, với rất nhiều
từ ngữ cổ xưa, mang phong thái một bài giảng đạo của tu sĩ trong nhà thờ. Đại văn
hào Solzhenitsyn là một nhân vật đối lập đầy tính chất anh hùng. Trong thâm tâm,
bao giờ ông cũng là một nhà ái quốc, yêu nước Nga vô cùng. Vậy mà trong bản đề
cương ông khẳng định rằng chớ bao giờ nuôi mộng khôi phục một đế quốc Nga vĩ đại
như thời Sa Hoàng. Theo ông chỉ nên xây dựng một thể chế dân chủ bình dân, điạ phương tản quyền, kiểu như chế độ dân chủ ở
Thụy sĩ, trong đó cho phép cá nhân có quyền tư hữu. Ông khuyên nên giải thể Liên
Bang Xô Viết. Lý do là vì, theo ông, “Chúng
ta không có đủ năng lượng để điều khiển một Đế Quốc, hãy dẹp quách cái thể chế đó
đi. Nó làm hao mòn tài nguyên của chúng ta, nó sẽ làm cho chúng ta chết dần chết
mòn vì cạn kiệt tài nguyên.”. Các nước nhỏ như Lithuania, Latvia, và Estonia, cùng
với một số nước dọc theo núi Caucase cũng tự ý tách khỏi liên bang, đòi độc lập.
Nhưng riêng về nước Ukraine, ông Solzhenitsyn lại có một quan điểm khác. Ông
tuyên bố rằng nước Nga là nước ở trung tâm của “Liên Bang Nga”, và Ukraine phải
là một phần trong khối liên bang đó.
Lúc bấy giờ, những
người quốc gia Ukraine, nhất là nhóm ở phía Tây, chủ trương gia nhập với các nước
ở phía biển Baltic đòi độc lập. Họ cùng nhau dấy lên thành một “phong trào nhân
dân” gọi là Rukk. Một lãnh tụ Cộng Sản tầm thường tên là Leonid Kravchuck đắc cử
làm tổng thống cộng hoà Ukraine vào năm 1991. trước đó, ông ta tỏ ra vô cảm, lạnh
lùng đối những người quốc gia Ukraine, nay
ông xin đứng vào hàng ngũ phong trào nhân dân Rukk. Đối với nhiều người
trong Liên Bang Xô Viết và văn hào Solzhenitsyn thì việc làm của tổng thống
Kravchuck là điều không thể chấp nhận được. Nó đi ngược với xu hướng lịch sử. Đối
với họ, Ukraine chưa bao giờ là một quốc gia độc lập, nó chỉ là một mảnh đất nhỏ
giống như Glubbdubdrib hay Freedonia. Ông Vladimir Putin, cựu nhân viên tình báo
trong KGB, là người đầu tiên trao tặng cho văn hào Solzhenitsyn một giải thưởng
quốc gia. Nên nhớ rằng chính KGB là cơ quan đã hành hạ ông nhà văn này gần hết
một đời người. Chẳng qua chỉ vì đôi bên có chung một quan điểm về vấn đề
Ukraine, nên Putin trao gỉai thưởng cho ông. Có lần chính ông Putin nói thẳng với
tổng thống George Bush con như sau: “Ông George à, ông phải nhớ rằng Ukraine chưa
bao giờ là một quốc gia.”.
Solzhenitsyn, một người chỉ biết nói sự thật,
thuộc thế kỷ thứ 20, không ngờ lại chất chứa trong lòng một quan niệm thật là tàn ác của thế kỷ thứ 21. Ông Putin thì hiển nhiên là một nhà độc tài cứng
rắn đứng về mọi mặt. Ông mang vẻ mặt của vị vua Pharô trong sạch và oai hùng.
Nhiều lúc ông tỏ ra cứng đầu, bướng bỉnh. Chẳng hạn như ông tức giận với cuộc nổi dậy ở Kiev. Ông ra
lệnh đem quân tiến vào Crimea tức khắc. Sở dĩ ông xua quân sang Crimea vì ông luôn
luôn hoài nghi phe Tây phương. Ông cho rằng
phe Tây phương hay ngụy trá, tuyên truyền bậy bạ. Ông Putin coi hành vi đông tiến
của khối NATO, những vụ chỉ trích ông về vấn đề vi phạm nhân quyền, những cuộc
cách mạng “sắc mầu” ở Tbilisi và Kiev – và ngay cả những vụ nổi dậy ở Tehran,
Tunis, Cairo, Manama và Damascus - đều là những đòn chính trị đe dọa đến sự
nghiệp chính trị của ông. Ông Putin coi tất cả những luận điệu tuyên truyền xuất
phát từ các cơ quan truyền thông như National Endowment for Democracy, hay toà đại
sứ Hoa Kỳ tại Mạc Tư Khoa đều nhắm vào
việc nói xấu, để hạ bệ ông. Và qủa thực Hoa Kỳ lúc nào cũng muốn làm suy giảm ảnh
hưởng của ông, chúng ta không thể giả vờ không biết rằng ông Putin trở nên tức điên
lên, vì ông thù ghét Mỹ. Trong kỳ Thế Vận Hội Muà Đông ở Socchi, ông đã tiêu ra
hàng tỉ đồng rúp để khẳng định sức mạnh của Nga trong lãnh vực văn hoá. Cuộc xâm
chiếm vùng Crimea chỉ là một hành động khác để tái xác nhận sức mạnh về vũ khí
và tiềm năng quân sự của Nga.
Hành vi xâm lăng của Nga cần phải bị lên án:
Ukraine là một quốc gia có chủ quyền từ
hơn một thế hệ nay. Quan hệ gắn bó về ngôn ngữ, văn hoá, và lịch sử của
Ukraine với nuớc Nga không phải là những yếu tố buộc nước này phải là chư hầu của
Nga. Luận điệu của ông Putin đưa ra khi đem quân xâm lăng Ukraine là để ngăn ngừa
bọn “phát xít”, và biểu dương tinh thần “tương trợ anh em.” của Nga đối với
Ukraine. Đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của guồng máy tuyên truyền, và cơ quan
tình báo Nga. (Nhóm người Cossack thân Nga ở Crimea có thái độ rất phát xít, và
đài truyền hình Channel One ở Mạc Tư Khoa là cơ quan tuyên truyền ở Nga).
Hành vi xâm lăng của Putin không làm cho các
nhà lãnh đạo Tây phương ngạc nhiên, nhất là đối với ông Obama và bà Angela
Merkel. Tuy nhiên họ phải hành động thận
trọng, và minh bạch. Quyết định đe doạ sẽ trừng phạt Nga bằng những biện pháp kinh tế và ngoại giao là quyết định rất đúng.
Bởi vì thực ra thời buổi này cũng không có nhiều chọn lựa nào khác. Nhưng phải
nói rằng tất cả những phe liên hệ đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine hầu như không
hiểu thấu đáo những vấn đề chính trị nội bộ của Ukraine. Từ năm 1991 đến nay, các
nhà lãnh đạo ở Ukraine hoặc thân Nga như Viktor Yanukovych, hay thân Tây phương
như Yulia Tymoshenko, đều là một phường ăn cắp, tham nhũng kinh khủng, chỉ biết
lấy tiền công qũi làm tài sản riêng, rồi bỏ chạy. Cả hai loại lãnh tụ này đều
chơi trò lấy một nửa nước này đối chọi với nửa nước kia. Khi Mạc Tư Khoa thống trách nhóm biểu tình nổi
dậy ở Kiev mang nặng xu hướng “phát xít” (cực hữu), kể ra thì cũng đúng phần nào.
Bởi vì nhóm này gồm nhiều phần tử thuộc phe quốc gia cực đoan. Nước Ukraine chưa
sản sinh ra được những chính khách có đủ tài trí để giải quyết được nhu cầu
kinh tế, trong những điều kiện hết sức mong manh. Hồi tháng 12, khi ông John
McCain đến nói chuyện với những người biểu tình tại Quảng Trường Độc Lập ở
Kiev, ông đứng cạnh nhân vật Oleh Tyahnybok. Ông này là một dân biểu vừa mới bị
trục xuất khỏi quốc hội vì cái tội đòi đấu tranh chống “bọn mafia ở Mạc Tư
Khoa, và bọn Do Thái”. Có lẽ ban tham mưu của ông McCain đã quá vụng về khi để
Thượng Nghị Sĩ Mỹ đứng cạnh nhân vật chính trị đầy tai tiếng. Giống hệt như hồi
trước ông lỡ chọn bà Sarah Palin đứng làm phó trong liên danh tranh cử tổng thống.
Nhưng dù sao đi nữa màn kịch này cũng làm cho Mạc Tư Khoa nóng mắt, và càng
nghi ngờ người Mỹ nhiều hơn.
Đồng minh của ông McCain ở Thượng Viện Hoa Kỳ
cũng lên tiếng ủng hộ nhóm nổi dậy ở
Kiev, và thống trách chính quyền Obama phản ứng yếu kém. Ông Lindsey Graham, Thượng
Nghị Sĩ Cộng Hoà tiểu bang South Carolina, ông này đang phải ra tranh cử lại ở
vòng sơ bộ, lên tiếng bình luận về vụ Nga xâm lăng Crimea như sau : “nguyên nhân
xảy ra vụ xâm lăng của Nga thì cũng giống như vụ đại sứ Mỹ bị giết ở Benghazi”.
Ông gỉải thích trong tweeter của ông: “Khi người ta giết chết người Mỹ, và không
một ai phải đền mạng, tức là chúng ta xúi họ cứ tiếp tục hành vi xâm lược.”. Cả
hai ông McCain và Graham, đại diện cho đảng Cộng Hoà, lên tiếng về chính sách
ngoại giao của Mỹ như sau: “ Việc người Nga xâm lăng Crimea là hậu qủa của chính
sách ngoại giao nhu nhược. Điều này khiến không còn ai tin tưởng vào sức mạnh của
Mỹ.”. Ít lâu sau, bà Hillary Clinton, người lẽ ra phải hiểu rõ vấn đề, châm vô
một câu xin lỗi vô tích sự. Bà nói rằng hành vi xâm lăng này giống như hành vi
của Hitler ngày trước.
Cho đến lúc này, ông Putin vẫn giữ thái độ vênh
váo, ngang ngược. Những kẻ đối lập với ông ở trong nước Nga bây giờ yếu xìu. Họ
rất sợ công an đến lôi đầu cho đi học tập cải tạo mút mùa lệ thủy. Về phía Tây
phương, nhiều nước vẫn còn mơ sẽ được Putin cộng tác trong việc giải quyết rắc
rối ở Syria và Iran. Họ ngần ngại không dám làm mạnh với Putin. Nhưng rất có thể
cuộc phiêu lưu của ông ta ở Crimea lại làm cho ông ta mất uy tín, không phải tại
toà đại sứ Mỹ ở Mạc Tư Khoa đâu. Tháng trước, một cuộc thăm dò ý kiến do Điện Cẩm
Linh thực hiện cho thấy 73% dân Nga chống lại việc đối đầu với cuộc nổi dậy ở
Kiev. Từ đó đến nay, Điện Cẩm Linh chứng minh rằng họ có đủ phương tiện và khả năng tuyên truyền để ủng hộ những việc
làm dại dột của ông Putin. Nhưng biết đâu đấy, sự ủng ủng hộ chắc gì sẽ tồn tại
vĩnh viễn. Cổ nhân vẫn nói rằng “bạc như dân, bất nhân như lính”, khi người dân
thay lòng đổi dạ, thì ông Putin hãy coi chừng.
Nói cách khác, ông Putin đang tự ý làm cho ông
bị xa lìa không những đối với các nước Tây phương, đối với nước Ukraine, mà còn
đối với nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế này mong mỏi ông Putin hãy tham gia vào
với họ. Ông Putin tự ý kéo mình xa lìa khỏi với cả nước Nga. Ông ước mơ sẽ ở chức
vụ tổng thống cho đến năm 2024, một lãnh tụ xây dựng nước Nga vĩ đại nhất trong
lịch sử Nga, còn hơn cả Đại Đế Peter the Great. Nhưng ông Putin ơi, coi chừng ông
sẽ bị chôn vùi tên tuổi ngay tại bán đảo Crimea,
Bài nhận định của David Remnick trên The New Yorker ngày
17/3/2014
Nguyễn Minh Tâm dịch
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen