Mittwoch, 28. März 2018

Nguyên nhân, hậu quả của 'đòn hội đồng' phương Tây nhắm vào Nga


Son Cao

Nguyên nhân, hậu quả của 'đòn hội đồng' phương Tây nhắm vào Nga
Mỹ và các đồng minh châu Âu đang thực hiện đòn đáp trả ngoại giao lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh nhắm vào Nga. Ảnh: AOL.
Mỹ và 22 đồng minh ở châu Âu vừa trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga trong một phản ứng được ví như "đòn đáp trả hội đồng" lớn nhất từ trước tới nay trước việc Moscow bị cáo buộc thực hiện vụ đầu độc cựu đại tá tình báo Sergei Skripal ở Anh, theo BBC. Động thái này được dự đoán sẽ tạo nên cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea.
Theo bình luận viên Jonathan Marcus của BBC, đây được coi là một chiến thắng ngoại giao đối với Thủ tướng Anh Theresa May, người luôn cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ ám sát khiến cựu điệp viên Skripal và con gái nguy kịch vì trúng chất độc thần kinh tại vùng Salisbury hôm 4/3. London yêu cầu Moscow đưa ra lời giải thích, nhưng Điện Kremlin phớt lờ và tuyên bố Nga không liên quan gì tới vụ đầu độc.

Chính phủ Anh sau đó không tiếp tục công khai chỉ trích kịch liệt Nga mà tìm cách dựa vào các diễn đàn đa phương như Liên minh châu Âu (EU), NATO, Liên Hợp Quốc và Tổ chức Cấm phổ biến Vũ khí Hóa học (OPCW) để đưa ra các bằng chứng và củng cố lời cáo buộc của mình.
Chính sách kiên nhẫn của bà May cuối cùng cũng được đền đáp. Hơn ba tuần sau khi vụ đầu độc diễn ra, các đồng minh của Anh đã chấp nhận quan điểm của London rằng việc sử dụng chất độc thần kinh cấp quân sự Novichok trong vụ ám sát ở Salisbury "khả năng cao" là do Nga thực hiện.
Donald Tusk, chủ tịch EU, cho biết tổ chức này quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau một cuộc họp hồi tuần trước về vụ đầu độc ở Salisbury, đồng thời cảnh báo "các lần trục xuất khác trong khuôn khổ EU không bị loại trừ trong những ngày tháng tới".
Bộ Ngoại giao Mỹ thì tuyên bố quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga là kết quả của "vụ tấn công nhắm vào đồng minh Anh khiến nhiều người vô tội gặp nguy hiểm tính mạng và ba người bị thương nghiêm trọng, trong đó có một cảnh sát".
Một quan chức chính quyền Trump tuyên bố hành động này giúp nước Mỹ an toàn hơn "vì giảm khả năng hoạt động gián điệp của Nga đối với người Mỹ cũng như năng lực thực hiện các điệp vụ ngầm đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ".
Theo Marcus, lần trục xuất đồng loạt lớn kỷ lục kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh này là một màn thể hiện tình đoàn kết đáng kể giữa Mỹ và các thành viên EU với Anh, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ giữa Anh với EU đang trở nên căng thẳng vì các cuộc đàm phán Brexit.
Bình luận viên này cho rằng đây là đòn đáp trả tập thể của phương Tây với mức độ đoàn kết mà Tổng thống Nga Vladimir Putin không ngờ tới được. Nga từ lâu luôn coi Anh là một quốc gia yếu ớt và ngày càng bị cô lập, trong khi EU thì đang bị chia rẽ và chính sách đối ngoại của Mỹ bị ảnh hưởng bởi quan điểm thân thiện với Nga của Tổng thống Donald Trump.
Điều này chứng tỏ Putin đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng và nó cũng cho thấy chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump đã có sự thay đổi lớn về chính sách đối ngoại, đặc biệt là khi Nhà Trắng đang chứng kiến sự thay đổi nhân sự rất lớn với việc Giám đốc CIA Mike Pompeo trở thành Ngoại trưởng và chính trị gia có quan điểm diều hâu John Bolton được bổ nhiệm làm tân Cố vấn An ninh Quốc gia.
Giới quan sát cho rằng tân Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hẳn không xa lạ gì với các hoạt động tình báo, gián điệp của Nga sau thời gian nắm quyền ở CIA, trong khi Bolton từ lâu đã ủng hộ việc Washington thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Moscow.
Tác động
Bình luận viên Robin Wright của New Yorker thì cho rằng cuộc trục xuất hàng loạt này là một thông điệp đầy mạnh mẽ của phương Tây gửi tới ông Putin rằng Nga không thể tấn công một đồng minh của họ mà không hứng chịu đòn đáp trả từ số còn lại.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc trục xuất các nhà ngoại giao luôn là con dao hai lưỡi. Khi Mỹ trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Moscow cũng có thể đáp trả bằng cách trục xuất nhân viên đại sứ quán, lãnh sự quán của Washington, dẫn tới cả hai bên đều đánh mất ảnh hưởng lẫn nhau.
Mỹ tuyên bố giáng đòn mạnh vào năng lực tình báo của Nga khi đóng cửa lãnh sự quán ở Seattle, nơi có một căn cứ tàu ngầm của hải quân Mỹ và một nhà máy sản xuất máy bay của Boeing. Việc Mỹ trục xuất 12 nhân viên ngoại giao Nga tại phái bộ Liên Hợp Quốc ở New York cũng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động tình báo của Nga, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Về tổng thể, tình báo Nga sẽ là cơ quan hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đòn đáp trả hội đồng này của phương Tây, khi một "thế hệ điệp viên" của Moscow có thể đã bị trục xuất khỏi các đại sứ quán trên khắp châu Âu, theo Paul Adams, bình luận viên của BBC. "Điều này sẽ khiến Nga gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin tình báo và tuyển mộ điệp viên, ít nhất là trong tương lai trước mắt", Adams nói.
Tuy nhiên, chính các công dân Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng từ đòn đáp trả này. Người Mỹ muốn xin thị thực đến Nga giờ đây sẽ phải đi xa hơn khi lãnh sự quán ở Seattle bị đóng cửa, bởi lãnh sự quán Nga ở San Francisco cũng đã bị buộc phải ngừng hoạt động hồi tháng 8/2017 sau vụ Nga trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump trong cuộc gặp năm 2017. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump trong cuộc gặp năm 2017. Ảnh: Reuters.
Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, cho rằng việc nhắm vào các điệp viên Nga có thể là hành động chính đáng, nhưng đóng cửa lãnh sự quán Nga lại phản tác dụng. "Đối tượng chịu hậu quả chính là những công dân Mỹ muốn xin visa đến Nga", McFaul nói. "Tôi không cho rằng việc hạn chế tiếp xúc giữa người Nga và người Mỹ là ý tưởng hay".
Chiến dịch trục xuất hàng loạt này cũng xóa tan những kỳ vọng về khả năng cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ, vốn được nhen nhóm sau khi Tổng thống Trump gọi điện chúc mừng người đồng cấp Putin tái đắc cử tuần trước.
"Đây là cái kết của một ảo mộng về cuộc đàm phán lớn với Putin, điều mà ông Trump đã ấp ủ bấy lâu nay", William Burns, chủ tịch Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov thì gọi đây là hành động "khiêu khích" của Mỹ và nhấn mạnh "Còn rất ít thứ sót lại trong quan hệ Nga – Mỹ". Nga sau đó cũng đăng lên Twitter để thăm dò ý kiến về việc đóng cửa các lãnh sự quán Mỹ ở nước này.
Đáp trả
Paul Saunders, chuyên gia tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, cho rằng Nga chắc chắn sẽ không cảm thấy bị thuyết phục bởi cái cớ mà phương Tây đưa ra khi tung đòn trừng phạt quy mô lớn. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Anh chưa đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho thấy Nga đã sử dụng Novichok trong vụ đầu độc Skripal.
Theo Saunders, quyết định trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga chỉ hợp lý khi Washington chứng minh được rằng Moscow đã thực hiện vụ đầu độc, chứ không phải dựa vào cáo buộc "khả năng cao" của London. "Tôi tin rằng Nga là nghi phạm đáng ngờ nhất, nhưng giữa nghi ngờ và chứng minh cáo buộc có sự khác biệt rất lớn", ông nói.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia tin rằng Nga có lý do để đáp trả hành động này của phương Tây. Các biện pháp đáp trả của Moscow có thể châm ngòi cho nguy cơ nổ ra cuộc đối đầu toàn diện tại những điểm nóng toàn cầu, nơi lợi ích của Nga xung đột với phương Tây, chẳng hạn như trên chiến trường Syria.
Theo Nina Khrushcheva, cháu gái của cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và đang là giảng viên tại trường New School ở New York, căng thẳng giữa Nga và phương Tây sẽ nhiều khả năng sẽ leo thang thành "Chiến tranh Lạnh tăng cường", ít nhất là trong ngắn hạn.
"Putin luôn muốn giành thế thượng phong và không bao giờ chịu từ bỏ. Ông ấy không chịu lùi bước. Ông ấy sẽ tìm điểm yếu của đối phương để tung đòn phản công mạnh gấp 10 lần những gì ông ấy vừa hứng chịu", Khrushcheva nhận định.
Nga có thể tung ra những đòn đáp trả mạnh mẽ hơn nhắm vào phương Tây, chẳng hạn như rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, cản trở hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, trục xuất nhiều nhà ngoại giao hơn, thậm chí là cả nhà báo nước ngoài. "Tư duy của Putin là nước Nga sẽ luôn hùng mạnh, ngay cả khi bị phương Tây trừng phạt, thậm chí là lâm vào khó khăn", bà Khrushcheva nói.
Matthew Rojansky, chuyên gia về Nga tại Trung tâm Wilson, cảnh báo rằng Nga có thể thực hiện thêm các biện pháp trả đũa ngoài trục xuất nhà ngoại giao Mỹ. "Nguy cơ leo thang không chỉ đến từ các biện pháp ăn miếng trả miếng", ông nói. "Moscow có thể có những động thái quyết liệt hơn trên không gian mạng, hoặc trên chiến trường Trung Đông".
"Giữa Nga và phương Tây giờ đây đang là trò chơi thách đố mà không ai chịu nhượng bộ", nhà ngoại giao kỳ cựu người Mỹ Tom Pickering cho biết.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài, Putin sẽ phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình. Nước Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, cuộc can thiệp quân sự ở Syria ngốn nhiều tiền của, khiến Moscow khó có thể tiếp tục một cuộc Chiến tranh Lạnh khác với phương Tây, theo William Taylor, cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine.

1 Kommentar:

  1. Mỹ nó nhiều đồng minh nên gây nhiều khó khăn cho nga, nhưng mình tin tưởng outin sẽ đủ sức chống lại mỹ trong cuộc chiến không cân sức này, chúng tôi tin ông, nhân dân nước nga tin ông

    AntwortenLöschen