Em Ngô Thị Cẩm Hiếu, học sinh lớp 6B trường trung học cơ sở Nguyễn Khuyến ở tỉnh Bình Phước
Trà Mi (VOA) - Một
cô bé 11 tuổi tại một vùng quê nghèo của Việt Nam bị rơi vào cảnh tứ cố
vô thân, không nơi nương tựa, gia đình bị mất sạch tài sản, bố mẹ bị
đẩy vào vòng lao lý, một mình em kiên trì lặn lội khắp nơi để đi tìm ánh
sáng công lý cho song thân.
Đó là câu chuyện thương tâm của em Ngô Thị Cẩm Hiếu, học sinh lớp 6B trường trung học cơ sở Nguyễn Khuyến ở tỉnh Bình Phước.
Tai
ương ập đến khi Hiếu vừa lên 10. Ở độ tuổi ‘ăn chưa no lo chưa tới’, em
đã phải chứng kiến cảnh gia đình tan nát, toàn bộ tài sản và cũng là
phương kế sinh nhai của gia đình em là mảnh đất khoảng 3 ha bị cưỡng chế
cho chủ nợ và bố mẹ em bị kết án mỗi người 5 năm rưỡi tù giam về tội
danh “cố ý gây thương tích.”
Bản
án ngày 25/2/2014 trong phiên tòa không có luật sư là kết cục của vụ
tranh chấp dân sự giữa ông bà Ngô Văn Huynh-Nguyễn Thị Tâm (bố mẹ của
Hiếu) tại thôn 2, xã Đường 10, huyện Bù Đăng (Bình Phước) với ông Nguyễn
Bá Tuyên, chủ nợ, người có anh ruột là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã
Đường Mười.
Bố
mẹ Hiếu lâu nay đi khiếu kiện kêu oan về việc bị chủ nợ, có sự cấu kết
của cán bộ địa phương, chiếm giữ-phá hoại tài sản, nhưng chưa được xử lý
thỏa đáng thì bị cơ quan thi hành án tiến hành kê biên đất, bán đấu giá
cho chủ nợ trong lúc vắng mặt và không có chữ ký của ông bà.
Kể
từ khi bố mẹ lần lượt bị bắt hồi tháng 7, tháng 8/2013 tới nay, bé Hiếu
sống nhờ tình thương và sự cưu mang của một gia đình hàng xóm tốt bụng,
một mình bước tiếp con đường đi đòi công lý với sự hỗ trợ của Phòng
Công lý Hòa Bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, nơi giúp đỡ miễn phí cho dân
nghèo về mặt pháp lý và truyền thông.
Ngoài
những chuyến thăm nuôi bố mẹ, cô bé nhà quê đen đúa gầy gò, hơn năm
nay, đã đi gõ cửa khắp mọi nơi để cầu cứu, kêu oan cho cha mẹ mình.
Linh mục Đinh Hữu Thoại, Trưởng Phòng Công lý và Hòa bình, cho biết:
“Tôi
nhớ lần đầu tiếp xúc với Hiếu là khi ông bố bị bắt, hai mẹ con lặn lội
từ Bù Đăng xuống Sài Gòn, đến văn phòng gặp chúng tôi nhờ tôi đưa tin.
Ít lâu 2 tháng sau thì tới lượt bà mẹ bị bắt. Cháu Hiếu có gọi điện
thoại cho tôi xin kêu oan giúp gia đình cháu, nói rằng ba mẹ bị oan do
phía bên kia có người nhà là cán bộ cấp xã, cấp huyện toa rập với nhau
chèn ép ba mẹ Hiếu. Cộng tác viên của chúng tôi có đến tận nơi để tìm
hiểu hoàn cảnh và trợ giúp cho em chút đỉnh, mới biết em sống với nhà
hàng xóm tốt bụng. Ông này là cựu chiến binh lớn tuổi, thấy hoàn cảnh
Hiếu như vậy thì cưu mang cháu, cho cháu ở luôn trong nhà. Cộng tác viên
của chúng tôi lên tận nơi thăm và đưa tận xuống Sài Gòn để đi ký các
giấy tờ pháp lý vì cháu là người thân duy nhất của ông bà. Tuy mới 11
tuổi và sống ở vùng quê rất nghèo nhưng có ý chí và một trí khôn rất sắc
sảo.”
Người láng giềng hảo tâm đang nuôi dưỡng em Hiếu không muốn nêu tên khi phát biểu với chúng tôi nói về cô bé bất hạnh:
“Gia
đình thấy cháu một mình tội nghiệp nên giúp, giờ nó bé quá có một mình
ai nuôi nó, tiền bạc không có, bố mẹ bị bắt, nên chúng tôi làm phước
nuôi cháu. Cháu học rất giỏi. Tôi cũng đề nghị ủy ban xã cho cháu xin
miễn học phí được hai năm nay. Các thầy cô giáo thỉnh thoảng cũng cho
cháu được mấy chục ký gạo. Năm nay sắp tới đây cháu sắp được học bổng.
Chúng tôi nuôi cháu nó ăn học. Sách vở vì cháu học giỏi nên năm nào cũng
được trường cho. Lúc nhận cháu về nuôi tôi cũng đang công tác trên xã,
tôi đề nghị ủy ban quan tâm đến cháu tí. Các ông ấy bảo anh làm phúc thì
anh cứ nuôi, chúng tôi có nói gì đâu. Tôi đề nghị ủy ban xã giúp đỡ
cháu vì hoàn cảnh cháu vậy, nhưng chẳng thấy họ giúp đỡ gì cũng chịu.
Tôi xin xã với các thầy cô quan tâm cháu tí, nhưng cuối cùng chỉ có các
thầy cô quan tâm thôi chứ trên ủy ban thì cũng chỉ biết vậy thôi.”
Trái
với hình ảnh một cô bé ốm yếu 11 tuổi, trò chuyện với chúng tôi là một
Cẩm Hiếu thông minh, ăn nói chững chạc, chín chắn rất nhiều so với độ
tuổi vô tư, thơ dại của em.
Hiếu kể về nghịch cảnh gia đình mình:
“Ba
mẹ con có vay tiền của ông Tuyên. Lúc đó hoàn cảnh gia đình khó khăn,
tới ngày hẹn ông Tuyên vào đòi, nhà con chưa trả được. Ông dẫn theo mười
mấy người vào nhà con xiết đất. Từ đó mẹ con mới đi thưa kiện, rồi mẹ
con bị bên thi hành án đấu giá bán đất của nhà con trong khi nhà con
không có mặt ở nhà. Bên thi hành án đấu giá đất nhà con là 90 triệu/ha
mà giá đúng tới 350 triệu/ha lận. Họ đấu như vậy là không đúng giá. Hơn
nữa khi đấu giá không có mặt gia đình con ở đó, cũng không có chữ ký của
ba mẹ con. Ba mẹ con không chịu nên tiếp tục thưa kiện. Hôm đó, ông
Tuyên tới và giữa ông với mẹ con xảy ra xung đột và nhà con đánh nhau
với ông ấy. Nhà con không có tiền, còn ông Tuyên có thế lực nên đã đẩy
gia đình con vào tù. Tòa chỉ xử mỗi việc nhà con đánh ông Tuyên. Còn
việc ông Tuyên lấy đất nhà con sai pháp luật thì tòa không xử. Khi ba mẹ
con bị bắt rồi, có lúc con tự bắt xe đò lên Văn phòng Dòng Chúa Cứu Thế
để cầu cứu cha Thoại. Con cũng có điện tới Phòng Tiếp Dân của công an
tỉnh nhưng họ bảo họ không biết việc này, chỉ có công an huyện mới biết
thôi. Mỗi lần đi thăm nuôi ba mẹ con cũng có lên công an huyện và lâu
lâu con cũng có ghé bên Viện Kiểm sát. Họ không tiếp. Con có lên Tòa án
để gặp thẩm phán và sang bên công an huyện để nộp đơn xin tại ngoại cho
ba mẹ con. Họ nói sẽ trả lời mà nay hơn 1 tháng rồi vẫn chưa thấy trả
lời con. Khi ba mẹ con bị bắt, con cũng có gọi điện thoại lên công an
tỉnh và tòa án tỉnh để hỏi, nhưng họ bảo họ không biết. Có nhiều lần con
điện cho chú trực tiếp điều tra ba mẹ con, nhưng chú nói việc này do
cấp trên chỉ đạo chú thôi. Rồi nhiều lần sau con điện chú không nghe máy
nữa. Nhà ông Tuyên có những người quen trên đó nên họ sẽ không bao giờ
quan tâm đến gia đình con. Mẹ con lúc trước từ năm 2009 cũng đã có gửi
nhiều đơn lên đó lắm mà họ cũng không trả lời. Vì ba mẹ con, con làm,
nếu con cố gắng nhất định con sẽ kêu oan được cho ba mẹ của con. Chỉ cần
mình đủ can đảm và niềm tin, mình sẽ làm được. Gia đình con bị oan, yêu
cầu tòa xem lại tất cả mọi việc và đưa ra xét xử đúng với luật pháp
công lý.”
Khi được hỏi cảm nghĩ của em về công lý, cô bé lớp 6 không ngần ngại nhận xét:
“Có
quyền lực và có tiền thì sẽ mua được những thứ đó và họ bắt buộc những
người nghèo phải chịu thiệt thòi. Cho nên mình cần phải dũng cảm, kiên
cường để chống chọi lại những áp lực mà những người giàu đã gây ra cho
mình.”
Chưa
biết hành trình đi tìm công lý của cô bé hiếu thảo này kết cục sẽ ra
sao và đúng-sai được phân minh thế nào, dù trong phiên phúc thẩm hồi
tháng 10 năm ngoái, Tòa án Nhân dân huyện Bù Đăng đã tuyên hủy án sơ
thẩm để điều tra xét xử lại.
Theo linh mục Thoại, tuy đây là một tín hiệu đáng mừng hiếm thấy nhưng những diễn tiến sau đó không hứa hẹn một điều khả quan:
“Vấn
đề của Hiếu liên quan đến tố tụng và chèn ép giữa những người có chức
quyền đối với những người thấp cổ bé miệng. Tòa án của tỉnh Bình Phước
đã tráo trở bằng cách tại tòa thì họ tuyên khác, nhưng sau đó ra văn bản
thì họ lại ra văn bản hoàn toàn khác với nội dung tuyên ở tòa, bất lợi
cho ba mẹ bé Hiếu. Sự khác biệt đó cho thấy nó đã được chỉ đạo sau phiên
tòa phúc thẩm. Tuy là hủy án sơ thẩm nhưng họ vẫn tiếp tục giam ông bà,
không cho tại ngoại điều tra trong khi hoàn cảnh của ông bà đủ điều
kiện để tại ngoại điều tra, không cần thiết phải dùng biện pháp ngăn
chặn mạnh như tạm giam vì ông bà không có nguy cơ bỏ trốn. Chúng tôi đã
gửi văn thư đề nghị cho ông bà được tại ngoại điều tra nhưng họ phớt lờ,
làm cho trại tạm giam có điều kiện tiếp tục dùng nhục hình, bức cung,
ép cung. Dù hủy án, điều tra lại nhưng tôi nghĩ kết quả cũng không khả
quan lắm, do sự chỉ đạo của một cấp nào đó đối với bản án của phiên tòa
phúc thẩm. Tình trạng tư pháp ở Việt Nam rất tệ. Luật sư cũng chẳng có
vai trò gì so với hệ thống tòa án, Viện Kiểm sát, và cơ quan điều tra.
Ba nơi này mà họ cấu kết với nhau, toa rập với nhau với án bỏ túi thì,
như rất nhiều trường hợp khác, mình chỉ làm được động tác là lên tiếng
cho người ta thấy được sự oan ức của những trường hợp này mà thôi. Chúng
tôi hỗ trợ cho cháu từ đầu tới giờ. Bây giờ thì hy vọng sự lên tiếng
của các cơ quan truyền thông về trường hợp này để vụ án không bị bức
cung, ép cung một lần nữa.”
Cẩm
Hiếu tin rằng có ý chí quyết tâm theo đuổi tới cùng thì mơ ước sẽ trở
thành hiện thực. Mong sao em sớm toại thành ước mơ sum họp gia đình và
tìm thấy công lý để nụ cười hồn nhiên được trở lại trên gương mặt ngây
thơ trĩu nặng ưu phiền của em.
Trà Mi
http://www.voatiengviet.com/content/be-gai-11-tuoi-di-tim-cong-ly-cho-ba-me/2611287.html
Trà Mi
http://www.voatiengviet.com/content/be-gai-11-tuoi-di-tim-cong-ly-cho-ba-me/2611287.html
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen