Văn Lan/Người Việt
01-05-2018
WESTMINSTER, California (NV) – Buổi hội thảo tưởng niệm Tháng Tư Đen với chủ đề “43 năm: quá khứ, hiện tại và tương lai qua cái nhìn của giới trẻ” (43 Years: The Past, the Present, and the Future Through the Eyes of the Youth) do Ban Liên Lạc Các Hội Đoàn Giới Trẻ Việt Nam tổ chức vào chiều Chủ Nhật, 29 Tháng Tư, tại phòng hội trong khuôn viên Westminster City Hall, 8200 Westminster.
“Ngày 30 Tháng Tư, năm 1975 là ngày
chiến tranh Việt Nam kết thúc, là ngày Sài Gòn thất thủ, là ngày tất cả
Việt Nam theo chế độ Cộng Sản. Ba má, anh chị em, và bạn bè rời khỏi
đất nước quê hương để tìm tự do, và sinh ra cộng đồng người Việt hải
ngoại. 43 năm sau, chúng em nhớ qua cội nguồn và hiểu biết hiện tại để
cải thiện tương lai.”
Đó là lời khai mạc buổi hội thảo do sinh
viên Sarah Quỳnh Giang, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam
Califoria, trưởng ban tổ chức phát biểu.
Tiếp theo, sinh viên
Nguyên Nguyễn cho hay: “Hàng năm tổng hội đều tổ chức hội thảo này để
tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư, và ngày càng có đông giới trẻ tham gia. Mục
đích buổi hội thảo là để tạo mối dây liên kết giữa thế hệ đi trước và
giới trẻ gốc Việt tại Mỹ, nghe và hiểu được một cách đúng đắn về lịch sử
Việt, trong đó có chiến tranh Việt Nam và để giới trẻ được nghe kinh
nghiệm của những người đã đi qua cuộc đấu tranh cho tự do.”
Buổi hội thảo diễn ra qua 3 phần chính:
1- Từ quá khứ cho đến 1975. Ông Nguyễn Phục Hưng giải thích về sự hình
thành của quốc gia VNCH cho đến giai đoạn phải bỏ nước ra đi.
2-
Hiện tại, dính liền với những gì mà thế hệ trẻ hiện nay đang quan tâm.
Đề tài được trình bày thuộc về tâm lý (Mental Health) do Bác Sĩ Xuyến
Matsuda, thuộc Southland Integrated Services, Inc, nói về trong gia đình
có ông bà cha mẹ mang nặng tâm lý chiến tranh, ảnh hưởng đến cuộc sống
hàng ngày của các em ra sao, tâm lý của các em sống trong gia đình như
thế nào.
3- Tương lai, trong cái nhìn của giới trẻ ngày nay. Các
em muốn thấy gì trong tương lai, sự sinh hoạt chung của nhiều thế hệ,
hoặc các em muốn hội nhập trong sinh hoạt cộng đồng, nhất là dấn thân
vào dòng chính nhiều hơn nữa để phục vụ cho những lý tưởng cao đẹp.
Sau phần hội thảo là các em trẻ và những vị cao niên cùng nhau chơi trò
“Gió Thổi, Gió Thổi” để hoán đổi vị trí từng người trong một vòng tròn
thật lớn. Sau đó chia thành 2 nhóm cùng ngồi với nhau để nghe những kinh
nghiệm, những chuyện kể từ những thế hệ ông bà cha mẹ. Ngược lại các em
sinh viên, học sinh cũng đựợc dịp trình bày những tâm tư tình cảm của
mình.
Bác Sĩ Xuyến Matsuda cho biết: “Buổi hội thảo hôm nay mục
đích là giúp cho các thế hệ trẻ sinh ra tại Mỹ hiểu được những gì mà thế
hệ cha anh đã trải qua trong cuộc chiến Việt Nam. Sau năm 75 chuyện gì
đã xảy ra, như đi tù cải tạo, vượt biên, những mất mát và hội nhập,… đó
là những chấn thương tinh thần rất lớn cho thế hệ ông bà cha mẹ của các
em.”
“Khi hiểu được, các thế hệ trẻ sẽ cảm thông những vết thương
lòng của ba mẹ mình ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống trong gia đình như
thế nào, nếu các em hiểu được những điều đó thì các em cũng hiểu được
chính mình, nhất là người Việt rất nhiều nghị lực,” Bác Sĩ Xuyến Matsuda
nói thêm.
Bà Frances Nguyễn Thế Thủy, ủy viên giáo dục Học Khu
Westminster, cựu chủ tịch Tổng Hội SVVN Nam California, chia sẻ: “Giới
trẻ ở đây muốn là người Việt chân chính, phải biết tìm hiểu cội nguồn và
lịch sử Việt Nam, tại sao phải bảo vệ lá cờ vàng ba sọc đỏ, tại sao
phải cảm ơn người lính VNCH đã chiến đấu tới phút cuối cùng để chúng ta
có mặt tại đây hôm nay.”
“Bổn phận của nguời đi trước phải đem
những kiến thức, những sách vở đúng sự thật giúp các em học hỏi. Nếu
không các em sẽ hiểu chiến tranh Việt Nam qua lăng kính của những người
phản chiến. Tôi mong rằng buổi hội thảo hàng năm với những nguời rất trẻ
sẽ cùng nhau song hành với những thế hệ đi trước, luôn nhắc nhở và giúp
đỡ các em biết thế nào là người Việt,” bà Thủy nói thêm.
Trong
sự xúc động tột cùng, ông Nguyễn Nam Hà, cựu quân nhân QLVNCH nói: “Khi
nghe các cháu yêu cầu được nghe thuyết trình bằng tiếng Việt và tiếng
Mỹ, cho thấy các em cháu vẫn không quên cội nguồn. Đó là điều quý nhất,
giữ mãi tiếng Việt để chúng ta trở thành một khối duy nhất cộng đồng
Việt Nam trong tương lai.”
Bác Sĩ Mai Khanh cho biết: “Hôm nay là
ngày rất quan trọng cho cộng đồng, để tiếp nối những thế hệ Việt Nam,
giúp con em mình hiểu vì sao Tháng Tư Đen luôn ghi nhớ trong tim. Giới
trẻ nên lắng nghe những chia sẻ từ thế hệ ông cha, nhất là phải biết trở
về cội nguồn qua việc học hỏi thêm tiếng Việt, văn hóa Việt và phục vụ
cộng đồng ngày càng tốt hơn.”
Em Nhân Lê, học sinh trung học
Westminster cho hay: “Hồi ở trong nước, em hoàn toàn không biết gì về
ngày 30 Tháng Tư. Khi Qua Mỹ dự những hội thảo này mới biết rằng nếu
không có Tháng Tư Đen, em sẽ có một đời sống và học hành tốt hơn ở Việt
Nam. Hiện tại em có ước mơ học thật giỏi, có việc làm nuôi gia đình,
nhất là làm được nhiều điều có ích cho xã hội.”
Sinh viên Nguyên
Nguyễn thuộc đại học UCLA, cho biết: “Nhiều nguời trong gia đình em phải
ra đi khỏi đất nước để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Lúc nào em cũng suy
nghĩ nếu không có ngày 30 Tháng Tư thì em có phải sống ở Mỹ không, hay
vẫn sống ở Việt Nam với những ước mơ cao đẹp. Em muốn làm những hội thảo
này thật nhiều cho lịch sử, giúp ghi nhớ trong ý nghĩ của các đàn em
mình sinh ra ở Mỹ được hiểu đúng sự thật về ngày này.”
Nói với
phóng viên nhật báo Người Việt, Nghị Viên Thu Hà Nguyễn, thành viên ban
tổ chức cho hay: “Ngày càng đông giới trẻ tham gia hội thảo tưởng niệm
Tháng Tư Đen, các em muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình nhiều hơn, đó
là những thay đổi rất tốt trong cộng đồng. Các thế hệ đi trước truyền
đạt lại những trải nghiệm, những hiểu biết cho thế hệ tiếp nối, giúp các
em gốc Việt hiểu được tại sao các em lại ở Mỹ, với lòng tự hào mình là
người Việt, và ngày càng dấn thân nhiều vào dòng chính tại Hoa Kỳ.”
Đến dự hội thảo Tháng Tư Đen có các vị dân cử, các bậc trưởng thượng,
các hội đoàn và các sinh viên học sinh và giới trẻ cùng tham gia sôi
nổi. (Văn Lan)
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen