Có thể hiểu “deadline” thực sự cho trữ lượng dầu khai thác ở Việt Nam chỉ được khoảng 3 năm nữa, tức đến năm 2021 - trùng với kỳ đại hội đảng lần thứ 13, nếu còn có đại hội này.
“Tin mừng”
“Móng mỏ Bạch Hổ còn quanh quẩn 10 triệu tấn, tối đa chỉ khai thác được
4-5 năm nữa thôi”, ông Từ Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Vietsovpetro -
thông báo “Tin mừng” tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam (PVN) vào đầu tháng 2/2018.
Điều đó có nghĩa là ngay cả
mỏ Bạch Hổ - cung cấp sản lượng lớn nhất, chiếm hơn 60% sản lượng của
PVN từ xưa đến nay - đã vào giai đoạn suy kiệt.
Thông tin trên
rất dễ khiến giới chóp bu Việt Nam mất ngủ, cho dù họ đã thừa biết thực
trạng “thiếu ăn” đó, khi hầu hết các mỏ dầu ở Việt Nam đều đã khai thác
trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm
sản lượng tự nhiên.
Cũng phá sản “tầm nhìn đến năm 2030” của ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vào năm 2010 - 2011, PVN và chính phủ của ông Dũng đã hết sức lạc quan
khi ước tính trữ lượng dầu của Việt Nam đủ để khai thác đến năm 2030.
Nhưng chỉ vài năm sau đó khi tốc độ khai thác được đẩy mạnh gấp đôi,
“deadline” cho trữ lượng dầu lại được gia giảm đến năm 2025.
Còn bây giờ thì chẳng còn ai nói đến “năm 2030” nữa.
Trong hai năm trở lại đây, “deadline” mới đã được thiết lập: trữ lượng dầu chỉ còn đủ để khai thác trong 4 -5 năm.
Nhưng “deadline” trên cũng chỉ mang ý nghĩa hết sức tương đối. 3 năm
khai thác tối đa là khoảng thời gian có thể dễ hình dung hơn.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải tiếp tục thăm dò để gia tăng trữ lượng dầu khí…
Nhưng theo báo cáo của PVN, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2017 đạt
thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra. Mục tiêu đề ra trong
nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng
cộng là 28-42 triệu tấn/năm) thì năm 2016, 2017 PVN đều không hoàn thành
và đạt thấp hơn nhiều (năm 2016 đạt 16,66 triệu tấn quy dầu và năm 2017
đạt 4,0 triệu tấn quy dầu). Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời
gian dài và đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự
nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30%.
2017 là năm gia tăng trữ
lượng dầu khí thấp nhất từ trước đến nay, chỉ đạt 4 triệu tấn dầu, thấp
nhất lịch sử. Một quan chức của PVN là Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường
Sơn phải thừa nhận: “trước đây hàng năm, PVN khoan 30-40 giếng thăm dò,
chi phí tốn từ 2-2,5 tỷ USD, gia tăng được 35-40 triệu tấn quy dầu. Thế
nhưng, từ 2015 trở lại đây, đầu tư của ta và nước ngoài chỉ đâu đó
400-500 triệu USD cho tìm kiếm thăm dò, giảm 5 lần so với trước”.
2015 cũng là một năm “lịch sử” dành cho ngân sách Việt Nam.
Khoảng trống toang hoác ngân sách
Sau tiết lộ chấn động “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà
không biết chi cho cái gì” của Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Bùi Quang
Vinh vào cuối năm 2015, tình hình ngân sách chính phủ (bao gồm cả ngân
sách đảng cầm quyền) chưa bao giờ quay quắt như những năm sau đó.
Đến đầu năm 2017, chính tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra
lời cảnh báo “sụp đổ tài khóa quốc gia”. Tình trạng ngân sách cho đến
lúc đó là “khó khăn gấp bội năm 2016” - như tiết lộ của vài chuyên gia
tài chính của chính quyền.
Một trong những “khó khăn gấp bội” như
thế có nguồn gốc từ thực trạng giảm thu trong xuất khẩu dầu thô. Từ năm
2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến
số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt
đến 50.000 - 60.000 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2017, lần đầu tiên sau
nhiều năm ngân sách Việt Nam bị hụt thu trên 3% so với dự toán đầu năm,
phản ánh tình trạng sức khỏe của nền kinh tế, các doanh nghiệp và người
dân đang lao vào suy thoái năm thứ 10 liên tiếp, cùng ngày càng nhiều
phản kháng xã hội nổi lên đối với chính sách thuế “thu cùng diệt tận
giai đoạn cuối” của Bộ Tài chính.
Kết quả thu ngân sách về thực
chất chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu
ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt
tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu
thuế và “bán mình” - tức phải bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để
có tiền trám vào khoảng trống toang hoác của ngân sách quốc gia.
Đó chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp khiến chính quyền Việt
Nam phải tìm mọi cách tăng thu ngân sách, dù lẽ ra họ cần kéo giãn tiến
độ khai thác dầu để “bảo đảm an ninh năng lượng” như những từ ngữ hoa mỹ
và thời thượng hiện nay.
Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm
2017, Chính phủ còn phải nêu ra một đề xuất đặc biệt: gia tăng sản lượng
khai thác dầu thô. Tuy nhiên, phía Ủy ban kinh tế quốc hội lại “lăn
tăn” trước đề xuất này. Lý do đơn giản là trữ lượng dầu thô của Việt Nam
chẳng còn bao nhiêu, do đó “cứ đào lên mà ăn” như tốc độ hiện nay thì
chẳng mấy lúc sẽ hết sạch.
Hy vọng cuối cùng Cá Voi Xanh
Một trong những tiềm năng có thể cứu vãn ngân sách là mỏ khí đốt Cá Rồng
Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính. Nếu Repsol - một công ty Tây Ban Nha
liên doanh với Việt Nam - khoan thăm dò thành công thì ngân sách cùng
chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Nhưng nguồn thu ngoại
tệ từ khí đốt của ngân sách Việt Nam lại bị “đối tác chiến lược toàn
diện” Trung Quốc thẳng tay bóp nghẹt.
Tháng Bảy năm 2017 đã xảy ra “biến lớn” ở mỏ khí đốt trên.
Nhiều nguồn tin quốc tế và trong nước cho biết vào ngày 24/7/2017,
chính quyền Việt Nam đã phải yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của
Repsol ngay tại Bãi Tư Chính - khu vực vẫn được Bộ Ngoại giao chiến đấu
võ miệng “thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam”.
Tâm thế “giương cờ trắng” quá dễ và quá nhanh vào lúc Trung Quốc mới chỉ
tung một đòn phủ đầu tâm lý là một bằng chứng không thể rõ hơn: Bộ
Chính trị Hà Nội đã trở nên yếu ớt đến mức bị “người đồng chí 4 tốt” o
ép theo cách có muốn kiếm tiền ngay trong vùng hải phận của mình cũng
không còn được.
Sau thất bại ở Bãi Tư Chính, hy vọng hiếm muộn
còn lại của chính quyền Việt Nam chỉ còn là mỏ khí đốt Cá Voi Xanh ngoài
khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mỏ này có trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối -
nơi mà tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ đã được giới quan
chức Hà Nội bật đèn xanh cho việc chính thức khởi động dự án đầu tư khai
thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh.
Có thể xem mỏ Cá Voi Xanh là dự
án dầu khí lớn nhất của Việt Nam. Dự kiến khai thác khí ở mỏ này sẽ
đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Nhưng lại đang
có những dấu hiệu cho thấy ExxonMobil phải tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi
Xanh do sức ép của Trung Quốc. Kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư
Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên
vùng lãnh hải của mình.
Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang
nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải
nợ quốc tế - lên tới 10 - 12 tỷ USD/năm, và để phục vụ cho nhu cầu nhập
khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 20
tỷ USD là con số rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm
trước “đồng chí tốt” Trung Quốc.
Trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn
mất ăn, một khả năng có thể đã xảy ra Hà Nội một lần nữa phải “cầu viện”
Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Những
chuyến đi con thoi của hai bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch
và James Mattis giữa hai nước, cùng triển vọng một tàu sân bay của Mỹ có
thể hiện diện trong vùng biển Đà Nẵng, mà không phải là Cam Ranh, trong
thời gian tới rất có thể là một động tác phục vụ quan điểm “tăng cường
hơn nữa sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông” nhằm đối trọng với
những sức ép đang gia tăng không ngừng và có thể kích động chiến tranh
từ phía Trung Quốc. Và nhằm bảo vệ ExxonMobil và mỏ Cá Voi Xanh.
Phạm Chí Dũng
Trong
cơn quẫn bách, một khả năng có thể đã xảy ra Hà Nội một lần nữa phải
“cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa
Kỳ. Những chuyến đi con thoi của hai bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô
Xuân...
voatiengviet.com
CHúng mày bị ảo à, chúng mày khó khăn quen ngửa tay xin thằng mẽo chứ đừng có áp cái tư tưởng đấy vào việt nam chứ, tốt nhất là chúng tôi không mướn thì bạn đừng có làm mấy cái việc thừa thãi đấy
AntwortenLöschen