TỒN VONG DÂN TỘC HOẶC LỢI ÍCH NHẤT THỜI
Tân Chính quyền Donald Trump đã chính thức tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ phải ngăn Trung Quốc chiếm vùng biển quốc tế trong Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông … cam đoan bảo vệ quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ ở đó”.
Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc, Sean Spicer nói: “Nếu như các hòn đảo này thực sự nằm trong vùng biển quốc tế và không thuộc một phần riêng của Trung Quốc, vậy thì, chúng ta phải bảo vệ để khỏi rơi vào tay một quốc gia”.
Ngược lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc có ‘chủ quyền không thể tranh cãi’ ở Quần đảo Nam Sa (Spratly Islands, Trường Sa) và khu vực gần kề, và sẽ giải quyết tranh cãi qua đàm phán song phương hoà bình với các láng giềng. Hoa Kỳ không phải là một quốc gia dính dáng trực tiếp tới Biển Nam Trung Hoa”. Theo Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982, UNCLOS, Hải quân Mỹ có quyền hoạt động trên vùng biển quốc tế trong Biển Nam Trung Hoa.
Hoa Thịnh Đốn giải quyết tranh cãi dựa theo luật pháp quốc tế, trái lại, Bắc Kinh lấy luật quốc gia mà làm chủ Biển Nam Trung Hoa.
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc đã ký kết và phê chuẩn, có quy định rõ ràng về Khu vực Đặc quyền Kinh tế, EEZ của mỗi quốc gia, và bản chất của các thực thể trên biển.
Toà án Trọng tài Thường thực về Luật Biển 1982, PCA, đã phán “Đường 9 Đoạn của Trung Quốc không tương thích với UNCLOS, không có thực thể nào ở Spratly hội đủ điều kiện ĐẢO nên chỉ được quyền có lãnh hải tối đa 12 hải lý. Spratly không phải là một QUẦN ĐẢO để đòi quyền có EEZ và Thềm Lục địa. Tất cả 7 vị trí chiếm đóng của Trung Quốc tại Spratly đều nằm trong EEZ của Phi Luật Tân và Mã Lai Á. Trung Quốc thường xuyên ngăn hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên của Phi Luật Tân”.
Dư luận quốc tế e ngại mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ căng thẳng hơn trong những ngày tháng tới. Giới truyền thông Trung Quốc và học giả quốc tế thân-Bắc Kinh đe doạ “Nếu Mỹ ngăn cản Trung Quốc tiếp cận lợi ích trong vùng sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến tranh rộng lớn”.
Các quốc gia Đông Nam Á vốn quen với hiện trạng bình an trong căng thẳng đang mất phương hướng trước mối đe doạ chiến tranh tại Biển Đông làm hại tới lợi ích trước mắt.
Chuyên gia về Biển Nam Trung Hoa, Bill Hayton nhận xét về chính sách phong toả của Hoa Kỳ: “Buộc Trung Quốc tuân theo phán quyết của PCA, cho phép các quốc gia khác được tự do đánh cá và khoan dầu trong vùng biển tranh cãi, từ bỏ ý đồ ngăn chặn chiến hạm Mỹ quá cảnh, thao dượt, thâu thập tình báo trên Biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, hành động phong toả của Mỹ có thể gây ra xung đột quân sự và mất sự ủng hộ của đồng minh của Mỹ ở Châu Á đang muốn tránh một cuộc xung đột siêu cường”.
Trong chủ đề The Pivot to Asia Was Obama’s Biggest Mistake, tờ Diplomat viết: “Chính sách xoay trục không đạt được các mục tiêu chính ở Châu Á trong khi vô tình làm cho các vấn đề Châu Âu và Trung Đông tồi tệ hơn”. Hơn nữa, xoay trục không kèm theo sức mạnh quân sự tương xứng nên khó chặn đứng mưu đồ của Bắc Kinh.
Obama cáo buộc Chính quyền tiền nhiệm bỏ quên CA-TBD. Thực sự, Tổng thống George W. Bush đã làm cho mối căng thẳng Trung Quốc-Đài Loan xuống mức thấp nhất, ký kết Thoả ước Mậu dịch Tự do với Úc Đại Lợi, Đại Hàn, Tân Gia Ba, và bắt đầu thảo luận về Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP. Bush ký Thoả ước hạt nhân dân sự với Ấn Độ, xây dựng đối tác với Pakistan để thương lượng với A Phú Hãn.
Daniel Blumenthal, chuyên gia về Châu Á thuộc American Enterprise Institute nhận xét trên tờ The Guardian: “Hải quân Mỹ hiện diện thường xuyên và mạnh cần để hỗ trợ cho chính sách ngoại giao. Đó là lằn ranh đỏ mà Trung Quốc không thể kiểm soát Biển Nam Trung Hoa”.
Blumenthal dựa theo kinh nghiệm trong chính quyền nên khuyên: “Chúng ta hãy nói rõ ràng cho Trung Quốc về lợi ích của Hoa Kỳ là gì và đang làm gì trong vùng để cải thiện mối quan hệ trong một số lĩnh vực”.
Tổng thống Donald Trump phát biểu trong lễ nhậm chức: “Chúng ta sẽ củng cố những liên minh cũ và tạo dựng những liên minh mới … chúng ta không áp đặt cách sống của mình lên bất cứ ai … Thời của nói suông đã qua rồi, giờ khắc hành động đã đến”.
Đường lối ngoại giao của Chính phủ Trump cũng thể hiện rõ rệt qua việc bổ nhiệm và phê chuẩn các vị bộ trưởng quan trọng trong nội các.
Chính sách của Mỹ không còn mây mù như thời gian bầu cử tổng thống 2016.
Mọi quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước ở Châu Á-Thái Bình Dương phải tính toán thận trọng trong mối quan hệ với Hoa Kỳ vì nếu sai một ly đi một dặm.
Từ sau Đệ nhị Thế chiến, các nước Châu Á không mất tấc đất, thước biển nào cho Hoa Kỳ mà còn được bảo vệ an ninh, an toàn và phát triển, đặc biệt các nước nghèo không đóng tí chi phí nào.
Cộng sản Việt Nam theo Trung Quốc nên chiến tranh dồn dập, nghèo đói triền miên, lạc hậu thường xuyên, ai cũng có thể khinh thường, bị cưỡng đoạt Hoàng Sa và một số vị trí ở Trường Sa. Phi Luật Tân bị Trung Quốc cưỡng chiếm Scarborough Shoal.
Nhật Bản, Đại Hàn, các quốc gia Đông Nam Á bị chèn ép, đe doạ mọi mặt. Trung Quốc chiếm hơn 80% Biển Đông còn Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei chia nhau dưới 20%.
Các quốc gia duyên hải Đông Nam Á không thể đánh cá, khoan dầu trong EEZ được UNCLOS quy định vì chiến hạm, hải cảnh, tàu cá của Trung Quốc ngày đêm canh phòng nghiêm ngặt và cướp đoạt ngư cụ, đánh đập ngư phủ, phá cáp thăm dò dầu khí.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tân Gia Ba đòi Trung Quốc công nhận và thi hành phán quyết của PCA, ngược lại, các quốc gia ASEAN tìm cách né tránh để kiếm viện trợ từ Bắc Kinh.
Tiền có thể làm ra được, nhưng, biển đảo lọt vào tay Trung Quốc thì muôn đời khó mà lấy lại.
Nhược tiểu không có khả năng kiềm chế cường quốc, nhưng, cần hợp tác có trách nhiệm với thế lực đủ khả năng chặn bàn tay nhám nhúa của Trung Quốc mới mong bảo vệ được giang sơn, gấm vóc và dân tộc.
Đại-Dương
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen