Đập thủy điện và nhóm lợi ích
Kính Hòa, phóng viên
RFA
2013-11-19
2013-11-19
Đập thủy điện
Đakrông III bị vỡ đập năm 2012.
File
photo
Các đập thủy điện miền Trung, nơi có dòng
chảy rất xiết, đã gây nhiều tai họa trong thời gian vừa qua. Tại sao người ta
lại xây dựng những công trình nguy hại cho người dân như vậy? Có phải vì những
lợi ích của những nhóm người nào đó?
Chết vì lũ của thủy điện
Bài toán năng lượng cho một quốc gia đang
phát triển và đông dân như Việt Nam không bao giờ dễ dàng. Thủy điện từ lâu đã
được tính đến như một nguồn năng lượng rẻ tiền và không gây ô nhiễm. Những đập
thủy điện đầu tiên được xây dựng ở miền Nam và miền Bắc trong những năm đất nước
còn chiến tranh, đó là các nhà máy Đa Nhim ở miền Nam và Thác Bà ở miền Bắc. Vào
thời gian ấy khái niệm đánh giá tác động môi trường chưa ra đời nói chung, và
tác động nguy hại của các đập nước cũng chưa được biết đến nhiều. Những con đập
được tiếp tục xây sau khi chấm dứt chiến tranh, những con đập lớn ở miền Bắc như
Hòa Bình, Sơn La, ở miền Nam như Trị An, và rất nhiều đập nhỏ trên các dòng sông
ngắn chảy xiết ở miền Trung.
Lượng nước trong hồ luôn rất nhiều rồi vì vậy khi lũ về người ta sợ vỡ đập nên lại càng xả nước nhiều ra thêm nữa làm cho lũ càng trầm trọng hơn nữa.
-Người dân ở Đại Lộc
Theo Tiến sĩ Địa Vật Lý Nguyễn Thanh Giang,
hiện thủy điện cung cấp đến 36% lượng điện cho cả nước với 226 công trình đang
vận hành. Riêng bốn tỉnh miền Trung và hai tỉnh Tây Nguyên đã có gần 150 dự án
thủy điện.
Trong thời gian gần một năm qua, các đập
nước thủy điện ở miền Trung đã liên tiếp gặp những trục trặc, có khi đưa đến
chết người. Đó là trường hợp các đập Dakrong 3 ở Quảng Trị, Yakrel 2 ở Gia Lai.
Và tệ hại nhất là hàng loạt hồ thủy điện thủy lợi ở miền Trung phải xả lũ bất
ngờ trong mùa mưa bão, gây thiệt hại về vật chất và cả sinh mạng cho người dân.
Việc xã lũ gần nhất chỉ mới cách đây vài ngày, góp nước với thủy thần giết chết
34 người và gây ra vô vàn mất mát về nhà cửa mùa màng cho người nông dân vốn đã
là tầng lớp nghèo nhất nước.
Điều đáng nói là việc xả lũ tại họa đó đã
trở thành bình thường vì nó cứ lặp đi lặp lại. Một người dân sống ở Đại Lộc
Quảng Nam, nơi bị ngập sâu trong những này qua nói với chúng tôi:
“Dân miền Trung mình thì năm nào cũng bị bão lũ
nên nó trở thành bình thường rồi. Tuy nhiên những năm gần đây thì lại có đặc
điểm là những đập thủy điện người ta xây dựng lên; Ban đầu người ta nói là sẽ
phát điện và sau đó vào mùa lũ thì người ta sẽ điều tiết nước lũ. Người ta giải
thích là khi lũ về người ta sẽ chứa nước lại bớt, người ta sẽ giảm thiểu nước
trong cơn lũ. Qua thực tế thì những năm vừa rồi thì những điều người ta nói là
không đúng. Lượng nước trong hồ luôn rất nhiều rồi vì vậy khi lũ về người ta sợ
vỡ đập nên lại càng xả nước nhiều ra thêm nữa làm cho lũ càng trầm trọng hơn
nữa. Nguy hiểm nữa là khi xả nước, người ta làm cho mực nước dâng lên rất là
nhanh. Nhiều người dân trở tay không kịp.”
Khi các tai nạn hồ nước xảy ra trong thời
gian qua, các chuyên viên quản lý nói rằng trách nhiệm lớn là do bên thi công đã
không làm tốt công trình, còn chuyện xả lũ bất ngờ là chuyện chẳng đặng đừng do
việc theo dõi mưa không tốt.
Nguy hiểm và bất hợp lý
Trong chương trình địa lý Việt Nam ở bất cứ
thời nào cũng đều có ghi nhận về đặc tính những con sông miền Trung Việt Nam là
chảy rất xiết trong mùa mưa bão, do dòng sông rất dốc và ngắn. Và nay lượng nước
chảy xiết đó lại càng tăng lên do rừng ở nguồn các con sông và trong lưu vực của
chúng không còn nhiều nữa. Khi được hỏi phải chăng sự bất lợi về địa lý của miền
Trung cũng là nguyên nhân gây ra những tai họa từ các đập thủy điện của vùng
này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nói:
“Đúng như vậy, các hiểm họa là do sự xây dựng
tùy tiện, và những tai nạn xảy ra chứng tỏ là cả hệ thống thủy điện ở miền Trung
là không tồn tại hợp lý.”
Sự bất hợp lý ấy có thể được biết đến khi dự
án được đưa ra để đánh giá tác động môi trường của nó.
Cũng giống như bất kỳ quốc gia nào khác ở
thế kỷ 21 này, những dự án lớn ở Việt nam đều cần phải trải qua việc đánh giá
tác động môi trường. Ông Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia về rừng nhiều lần
lên tiếng bảo vệ rừng quốc gia Nam cát tiên bị đe dọa bởi các công trình thủy
điện, nói về đánh giá tác động môi trường ở Việt nam như sau:
Đúng như vậy, các hiểm họa là do sự xây dựng tùy tiện, và những tai nạn xảy ra chứng tỏ là cả hệ thống thủy điện ở miền Trung là không tồn tại hợp lý.
-TS Nguyễn Thanh Giang
“Đơn vị chủ đầu tư lại thuê đơn vị đánh giá tác
động môi trường, nên thường bao giờ chủ đầu tư cũng thuê người ủng hộ họ chứ
không mang tính chất độc lập.
Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định, nhưng
thẩm định để làm chứ không phải để dừng lại. Bước thẩm định là bước cuối cùng
của quá trình đầu tư. Tôi thấy qui trình ‘lộn ngược’. Có một số bài nói thủy
điện Việt Nam đi ngược với thế giới là như vậy đó. Nói chung những đánh giá tác
động của Việt Nam chỉ làm cho đúng thủ tục thôi, gọi là cho đẹp về mặt hình
thức, thủ tục; chứ không phải một cửa để đóng lại hay mở ra.”
Như vậy, việc xây cất những công trình thủy
điện trên vùng đất miền Trung, mà về mặt địa lý có thể gây ra nhiều tai họa, chỉ
tuân theo ý chí của người quyết định mà không tuân theo sự hợp lý của thiên
nhiên và tri thức con người.
Sự duy ý chí ấy là một yếu tố hàng đầu trong
các quyết định chính trị ở Việt Nam. Và ở thời buổi kinh tế thị trường, ý chí
chính trị ấy còn dính líu sâu nặng với lợi nhuận nữa. Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên
Thứ trưởng Bộ Thủy lợi nói với chúng tôi:
“Thủy điện được tiếp cận trên quan điểm thị
trường, có đầu tư và hoàn vốn nên người ta lao vào kinh doanh. Đối với thủy
điện, thường những công trình với kết cấu hạ tầng như vậy thời gian hoàn vốn
phải từ 30-40 năm; nhưng do cơ chế hiện hành những dự án thủy điện nhỏ nhỏ, vừa
vừa hiện nay người ta tính ra chỉ độ hơn 10 năm thôi. Do đó, người ta lao vào bỏ
vốn đầu tư thành ra hơi loạn.”
Rất nhiều thủy điện nhỏ và vừa như vậy hiện
nay có chủ là các công ty tư nhân. Phải chăng việc chẳng màng đến các bất lợi
của thiên nhiên ở đây đã mang dáng dấp của các nhóm lợi ích? Và điều này phải
chăng cũng được bảo đảm bởi một điều khoản trong luật đất đai là đất đai sẽ bị
giải tỏa để dùng cho các công trình phát triển kinh tế xã hội?
Sự câu kết giữa các quyết định chính trị và
lợi nhuận ấy trong một môi trường thiếu vắng tự do ngôn luận, thì liệu những qui
trình đánh giá tác động môi trường có thể làm gì được để dừng lại những hiểm
nguy chết chóc treo trên đầu người dân miền trung trong mùa mưa lũ?
Kỹ sư Phạm Đình Cung một chuyên gia kỹ thuật
từ Pháp nói rằng, Việt Nam không thiếu các chuyên gia giỏi, vấn đề là không có
chỗ để phản biện. “Ai quyết định Cái chỗ để phản biện ấy?”
Dường như câu trả lời cho bài toán phản biện
cho các cơn lũ nhân tai ở miền Trung là nó có cùng một ẩn số với bài toán phản
biện cho mô hình kinh tế xã hội Việt nam đang nằm dưới sự lãnh đạo duy nhất của
đảng cộng sản.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen