Viện Hóa Đạo phát động biểu tình : bàn thờ Phật xuống đường tại Huế và Sài Gòn
Từ cuối năm 1960 qua năm 1963, nhiều rắc rối chính trị xẩy ra tại Saigon và trên toàn miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ áp lực Tổng Thống Diệm phải cải cách chính trị, bằng vụ đảo chính của nhóm Nguyễn Chánh Thi, Vương văn Đông ngày 11 tháng 11 năm 1960. Đến ngày 27-2-1962, hai phi công Quân lực Việt Nam Cộng hoà Nguyễn văn Cử và Phạm Phú Quốc thả bom Dinh Độc Lập. Ngày 7-5-1963 tại Huế, Cảnh sát theo lệnh của Giám mục Ngô Đình Thục đi các Chùa thông báo cấm treo cờ Phật giáo mừng ngày Phật Đản, nên ngày hôm sau Phật tử và Tăng Ni tập họp chống đối trước Đài phát thanh Huế. Nhóm thanh niên Kitô giáo đập phá Lễ Phật Đài bị thanh niên học sinh Phật tử phản công, nên Thiếu tá Đặng Sĩ dùng Cảnh sát, Quân đội và xe Thiết giáp phối hợp đàn áp, 9 người chết và 14 bị thương. Cuộc tranh đấu bùng nổ lớn tràn vào Đà Nẵng, và lần lần qua các Tỉnh miền Trung vào đến tận Thủ đô Saigon. Ngày 21-5-1963, 600 tu sĩ biểu tình và đi diễn hành từ Chùa Ấn Quang đến Chùa Xá Lợi giữa thủ đô Saigon.
Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu
Ngày 11-6-1963, Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường Thái Lập Thành Saigon. Ngày 16-6-1963 có khoảng 500,000 (năm trăm ngàn) Phật tử xuống đường biểu tình, tham dự đám táng Thượng Tọa Thích Quảng Đức bị Cảnh sát đàn áp. Vào ngày 30-6-1963, hàng ngàn Thượng Tọa và Ni Cô xuống đường ngồi tuyệt thực phản đối chính phủ Diệm. Ngày 1-7-1963, sinh viên học sinh biểu tình trước trụ sở Quốc Hội, yểm trợ cuộc tuyệt thực của Tăng Ni. Ngày 21-8-1963, Cố vấn Ngô Đình Nhu cho lệnh Cảnh sát mặc giả quân phục tấn công các Chùa triền trên toàn quốc, bắt giữ hàng ngàn Tăng Ni, gây bất mãn trong dân chúng và dư luận Mỹ cũng cực kỳ sôi nổi. Lúc 21 giờ 30 ngày 22-8-1963, tân Đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge tới Saigon thay thế Đại sứ Nolting. Nhiều tin đồn việc tiếp xúc ngầm vận động nhóm Tướng Trần văn Đôn, Dương văn Minh, Trần Thiện Khiêm, và Lê văn Kim làm đảo chánh, được tân Đại sứ Lodge thúc đẩy mạnh hơn, với sự chấp thuận của Tổng Thống Hoa Kỳ John Fitzgerald Kennedy.
TT Thích Trí Quang và phe nhóm thuộc Viện Hóa đạo
Toàn thể Quân đội bị cấm trại 100%. Anh Tuyển và Tôi phải hàng đêm ngủ tại văn phòng với mọi người, mặc dù chúng tôi được cấp cư xá cho gia đình cư ngụ ngay trong Trại Trần Hưng Đạo. Tối nào anh Tuyển và Tôi cũng cùng các anh Vũ Xuân Hoài, Đỗ Linh Quang và vài người nữa không nhớ tên, họp nhau giải trí bằng cờ Domino đến nửa đêm mới ngủ. Anh Đỗ Như Luận thì phải thường xuyên có mặt ban đêm bên Tiểu đoàn Truyền Tin Bộ Tổng Tham mưu.
Dẫy nhà dành cho Bộ Chỉ huy Biệt Động quân ở ngay bên các dẫy nhà của Cục Truyền Tin, nên 2 Tướng Tôn Thất Xứng và Phan Xuân Nhuận (Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó) vốn cùng là bạn tốt nghiệp Khoá 1 sĩ quan với Tôi, thường điện thoại rủ Tôi ghé văn phòng các ông ấy chơi buổi tối nói truyện tầm phào. Trong những dịp này các ông ấy nhắc khéo đến việc tham gia đảo chính, nhưng Tôi e ngại thận trọng khước từ. Vì Tôi nghĩ, 2 ông ấy từng là những người được Tổng Thống tin dùng, mới giao cho nắm các Đại đơn vị rồi lại thăng cấp cho lên đến hàng Tướng nhanh chóng, thì làm sao các ông ấy lại có thể tham gia việc mưu toan phản Tổng Thống được. Mặc dù Tôi cũng nghe phong thanh, đang có cuộc âm mưu đảo chánh Tổng Thống Diệm, do một số Tướng lãnh cầm đầu.
Thế rồi vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, cuộc đảo chánh đã xẩy ra. Tất cả các Tướng, các Trưởng Phòng Bộ Tổng Tham mưu, các Chỉ huy trưởng Nha Sở Binh chủng tại Trung ương đóng tại Saigon-Chợ Lớn-Gia Định-Biên Hoà, đều phải đến họp bất thường dưới quyền Chủ tọa của Tướng Dương văn Minh, tại phòng ăn lớn trong Câu lạc bộ sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu, chớ không họp tại Trung tâm Hành quân như thường lệ. Trong khi họp, Quân cảnh thuộc Bộ Chỉ huy Tổng hành Dinh tăng cường canh gác vòng trong vòng ngoài khắp chung quanh rất cẩn trọng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” khác hẳn thường lệ. Vào khoảng quá trưa có tin đồn râm ran, một số không chịu theo phe đảo chánh bị đem giam tại căn villa ngay bên phải Cổng Một (ngõ ra vào chính của Bộ TTM), và hình như có người bị giết là Trung Tá Lê văn Tung Chỉ huy Lực lượng Đặc biệt, người thân tín của hai ông Diệm và Nhu.
Khoảng 3 giờ chiều, bỗng dưng anh Tham mưu trưởng Đỗ Như Luận từ bên Tiểu đoàn chạy vào Cục TT, ra lệnh Đại úy Phan Duy Du Tham mưu phó thông báo tất cả mọi người phải ra trước sân tập họp. Anh Du và Tôi đứng trên lan can tầng lầu nhìn xuống. Anh Luận với vẻ mặt quan trọng căng thẳng, vào phòng anh Du gỡ khung ảnh Tổng Thống Diệm đang treo phiá trên cửa, đem ra hành lang và ném xuống sân vỡ tan tành trước hàng quân, rồi xuống đứng trước anh em nói gì chúng tôi không nghe được. Anh Du và Tôi giật mình ngơ ngác im lặng, quay vào trong văn phòng. Anh Du ngồi vào bàn giấy, Tôi nằm dài trên chiếc ghế bố của anh ấy. Một lát sau, anh Luận với sự hộ tống của anh Nhuận và mấy người thân cận khác có cằm súng nơi tay, đi qua chỗ anh Du và Tôi để vào văn phòng Tham mưu trưởng của anh ấy. Thấy Tôi, anh Luận nói: “Tình hình rất nghiêm trọng, Trung tá Chỉ huy trưởng đi họp chưa về, Thiếu Tá lo Bộ Chỉ huy để Tôi lo bên Tiểu đoàn.” Tôi ngỡ ngàng chẳng biết phải làm gì, và cũng ngại chẳng hỏi xem truyện gì đang xẩy ra. Vì ai cũng biết anh Luận có gốc dựa rất nặng ký, thân thích ruột của Đại Tá Đỗ Mậu Cục trưởng An ninh Quân đội một tay chân vô cùng thân tín của Cụ và ông Cố vấn trong chế độ hiện tại.
Có người mở radio nghe tin tức, thấy đọc bản thông cáo của Hội đồng Cách mạng, rồi lần lượt hết Tư lệnh này đến Tư lệnh kia, Chỉ huy trưởng Binh chủng này đến Giám đốc Nha Sở khác, đọc lời tuyên ngôn nhiệt liệt ủng hộ Hội đồng Tướng lãnh Cách mạng lật đổ chế độ gia đình trị của Diệm-Nhu… Trong hoàn cảnh gây cấn tột cùng đó, tinh thần mọi người rất căng thẳng, nên điều khôn ngoan nhất để không mất mạng oan là giữ thái độ “im lặng là vàng”, và lẳng lặng tuân hành những gì anh Tham mưu trưởng Đỗ Như Luận truyền đạt, luôn luôn với câu thòng thật nghiêm trọng: “Theo lệnh trên”.
Khoảng gần trưa ngày 2 tháng 1 năm 1963, nghe có tiếng xe thiết giáp chạy từ Cổng Một vào Trại Trần Hưng Đạo. Lúc Tôi lái xe về nhà ăn cơm, nhìn thấy chiếc Thiết vận xa đậu ngay nơi giữa bãi cỏ rộng lớn, phiá bên trái đường chính dẫn tới Cột cờ Toà nhà chính của Bộ Tổng Tham mưu. Tôi nghĩ rằng tình hình nghiêm trọng, nên phải có thêm xe Thiết giáp tăng cường canh phòng Toà nhà chính vậy thôi. Nhưng sao lại đậu chơ hơ giữa sân cỏ rộng, thiếu kỹ thuật tác chiến quá! Không ngờ lúc ăn cơm xong trở lại văn phòng, mới nghe tin là chiếc Thiết vận xa đó chở xác 2 anh em ông Diệm và Nhu đã bị giết, về trình Hội đồng Tướng lãnh Cách mạng. Tôi cảm thấy bàng hoàng xúc động mạnh, một làn khí lạnh chạy dài nơi sống lưng làm sởn gai ốc, máu dồn tê tê mặt nghẹn ngào không nói được ra lời. Thật là khủng khiếp! Tôi không ngờ, việc đó lại có thể xẩy ra trong hàng ngũ người Việt Quốc gia Nhân bản.
Đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí tha hồ loan báo tin Cách mạng 1 tháng 11 thành công. Phe Phật giáo Trí Quang vận động tổ chức từng đoàn người ra đường đem vòng hoa đi choàng vào cổ các anh Chiến sĩ đã gan dạ làm xong bổn phận, mà Hội đồng Tướng lãnh làm đảo chính mong đợi. Nhiều đổi thay trong Quân đội bắt đầu được thực hiện. Những người có công được ào ạt gắn lon thăng thưởng. Những người thân tín thuộc phe làm Cách mạng hân hoan đến nhận lãnh các chức vụ quan trọng, thay thế những người cũ bị coi là lừng khừng không chịu theo Cách mạng, hoặc trong quá khứ có liên hệ mật thiết thân thiện với phe ông Diệm ông Nhu, hoặc xưa nay ngay cổ ngay lưng cứng đầu, chỉ làm đúng nhiệm vụ của người chiến sĩ phục vụ Quốc gia Dân tộc, không chịu luồn cúi nịnh bợ bất cứ thế lực nào để cầu danh kiếm lợi.
Tiểu đoàn Truyền Tin Bộ Tổng Tham mưu được nhiều đoàn thể Phật tử do các Thầy hướng dẫn, đem quà đến ủy lạo tinh thần quân sĩ. Tất cả các đơn vị thuộc các Binh chủng khác tại Trung ương Saigon, cũng hân hoan đón tiếp các đoàn thể Phật tử đến úy lạo tinh thần, cung cấp thực phẩm quà cáp ăn uống ê hề mệt nghỉ. Không khí hoan hỉ vinh quang bao trùm tất cả các đường phố thủ đô Saigon (Hòn ngọc Viễn đông), ồn ào vui vẻ gắp trăm lần hơn những kỳ Tổng Cục Chiến tranh Chính trị tổ chức cho Chiến sĩ mừng ngày Quốc Khánh 26 tháng 10 hoặc mừng Tết Âm lịch hàng năm. Riêng cá nhân Tôi, thì thấp thỏm chờ đợi số phận hẩm hiu của chu kỳ Đại Hạn mới đang đến với mình.
Thiếu Tá Tạ Thái Bình về thay Trung Tá Khổng văn Tuyển làm Cục trưởng Truyền Tin. Anh Tuyển được đưa sang thay chỗ của anh Bình bên Nha Viễn Thông Bộ Nội vụ. Thiếu Tá Dương Thanh Sơn (em ruột Tướng Dương văn Minh lãnh tụ cầm đầu cuộc đảo chính) về làm Trưởng Phòng 6 Bộ Tổng Tham mưu. Tôi nhận Sự vụ lệnh sang trình diện Nha Tồng Thanh tra tại Bộ Quốc phòng, để chờ lệnh thuyên chuyển đi đơn vị mới ngoài Binh chủng Truyền Tin.
Với tấm Sụ vụ lệnh trên tay, Tôi lên ngay văn phòng Tham mưu trưởng Liên quân xin gặp Thiếu Tướng Nguyễn văn Thiệu mới vinh thăng, để trình bầy hoàn cảnh của mình. Tướng Thiệu là bạn cùng tốt nghiệp Khoá Một Sĩ quan với Tôi hồi tháng 6 năm 1949, anh em vẫn từng gặp nhau trong những buổi họp bạn cùng khoá nên không xa lạ gì. Sau khi nghe Tôi trình bầy, Tướng Thiệu ôn tồn nói: “Thôi được, Toi (anh) chịu khó đi học một khoá bên Hoa Kỳ đi. Sau khi về tình hình ổn định sẽ tính sau.”, và Tướng Thiệu nhấc điện thoại gọi cho Tướng Tôn Thất Xứng (cũng cùng khoá 1 sĩ quan với Tướng Thiệu và Tôi) mới ngồi vào ghế Tổng cục trưởng Quân huấn sau đảo chính, để đích thân nói về việc lo lắng giúp đỡ cho Tôi. Rời văn phòng Tướng Thiệu, Tôi đến Tổng Cục Quân huấn gặp Tướng Xứng. Thấy Tôi, ông mời ngồi và nói: “Hôm trước rủ Cậu không chịu nghe, thôi bây giờ để Moi (Tôi) bảo tụi nó làm thủ tục cho Toi (anh) đi học Khoá Command and General Staff ở Fort Leavenworth ngay nhé!”. Tôi trình bầy, tình hình chưa ổn định, con đông, có đứa mới gần 1 tuổi, vợ sanh xong lần thứ 7 hơi yếu, nên Tôi cần được ở gần nhà để thường xuyên lo lắng chắc bụng hơn. Vậy xin Anh cho Tôi theo học Khóa Chỉ huy Tham mưu tại Trường Đại học Quân sự Đà Lạt thì hơn. Tướng Xứng sốt sắng nói ngay: “Vậy thì OK, Toi (anh) theo học Khoá 9 Chỉ huy Tham mưu sẽ khai giảng vào đầu tháng tới này nhé?” Tôi cám ơn nhận lời ngay, và lái xe ra Bộ Quốc phòng tại số 63 đường Gia Long, trình diện Đại tá Giám đốc Nha Tổng Thanh tra.
Tình hình Nha Tổng Thanh tra lúc này chẳng khác nào cái hội chợ ô hợp, gồm những người từng bị thất xủng dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nay lại thêm một số người như Tôi không theo đảo chánh bị loại ra khỏi Binh chủng nằm chờ lệnh thuyên chuyển đi đơn vị tác chiến, và một vài người từng bị giải ngũ ngang xương thời Thủ Tướng Diệm thanh lọc trẻ trung hoá Quân đội, nay được tái hồi Quân ngũ chờ đi lãnh công việc mới. Trong số này, Tôi gặp Đại Tá Trương văn Xương nguyên là Tư Lệnh Quân khu 2 tại Huế bị Thủ Tướng Diệm cho giải ngũ (hình như vào năm 1955), nay được Hội đồng Tướng lãnh đảo chánh thành công (phần lớn từng làm dưới quyền ông ấy tại Bộ Tham mưu Quân Khu 2 trước kia) cho tái ngũ, cũng tạm vào đây ngồi chờ thủ tục bổ nhiệm đi nắm chức Giám đốc Tổng Nha Thanh tra Dân Vệ thay thế Trung Tá Trần Thanh Chiêu (người của Tổng Thống Diệm). Sau khi gặp nhau mừng rỡ hàn huyên tâm sự truyện quá khứ, truyện hiện tại, Đại Tá Xương hứa chắc là sẽ trình xin Bộ Tổng Tham mưu bổ nhiệm Tôi về làm Tham mưu trưởng cho ông ngay khi khoá học mãn. Tôi thở phào nhẹ nhõm, yên tâm đợi lên đường đi học để được nghỉ dưỡng sức ít tháng tại thắng cảnh thần tiên hạ giới Đà Lạt, đúng như lời các Cụ thường dậy: “Ăn ở hiền lành sẽ gặp Quý nhân phù trợ khi hoạn nạn”.
Thế là DUYÊN NỢ của Tôi với Binh chủng Truyền Tin chấm dứt kể từ ngày đó. Năm 1954, Tôi mang lon Thiếu Tá với 4 vạch kim tuyến vàng trên 2 vai (mẫu cấp hiệu của Quân đội Pháp) nhập hàng ngũ Binh chủng Truyền Tin, cùng anh em vận động quần chúng truất phế ông Bảo Đại để Thủ Tướng Diệm trở thành Tổng Thống nền Đệ Nhất Cộng Hoà tại miền Nam Việt Nam. Bạn bè cùng hoạt động với Tôi trong Phong trào Cách mạng Quốc gia, ai cũng được tưởng thưởng đền bù công lao bằng ít nhất là 3 cấp bậc cao hơn cũ. Riêng Tôi, vẫn mang cấp bậc Thiếu Tá với một hoa mai bạc nơi cổ áo (mẫu cấp hiệu của Quân lực Việt Nam Cộng hoà) cho đến ngày Tổng Thống Diệm bị nhóm đảo chánh giết, rồi lại bị loại ra khỏi Binh chủng Tịch Tà, chẳng biết vì lý do gì???
Nhưng nhờ thấm nhuần từ thuở còn thiếu thời lời khuyên của các vị lão thành kinh nghiệm về cuộc sống qua câu châm ngôn rất triết lý “BÔN BA CHẲNG QUA THỜI VẬN”, nên Tôi không hề buồn mà lại vui vì biết rằng cái Duyên Nợ trói buộc mình với Truyền Tin được chấm dứt từ đây, để cuộc đời bước sang thời vận mới. Nhờ thế, Tôi đã bình tĩnh tự tin bước vào thời vận mới của đời binh nghiệp, và kết quả thâu đạt được đã rất khả quan và thoải mái với những vị trí và môi trường hoạt động mới quan trọng hơn trong Quân đội và Đất Nước cho đến ngày Quốc Hận 30-4-1975.
Nam California Hoa Kỳ, Ngày 1 tháng 11 năm 2017.
NGUYỄN-HUY HÙNG,
Cựu Chỉ huy phó Viễn Thông Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen