Lại Thị Mơ
Khi thấy con cháu cứ thích đàn đúm với đám bạn bè, mà các bậc ông bà cha mẹ không ưa, nhưng chẳng biết làm sao. Chúng ta thường nghe các cụ than thở: ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.
Thật sự ra câu tục ngữ đó chỉ ngụ ý những người cùng sở thích đi tìm lẫn nhau. Tuy nhiên đã từ lâu, con người vốn có ý khinh miệt loài vật, ngu như bò, làm như trâu, chạy như ngựa. Vì thế hễ cái gì xấu xa thì mang thú vật ra ví.
Bà mẹ về không thấy cô con gái lớn ở nhà, hỏi ra thì biết cô đang say sưa hát Karaoke với đám bạn đầu ngõ, chẳng lo cơm nước gì cả. Nhà cửa lạnh tanh, con trai thì đang sát phạt bài cào bên nhà hàng xóm. Chồng thì chưa tới nửa đêm là chưa về nhà, ông còn đang ngất ngưởng nhậu với các bạn ở các quán vỉa hè. Bà vợ chỉ biết chép miệng than: ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Cha nào con nấy.
Trong văn chương người ta gọi những người cùng sở thích là những người cùng hội cùng thuyền. Hội nhà văn, hội nhà báo, hội tao đàn… những người trong những hội này chắc chắn không phải là những người vai u thịt bắp, ăn no vác nặng. Những người phải dùng tim óc để cho ra những bài thơ, bản nhạc hay những áng văn tuyệt tác, những người mình hạc xương mai, trói gà không chặt.
Cha mẹ nào cũng muốn con mình sau này có cuộc sống đỡ vất vả. Mà muốn đỡ vất vả thì phải có công ăn việc làm cụ thể, thực tế như Bác Sĩ, Kỹ Sư, chứ đàn ca hát xướng thì không khá được.
Thành văn sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ, dĩ nhiên sẽ được rất nhiều người ngưỡng mộ, với điều kiện phải thật giỏi, xuất sắc mới kiếm được tiền. Còn làm thợ, y tá, kỹ sư, bác sĩ cỡ nào cũng vẫn có người thuê mướn.
Bởi vậy thi sĩ Vũ hoàng Chương được xưng tụng là Thi Bá, vẫn sống bằng nghề dạy học. Nguyên Sa nhà thơ, cũng là ông thầy dạy triết, và là Hiệu Trưởng trường Văn Học ở Sàigon. Nhạc sĩ Lê Vân Tú bảo rằng mê nhạc từ bé, nhưng cha mẹ không cho. Ông cũng phải học cho thành Giảng Sư toán lý của Đại Học Khoa Học. Qua Úc thành Khoa Trưởng một trường đại học. Ông bảo rằng bây giờ (đã qua tuổi cổ lai hy) ông mới tha hồ viết nhạc.
Cơm áo gạo tiền là cái thực tế mà mấy ông làm thơ, viết văn cứ lơ mơ như ở trên mây, bởi vậy mới chật vật về cuộc sống hàng ngày. Trong khi văn chương hạ giới rẻ như bèo. Thi sĩ Tú Xương chẳng có làm bất cứ việc gì ngoài chuyện làm thơ. Vợ thì quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng. Cái gì cũng phó mặc cho “mẹ đĩ”. Ông cũng biết một đàn rách rưới con như bố. Thế mà nhất định không làm gì hết, chỉ có làm thơ, thảnh thơi thơ túi rượu bầu. Tài thật, hèn chi khi nghe ông hỏi, bà cũng trả lời “rằng hay thì thật là hay, không hay sao lại đậu ngay tú tài”. Thời xưa không có “mục” li dị, chứ như bây giờ, ông chẳng có tối rượu Sâm Banh, sáng sữa bò nữa đâu. Cứ xem như nhạc sĩ Trúc Phương làm biết bao nhiêu bản nhạc tình ca tụng tình yêu, xúc động hàng vạn trái tim. Nhưng cũng chẳng có trái tim nào mủi lòng cho ông ở nhờ, đành lê lết ngủ ở bến xe đò. Nhạc sĩ tài hoa mà sao cuộc đời cơ cực.
Những người thực tế đã khuyên các cô ĐỪNG YÊU NGƯỜI LÀM THƠ, thà lấy anh bán phở, nói năng dùi đục chấm mắm cáy, vậy mà no bụng.
Nhà văn Nguyễn Vỹ đã từng than thở “nhà văn An Nam khổ như chó”, bởi vì tiền kiếm được không nuôi nổi bản thân. Còn Tản Đà thì bảo “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Thưa cụ, câu này không còn hợp thời nữa rồi, trong nước bây giờ họ nói bèo cũng chẳng còn. Sông rạch ô nhiễm, mọi thứ đã chết hết cả, chẳng có lục bình hay bèo bọt nữa đâu. Đừng ví cuộc đời em như lục bình trôi giạt nơi nào. Tất cả bèo và lục bình trôi tuốt qua bến Hàn (Quốc) Đài (Loan) cả rồi.
Các anh trai làng bây giờ đều mang tâm trạng như Nguyễn Bính, cùng một nỗi niềm:
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Cứ đếm xem có bao nhiêu ca sĩ trong nước lấy chồng Mỹ. Vì tiếng gọi của con tim? hay đó là cách duy nhất để vào Mỹ bằng tờ hôn thú. Diện con cái thì các cụ chết hết cả rồi, diện anh em lấy đâu ra. Kiếm một chàng mắt xanh tóc vàng là nhanh nhất. Cái cột đèn còn muốn đi nữa là.
Chủ nghĩa thực dụng bây giờ đã lan tràn khắp chốn, người ta không còn thích có con trai nữa. Có con gái gả cho Đài Loan, Hàn Quốc kiếm tiền xây nhà, mua xe le lói với bà con chòm xóm. Biết bao nhiêu anh chàng đã đau khổ vì bị sinh ra làm thân con trai: trai tài gái sắc. Vậy là đua nhau chuyển giới để thành những cô gái mỹ miều, họ cho rằng cứ là con gái là kiếm tiền bằng nghề không vốn.Lòng tự trọng và liêm sỉ là cái gì đó thật mơ hồ.Đừng hãnh diện và cũng đừng mặc cảm về những cái không do mình làm ra: có cha mẹ giàu, có vẻ đẹp mỹ miều… Ngày xưa khi còn bé, tôi đã ngẩn ngơ khi thấy cô Nha Sĩ “đẹp ơi là đẹp”, tôi về kể lại cho các bạn. Cô đẹp đến độ tôi cứ líu ríu nghe lời cô, há miệng cho cô nhổ răng, mà chả kêu khóc gì cả. Để rồi được nghe cô khen với lời dịu ngọt và cái vuốt má êm dịu làm tôi đê mê. Còn anh chàng Nick Vujicic bên Úc sinh ra chẳng có tay chân, anh chẳng đổ thừa cho ai cả, đã tự cứu mình, chứng minh mình vẫn còn ích lợi, ít nhất cho bản thân ngay từ khi còn rất bé. Anh vẫn cám ơn Chúa, dù sao anh cũng có được bộ óc thông minh hơn người. Anh đã chứng tỏ mình tàn mà không phế cũng học xong đại học, cũng bơi chơi đàn như người bình thường. Chu du diễn thuyết để giúp cho giới trẻ và những người khiếm khuyết hãy tự tin, vươn lên tự giúp mình và giúp đời.
Có một tác phẩm mà tôi đã quên tên. Nói về một người nô lệ có bộ mặt gớm ghiếc nhưng rất thông minh. Một bữa kia có ông Hầu Tước, mua được anh nô lệ này, mang về làm người hầu cho vợ. Khi vừa thấy anh, bà vợ che mắt rú lên kinh hãi như vừa thấy ma quỷ hiện hình. Nhưng sau đó bà chợt nhận ra sự lố bịch của mình. Nhưng anh nô lệ vẫn ôn tồn: thưa bà, ai khi trông thấy tôi, họ cũng cùng phản ứng như bà thôi, tôi đã quen rồi. Sợ rằng ông chồng sẽ trả lại món hàng. Anh nô lệ năn nỉ xin bà cho tôi được hầu hạ bà. Tôi tin rằng bà sẽ không chọn lầm đâu.
Anh nô lệ không dám nhận mình là người, xã hội lúc đó không công nhận anh là người. Anh chỉ là món đồ cho những người được gọi là người đổi chác.
Sau một thời gian ngắn, bộ mặt gớm ghiếc của anh đã hầu như mờ nhạt, bà Bá Tước chỉ thấy hình ảnh một con người thông minh duyên dáng. Bà chỉ muốn nói chuyện với anh nô lệ cả ngày. Còn ông chồng thì xấu xí, ngớ ngẩn, nói năng thì “ngữ bất đồng tâm, bán cú đa”.
Một bữa kia ông chồng hoảng hốt chạy về nhà, bên ngoài dân chúng la ó bắt ông phải giữ lời hứa. Ông không biết làm sao, vì trước kia ông đã nói rằng: nếu ông không giúp dân ngăn chận được ngoại xâm, thì ông sẽ uống hết nước biển. Nay quân thù đang vượt qua biên giới. Dân chúng bắt ông phải giữ lời hứa, trước khi toàn dân cùng đồng lòng đoàn kết chống lại quân thù. Bà vợ thở dài, bây giờ người ngoài mới biết ông là đồ vô dụng.Còn bà thì đã nhìn thấy từ lâu, một thứ tốt mã rẻ cùi.
Bà chợt nhớ ra anh nô lệ. Khi hiểu ra câu chuyện, anh nô lệ nói rằng anh sẽ cứu ông thoát chết, với điều kiện ông phải trả tự do cho anh. Dĩ nhiên Bá Tước phải đồng ý. Anh nói rằng ông cứ bình tĩnh nói với đám đông đang la ó: ông đồng ý uống hết nước biển, nhưng với điều kiện phải chận các con sông lại.
Như giao ước từ nay anh nô lệ đã được tự do, bà Bá Tước tan nát cả cõi lòng, bà đã yêu anh tự bao giờ.
Bên VN các bà các cô đua nhau qua Nam Hàn sửa sắc đẹp. Họ khoác lên người đủ thứ hàng hiệu, họ khoe đủ thứ tiện nghi vật chất từ xe đến nhà. Họ giống như những con búp bê, đầu óc rỗng tuểch. Toàn đồ giả! Mọi thứ đều nghi ngờ.
Khi làm ra đồ giả, có nhà sản xuất nào ghi chú: đây là đồ copy. Nhưng lúc ra sân khấu lại được giới thiệu ca sĩ chuyển giới. Chỉ có xem youtube thôi, mà tôi đã thấy nhột. Tội nghiệp cho cái cô imitate đó quá. Nếu khán giả xem tắc lưỡi hít hà khen đẹp, thì cũng an ủi cho người đã chấp nhận giảm bớt tuổi thọ, và chịu bao đau đớn của dao kéo để có ngày hôm nay, đằng này cứ oang oang “đồ giả, không phải đồ thiệt” đâu. Vô nhân đạo, bất lịch sự!
Tìm hiểu cuộc đời của các nhà văn nhà thơ tiền chiến. Những người chết trong nghèo khó vì không có nghề tay trái, phương tiện sinh nhai của họ chỉ bằng văn chương chữ nghĩa. Thơ văn chỉ viết được khi có cảm hứng, bởi vậy thi sĩ Tản Đà rất ngông. Thơ của ông dĩ nhiên là tuyệt tác, vì vậy mấy ông chủ báo sẵn sàng đưa nhuận bút trước khi đưa bài. Người ta mua báo chỉ để đọc thơ của Tản Đà.
Tiền thì tiêu hết, báo đã lên khuôn, chỉ chờ bài của ông là cho ra lò. Năm lần bẩy lượt cũng chẳng thấy bài, cuối cùng ông nói thẳng làm thơ không phải chẻ củi, nên không phải lúc nào làm cũng được. Ông có cái lý của ông, đứa con tinh thần của ông không thể là những đứa con èo uột. Giá trị ở phẩm chứ không phải ở lượng. Nhạc sĩ Đặng thế Phong chỉ có 5 bản nhạc để lại cho đời, nhưng tất cả đều là tuyệt tác.
Bây giờ người ta phải sống bằng hai con người khác nhau. Ngày thường thì là người trần mắt thịt, để lo cho cuộc sống cơm áo gạo tiền. Vì thế đừng ngạc nhiên nếu thấy ông thi sĩ này làm chủ tiệm phở, bà văn sĩ kia làm chủ tờ báo. Các cụ đã bảo phi thương bất phú, không buôn bán làm sao giàu. Nhưng buôn bán thì phải mánh lới mưu mẹo vi phú bất nhân. Khi làm thương mại, họ hiện rõ bản chất, chửi nhau vì quyền lợi, cãi nhau như mổ bò, khẩu chiến, bút chiến, đưa nhau ra tòa cho thân bại danh liệt.
Nhà văn nhà thơ tiền chiến như Nguyễn Bính, Vũ trọng Phụng chết trong nghèo đói vì chỉ sống bằng ngòi bút. Bây giờ nếu chỉ sống bằng thơ văn thì đời tàn trong ngõ hẹp. Thời đại Internet có mấy ai mua sách, mấy ai có nhuận bút. Nhạc có hay mà không có đất dụng võ thì cũng không ai biết. Nói thế không có nghĩa không có người đột nhiên nổi tiếng như trường hợp tác giả loạt sách giả tưởng Harry Potter.
Nhưng độc giả Âu Mỹ khác với dân mình, họ trân quý nhân tài, mọi thứ tốt đẹp họ vinh danh cho tác giả khi họ còn sống. Chứ không đợi tới khi nhắm mắt mới làm lễ tuyên dương tưởng niệm. Cỗ bàn dẫu có long trọng thì cũng người sống hưởng.
Văn thơ nhạc họa bây giờ coi như nghề tay trái. Tổng Thống khi về hưu mới viết sách. Hàng ngày phải sống bằng nghề tay phải: Bác Sĩ, Kỹ Sư, Luật Sư…
Làm chủ tiệm nước mắm, tuy mùi hương tưởng nhớ có khó chịu, nhưng tiền thu vào thì dễ chịu. Dẫu khi chất nước mắm lên xe cho khách, vẫn nhớ đến câu “Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An (chở nước mắm)”.
Ban ngày làm Bác Sĩ mổ tim (thiệt), rồi ban đêm thành thi sĩ mở cửa trái tim. Con tim (Bác Sĩ) sẽ vui trở lại. Muốn mơ mộng (không ai cấm), nhưng vợ con và ngay bản thân mình cũng phải có thực mới vực được đạo.
Như vậy thơ văn là mộng, mưu sinh là thực. Mộng và thực bồng bềnh xen kẽ trong đời sống con người. Lúc mộng lúc thực, có thế đời mới thăng hoa đáng sống.
Ngày xưa tôi vẫn nhớ hoài những bài Études de texts của Thầy Rock Cường dạy Pháp Văn, nói về ý nghĩa của sách, cờ, bếp lửa, tấm màn che. Sách là người bạn tốt, sách giúp ta hiểu mọi điều, đưa ta đến chân trời góc bể, vì vậy người không biết chữ, không đọc được sách được ví như người mù. Cờ là biểu tượng cho quê hương mình, ý nghĩa của cờ vô cùng thiêng liêng: tung bay dẫn đầu đoàn quân khi chiến thắng trở về quê nhà, cờ như mẹ hiền ôm ấp hình hài những đứa con khi gục ngã nơi chiến trường, chiến đấu để bảo vệ màu cờ tổ quốc. Bếp lửa còn có nghĩa là gia đình, hình ảnh mọi người quây quần quanh bếp lửa, là hình ảnh gia đình, nơi đó cho ta cảm giác ấm áp yêu thương. Mỗi người đều có một tấm màn che vô hình bao quanh, sự cảm thông hay thái độ của ta với người đối diện, tùy thuộc vào bức màn. Có người chỉ được phép thấy một chút ít phía trên, còn người tri kỷ, tâm giao là những người mà bức màn đã hạ xuống hoàn toàn.
Tất cả mọi cách đối nhân xử thế, chúng ta đều được học qua sách vở, qua văn chương báo chí, qua phim ảnh, qua tiếng nhạc lời ca.
Những văn nghệ sĩ đã để lại cho đời những câu thơ tuyệt tác, những chữ khi nói lên nao nao tấc dạ:
Nước non ngàn dặm ra đi.
Vâng chúng ta đã xa lìa nước non chúng ta ngàn dặm. Chẳng phải chỉ cách nửa quả địa cầu, hai mươi giờ bay. Mà là:
Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi.
Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng Tư, tôi thấy lòng chùng xuống. Chạnh lòng nhớ về những người đã khuất: các tướng lãnh, các văn nghệ sĩ tài hoa. Những Vũ hoàng Chương, Nguyễn mạnh Côn, Thục Vũ, Minh Kỳ.
Tôi chẳng sung sướng gì khi thấy trẻ con sống lê la đầu đường xó chợ, những cụ già sống ngắc ngoải thoi thóp vì miếng cơm manh áo.
Ở hải ngoại này, chúng ta được gọi là những người “đẻ bọc điều”... những đồng bào cùng cội nguồn...,nhưng niềm vui không bao giờ trọn vẹn. Khi đồng bào, những người cùng cộ
Bố tôi tuy không viết sách, nhưng đọc rất nhiều sách. Di cư vào Nam ông chẳng mang gì ngoài mấy rương sách báo. Vì vậy khi lớn lên tôi cũng cầm được những tờ Nam Phong tạp chí cũ ơi là cũ. Bạn bè của bố tôi toàn văn nghệ sĩ, mà đã là văn nghệ sĩ thì trò chuyện cũng khác người thường. Tôi là đứa để sai vặt mỗi khi bố có khách. Mà cái tật, tuy còn nhỏ nhưng tôi rất hóng chuyện, thích nghe các cụ khề khà bàn chuyện thơ văn. Trong khi mẹ tôi không thèm để ý mấy ông nói chuyện gì, bổn phận của bà là lo dọn thức nhắm cho tôi mang ra.
Bố tôi làm ở kho bạc Gia Định, nhà văn Bình nguyên Lộc cũng vậy.
Hai ông khi gặp nhau đã khoe rằng trong tay tao lúc nào cũng có bạc triệu. Nhưng mà, nhà văn Bình nguyên Lộc nói:
- Đời buồn như người ngồi đếm giấy bạc... KHÔNG PHẢI CỦA MÌNH.
Nghe vậy, tôi xoè tay ra bác ơi! vậy tiền này…
Tôi nheo nheo mắt nhìn những tờ giấy bạc, bác nhờ tôi ra đầu ngõ mua thuốc lá. Bác BNL vội vàng để riêng ra một tờ cái này là của cháu, cái này để mua thuốc cho bố và bác. Nói rồi bác củng nhẹ đầu tôi, khen con bé lém lỉnh.
Không lém lỉnh sao được. Tôi đã từng mang học bạ khoe với các bạn lời phê của thầy Bàng bá Lân: biết cách học. Ý nói tôi chỉ học cái gì cần học, bởi vì trong xóm tôi có một cô thi Tú Tài I ba năm không đậu: ba năm tức là 6 lần.Khi tôi đã học năm thứ hai đại học, cô bưng một chồng sách đủ cả 8 môn thi. Cô hỏi tôi mỗi chương học phần nào? Tôi bảo rằng tôi không thể, vì điều này thuộc sự cảm nhận của mỗi con người. Cũng như khi ta tiếp xúc với bất kỳ người nào, linh tính hay trực giác sẽ cho ta biết người đó đối với ta ra sao. Ai cũng có cá tính, nếu người đó có nhiều điểm khó hòa hợp, thì ta hạn chế qua lại. Đừng có tham vọng nghĩ ai cũng như ai. Hãy chỉ nhìn những điều tốt của họ, ta sẽ không sầu não than van. Xã hội là một bức tranh nhiều màu, phải có trắng lẫn đen. Không hợp nhau thì lặng lẽ rút lui, không giận hờn trách móc, coi như duyên của mình và họ tới đây là hết. Nếu nghĩ vậy thì làm sao chúng ta nghe được ca khúc nửa hồn thương đau. Làm sao có câu thơ người đi một nửa hồn tôi chết, một nửa hồn kia bỗng dại khờ.
Văn nghệ sĩ có trái tim dễ xúc cảm như vậy, bảo sao bà mẹ nào muốn con mình là thi sĩ nghĩa là mơ với gió, yêu theo trăng và vơ vẩn cùng mây.
Xin can, đừng yêu người làm thơ. Yêu anh bán phở tiền tiêu dài dài!
Tôi rất phục các nhà văn nhà thơ, trong đầu họ đầy ắp chữ, mà không phải chữ thường, mà là những chữ rất riêng biệt. Những chữ trong thơ rất cô đọng, chứ đâu có nói tràng giang đại hải. Dẫu có bằng cử nhân, tiến sĩ cũng chẳng nghĩ ra được một câu thơ. Trong khi nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đâu có học xong trung học. Một số nhạc sĩ cũng vậy, đọc tiểu sử toàn là con nhà nghèo, không được đi học tới nơi tới chốn, vậy mà khi viết nhạc họ tìm ra những chữ thật tuyệt vời, diễn tả thật đúng nỗi lòng, khiến người nghe bồi xúc động.
Văn nghệ sĩ họ nhìn sự vật khác người thường. Không giống người trần mắt thịt, một cộng một là hai, nhưng em với ta tuy hai mà một. Bởi vậy chữ nghĩa của họ đôi khi phải chính tác giả giải thích người nghe mới hiểu.
Cũng là nơi ở khiêm nhường, trên căn gác lửng, thưở còn được tự do làm thơ họa với bạn bè, thi sĩ Vũ hoàng Chương gọi là Gác mây, vì ở trên cao, tha hồ đi mây về gió. Sau 75, ông đổi thành Gác bút. Nhưng gác này là động từ: ông đã bị cấm viết.
Còn Nguyễn Tuân khi đi họp, mọi người chuyền cho ông tờ giấy, hàng cuối có chữ Bút Ký. Ông bảo bỏ bớt chữ Bút, vì khi ký tên, ai cũng phải dùng bút, có ai dùng chổi mà ký bao giờ. Nhà văn có khác, nói và nhìn sự vật khác người thường. Chẳng hạn khi họ nói:
- Sách vở ích gì cho buổi ấy,
- Mười người đi học chín người thôi.
Theo bạn, có mấy người đi học? Chín người hay một người?
Trong các tác phẩm văn chương ngày xưa (coi như trước 75), nhà văn nhà thơ hay dùng điển tích như Bá Nha Tử Kỳ, nàng Trác văn Quân …vì họ đọc rất nhiều sách kim cổ.
Ngày nay văn chương chữ nghĩa trong nước cũng có thêm rất nhiều tiếng mới. Những tiếng này người ở hải ngoại không thể nào hiểu được, nếu không có người diễn giảng. Ví dụ buôn dưa lê, hay làm bà Tám là ngồi lê đôi mách. Bà Tám là người nhiều chuyện. Đôi khi người ta bỏ luôn chữ bà: lại đi tám nữa rồi.
Muốn cười (ra nước mắt), cứ xem hình ảnh nhan nhản ngoài đường phố. Từ các bích chương quảng cáo nơi công cộng, hay thông cáo ở các cơ quan chính phủ, tới cách ăn mặc quái đản của các cô gái thời thượng (cổ). Nhất là tư duy sáng tạo khắc phục khó khăn trong giao thông. Cả một xã hội bát nháo, ai muốn làm gì thì làm. Trật tự là chữ lạ, tiên học lễ là gì? Không ai hiểu. Đói cho sạch là câu mơ hồ.
Ngày xưa các nhà giáo lão thành, cả đời tận tụy dạy học, viết sách để lại cho con cháu, lúc nào cũng nhắc nhở tới luân thường đạo lý.
- Trai thời trung hiếu làm đầu.
- Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.
Hồi xưa nghe nói những người theo chủ nghĩa hiện sinh, đã coi là ghê gớm. Bây giờ lối sống trong nước, không biết phải gọi là chủ nghĩa gì cho đúng.
Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.
Trọng thầy mới được làm thầy
Những phường bội bạc sau này ra chi.
Ngày xưa thầy phải coi trọng hơn cha: Quân Sư Phụ. Vậy mà bây giờ toàn nghe trò đánh chết thầy. Thầy dụ dỗ trò. Nhà văn Nguyễn thị Hoàng chỉ viết truyện Vòng tay học trò, đâu có tả cảnh nào về sex đâu, chỉ có mỗi tội đưa ra một ý tưởng quá mới mẻ: cô giáo yêu học trò. Đã bảo tình yêu không phân biệt tuổi tác, con tim có những lý lẽ của nó.Có điều truyện đã vượt qua giới hạn của lễ giáo phong kiến nên bị kết tội, chỉ trích um sùm. Cậu học sinh trong truyện cũng đâu phải vị thành niên, nhưng cấm là cấm. Trong khi ở Mỹ có cô giáo dụ dỗ cậu học sinh chỉ 14 tuổi,khi cô có bầu mới bị phát giác. Đẻ xong, giao con gái cho bố mẹ “bạn trai”, rồi vô tù. Hết hạn, vừa lúc cậu học sinh đủ tuổi kết hôn. Cả hai chính thức làm đám cưới, con gái lúc trước nay thành cô phù dâu nhí.
- Yêu nhau mấy núi cũng trèo.
- Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
Mấy năm tù chỉ là cái lẻ tẻ. Đó là chuyện bên Tây, chứ bên ta chưa ai dám ngang nhiên tỉnh bơ coi thường dư luận như vậy.
Chẳng biết trong nước bây giờ trẻ con được học những gì, mà khi hỏi về lương tâm và liêm sỉ chẳng em nào biết. Truyện Kiều, Chinh phụ Ngâm, Nguyễn Khuyến, Nguyễn công Trứ… Không biết có được đưa vào chương trình giáo khoa hay không?
Thơ văn nhạc họa… là những món ăn tinh thần của con người. Khác với thú vật, sự sống chỉ có nhu cầu ănuống. Đối với con người, đôi khi món ăn tinh thần còn quan trọng hơn cả đồ ăn thức uống. Phật ngồi im thiền định 49 ngày dưới gốc cây bồ đề, Ngài có ăn uống gì đâu, vậy mà đâu có chết. Trong khi những người ăn uống ngồm ngoàm, vô độ, thì bị gọi là những đứa phàm phu tục tử, võ dõng vô mưu, vai u thịt bắp.
Các cụ còn nói kẻ sĩ ba ngày không đọc sách, mặt mày khó coi!
Như vậy rõ ràng, đối với con người, món ăn tinh thần quan trọng hơn món ăn vật chất. Hãy nghĩ xem, trong 24 giờ/ ngày, bạn dành bao nhiêu thời gian cho việc ăn uống để nuôi cái xác phàm. Thời gian còn lại bạn làm gì?Học hành, nghiên cứu, nghe nhạc, xem phim… và mơ mộng.
Hãy tưởng tượng một buổi sáng thức dậy, không có truyền thanh, truyền hình, sách báo. Cả một không gian im lìm, bạn sẽ hoảng hốt hơn là khi thấy điện cúp, nước không chảy.
Với con người món ăn tinh thần cần thiết hơn món ăn vật chất. Bằng cớ là mỗi lần bạn bè của bố tôi gặp nhau. Thời buổi kinh tế kiệm ước, đồ ăn thức uống có chút xíu, mà sao mọi người nói cười rộn rã. Mặt mày ai cũng hớn hở, bình văn bình thơ nghe đã làm sao. Tôi là con bé để sai vặt, nhưng tôi vô cùng thích thú vì được nghe các bạn thơ văn của bố nói chuyện. Quả thật, ngay từ bé, tôi đã nhìn ra những nét đặc biệt của cả ba miền: Trung, Nam, Bắc của nước. Phong thổ của mỗi miền ảnh hưởng vào nếp sống, tâm tính và cách suy nghĩ của con người nói chung, và văn nghệ sĩ nói riêng của miền đó.
Miền Nam ruộng lúa mênh mông, sông rạch chằng chịt nên đời sống dễ chịu. Các món ăn cũng vì thế được chế biến đơn giản, nhanh gọn: cá lóc nướng trui. Con cá to đùng bọc đất sét, chất củi nướng. Chỉ nhấp nháy là bửa con cá ra, bỏ đầu, xương, da (vì đã dính vào đất sét), ăn phần thịt trắng nõn. Ăn như vậy, mẹ tôi bảo ăn phí của Giời! Bắc Kỳ hả? Không có đâu, với một con cá như vậy. Nó sẽ được luộc lên, gỡ thịt để riêng. Xương và đầu giã nhuyễn, lọc lấy nước ngọt, đem nấu canh hay nấu cháo (gọi là nấu ám). Mẹ tôi rất nghiêm khắc trong chuyện dạy con. Không có kiểu hầu con như hiện nay đâu, con trai con gái gì cũng phải làm việc nhà. Khi mẹ đi chợ về là tất cả đứa lớn (trên 10 tuổi) là phải đứng dậy ra đón mẹ: đứa thì xách giỏ vào bếp, đứa cao thì treo nón (lá) vào chỗ cũ.Sau đó soạn giỏ, dao thớt, đặc biệt mẹ chỉ ngồi xuống là một đứa phải đẩy ngay cái ghế con cho mẹ ngồi xuống. Sau đó thì nhặt rau hoặc xé cua.Anh tôi chuyên làm việc này, vì tôi là con gái sợ bị cua kẹp. Anh tôi giã nhuyễn, để đó cho mẹ tôi lọc.Còn tôi nhặt rau xong, rửa sạch rồi thu dọn rác. Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng để nấu, lúc đó chúng tôi mới được phép lên nhà, rồi muốn làm gì thì làm, với điều kiện không được làm ồn. Khi dọn cơm chỉ thấy có tô canh rau đay nấu với cua đồng, và đĩa tép riu nhỏ xíu. Vậy mà ồn ào xúm lại cả nhà, làm cho tôi nhớ tới truyện Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng. Khi đi thăm chùa, khách nghe dưới nhà bếp lách cách tiếng dao tiếng thớt, tiếng người lao xao, tưởng như đang chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn, chứ có đâu khi dọn lên, chỉ thấy bát cà, đĩa rau. Nhà tôi cũng vậy thôi, mọi người lăng xăng vào bếp nào có cơm gà cá gỏi gì đâu.Chỉ vì mẹ tôi là thế đấy, mẹ về là phải đứng dậy, không phải chào mẹ đã về, mà để biết bổn phận làm con.Có đâu như bây giờ, chẳng quan tâm đến ai, ai đi ai về cũng mặc, đang mải chơi game nên mắt cứ dán vào màn hình, chẳng cần biết chuyện gì khác.Đói thì vào bếp lục thức ăn, đồ uống. Coi như chuẩn bị bữa ăn không phải là chuyện của tụi nó.
Vì được tập tành từ nhỏ, nên năm tôi 13 tuổi, em gái tôi thua tôi một giáp. Mẹ tôi đi làm từ sáng sớm, về nhà khi chập choạng tối. Ngày xưa các lớp học chỉ có một buổi nên anh em chúng tôi thay phiên nhau trông em.Riêng tôi là con gái nên đảm thêm việc chợ búa cơm nước. Có một chuyện tức cười làm tôi nhớ mãi. Cô bạn hàng xóm là dân Nam Kờ chính gốc, ông bà nội ngoại ở Cần Thơ rất giàu có. Dĩ nhiên cô được ăn uống toàn món ngon, hàng ngày cô qua chơi với tôi. Hôm đó tôi nhờ cô bóc vỏ một lạng (100g) tép bạc để nấu canh rau cải. Cô vừa bóc vừa hỏi sao có chút xíu dzậy? Tôi ậm ừ, đủ nấu canh rồi. Khi bóc xong, cô cầm cái rổ nhỏ đựng vỏ và đầu tôm định trút vào thùng rác. May sao tôi thấy, la lên: đâu có bỏ. Cô bạn ngạc nhiên hết “thịch” rồi! Tôi trả lời chưa xong mà.
Trước con mắt ngạc nhiên của cô bạn, tôi lôi chày cối ra giã nát mớ vỏ và đầu tôm, sau đó dùng rây lọc nước. Nấu xong tôi giải thích cho cô bạn NK, phún và thịt khác nhau chỗ nào, người Bắc đã tận dụng vỏ tôm, đầu cá, ngay cả những con cáy chẳng có bao nhiêu thịt. Nhưng khi giã nát lọc lấy nước, chất ngọt cũng có từ thịt cá, cua,tôm còn sót lại tụ thành phún.
Hứng chí tôi còn kể cho cô chuyện vui: bạn Nam Kỳ mời bạn ăn cơm. Món tôm rang của NK không có cắt râu, nên mỗi lần gắp là được cả chùm. Còn khi Bắc Kỳ mời lại, tôm rang được cắt râu gọn ghẽ, nên mỗi lần gắp chỉ được một con thôi.
Tôi còn khoe, chỉ có một con gà, má tao làm được mấy món: thân luộc, lòng xào dứa, cổ cánh bằm nhuyễn viên lại, nấu giả chim, còn lông thì để bán cho người ta mang về làm chổi lông gà.
Tôi còn “tự hào”, xứ tao nghèo, nhưng không đến nỗi như miền Trung sỏi đá,có chuyện một anh học trò nghèo đi thi. Anh đẽo một con cá bằng gỗ, khi vào quán ăn, anh chỉ mua cơm và xin một chút nước mắm. Anh chấm con cá vào nước mắm, ung dung như đang ăn cơm với cá. Sau đó con cá gỗ lại được cất đi, để dùng cho bữa sau. Chuyện thật hay tưởng tượng, nhưng chắc chắn anh học trò này không phải là dân Nam Kờ với toàn những món nguyên con: cá nướng trui, gà đút lò. Tự ái dân tộc nổi lên khi còn ở trong trại định cư, đám con nít Nam Kờ chọc anh em tôi là Bắc Kỳ ăn cá rô cây!
Phong thổ tạo ra ẩm thực, bạn bố tôi về xứ Quảng ăn tết. Khi trở lại saigon, ông cho bánh tổ, bánh rế, bánh men, kẹo gừng, kẹo mạch nha… nguyên liệu chỉ là đường phổi, khoai, nếp, đậu, cá tôm đâu chẳng thấy ở xứ khô cằn sỏi đá. Cuộc sống khó khăn đã khiến người ta cố gắng vươn lên. Miền Trung đã sản sinh ra biết bao nhân tài, điển hình là các ông vua triều Nguyễn, ngay cả Tổng Thống Ngô đình Diệm cũng là người dân xứ Huế.
Văn thi nhạc sĩ gồm đủ người ở cả ba miền: Trung Nam Bắc.
Văn sĩ miền Nam như Hồ biểu Chánh, Sơn Nam, Hồ Trường An, Bình nguyên Lộc…
Thi sĩ miền Bắc như Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính…
Nhạc sĩ miền Trung như Hoàng Thi Thơ, Châu Kỳ…
Những dí dỏm, thâm trầm, đơn sơ mộc mạc đặc trưng của mỗi miền đều thể hiện trong các tác phẩm của họ. Văn là người. Khi cho ra những món ăn tinh thần, ít nhiều gì chúng ta cũng thấy bàng bạc hình ảnh con người tác giả. Từ quan niệm sống cho tới cá tính của mỗi người.
Mặc dù vợ của mấy ông nhà văn nhà thơ ít khi được nhắc đến. Họ như những bóng mờ, chỉ biết Tú Xương có năm con, nhà thì ở gần sông, bà vợ buôn bán lặt vặt (bởi vậy mới nghèo): quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng. Tuy vậy Tú Xương cũng biết cám ơn người bạn đời, chứ Tản Đà đọc thơ của ông, không nghe nói đến vợ con, toàn nghe than thở văn chương hạ giới rẻ như bèo. Còn làm thơ thì toàn ca tụng những ai ở đâu đâu, trong khi các bà vợ một nắng hai sương hầu như không ai nhớ đến.
Sau 75, bắt gặp hình ảnh của những nhà văn nhà thơ miền Bắc sống chui rúc ở những căn nhà ổ chuột. Cuộc sống cơ cực, tôi cảm thấy chạnh lòng.Văn nghệ sĩ miền Nam đâu có khốn khổ như thế. Tài hoa của đất nước bị đối xử thế sao? Lê Xuyên chú Tư Cầu bán vé số, Trúc Phương ngủ ở bến xe cũng chỉ khi nước mất nhà tan. Trước kia vốn truyền thống trọng nghĩa khinh tài, họ cũng đã có thời gian huy hoàng, xứng đáng với những cống hiến của họ.
Chẳng tham ruộng cả ao điền,
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.
Anh đồ kẻ sĩ là hình ảnh tượng trưng cho những văn nghệ sĩ. Những người dùng tim óc để cho ra những món ăn tinh thần cho mọi người. Họ được ví như kiếp con tằm: nhả hết tơ rồi chết. Dốc hết mọi tinh hoa làm đẹp cho đời chỉ vì: cái nghiệp của họ. Đã mang cái nghiệp vào thân, cũng đừng trách móc trời gần trời xa.
Mẹ tôi thường nói ăn no hóa lú. Khi no nê người ta chẳng muốn làm gì, những người giàu có sung sướng hình như tài năng ít phát triển. Trong khi cuộc đời của những danh nhân, vĩ nhân toàn là những người có cuộc sống khó nghèo, không phải lúc tuổi thơ thì cũng lúc trưởng thành. Vũ trọng Phụng chết khi chưa tới tuổi ba mươi.Đặng thế Phong cũng thế, chết bởi những bệnh không đáng chết. Sự thiếu thốn làm thành mơ ước. Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ nhỏ, nhưng ai cấm ông mơ ước: tết đến mẹ tôi vất vả nhiều. Chị đi em ở lại nhà, vườn rau em giữ mẹ già em thương.
Khuôn mặt không đẹp trai, nhà nghèo, học ít, nhưng ông mơ mộng có bao người con gái yêu ông, hay ông yêu. Nguyễn Bính đã làm bao nhiêu con tim thổn thức, ông làm thơ cho tha nhân hay cho chính mình.
Sau khi bức màn sắt được vén lên do biến cố mất nước 1975, mọi người mới thấy được bằng xương bằng thịt những con người tài hoa: Văn Cao, Nguyễn Tuân… cuộc sống của họ ở miền Bẳc sao mà thê thảm thế. Nhà không phải là nhà, quần áo đồ đạc của họ trông thật nhếch nhác. Nhà văn Dương thu Hương đã ngồi sụp ở chợ Bến Thành khóc nức nở khi biết mình bị lừa. Đoàn Chuẩn với bản nhạc Gửi người em gái miền Nam âm điệu du dương. Nhạc quá hay, ý thật tuyệt, nhưng lời thì làm cho các người trẻ tuổi viết Comment bên dưới: sao mà tuyên truyền láo khoét vậy. Thương cho em vào miền Nam phải sống trong nghèo đói, cúi đầu mà đi!
Những thương tiếc cho văn nghệ sĩ miền Bẳc chưa kịp nguôi, thì tới lượt văn nghệ sĩ miền Nam, những người bị gọi là bọn biệt kích cầm bút chịu cảnh tù đầy: Vũ Hoàng Chương, Dương Hùng Cường, Nguyễn Mạnh Côn, Minh Kỳ, Thục Vũ... Thi hào thi bá còn đâu. Những con người chỉ sống bằng ngòi bút, nhả ngọc phun châu. Những mình hạc xương mai, trói gà không chặt nay chịu cảnh đọa đầy.
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ.
Xuân đời chưa hưởng kịp, mây mùa Thu đã sang.,
VHC
Ngày xưa khi còn đi học, không phải chỉ có mấy ông già mới bình thơ, bọn nữ sinh chúng tôi cũng chuyền taynhau những tập thơ tình. Để rồi tấm tắc: thi nhạc sĩ sao mà tài thế. Trong bồ chữ nghĩa, mình thò tay vào thì toàn lôi ra sỏi đá. Còn tới lượt mấy ổng, chẳng cần mở mắt, cứ bỏ tay vào bồ chữ, là lôi ra toàn ngọc trai, cẩm thạch, hột xoàn.
- Có phải em yêu tôi thành thật
- Hay là tinh nghịch nói cho vui.
Con bạn tôi oang oang, lời thơ dịu dàng ngọt ngào quá chừng. Chữ dùng thì khỏi chê. Thắc mắc mà không dám hỏi, rụt rè dò ý có phải cho mình đỡ quê, nếu bị bé cái lầm.Vẫn hy vọng người ta đâu có ác, nên chỉ trách nhẹ nhàng tinh nghịch. Chỉ là đùa thôi mà.
Khen xong, con nhỏ nói, cỡ tao chắc chỉ dám hỏi:
- Cô có thương tui thiệt lòng không?
- Hay cô làm bộ giỡn chọc tui.
Bọn con gái chúng tôi đã hét lên thơ con cóc, nghe cù lần. Lại còn hăm dọa này kia, thiệt là cú mà đứng bên cạnh công.
Nhiều khi tụi tôi còn dám tấm tắc khen phò mã tốt áo, mang thơ Vũ hoàng Chương, Đinh Hùng ra bàn.
Những bài thơ chuyện chúng mình của Nhất Tuấn hay thơ Nguyễn Bính lúc nào cũng có trong cặp.
Ngày xưa văn nghệ sĩ chỉ sống bằng ngòi bút. Viết báo thì có nhuận bút, viết sách thì có nhà xuất bản trả tiền cho bản quyền. Đời sống của văn nghệ sĩ trong miền Nam đâu có thê thảm như những văn nghệ sĩ miền Bắc. Nhà văn Xuân Vũ vốn người miền Nam tập kết ra Bắc. Khi biết sự thật sau bức màn sắt, ông đã tìm cách trở về hồi chánh, cũng như ca sĩ Đoàn Chính. Họ là những nhân chứng nói ra những sự thật đau lòng về thân phận của những văn nghệ sĩ miền Bắc sau năm 54.
Nguyễn Bính chết trong nghèo nàn khủng khiếp. Không cho nằm bệnh viện, không cáo phó. Một đám tang buồn tẻ lạnh lẽo thê lương cho con người tài hoa, ông đã qua sông đắm đò. Như NB đã nói cuộc đời của ông là hình ảnh của người con gái Lỡ bước sang ngang. Xót xa cho kiếp con tằm. Những sợi tơ óng ánh từ những vần thơ của ông, ở lại với chúng ta mãi mãi.
Lại Thị Mơ
__._,_.___
Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen