Mittwoch, 18. April 2018

TRUYỆN HAI HÌNH ẢNH 1 ĐỜI NGƯỜI .

                                               Trong hình ảnh có thể có: 4 người, ngoài trời
Thầy này giỏi quá! từng là chú Tiểu rồi đi lính thứ dữ, lấy vợ rồi bỏ hết đi
Tu lại, bây giờ đang trụ trì một chùa ở Ottawa và đang lấy PhD!
DX.
Nhà sư Thích huệ Quang , người bạn cùng khóa 4/71 với tôi , ông tên là Ngô nhựt Tân , cũng có duyên gặp lại và cùng nhau trao đổi trên diễn đàn của Groups ,
Cũng như các bạn đồng môn vẫn gọi tôi là Ara và tôi vẫn tiếp tục gọi lại tên tục của thầy
Gởi các bạn xem bài viết "Hai hình ảnh. Một đời người" của Biệt cách 81 dù Ngô nhựt Tân.
Ara
Hình 1 – Chân dung Thầy Huệ Quang

Hình 2 – Đại Đội 4 Xung kích/LĐ81BCD
(BKT ghi chú: người đầu tiên trong ảnh này là MĐ Ngô Nhựt Tân,
hiện nay là Nhà Sư Huệ Quang trong ảnh số 1 bên trên)
Hình 3 - Ngôi Chùa nơi Thầy Huệ Quang đang giảng về đạo Phật
Từ cuộc đời của một Chú Tiểu đến tuổi bút nghiên, sang đời binh nghiệp, đánh giặc, anh hùng mạt lộ bị bắt làm tù binh, rồi vượt ngục, vượt biên lưu vong làm bố xắp nhỏ... và sau cùng trở thành nhà Sư Phật Giáo. Nhất định Thầy Huệ Quang có rất nhiều kinh nghiệm cuộc sống. Thầy sẽ hoan hỷ chia sẻ với mọi ACE cựu quân nhân chúng ta nói riêng và những ai thích thú nghe về những chia sẻ của Thầy..., những kinh nghiệm mà Thầy đã từng trải và sự hiểu biết về Đạo Phật của Thầy trên trang web Quân Nhân Phật giáo này.
Kính mời Quý vị theo dõi đôi dòng Tiểu sử của chính nhà Sư Huệ Quang chia sẻ về cuộc đời của ông. Trân trọng. –BKT
Lời Tác Giả:
Tôi rất vui mừng khi được một người bạn mời đóng góp cho trang tôn giáo, tiết mục Phật giáo, trên website của Gia đình Mũ đỏ vùng Thủ đô Hoa Thịnh đốn & Phụ cận,
Trước khi bắt đầu cho những bài viết sắp tới, tôi xin được nói về bản thân mình, điều mà rất hiếm khi tôi thường nói đến. Vì tôi nghĩ, nói về Nhảy dù mà bản thân chẳng có một ngày nào sống trong binh chủng này, hay nói về Tae Kwon Do mà không biết tí gì về võ thuật, hay nói về kỹ thuật nhảy toán mà chưa một ngày mang huy hiệu thám sát của Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, thì khi nói đến ai mà tin. Vì vậy tôi phải nói một ít về bản thân, tạo niềm tin cho đọc giả với những bài viết về Phật giáo sau này.
Tôi sanh ra tại Phan Thiết. Năm 8 tuổi mẹ cho vào chùa tu học, “để tránh cho con khỏi đi lính sau này,” bà nói với tôi như thế. Cha tôi là một cán bộ tập kết lúc tôi vừa tròn một tuổi, theo chân Hồ Chí Minh với một ước vọng điên rồ là đẩy đất nước vào thiên đường xã hội chủ nghĩa.
Trong đời tu hành, tôi may mắn gặp được một vi minh sư, thầy Thích Châu Đức, giảng sư tỉnh hội phật học Phan Thiết. Thầy tôi thuộc dòng Thiên Minh, Huế, đệ tử của Hòa thượng Thích Quảng Huệ, nên đặt pháp danh cho tôi là Quảng Hạnh. Tôi gọi Hòa thượng Thích Mãn Giác, hội chủ Tổng hội Phật giáo VN tại Hoa Kỳ, là sư bác. Ôn mất năm 2009. Thầy tôi có một lời nguyền là không bao giờ nhận đệ tử, nhưng vì mẹ tôi có công với đạo pháp -- bà giúp việc phật sự cho chùa nhiều năm và chính thức vào sống hẳn trong chùa từ năm 1968 -- thầy đã nhận tôi làm người đệ tử duy nhất. Tôi được đưa về làm điệu tại chùa Thiên Minh, ngoài Huế, nên tôi đọc kinh rất ư là Huế và rành rõi việc kinh kệ và tán tụng.
Năm 1966 thầy gửi tôi vào tu học tại Phật học viện Hải Đức Nha Trang, tại đây tôi được cạo cái chỏm tóc mà tôi rất ư là ghét và đã thọ sa di giới trong một đại giới đàn do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết chứng minh.
Năm 1968 tôi rời viện vào Sài Gòn tiếp tục việc học.
Năm 1970 tôi chính thức bỏ áo tu và
Năm 1971 gia nhập khóa 4/71 Thủ Đức/Sĩ Quan Trừ Bị-QLVNCH.
Ngày 29 tháng 7 năm 1972 tôi mãn khóa, mang cấp bậc chuẩn úy và phục vụ tại Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù.
Tháng 1 năm 1975, tôi thuyên chuyển về Sư Đoàn Nhảy Dù, phục vụ tại Tiểu Đoàn 5, Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù cho đến ngày đơn vị tan hàng tại mặt trận Khánh Dương. Tôi chạy vào được gần Phan Rang thì bị bắt và nhốt tại trại cải tạo Cà Tót.
Năm 1978 tôi cùng một số lớn tù cải tạo được tạm thả và được đưa về Phan thiết điều trị bệnh, vì quá nhiều tù nhân đã chết vì một chứng bệnh kỳ quái không tên khi ở trong khu rừng thiêng nước độc Cà tót. Khi được lệnh triệu tập của VC để trở lại học tập cải tạo, tôi đã cướp ghe và cùng một số cựu quân nhân vượt biển, đến được bờ tự do sau bốn ngày lênh đên trên biển Thái Bình Dương.
Tháng 12 năm 1978 tôi định cư tại Canada.
Năm 1979 tôi lấy vợ và có hai con, một trai một gái.
Tôi trở lại sinh hoạt với chùa chiền năm 1980 vì dân tỵ nạn tại Ottawa cùng góp công góp của xây chùa, nhưng không ai biết kinh kệ một cách chuyên nghiệp như tôi. Tôi làm trong nghành computer sau khi học xong college. Tôi dốt về kỹ thuật lắm nhưng phải chịu đấm ăn xôi để đem pay cheques về cho vợ nuôi các con. Biết mình sẽ không sống sót lâu trong lãnh vực điện toán, tôi túc ta túc tắc lấy courses ban đêm, năm 2002 tôi hoàn tất được cử nhân tâm lý. Vợ con lúc này cũng khá ổn định về nghề nghiệp và học vấn, tôi xin phép vợ đi tu. May thay, mặc dù là một người công giáo gốc, bà hỗ trợ cho việc trở lại con đường tu tập của tôi. Tôi phục vụ cộng đồng một thời gian và nhờ tìm tòi nghiên cứu, tôi thấy mình thích hợp với truyền thống nguyên thủy hơn là đại thừa. Tôi khăn gói đi Miến Điện (Myanmar tức nước Burma cũ) thọ tỳ kheo giới bên đó, lưu lại tu học cho đến khi thầy cho phép trở lại quê nhà Canada để trao truyền lại pháp môn thiền định Vipassana theo truyền thống Miến Điện.
Năm 2014, tôi học xong cao học nghành Tôn giáo và Chính trị.
Năm 2016 tôi nhận được học bổng để theo học PhD Khoa Chính trị tại đại học Carleton. Hiện nay, tôi vừa học vừa dạy về chính trị cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ nhì cũng tại đại học Carleton, Ottawa, Canada (http://carleton.ca/polisci/ people/tan-ngo). Ngoài ra, tôi cũng đang dạy thiền và phật pháp cho phật tử tại chùa Tích Lan. Riêng ngôi chùa Từ Ân là nơi tôi đang sinh hoạt thường xuyên, ngoài việc lo cho phật tử việc kinh kệ và thiền định, tôi còn phụ trách việc giảng dạy cho sinh viên và học sinh trung học thường xuyên đến chùa để tham khảo và nghiên cứu về đạo Phật.
Theo Triết học về Tôn giáo (Philosophy of Religion, William L. Rowe, second edition, Wadsworth Publishing, 1993), từ khi có con người, vì cảm thấy mình quá nhỏ bé, và khiếp sợ thiên nhiên, nên ở đâu cứ thấy núi thì thờ thần núi, sông thì thờ thần sông, hễ thấy cái gì ngoài tầm hiểu biết thì cứ thế mà thờ lạy. Tôn giáo vì thế, không thể tồn tại ngoài con người vì từ con người mà ra. This exists because that exists.
Trong Phật giáo có câu “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác,” có nghĩa là ta phải tìm Phật pháp ngay trong cuộc sống của chúng ta, nếu bỏ thế gian này để đi tìm sự giác ngộ thì chẳng thể nào tìm ra được. Nói đến đạo Phật chúng ta cần phải nghĩ đến cái gọi là Buddhism Engagement, có nghĩa là đạo Phật đi vào cuộc đời. Đạo Phật không thể tồn tại được nếu chúng ta cứ theo một khuôn mòn lối cũ; đó là ê a tụng niệm kinh kệ bằng tiếng Hán. Đạo Phật cũng không thể phát huy bên Tây phương được nếu cứ nhìn đạo Phật qua một lăng kính mê tín dị đoan.
Đạo Phật rất đơn giản. Sự giác ngộ nằm trong tầm tay của người thực hành, và ngay trong cuộc sống hàng ngày. An lạc và hạnh phúc có mặt chung quanh chúng ta; hàng ngày, hàng giờ chúng ta nhìn nhưng không thấy được chúng. Một phật tử hỏi tôi “tại sao con cứ khổ hoài trong khi con đi chùa thường xuyên và bố thí nhiều lắm, có phải điều Phật dạy khó thực hành lắm phải không thầy?” Tôi trả lời, chúng ta không làm được điều Phật dạy vì điều ngài dạy đơn giản quá. Chúng ta có khuynh hướng đi tìm những điều linh thiêng hay phép mầu từ chư Phật để cầu xin. Phật thua xa David Copperfield, một nhà ảo thuật lớn mà thế giới ai cũng biết tên, vì ngài không làm được những điều của Copperfield. Ngài không thể ngồi một chỗ búng hay khảy móng tay, móng chân và làm cho chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới như chúng ta thường nghe mấy thầy giảng dạy, cho dù có nhiều vị cũng cố giảng nghĩa qua một lăng kính khác, để phật tử nghe dễ chấp nhận hơn. Ngài chỉ thở, nhưng thở từ ngày này qua ngày khác, tháng nọ sang tháng kia, với một sự tỉnh thức trong từng giây phút. Phật đã dạy một con đường đơn giản, nhưng chúng ta không chịu đi, chỉ vì chúng ta còn nhiều ham muốn trong cuộc đời. Nếu có người chịu đi thì họ lại thiếu kiên nhẫn hay thiếu nỗ lực bỏ dở nửa chừng. Tôi thường nhắc nhở phật tử “đạo Phật là đạo để nếm chứ không phải đạo để nói.” Có nhiều người nói rất văn hoa, trôi chảy vì đạo Phật cho họ những điều kiện tốt để họ nói, nào là kinh, luận này luận nọ, nào là duy thức tông, nào là hoa nghiêm tông, nào là thiền tông. Nhưng khi nói động đến họ thì họ nổi cơn tự ái như một kẻ điên. Mớ lý thuyết của đạo Phật mà họ đọc được tự dưng biến mất, lúc ấy chẳng có gì ngoại trừ một cái ngã to tướng...
Tôi nói với những người Phật tử Tích Lan: “có một cái thước để đo sự tu tập của quý vị. Nếu ai nói động đến quý vị mà quý vị nổi điên lên hay chỉ một chút bực mình nhỏ, quý vị nên nhận biết là quý vị đã tu sai rồi và phải bắt đầu trở lại từ con số không. Nếu nhận biết mình không hờn giận khi người khác nói động đến mình, đừng tự mãn, phải tiếp tục con đường tu tập vì đường tu tập giống như đi ngược dòng nước, nhiều chông gai và nặng nề lắm.” Nếu các bạn muốn đi tìm một vị thầy để nương tựa tu tập, không cần phải đi tìm một cao tăng, nhưng hãy tìm một thanh tịnh tăng.
Hẹn mũ đỏ thư sau và mong thân tâm an lạc.
Mọi thư từ, ý kiến hay thắc mắc xin gửi thư về huequangqh@gmail.com, tôi sẽ trả lời thư chung trên tiết mục dành cho Phật giáo. Sẽ trả lời thư riêng nếu có yêu cầu.
Thích Huệ Quang
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

1 Kommentar:

  1. Đọc vào toàn thấy lời lẽ tuyền truyền phản động không, sống bao nhiêu năm không đóng góp được một cái gì cho đất nước chỉ thấy ăn rồi đi phục vụ cho giặc, không hiểu bọn mày có thể thẹn lòng không

    AntwortenLöschen