Đi Di Linh là để thăm tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh, nhà đấu tranh công đoàn nổi tiếng vừa ra khỏi nhà tù, đi Đà Lạt là để thăm viếng những nhà phản biện lão thành Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh, Bùi Minh Quốc, Bảo Cự, Huỳnh Nhật Tấn, Huỳnh Nhật Tân là những kẻ sĩ mà nhiều người ngưỡng mộ, thế tại sao có Tân Phú vào đây? Tân Phú là địa danh nào?
Tân Phú là quận Tân Phú của Sài Gòn, quận mới thành lập từ cái sự tách ra từ quận Tân Bình. Chuyến du hành của tôi bắt đầu từ quận Tân Phú nầy vào trưa ngày 28.6.2014, khi được mời dự đám cưới của hai bạn trẻ trong nhóm No- U Sài Gòn.
Cô dâu, chú rễ và các bạn trẻ trong các nhóm dân sự |
Một đám cưới đẹp như vậy thì không thể nào không đi dự dù tôi chỉ nhận được lời mời qua một tin nhắn trên mạng. Sau nầy, khi đến dự đám cưới thì mới hay rằng phần lớn khách mời đều nhận thiệp qua tin nhắn như tôi vì lý do muốn tránh né sự quậy phá của bọn giả danh côn đồ. Đất nước sao mà cùng khổ, đến hạnh phúc chính đáng của đôi trẻ cũng phải che dấu...Mà che dấu cũng phải vì tại tiệc cưới tôi đã gặp rất nhiều anh chị em trẻ thường xuất hiện trong các cuộc biểu tình chống Tàu cộng, nhiều anh chị em trong nhóm No U, nhóm Nhặt Rác, nhóm Cà Phê Nhân Quyền, nhóm Con Đường Việt Nam, một số cựu tù nhân lương tâm như Nguyễn Hữu Cầu, Phạm Minh Hoàng, Phạm Bá Hải, Đinh Nhật Uy, Nguyễn Phương Uyên, Nguyễn Trung Nam...và cả phụ huynh của các tù nhân lương tâm trẻ như mẹ Kim Liên của Uy- Kha, mẹ Nhung của Nguyễn Phương Uyên...Mọi người có dịp gặp nhau đông đủ nên rất vui trong ngày vui của Châu Văn Thi - Nguyễn Thảo Chi, lại càng vui hơn khi nghe tin Đỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do đã về gần đến nhà tại Di Linh. Nhưng rồi nỗi buồn lâu dài về sự hèn nhục của đất nước trước hành vi côn đồ của bọn xâm lược dần dần át đi niềm vui nhất thời. Những bài hát yêu nước lại vang lên trong tiệc cưới thay cho những bài chúc tụng chung chung...Ai đó đã cất vang bài hát Việt Nam Tôi Đâu của Việt Khang và mọi người cùng hát theo...
Tuyến Xích Lô, người đàn ông không bán nước cũng có mặt trong tiệc cưới, đứng giữa nhà báo Trương Minh Đức và anh |
Sắp tàn tiệc, thấy một nhóm anh em trẻ vẫn còn đang xúm lại bàn chuyện, tôi hỏi, có gì mới không? Ngày mai đi Di Linh thăm Minh Hạnh, anh có tham gia không? Sao lại không?
Thế là sáng sớm ngày 29.6.2014 tôi có mặt trên chuyến xe đò Sài Gòn- Di Linh cùng với mọi người đi thăm Minh Hạnh.
Nhóm chúng tôi gồm nhà báo Trương Minh Đức, ông Hoàng là cha của tù nhân lương tâm Nguyễn Hoàng Quốc Hùng (bị tù cùng vụ án với Đoàn Huy Chương và Đỗ Thị Minh Hạnh), cựu TNLT Phạm Bá Hải, cựu TNLT Phan Thanh Hải, Lê Quốc Quyết (em trai TNLT Lê Quốc Quân), Huỳnh Công Thuận và tôi. Khi lên xe đi chúng tôi mới hay tin từ tối qua, nhóm các bạn trẻ Hoàng Dũng, Peter Lâm Bùi, Miu Mạnh Mẽ, Gió Lang Thang đã đón xe đi từ trước và hiện đang có mặt tại nhà Minh Hạnh.
Mãi đến hơn 2 giờ chiếu chúng tôi mới đến được Di Linh, Lâm Đồng. Thị trấn cao nguyên mưa lất phất, nhà Minh Hạnh không xa trung tâm bao nhiêu nhưng chúng tôi phải đi taxi vì ướt, lạnh. Xe đỗ trước cổng nhà, một cô gái tròn trỉnh, tươi tắn chạy ào ra chào đón chúng tôi. Đó là Đỗ Thị Minh Hạnh.
Minh Hạnh không cao lắm, lại đột ngột tăng cân một cách khó hiểu từ hai tháng trước ngày được tự do nên trông khá mập tròn, không còn hình dáng thon mãnh như trong các bức ảnh chụp trước đây khi chưa vào tù. Tuy vậy, khuôn mặt rạng ngời, nụ cười tươi tắn và ánh nhìn tự tin đã cuốn hút sự tin tưởng của mọi người ngay từ giây phút đầu tiên mới tiếp xúc.
Trước những câu hỏi vồ vập của mọi người, Minh Hạnh chậm rãi, từ tốn và rất mạch lạc kể lại câu chuyện trong tù cho mọi người nghe. Hạnh đưa cảm xúc của mình vào từng mạch chuyện, khi vui, khi buồn, lúc căm giận, lúc khinh bỉ...nhưng luôn biết kìm nén để không sa quá đà vào sự bi lụy thái quá trước cảnh thương tâm của bạn tù hoặc sự căm phẫn đến tột cùng trước những hành vi tàn ác đê tiện. Hạnh kể chuyện bị hành hạ tinh thần và vật chất trong tù, chuyện gian khó đấu tranh với lực lượng cai tù, chuyện đấu tranh và khuất phục với đám đông thường phạm bị cai tù giật dây uy hiếp và hành hung Hạnh, chuyện chuyển trại, chuyện gặp gỡ bạn bè đồng chí trong tù, chuyện tiếp xúc với phái đoàn nhân quyền nước ngoài vào thăm. Trong các câu chuyện, Hạnh thường xuyên nhắc đến các bạn tù đồng cảnh ngộ và toát lên mối quan tâm lo lắng đến hoàn cảnh của từng người.
Ánh mắt Hạnh rạng rỡ, giọng Hạnh lộ ra sự tin yêu tự hào khi nói về Tạ Phong Tần. Hạnh kể: Chị Tạ Phong Tần chuyển đến trại Xuân Lộc với Hạnh được vài ngày thì Hạnh phải chuyển ra Hà Nội. Nhưng chỉ vài ngày mà chị Tần đã truyền cho Hạnh một nguồn cảm hứng và một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng. Những giờ tập trung chung, hai chị em đã bắt lên những bài hát đấu tranh để các bạn tù khác cùng hát theo, đó là những bài hát hừng hực khí thế đấu tranh đã có từ trước hoặc những bài do Hạnh mới sáng tác trong tù. Hạnh kể, chị Tần là một phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường, luôn đứng lên đấu tranh trực diện với các giám thị về mọi sự sai trái và bất công trong lao tù. Hạnh nói đầy vẽ tự hào và tin yêu: "Mỗi lần chị Tần nói lý lẽ, các giám thị chỉ còn nước cúi đầu im lặng lắng nghe, không cãi lại được một lời. Và chính vì vậy mà chị Tần còn phải bị hành hạ lâu dài. Nhưng không sao. Những chuyện ấy không ăn thua gì với chị"
Một người, dưới mắt chúng tôi, đầy tự tin, rất kiên cường và mạnh mẽ như Minh Hạnh mà mến phục Tạ Phong Tần đến như vậy thì ắt hẳn Tạ Phong Tần phải là người như thế nào. Qua những gì biết về tính cách của Tạ Phong Tần, chúng tôi hoàn toàn tin vào những gì Minh Hạnh kể, để từ đó vững tin rằng, ngay trong chốn lao tù khắc nghiệt, các tù nhân lương tâm vẫn kiên cường tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh khốc liệt cho công lý và lẽ phải.
Hạnh nhiều lần cố nén nước mắt khi kể về hoàn cảnh của tù nhân lương tâm Mai Thị Dung. Chị Dung là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo theo phái chân truyền bị kết án 11 năm tù giam vì không chịu khuất phục và nhận tội theo qui chụp của cơ quan chức năng. Hạnh kể, sức khỏe chị Dung ngày càng suy kiệt, chị mang đủ thứ bệnh trong người sau khi vào tù, chị nằm liệt giường, vệ sinh tại chỗ, không tự đi lại được. Hạnh luôn tìm mọi cơ hội để giúp đỡ và chắm sóc chị. Hạnh phải thường xuyên vào bưng bô đi đỗ và giúp chị Dung làm vệ sinh. Hạnh không chống lại việc lao động, nhưng vì chị Dung, Hạnh tuyên bố với trại tù Thanh Xuân: Nhà nước bắt tôi ở tù thì phải lo cho tôi ăn chứ không phải tôi phải tự lo ăn bằng lao động của mình. Tôi dứt khoát không đi lao động. Hạnh đấu tranh như vậy để được ở nhà chăm sóc cho chị Dung. Trước đây một tháng, khi Hạnh được thông báo sẽ được trả tự do, Hạnh nêu lên ý kiến: Tại sao lại trả tự do cho tôi trong khi chị Dung đang bệnh tật nặng nề cần phải ra ngoài chữa trị lại không trả tự do cho chị? Hạnh nhiều lần đòi hỏi trả tự do cho chị Dung về chữa bệnh. Hạnh nói, Hạnh vừa vui nhưng vừa đau buồn khi cầm tờ quyết định ra tù vì hạnh lo lắng Hạnh ra rồi không còn ai lo lắng chắm sóc cho chị Dung. "Bỏ chị ấy ở lại một mình, lòng Hạnh đau như cắt, nhưng không biết làm sao. Hạnh nguyện với lòng, khi ra tù sẽ dành thời gian đấu tranh cho chị Dung"
Chỉ gặp được Minh Hạnh trong vài tiếng đồng hồ, trong không khí tấp nập người ra kẻ vào thăm viếng chào hỏi làm Hạnh không có nhiều thời giờ để chuyện trò, chưa kể liên tục có những cuộc điện thoại từ nước ngoài xin phỏng vấn, nhưng những điều tôi muốn viết về cô gái kiên cường nầy thì phải cần rất nhiều trang giấy. Tuy nhiên xin dừng tại đây, hãy để sự cảm nhận chân thực về Minh Hạnh qua một số video clip mà các bạn ghi được dưới đây.
Rất nhiều bạn bè đến thăm khi Minh Hạnh vừa về đến nhà |
Những lẵng hoa và các món quà từ các nơi gởi đến chúc mừng Minh Hạnh |
Hai người cha: Bác Ty cha của Minh hạnh và bác Hoàng cha của Quốc Hùng |
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen