(iii) Mặc Lâm (RFA): Tiếng khóc của người văn công 37 năm sau
Ngày 17 tháng Hai mỗi năm gần đây Hà Nội, Sài Gòn đều tổ chức lễ
tưởng niệm thắp nhang cho liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến chống
Trung Quốc xâm lược ở các tỉnh phía bắc.
Trong khi tại Hà Nội buổi tưởng niệm diễn ra suôn sẻ mặc dù cơ quan
an ninh cho người ra tượng đài Lý Thái Tổ để quan sát nhưng không
có bất cứ cuộc phá hoại nào như từng xảy ra trước đây. Ngược lại
tại Sài Gòn, từ mờ sáng công an canh giữ tại nhà một số lớn người,
không cho họ ra khỏi nhà tham dự buổi thắp hương tưởng niệm liệt sĩ
dưới chân tượng Trần Hưng Đạo tại bến Bạch Đằng. Tuy nhiên người
dân vẫn tập trung gần trăm người để làm lễ. Ngay lập tức một nhóm
an ninh đội lốt côn đồ, có cả những đoàn viên thanh niên cộng sản
rất trẻ nhảy vào cướp phá, giật vòng hoa, chà đạp lên và khiêu
khích người dân với những từ ngữ khó nghe nhất.
Trong buổi lễ này có mặt một phụ nữ đặc biệt có nghệ danh là Ánh
Hồng, bà là một nữ văn công múa trong đoàn Hải Phòng có mặt và
chứng kiến sự hy sinh vô cùng cảm động của bộ đội khi chống lại các
đợt tấn công của kẻ thù vào tháng Hai năm 1979. Qua lời kể của bà
chúng ta hy vọng sẽ thức tỉnh những người còn mê muội đưa ra những
quyết định phản bội lịch sử và nhất là phản bội lại máu xương của
gần 60 ngàn đồng bào liệt sĩ đã ngã xuống vì gìn giữ bờ cõi cho họ
có chỗ đứng ngày nay trong chính quyền.
"Quân Trung Quốc nó ác lắm"
Nghệ sĩ Ánh Hồng kể lại buổi sáng bà có mặt tại tượng đài Trần Hưng
Đạo cùng với nhiều người khác:
Nghệ sĩ Ánh Hồng: “Lúc ấy nói thật với anh là tôi bỡ ngỡ, tôi khóc. Tôi đứng lặng
yên, tôi khóc. Tôi nghĩ tới cảnh tượng trước đây bao nhiêu chiến sĩ
ngã xuống lúc ấy họ còn trẻ như mấy cô cậu này đây, cũng trẻ như
các cô bây giờ chỉ 17 – 18, 20 trẻ lắm… thế mà chết cho tới ngày
hôm nay khi thấp hương cho họ thì những người trẻ như thế này lại
đi dập nát vòng hoa thì tôi chỉ biết đứng khóc anh ạ, tôi không cầm
được nước mắt nữa tôi nghĩ tôi căm thù bọn nó quá.
Khi nhìn cảnh tượng như vậy tôi có nói với họ không nên làm như thế
nữa bởi vì mọi người không biết đâu lúc ấy quân Trung Quốc nó ác
lắm. Nó giết, nó hãm hiếp đồng bào mình, nó giết bao nhiêu chiến sĩ
của mình, khổ lắm đừng làm như thế nữa. Nhưng tôi càng nói thì
những con người này cứ lao vào giật vòng hoa, lao vào…cuối cùng tôi
sợ ngã nên phải chạy ra đứng bên ngoài tôi không dám đứng ở đấy
nữa.
Sau đó tôi về Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng tôi ngồi nói chuyện với các
anh ấy tôi mới khóc. Tôi khóc khi nghĩ tới cảnh tượng hôm qua tôi
không cầm được nước mắt nữa. Tôi nghĩ bao nhiêu chiến sĩ đã chết mà
ngày hôm nay người ta để cho thế hệ trẻ này làm như vậy thì không
hiểu thế nào nữa.”
Mặc Lâm: Tình cờ được biết bà từng ra chiến trường biên giới vào thời gian
xảy ra cuộc chiến xin bà cho biết lúc ấy diễn tiến cuộc chiến như
thế nào ạ?
Nghệ sĩ Ánh Hồng: “Tôi ở trong đoàn văn công anh ạ, thuộc đoàn ca múa Hải Phòng tôi
là diễn viên múa. Lúc bấy giờ tôi còn trẻ mà. Đoàn văn công này hay
đi phục vụ chiến đấu các đơn vị trong quân đội như trọng pháo hay
bộ đội ở đâu có chiến tranh hay có cái gì đó thì đoàn văn công được
gửi tới phục vụ. Mang tinh thần lời ca tiếng hát điệu múa làm vũ
khí cổ vũ bộ đội ta đánh giặc.
Lúc đó vào tháng hai năm 79, tôi nhớ chắc chắn là năm 79 lúc ấy anh
Hà Đức Hậu làm trưởng đoàn, anh nhận được lệnh đòan phải đi biểu
diễn ngoài biên giới lúc ấy là Tiên Yên, Hà Cối, Quảng Ninh để phục
vụ các chiến sĩ.Đêm hôm ấy đoàn biểu diễn rất là đông bộ đội xem. Gần một tiếng sau
đang khi trình diễn thì đột nhiên bộ đội cứ rút dần, rút dần đi…
mình mới hỏi sao lại vằng chỉ còn vài chục người thế này thì các
anh mới nói là họ phải đi bổ xung cho các chốt vì giặc nó tràn lên
đông quá, nó giết nhiều quá bây giờ phải đi tải thương binh với
liệt sĩ về cho nên tư tưởng như thế không thể ngồi xem được. Đến
khi biểu diễn xong chúng tôi về mình mới thấy có câu thương binh
rên rỉ, cậu ấy kêu “mẹ ơi, mẹ ơi” trong đêm hôm thanh vắng nghe
tiếng kêu như thế. Tới sáng mai hỏi lại thì cậu ấy đã chết đêm qua
rồi vì máu ra nhiều quá không kịp chuyển về tuyến sau nữa.
Hôm sau chúng tôi lại vào biểu diển ngay cho các thương binh ở
trong trại. Họ chuyển về chỗ không phải là cái trại đâu mà nó là
một khu nhà của Pháp ngày xưa người ta xây kiểu như doanh trại của
Pháp hồi xưa, bị bỏ hoang lâu rồi. Cửa cung không có bây giờ mình
che chắn để cho thương binh nằm thôi.
Lúc mình đi vào từng gường của thương binh tôi nói thật với anh là
không thể cầm được nước mắt, tôi thương mà không dám nhìn chạy ra
ngoài không dám nhìn. Lúc ấy thì không múa nữa chỉ hát với đàn
thôi. Thương binh cụt chân cụt tay nằm la liệt mà không có thuốc
men gì vì lúc ấy khó khăn lắm. Lúc đến bữa ăn mình chạy ra ngoài
thì nhìn thấy một anh bộ đội trẻ lắm khoảng 19 -20 bị đạn nó vạt
hết cả cái mông máu chảy ra nhiều mà cậu thương binh cứ cầm miếng
vải kéo ra cho khỏi dính vào vết thương mà trên tay cậu ấy bê một
bát cơm có mấy miếng đậu, một tí rau muống luộc và canh lỏng
bỏng…tôi nhìn thấy mới hỏi, trời ơi ăn uống thế này thì làm sao
chịu nỗi? lúc ấy người ta mới nói hoàn cảnh như thế này thì làm sao
khác được. Biểu diễn xong thì đoàn văn công rút về vì cuộc chiến
ngày càng ác liệt quá.”
Mặc Lâm: Chứng kiến sự việc như vậy rồi hôm nay lại trực tiếp thấy những kẻ
hậu thế lại đập phá vòng hoa tưởng niệm, sỉ nhục người tới thắp
hương và có những hành vi khác nữa, bà cảm thấy như thế nào?Nghệ sĩ Ánh Hồng: “Không biết như thế nào nhưng tôi cứ nghĩ bộ đội mình chết nhiều
quá, chết thảm quá, chết đau khổ quá… đã chết trận rồi mà về vật
chất thuốc men lại càng khổ nữa thế mà bây giờ trong cái ngày thuộc
về kỷ niệm mấy năm gần đây tôi biết là có làm lễ kỷ niệm thì tôi có
tham gia thắp hương bởi vì nhìn cái cảnh người ta chết nên thắp
hương cho người ta. Nhưng mình thấy những bọn trẻ thanh niên bây
giờ nó ra nó tàn phá, nó đánh đập người ta, nó dằn xé tôi không thể
tưởng tượng được tại sao như thế. Nòi thật với anh đã có lúc tôi
nghĩ tôi có súng tôi bắn chết mẹ chúng mày! Nói thật với anh như
thế. Tôi thấy chúng nó kinh khủng như một loại gì chứ không còn con
người nữa mà nó hành động như thế?
Tôi nói anh nghe cái lúc mà ra chiến trận những lớp trẻ ra trận
người ta vui lắm anh ạ. Người ta đi trên những đoàn xe ở dưới cứ
vẫy tay: “Ở đâu đấy? Ở đâu đấy…”người bảo ở Nam Định, người bảo ở
Thái Bình. Người ta vỗ tay “chào nha, đi chiến đấu nhé”… mọi người
rất là vui vẻ tuy biết đi là chết mà mọi người vẫn vui vẻ khi ra
chiến trường. Tại sao lúc ấy khí thế chiển đấu của người ta lại cao
như thế hả anh? Tôi cũng nghĩ mãi những khuôn mặt rất trẻ ngồi trên
ô tô để ra mặt trận như thế. Cho tới lúc mình chứng kiến đang biểu
diễn mà bộ đội phải rút dần đi ra các chốt và hy sinh không về nữa,
thế rồi chứng kiến cảnh thương binh máu me tay chân bị mất, chứng
kiến bữa cơm của bộ đội người ta ăn sao mà đau lòng thế.
Đến hôm vừa rồi trong buổi lễ tưởng niệm lại bị chúng ra dập nát
vòng hoa, tôi không thể tưởng tượng được tại làm sao lại như thế.
Xã hội, chế độ này giáo dục cái loại người không còn ra người ra
ngợm nữa. Tôi không bao giờ quên những kỷ niệm của thời chiến tranh
đấy, chính mắt mình thấy chính mình tham gia phục vụ chiến trường
đấy, tôi chỉ biết ngồi khóc không biết nói thế nào hơn vì thật sự
mình quá xúc động. Mình thấy như thế và rất căm thù, tự nhiên nó
nhói tim của mình vì nó đau cho những người bị chết quá. Họ hy sinh
hôm trước mà hôm nay nó như thế này tự nhiên mình nhói trong tim
quá.”
Hy vọng lời kể của người trực tiếp chứng kiến nỗi đau của các anh
bộ đội trẻ trung năm xưa có thể lay động tới lớp người trẻ hôm nay
vì họ không hề được biết có cuộc chiến tàn khốc như vậy trong sách
giáo khoa. Họ cũng không biết rằng bia căm thù giặc Trung Quốc xâm
lược tại cầu Khánh Khê Lạng Sơn đã bị đục bỏ hai chữ Trung Quốc, và
họ cũng không biết nốt ngày 17 tháng Hai hằng năm là ngày gì.
Không ai nghĩ là những người phá hoại cuộc tưởng niệm tại Sài Gòn
sẽ hồi tâm chuyển ý vì trước khi cầm vòng hoa đạp nát dưới chân, họ
đã được định hướng rằng tới tượng đài ngày hôm ấy là những kẻ phản
động, kể cả những người như nữ nghệ sĩ Ánh Hồng.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen