http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/178347/mang-chung-cu-chu-quyen-hoang-sa--di-tay-.html
Giáo
sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc kể chuyện: có những chứng cứ, bằng chứng
được chính người xem triển lãm cung cấp thêm cho Ban Tổ chức triển lãm,
và những tài liệu đó rất có giá trị.
Giấy chứng sinh của người dân trên đảo Hoàng Sa
Cái được của những cuộc triển lãm do Bộ Thông tin Truyền thông tổ
chức, theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, là vô giá: không chỉ người dân trong
nước mà bạn bè quốc tế cũng hiểu, từ đó ủng hộ chân lý, Hoàng Sa -
Trường Sa là máu thịt, là chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Ông Ngọc cũng không giấu niềm tự hào, hạnh phúc, đó là chính những
người dân đi xem triển lãm, đã cung cấp thêm cho BTC những bằng chứng,
tư liệu mà họ đang gìn giữ, để "dầy dặn thêm" bộ hồ sơ pháp lý của chúng
ta.
Ông Ngọc kể: Sau triển lãm tại T.P Hồ Chí Minh, một người dân đã
cung cấp cho chúng tôi Giấy chứng sinh của một người sinh ra ở Hoàng Sa
vào năm 1939, có giấy chứng sinh, có con dấu của chính quyền trên đảo
Hoàng Sa khi đó xác nhận.
Giấy chứng sinh ấy, thực ra chỉ là một thủ tục tư pháp rất nhỏ và
đơn giản, nhưng nó cho thấy được đời sống dân sự ở thời điểm đó là rất
cao, rất đáng được đánh giá; tổ chức dân sự ở Hoàng Sa thời điểm đó cũng
đã rất chặt chẽ, có tổ chức... Qua những tư liệu như thế chúng tôi càng
thấy rõ hơn được chủ quyền của ta đã được thực thi một cách đầy đủ và
trọn vẹn ở Hoàng Sa.
Giấy chứng sinh đó thuộc về bà Mai Kim Quy - công dân trên đảo
Hoàng Sa, sinh năm 1939. Mặc dù chỉ còn là một hiện vật cũ kỹ do thời
gian làm cho ố màu, tuy nhiên, những thông tin chính về một công dân
Việt Nam được chính quyền sở tại xác nhận về sự ra đời của công dân này
vẫn còn nguyên vẹn, đầy đủ.
Giấy chứng sinh của một công dân trên Hoàng Sa do người dân cung
cấp sau khi Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức triển lãm tại TP. Hồ Chí
Minh. Ảnh: Kiên Trung.
|
Thông tin trên giấy chứng sinh: Họ và tên em bé: Mai Kim Quy; giới
tính: Nữ; con ông Mai Xuân Tập, (là cha, nhân viên Khí tượng) và bà
Nguyễn Thị Thắng (mẹ, làm nghề nội trợ).
Tên người làm chứng thứ nhất: Nguyễn Tăng Chuẩn, bác sỹ Đông Dương; người làm chứng thứ hai: Đỗ Đức Mai, GĐ Đài Phát thanh.
Người đại diện ký tên dưới giấy chứng sinh này là Chauvet (Đại diện
phái đoàn ở đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, thuộc nước An Nam).
Sau khi tiếp nhận hiện vật này, sau triển lãm tại TP Hồ Chí Minh,
giấy chứng sinh của bà Mai Kim Quy - công dân Việt Nam được sinh ra trên
đảo Hoàng Sa đã có mặt trong các buổi triển lãm tại các tỉnh thành trên
cả nước.
Đi Tây để mang thêm chứng cứ pháp lý chủ quyền về Tổ quốc
Một tài liệu quý giá khác mà ông Ngọc vừa được tiếp cận, qua các
đồng nghiệp, học trò của ông từ Pháp gửi về. Đó là Bộ Atlas thế giới,
Bruxelles- 1827 do nhà địa lý học kiệt xuất Philippe Vadermaelen
(1795-1869), thành viên Hội địa lý Paris, chủ biên, trong đó có bản đồ
thể hiện quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bằng nghiệp vụ và kinh nghiệm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhận định:
đây là một tài liệu quan trọng, có cơ sở pháp lý rất cao khẳng định chủ
quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, thời điểm đó
(tháng 3/2014), GS Ngọc đề nghị tôi, "hãy chưa vội thông tin về điều
đó".
Sự cẩn trọng của GS Ngọc, dường như là để tất cả mọi việc được trọn
vẹn và hoàn thiện nhất, để thông tin trên được đăng tải một cách long
trọng nhất, xứng đáng với giá trị của tài liệu đó.
Và, ngày 13/5/2014, Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức buổi lễ
long trọng tiếp nhận tư liệu quý giá này: Bộ Atlas thế giới, Bruxelles-
1827 của nhà địa lý học kiệt xuất Philippe Vadermaelen (1795-1869).
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thầm định chứng cứ lịch
sử, pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: Kiên Trung
|
Bộ Atlas Thế giới gồm 6 tập với 7 bản đồ chung của 5 châu lục, 381
bản đồ chi tiết, 40 trang bảng thống kê và nhiều thông tin về địa lý tự
nhiên, chính trị, khoáng sản. Bộ Atlas được hoàn chỉnh trên cơ sở những
tấm bản đồ tốt nhất thế giới lúc đó, cùng những thông tin từ quan sát
thiên văn hay những chuyến du hành ở nhiều nơi trên trái đất và được vẽ
thống nhất theo tỷ lệ 1/1641836, kích thước 53,5 x 37 cm, có thể được
ghép lại thành quả địa cầu đường kính 7,55m.
Đây thực sự là một cột mốc lớn đánh dấu giai đoạn phát triển trội
vượt của công nghệ vẽ và in bàn đồ hiện đại ở đầu thế kỷ XIX. Đã gần 200
năm nay, bộ Atlas đã trở nên hết sức nổi tiếng, được khai thác sử dụng ở
nhiều nước trên thế giới.
Đích thân GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc trực tiếp đi châu Âu thẩm định
và đã có trao đổi với các học giả quốc tế về tính chân thực của bộ Atlas
thế giới này.
Tại buổi công bố, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đã trình bày chi tiết về nội dung tập Atlas và các bản đồ.
Bản đồ các nước châu Á gồm 111 tấm, được xếp chủ yếu trong tập hai
của bộ Atlas. Việt Nam khi đó được giới thiệu thông qua các tấm bản đồ
số 97, 105, 106, 110. Partie de Cochinchine là tờ số 106, vẽ
đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16. Phía ngoài
khơi, PARACELS (Hoàng Sa) được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng
vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111 (theo kinh tuyến Paris).
Quần đảo PARACELS trong bản đồ có các đảo Pattles, Duncan ở phía
Tây; Tree và Lincoln, Rocher au desus de l'eau (Bãi đá ngầm) ở phía Đông
và Triton ở phía Tây Nam, ngay dưới vĩ độ 16; Investigateur ở sâu phía
nam khoảng vĩ độ 14,5. Bên cạnh khu vực được xác định là PARACELS, bản
đồ có một bản giới thiệu tóm tắt về Đế chế An nam (Empire d'An-nam).
Tiếp liền Parite de la Cochinchine ở phía trên là tấm số 98 mang tên Partie de la Chine
trong khoảng vĩ độ 18 - 21 và kinh độ 105 - 114 (kinh tuyến Paris) vẽ
khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam, cho biết biên giới cực Nam của Trung
Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18. Tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập kỷ
đầu thế kỷ XX trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với bản đồ phương
Tây không hề vẽ lãnh thổ của Trung Quốc vượt xuống dưới vĩ độ 18. Điều
này không chỉ phản ánh tính khách quan, chuẩn xác của bộ Atlas, mà còn
góp phần làm tăng thêm giá trị minh chứng chủ quyền của Việt Nam ở
Paracels đã được thể hiện trong Partie de la Cochinchine.
Bắt đầu từ thế kỷ XVI đã có một số bản đồ phương Tây vẽ về khu vực
Đông Ấn có đánh dấu địa danh Paracels (Hoàng Sa) ở giữa Biển Đông và khu
vực bờ biển phía Tây Paracels (bờ biển miền Trung Việt Nam) được đánh
dấu là Costa de Paracels (bờ biển Hoàng Sa). Bước sang thế kỷ XVII và
nhất là thế kỷ XVIII, nhiều bản đồ đã thể hiện rõ ràng vị trí, đặc điểm
địa lý và mối quan hệ chủ quyền Paracels với khu vực Đàng Trong, tuy vậy
hầu hết các bản đồ này vẫn xếp Paracels vào chung khu vực Đông Ấn.
Phải đến đầu thế kỷ XIX, khi Vương triều Nguyễn được thành lập với
sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam một cách đầy đủ, thật sự theo đúng
nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ được phương Tây thừa nhận và ca ngợi, bản đồ
Phương Tây mới chính thức xác nhận quần đảo Paracels nằm trong phạm vi
lãnh thổ Việt Nam và thuộc về nước Việt Nam.
Partie de la Cochinchine là bản đồ đầu tiên đã được vẽ một
cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên
gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo
Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchinelà một bộ phận hữu
cơ không thể tách rời của Đế chế An nam, minh chứng một cách rõ ràng và
chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels đã được quốc tế ghi nhận.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết: bộ Altlas thế giới của Philippe Vandermaelen nói chung và Partie de la Cochinchine
nói riêng xét trên mọi khía cạnh đều có thể được coi là một tài liệu vô
giá không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học chuẩn mực của công cuộc
tuyên truyền giáo dục về chủ quyền biển đảo, mà còn là một bằng chứng
hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công
cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt
Nam.
"Nhờ có đồng nghiệp ở Paris mà chúng tôi có được những thông tin
đầu tiên về bộ Atlas, được Bộ TT&TT (mà trực tiếp là Cục Thông tin
đối ngoại) tạo điều kiện cho chúng tôi mở rộng khai thác nhiều nguồn
thông tin liên quan, chuẩn bị cho chuyến đi khảo sát ở châu Âu. Ông Ngô
Chí Dũng, Tổng giám đốc công ty Dược phẩm ECO đã tài trợ kinh phí cho
chúng tôi tiến hành khảo sát 5 bộ Atlas ở các thư viện quốc gia Pháp,
Bỉ, thư viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, thư viện trường Đại học Y Paris; thảo
luận và thống nhất đánh giá với các chuyên gia địa lý học, bản đồ học,
Sử học, Luật học, Thư viện học ở Paris, Bruxelles để có cơ sở xác định
bộ Atlas thế giới ở Gent là bộ gốc xuất bản tại Bruxells năm 1827. Sau
đó khi có được những
thông tin quan trọng này, ông quyết định mua trọn bộ 6 tập Atlas Thế
giới để làm dày dặn thêm cơ sở lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt
Nam ở Paracels" - ông Ngọc thông tin tại buổi hội thảo.
"Trong Bộ Atlas này các đường biên giới, các phạm vi lãnh thổ, lãnh
hải được phân định rõ ràng, mạch lạc và rất dễ nhận biết. Nếu thấy có
gì cần phải xác minh thì có thể nhanh chóng kiểm tra trên mạng hay trực
tiếp nghiên cứu các bản gốc được lưu trữ trong nhiều thư viện, kho sách ở
châu Âu, châu Mỹ và bây giờ là ở Hà Nội, Việt Nam" - GS.TS Nguyễn Quang
Ngọc khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết bộ Atlas được Bộ TT&TT tiếp
nhận là bộ tài liệu quý góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối
với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đây cũng là thực hiện chủ trương
của Chính phủ, Bộ TT&TT sẽ cùng các bộ ngành, người dân tích cực
sưu tầm các tài liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo
Trường Sa và Hoàng Sa.
|
Di Linh
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen