Thùy Dương
Cảnh sát Trung Quốc giám sát an ninh trước cửa một đền thờ Hồi Giáo
của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày
26/06/2017.Johannes EISELE / AFP
Về thời sự châu Á, vụ Trung Quốc trấn áp người Duy Ngô Nhĩ là đề tài được báo Libération quan tâm. Tờ báo cho biết « Người Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc thừa nhận có các trại giáo dục ». Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc luôn phủ nhận mạnh mẽ sự tồn tại
của các trại bí mật giam giữ người Hồi Giáo ở Tân Cương, mặc dù nhiều tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông
nước ngoài đã thu thập được nhiều chứng cớ. Tuy nhiên, trong tuần
qua, đảng Cộng Sản Trung Quốc đột nhiên thay đổi thái độ.
Bắc Kinh tìm cách thanh minh việc giam giữ khoảng 1 triệu người,
chủ yếu thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và đề xuất sửa đổi bổ sung luật « chống chủ nghĩa cực đoan ». Các văn bản sửa đổi này nhằm hợp pháp hóa việc sử dụng « các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp » để « giáo dục và cải đổi » những người bị ảnh hưởng bởi « hệ tư tưởng cực đoan » và để tạo cho họ « cơ hội có việc làm ».
Theo nhiều tường thuật và các cuộc điều tra, hiện có khoảng 10% dân số thuộc các sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi trong vùng Tân Cương bị cầm giữ trong các trung tâm giam giữ trái
phép. Các vệ tinh đã ghi được hình ảnh về các trung tâm này. Lấy cớ là
đấu tranh chống khủng bố, chính quyền Trung Quốc tùy tiện bắt giữ
công dân ở mọi lứa tuổi và bắt ép họ học « tư tưởng Tập Cận Bình ».
Mọi biểu hiện về niềm tin tôn giáo, tôn trọng truyền thống địa
phương hoặc có liên hệ với người nước ngoài đều có thể bị coi là
dấu hiệu « cực đoan hóa » và « có thiện cảm với khủng bố ».
Chỉ cần có một hành động kiểu như đặt tên con là Medina, Mohammed,
để râu dài, có nhiều dao, không chỉnh đồng hồ theo giờ Bắc Kinh, từ
chối nghe đài phát thanh Nhà nước … là đủ để một người Duy Ngô Nhĩ
bị bắt giam.
Với luật chống tập tục kiêng cữ được coi là hợp quy theo đạo Hồi,
được thông qua hôm thứ Hai tuần trước, danh sách những điều mà
chính quyền cấm đoán vốn đã dài nay còn nhiều hơn nữa. Các quan
chức đảng viên ở tỉnh Tân Cương còn nhận được lệnh tuyên thệ trên
mạng xã hội là tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lê, giương cao ngọn cờ
và đấu tranh đến cùng chống « halal », vì « halal » dễ khiến người ta « sa vào chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ».
Đúng là trong những năm gần đây, nhiều nhóm người Duy Ngô Nhĩ đã tiến hành nhiều
vụ tấn công khủng bố, hàng trăm người Trung Quốc theo đạo Hồi đã
gia nhập tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria, nhưng phần lớn các vụ bắt giữ ở Tân Cương lại liên quan đến các
công dân bình thường. Khi những người này bị bắt đột ngột, con cái họ bị tách ra khỏi cha mẹ và bị gửi vào trại trẻ mồ côi. Từ nhiều ngày nay, có nhiều nguồn tin khẳng định những hàng loạt
người Hồi Giáo bị giam giữ đã bị đưa đến các nhà tù ở các vùng xa
xôi, hẻo lánh khác ở Trung Quốc, bằng tàu lửa hoặc máy bay.
Hôm thứ Bảy vừa qua, một trong những quan chức cấp cao nhất của
đảng Cộng Sản Trung Quốc, khi tới thăm Tân Cương, đã phát biểu bênh
vực tiến trình « Hán hóa » là nhằm « khuyến khích tình đoàn kết giữa các sắc tộc và sự hòa hợp tôn
giáo ». Tuy nhiên, theo Libération, một trong những mục tiêu của tiến
trình này là triệt tiêu ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ, vốn gần
giống tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và có chữ viết theo ký tự Ả Rập.
Về phản ứng của quốc tế, Libération cho biết các nước và các tổ
chức quốc tế đã giữ im lặng trong suốt nhiều tháng, nhất là vì các
biện pháp kiểm duyệt và răn đe người Duy Ngô Nhĩ khiến các chính
phủ và tổ chức không kiểm chứng được thông tin.
Lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa các trại giam
nói trên là vào tháng 08/2018. Hôm thứ Sáu tuần trước, các nghị sĩ Hoa Kỳ cũng ra một báo cáo dài
về « sự trấn áp chưa từng có » nhắm vào sắc tộc Hồi Giáo thiểu số ở Trung Quốc. Theo họ, sự trấn
áp này có thể trở thành « tội ác chống nhân loại ».
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen