Thứ ba, 1 tháng 7, 2014
Thủ tướng Shinzo Abe đã thúc đẩy thay đổi trong chính sách an
ninh
Nội các Nhật Bản hôm 1/7 thông qua
thay đổi lớn trong chính sách an ninh của nước này, mở đường cho việc
quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài.
Theo hiến pháp của Nhật, Tokyo bị cấm sử
dụng vũ lực để giải quyết xung đột, trừ trường hợp phòng vệ.
Nhưng việc diễn giải lại luật sẽ cho phép
"phòng vệ tập thể" - dùng vũ lực để bảo vệ các đồng minh bị tấn
công.
Các nhà lập pháp của liên minh cầm quyền
thông qua thay đổi trên vào sáng thứ Ba và nội các sau đó cũng có
bước đi tương tự trong cùng ngày.
Thủ tướng Shinzo Abe đã thúc đẩy mạnh mẽ
cho thay đổi này, ông lập luận rằng Nhật cần phải thích nghi với môi
trường an ninh đang thay đổi ở vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ - quốc gia mà Nhật Bản có quan hệ
đồng minh về an ninh từ hàng chục năm qua - cũng sẽ hoan nghênh bước đi
này, tuy nhiên, Trung Quốc, nước vốn đang có quan hệ căng thẳng với
Tokyo, sẽ rất tức giận.
Quyết định này cũng gây nhiều tranh cãi ở
ngay trong nước Nhật.
Hôm Chủ Nhật, một người đàn ông tự thiêu
ở trung tâm Tokyo để phản đối.
'Không cứu vãn'
Một người đàn ông đã tự thiêu tại trung tâm Tokyo hôm
Chủ Nhật phản đối việc thay đổi chính sách quân sự
Ông Abe hồi tháng Năm đã hậu thuẫn cho thay
đổi, sau khi ban cố vấn của ông ra bản phúc trình khuyến nghị thay đổi
luật quốc phòng.
Nhật thông qua bản hiến pháp hòa bình sau
khi đầu hàng hồi Thế chiến II. Kể từ đó, binh lính Nhật không tham gia
vào các hoạt động chiến đấu, dẫu cho có một nhóm nhỏ tham gia các
hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Nhật lâu nay giữ quan điểm rằng theo luật
quốc tế, Nhật có quyền phòng vệ chung, nhưng cũng cho rằng không thể
thực thi được quyền đó do những hạn chế trong hiến pháp.
Ban cố vấn của ông Abe khuyến nghị rằng
nếu Nhật diễn giải lại hiến pháp để cho phép được phòng vệ chung,
thì các điều kiện sẽ được áp dụng nhằm đảm bảo sức mạnh sẽ không
bị lạm dụng.
Hôm thứ Hai, hàng ngàn người đã tham gia
biểu tình phản đối tại Tokyo.
Những người chỉ trích ông Abe sợ rằng đây
sẽ là bước đi đầu tiên tiến tới việc sửa đổi chính thức hoặc xóa
bỏ Điều 9 Hiến pháp, là điều khoản tuyên bố từ bỏ chiến tranh.
"Tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi bây giờ không
chặn chính phủ ông Abe thì sẽ không thể cứu vãn được," Étuo Nakashima,
32 tuổi, nói với hãng tin Reuters.
Nhưng những người khác tin rằng bản hiến
pháp là di tích hậu chiến mà Hoa Kỳ áp đặt lên Nhật Bản, hạn chế
việc Tokyo được có các hoạt động bình thường của một quốc gia hiện
đại.
Trung Quốc, nước hiện đang có tranh chấp
lãnh thổ gay gắt với Nhật, lên tiêng phản đối thay đổi, cáo buộc Nhật
"tái quân sự hóa" trong thời ông Abe.
Nay, nội các đã chuẩn thuận bước đi; các
sửa đổi pháp lý sẽ phải được quốc hội thông qua. Nhưng với việc diễn
giải lại thay vì sửa đổi hiến pháp, ông Abe tránh được việc cần có
trưng cầu dân ý.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen