Donnerstag, 13. April 2017

SAI LẦM CHẾT NGƯỜI CỦA CÁC NƯỚC DUYÊN HẢI ĐÔNG NAM Á


                                            Đại-Dương
Một số nước duyên hải Đông Nam Á như Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á áp dụng chính sách đi dây giữa các cường quốc để tìm lợi ích cho quốc gia đã bộc lộ tâm lý “Thằng Bờm” chỉ thích nắm xôi của phú ông.
Thứ nhất, sau Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ tình nguyện duy trì nền an ninh hàng hải trên hai Biển Đông Trung Hoa và Nam Trung Hoa, nhưng, không can thiệp vào vấn đề chủ quyền biển đảo nên vẫn hoàn tất nhiệm vụ nếu xét trên phương diện hải vận quốc tế.  
Cựu Trưởng ban Biên giới Cộng Hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trần Công Trục viết trên báo Giáo Dục ngày 12-04-2017 “Năm 1974, Hoa Kỳ đã từng làm ngơ để Trung Quốc chiếm nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang do Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ”.
Hải quân Việt Nam Cộng Hoà đã hải chiến quyết liệt với Trung Quốc mà không giữ được Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hoà đã tố cáo hành động xâm lăng của Bắc Kinh lên Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Bắc Việt) không lên tiếng phản đối hành vi xâm lăng của Trung Quốc vì Công hàm Phạm Văn Đồng và chủ trương “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”.
Hiệp định Hoà bình Paris 1973 không cho phép Hoa Kỳ can thiệp nên khó trách.
Năm 1978, Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác quy định sẽ yểm trợ khi bị tấn công mà chẳng hành động lúc Bắc Kinh xua quân tràn qua biên giới Việt.
Các nghị định thư Việt Nam và Liên Xô cho phép Hạm đội Thái Bình Dương và tàu cá Nga đồn trú tại quân cảng Cam Ranh từ năm 1979 đến 2004 không phải trả chi phí.
Nhưng, khi Hải quân Trung Quốc tấn công và chiếm một số vị trí tại Trường Sa năm 1988 thì Liên Xô không hành động dù có 1 phi đội Su-23 ở Cam Ranh.
Thứ hai, tranh chấp chủ quyền Biển Nam Trung Hoa gồm có Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei. Riêng Indonesia và Tân Gia Ba cũng bị ảnh hưởng do chính sách của Bắc Kinh trên Biển Nam Trung Hoa.
Ngoại trừ Đài Loan, các quốc gia tranh chấp đều là hội viên mà không tuân hành nghiêm chỉnh Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, UNCLOS.
Tình trạng mập mờ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc chèn ép các quốc gia duyên hải Đông Nam Á.
Năm 2012, do Tổng thống Barack Obama làm trung gian để Trung Quốc và Phi Luật Tân rút hết chiến hạm tạo điều kiện cho Bắc Kinh cưỡng đoạt Bãi cạn Scarborough của Manila.
Phán quyết ngày 12-07-2016 của Toà án Trọng tài Thường trực về Luật Biển, PCA, đã làm sáng tỏ về “quyền chủ quyền” của mỗi quốc gia tại Biển Nam Trung Hoa.
Phán quyết đưa ra do vụ Manila kiện Bắc Kinh diễn dịch sai UNCLOS đã xác nhận “Đường 9 Đoạn do Trung Quốc yêu sách chẳng có giá trị pháp lý vì trái với UNCLOS. Paracel Islands (Hoàng Sa, Tây Sa), Spratly Islands (Trường Sa, Nam Sa) không hội đủ điều kiện “quần đảo” nên chẳng được quyền có Khu vực Đặc quyền Kinh tế, EEZ, và Thềm lục địa. Hầu hết các vị trí chiếm đóng của Trung Quốc ở Trường Sa đều nằm trong EEZ của Phi Luật Tân nên chỉ được phép có lãnh hải 12 hải lý hoặc 500 mét an toàn tuỳ theo chìm hay nổi khi thuỷ triều cao nhất trong điều kiện nguyên thuỷ. Trung Quốc không được phép ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân đánh cá tại ngư trường truyền thống Scarborough Shoal. Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Spratly Islands đã tàn phá hệ sinh thái san hô không thể phục hồi. Bắc Kinh khuyến khích ngư dân Trung Quốc đánh bắt hải sản trong EEZ của các nước Đông Nam Á. 
Phán quyết của PCA đã cung cấp cho các quốc gia duyên hải Đông Nam Á một công cụ pháp lý để chống lại chính sách cắt lát xúc xích hoặc tầm ăn dâu của Bắc Kinh.
Trung Quốc rơi vào tình trạng lấm la lấm lét như “chó ăn vụng bột” bị phát hiện sợ phải đòn.
Tiếc thay, dù được Hoa Kỳ khuyến khích, thúc giục mà các quốc gia ASEAN, ngoại trừ Tân Gia Ba, vẫn không chính thức đòi Trung Quốc chấp nhận và tuân theo Phán quyết của PCA.
Bắc Kinh bèn chìa nắm xôi (viện trợ và đầu tư) được Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Việt Nam vồ lấy mà quên nhiệm vụ tranh đấu bảo vệ quyền chủ quyền quốc gia được luật pháp quốc tế quy định.
Thứ ba, Tổng Bí thư Lê Duẩn tuyên bố “Ta đánh Pháp, đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc” được đảng Cộng sản Việt Nam khắc chữ để thờ.
Việt Nam rước Nga vào Cam Ranh với số quân đông nhất lên tới 6,000 người, thần phục Trung Quốc nên bị chèn ép, doạ nạt, ức hiếp cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Hành nghề tại môi trường truyền thống Hoàng Sa hoặc trong vùng EEZ, ngư dân Việt thường bị phía Trung Quốc cướp cá, phá lưới, tịch thu tàu đòi tiền chuộc, đánh đập dã man.
Thoả ước Căn cứ Quân sự giữa Phi Luật Tân và Hoa Kỳ với Căn cứ Hải quân Subic Bay và phi trường Clark Field hết hạn vào năm 1992 được tái thương lượng. Nhưng, Thượng viện Phi Luật Tân bác bỏ thoả ước dù bị đương kim nữ Tổng thống Corazon Aquino phản đối.
Vậy mà, bây giờ Việt Nam, Phi Luật Tân đòi Mỹ phải trực tiếp chống hành động bá quyền, bành trướng, quân-sự-hoá của Trung Quốc!!!
Thứ tư, dù có dồn hết nỗ lực và tài nguyên của đất nước thì các quốc gia ASEAN cũng không đủ sức ngăn chặn Bắc Kinh trở thành cảnh sát trưởng hàng hải Biển Nam Trung Hoa.
Vì thế, các quốc gia duyên hải Biển Nam Trung Hoa bắt buộc phải chọn lựa giữa nắm xôi Bắc Kinh hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền chủ quyền pháp định.
Nhật Bản, Đại Hàn chọn đồng minh hùng mạnh như Hoa Kỳ mới thoát khỏi sự khống chế, chèn ép của Trung Quốc.
                                 

Đại-Dương
April 14, 2017
 
__._,_.___

Posted by: bebeliem@aol.com

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen