Linh Nguyễn/Người Việt
PLACENTIA, California (NV) – Hình ảnh liên quan đến Cộng Sản Việt Nam dùng trong sách Mỹ, nhất là trong sách vở nơi học đường có học sinh Việt Nam, là điều phụ huynh người Việt đặc biệt quan tâm. Đó là trường hợp của ông Vũ Nguyễn, có con gái theo học lớp 6 trường tiểu học John O. Tynes ở Placentia.
Trường này có sử dụng cuốn sách tựa đề “I
Am Vietnamese American,” tổng cộng 30 trang, tác giả là Felice Blanc, do The Rosen Publishing Group’s Power Press, New York, xuất bản. Nội dung là một tự truyện của em bé người Mỹ gốc Việt, tên Trần Nguyễn, nói về sự có mặt của cha mẹ và ông bà của em từ miền Bắc Việt Nam sang Mỹ định cư, cùng sơ lược đời sống người Việt và lịch sử Việt Nam.
Am Vietnamese American,” tổng cộng 30 trang, tác giả là Felice Blanc, do The Rosen Publishing Group’s Power Press, New York, xuất bản. Nội dung là một tự truyện của em bé người Mỹ gốc Việt, tên Trần Nguyễn, nói về sự có mặt của cha mẹ và ông bà của em từ miền Bắc Việt Nam sang Mỹ định cư, cùng sơ lược đời sống người Việt và lịch sử Việt Nam.
“Tối nay cháu Xuân Vy (lớp 6) đem về khoe với vợ chồng chúng tôi quyển sách mới về Việt Nam mà nhà trường giới thiệu cho các em học sinh đọc. Khi thấy hai mẹ con ngồi đọc cười khúc khích, tôi tò mò lại xem… Quyển sách về một gia đình từ Hà Nội sang Mỹ nhập cư,” ông Vũ Nguyễn, phụ huynh, nói với nhật báo Người Việt.
Ông Vũ cho biết mối quan tâm của mình: “Chỉ đọc có 10 trang ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến tôi giật mình, phải ngồi dậy ‘scan’ ngay và gửi đến các thân hữu, vì cảm thấy hết sức bất an.”
Theo ông, quyển sách tuy rất nhỏ, ít trang, nhiều hình cho trẻ em tiểu học xem và dễ nhớ. Thế nhưng tác dụng nguy hiểm của nó không nhỏ và rất sâu.
“Cả những chi tiết nhỏ như tiêu đề dùng nền ‘font’ chữ đỏ. Số trang cũng lồng hình ngôi sao (may mà chưa phải sao vàng) cũng khiến tôi xốn xang. Tôi trích vài dòng trong sách và gửi kèm file PDF, để các bạn hữu khi xem có cảm thấy sự độc hại của nó, hay vì tôi quá nhạy cảm,” ông tâm sự.
Ông đơn cử những trang sách nói về Hồ Chí Minh, có hình của ông, và cuộc chiến Việt Nam.
Cũng theo ông Vũ, trang 9, tác giả ghi Hồ Chí Minh muốn dân Việt được độc lập và hứa với người dân sẽ thoát khỏi sự cai trị của người Pháp. Việc này xảy ra năm 1954, khi Việt Nam đánh bại quân Pháp. Nước Việt Nam chia đôi và Hồ Chí Minh làm chủ tịch miền Bắc Việt Nam. Sau khi ông Hồ chết vào năm 1969, Việt Nam lâm vào một cuộc chiến khác. Đây là thời điểm mà cha mẹ cậu bé tên Trần, họ Nguyễn, nhân vật trong sách, có ý tưởng đi Mỹ.
Còn về chiến tranh Việt Nam, trang 10 cuốn sách, tác giả ghi “hai miền Bắc Nam Việt Nam có chiến tranh từ năm 1954. Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến và cố giúp miền Nam Việt Nam có dân chủ. Hàng ngàn người Mỹ, Bắc Việt và Nam Việt chết hay bị thương nặng. Chiến tranh chấm dứt năm 1975 và Việt Nam độc lập năm 1976.
Trong khi đó ông Hiếu Nguyễn, cư dân Placentia, phụ huynh có hai con học cùng trường, chia sẻ: “Tôi vừa đọc xong cuốn sách. Nó nói lên một số sự kiện nhưng không phải là toàn bộ sự thật. Cuốn sách được viết bằng một quan điểm thiên vị và thiếu một số sự kiện quan trọng được gọi là một loại tiểu thuyết hay câu chuyện thông tin.”
“Hồ Chí Minh đã trở thành chủ tịch của Bắc Việt nhưng nó không đề cập đến sự diệt chủng khủng khiếp của luật cải cách ruộng đất, khi những người cộng sản cầm quyền ở miền Bắc và hành quyết hơn 50,000 người dân vô tội. Đây là lý do chính mà người Việt miền Bắc đổ xô vào Nam tìm tự do và dân chủ vào năm 1954,” ông Hiếu giải thích.
Theo ông Hiếu, cuốn sách nói ngắn gọn về cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng một lần nữa, nó đã không đề cập đến thực tế những người cộng sản thắng cuộc chiến là như thế nào. Hòa Đàm Paris, chính thức mang tên hiệp định chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Việt Nam, là một hiệp ước hòa bình ký kết vào ngày 27 Tháng Giêng, 1973. Tại thời điểm đó, Mỹ bắt đầu rút lại sự ủng hộ miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cho Bắc Việt, vi phạm hiệp ước hòa bình và xâm chiếm miền Nam. Cuối cùng vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, Cộng Sản hoàn toàn chiếm miền Nam.
Ông Hiếu nêu thêm chi tiết: “Cuốn sách này không đề cập đến cách người Việt đến nước Mỹ là người tị nạn. Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, họ bắt đầu trả thù đưa mọi người, trẻ già đi lao động khổ sai, tịch thu tài sản và biến cuộc sống của người miền Nam thành địa ngục trên trái đất.
“Đa số người Mỹ gốc Việt là người tị nạn chính trị. Chúng tôi mạo hiểm cuộc sống của chúng tôi để đổi lấy tự do và dân chủ, giống như cách ông bà và cha mẹ của chúng tôi trốn thoát khỏi Cộng Sản Bắc Việt để vào Nam Việt Nam vào năm 1954,” ông Hiếu kể.
Ông Hiếu kết luận: “Tôi hiểu những cuốn sách dành cho học sinh tiểu học. Các thông tin cố ý nói ngắn gọn nhưng cần nhấn mạnh những điểm chính. Làm thế nào và tại sao những người Việt rời quê hương để trở thành những người tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Lịch sử không nói dối. Nếu ai có kế hoạch viết một cuốn sách chuyện không phải giả tưởng, xin vui lòng nghiên cứu thêm và viết toàn bộ sự thật. Không có gì ngoài sự thật.”
Về phía nhà trường, Tiến Sĩ Debra Silverman, hiệu trưởng, cho biết: “Tôi rất tiếc chúng tôi không biết chuyện này. Tôi sẽ tìm hiểu.”
Về phía Học Khu Placentia-Linda, nhật báo Người Việt gọi điện thoại và để lại lời nhắn cho ông Greg Plutko, tổng quản trị học khu, nhưng khi báo lên khuôn, vẫn không nhận được hồi âm.
Cuốn sách “I Am Vietnamese American” có thể tìm thấy trên Amazon.com. Hình bìa sau ghi một loạt sách với tựa đề tương tự cho các sắc dân, như Phi Châu, Trung Hoa, Ấn Độ, Ý, Nhật, Triều Tiên, v.v…
—Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen