Montag, 23. Oktober 2017

ĐIỀU HỢP THĂNG BẰNG KINH TẾ BẰNG THỊ TRƯỜNG TỰ DO HAY KẾ HOẠCH ĐỘC TÀI

 Giáo sư Tiến sĩ NGUYỄN PHÚC LIÊN, Kinh tế
Geneva, 18.12.2008. Cập nhật Geneva, 05.11.2015
Facebooks :  (1) Phuc Lien Nguyen  & (2) Tudan Tudodanchu


 Thời gian này là lúc hữu ích nhất để viết về vấn đề này. Những người chủ trương một nền Kinh tế tự do và tư nhân lấy Thị trường làm yếu tố điều hợp. Nhưng nhân việc Khủng hoảng Tài chánh/ Kinh tế hiện giờ, một số những người theo Xã hội Chủ nghĩa lại lên giọng đòi sự can thiệp trực tiếp của quyền lực Chính trị vào Kinh tế. Nhân việc Nhà Nước Liên Bang Thụy sĩ quyết định Chương trình Cứu giúp hai Ngân Hàng UBS và CREDIT SUISSE, Đài Truyền Hình TRS1 đưa ra hai hình ảnh: ông Chủ tịch đảng Xả Hội đòi sự can thiệp gắt gao của Nhà Nước vào hai Ngân Hàng, nhưng Oâng Tổng Thống COUCHEPIN ngồi đối diện đã trả lời rằng Nhà Nước không thể ra lệnh cho Ngân Hàng UBS hay CREDIT SUISSE phải cho Công ty này hay Công ty kia vay vốn hoặc ra lệnh cho hai Ngân Hàng phải đầu tư vào Trung quốc. Đây là việc quyết định của Ngân Hàng trong ngành nghiệp chuyên môn của họ.

 Không phải trong dịp Khủng hoảng này, giữa sự va chạm những khuynh hướng Chính trị mà vấn đề Thị trường Cạnh tranh Tư nhân và Tự do mới được thường xuyên đề cập tới, mà chính trong thời gian Khủng hoảng,  phía Tiêu thụ và phía Sản xuất, cả hai mới thấy cái giá trị của việc Điều Hợp Kinh tế của Thị trường Cạnh tranh. Thực vậy, trong hoàn cảnh khan hiếm tiền bạc, thì người tiêu thụ cũng như sản xuất mới căn cơ tính toán từng đồng bỏ ra theo chỉ tiêu giá cả hàng hóa quyết định ở Thị trường cạnh tranh.

Chúng tôi đề cập đến những khía cạnh sau đây:

=>       Thị trường Cạnh tranh tự do là gì

=>       Quyết định dân chủ và tự do của Thị trường

=>       Những can thiệp che chở giai đoạn của Nhà Nước

=>       Giá cạnh tranh của Thị trường là Chỉ tiêu điều hợp


Thị trường Cạnh tranh là gì

Mỗi người sống có những Nhu Cầu cần được thỏa mản, từ nhu cầu nuối sống thân xác, đến những nhu cầu thỏa mãn tình cảm, phát triển trí tuệ, bảo vệ sức khỏe, dự phòng tương lai hoạc cho những tham vọng không hữu lý... Để có thể thỏa mãn những như cầu, cần phải có những sản phẩm hoặc tự mình làm ra hoặc từ những người khác. Nhu cầu càng đa dạng  bao nhiêu, thì số lượng những sản phẩm càng được nhân lên bấy nhiêu. Chúng ta đương nhiên sống ở trong một nền Kinh tế với trao đổi sản phẩm nhằm thoả mãn mọi nhu cầu đa dạng.

Phía có những Nhu cầu cần được thỏa mãn, gọi là phía CẦU (Côté de Demande). Phía sản xuất những sản phẩm nhằm thỏa mãn những Nhu cầu, gọi là phía CUNG (Côté d’Offre).

THỊ TRƯỜNG (Marché) được định nghĩa như là một NƠI, hữu hình hay vô hình, gặp gỡ giữa phía CẦU và phía CUNG để hai bên quyết định một cái GIÁ thỏa thuận trao đổi hàng hóa giữa hai phía. Hữu hình như CHỢ ở đầu làng. Vô hình như Thị trường Chứng khoán.

Trong nội bộ của mỗi phía, phải có sự Cạnh tranh để có thể đạt được những ưu thế cho mình, đồng thời mang đến cái lợi chung cho nền Kinh tế bao trùm cả hai phía. Việc cạnh tranh là điều tối quan hệ cho tất cả mọi sinh hoạt nếu muốn hiệu quả riêng hay chung mỗi ngày mỗi gặt hái được cao hơn. Điều kiện để có Cạnh tranh là mỗi tác nhân Kinh tế phải có quyền Tự do quyết định làm việc. Xin lấy một vài tỉ dụ để giải thích ttính cách tự do cạnh tranh của Thị trường.

Trong thời Pháp đô hộ ở Đông Dương, Thị trường Cao su và Lốp xe không có cạnh tranh tự do. Nước Pháp dành độc quyền cho Hãng MICHELIN mua mủ Cao su tại Đông Dương. MICHELIN sản xuất Lớp xe tại Pháp, rồi lại độc quyền bán Lốp xe hiệu Michelin ở Đông Dương. Vì việc thiếu cạnh tranh này, mà giá mua mủ Cao su rất hạ, đồng thời giá bán lốp xe lại cao. Đây là sự can thiệp của quyền lực Chính trị vào để dành cho MICHELIN độc quyền ở Thị trường Cao su và Thị trường Lốp xe. Giá mua mủ Cao su và Giá bán Lốp là những giá độc quyền chứ không phải những giá có cạnh tranh khả dĩ làm yếu tố điều hợp cho Kinh tế.

Cũng vậy, nếu sản phẩm Điện thoại Lưu động không có sự cạnh tranh của nhiều hãng sản xuất, thì khó lòng có giá cả mỗi ngày mỗi hạ xuống và phẩm chất Điện thoại mỗi ngày mỗi tăng.


Quyết định dân chủ và tự do của Thị trường

Theo định nghĩa như trên, Thị trường là nơi thể hiện tính cách Dân chủ và Tự do của những tác nhân Kinh tế. Mỗi cá nhân, mỗi Tập thể, mỗi Xí  nghiệp tham dự Thị trường đều có quyền tự quyết định về Tiêu thụ hoặc sản xuất của mình và nhất là tự do mặc cả về GIÁ trao đổi trên Thị trường. Trong chủ trương nền Kinh tế Tự do và Thị trường, Nhà Nước cũng chỉ được coi như một tác nhân Kinh tế như mọi cá nhân, mọi Tập thể, mọi Xí nghiệp. Nhà Nước có những nhu cầu tiêu thụ hoặc có những sản phẩm của mình.  Khi tới Thị trường để trao đổi, thì Nhà Nước cũng phải theo tính cách cạnh tranh tự do thuộc lãnh vực Kinh tế. Theo tinh thần ấy, thì Nhà Nước mới có những căn cơ chi tiêu và những dịch vụ của Nhà nước mới mỗi ngày kiện toàn theo cạnh tranh. Lấy một vài tỉ dụ. Tại Hoa kỳ, ở một số Khu xóm, nếu nhân viên an ninh của Nhà Nước không giữ được trật tự tương xứng với tiền thuế mà dân đóng cho việc an ninh, thì Khu xóm có thể thuê riêng nhân viên an ninh tư nhân và xin giảm tiền thuế đóng cho việc này. Cũng vậy, tại Thụy sĩ, về dịch vụ chứng thực giấy tờ, nếu cơ quan công quyền làm việc chậm trễ và lấy giá cao, có thể có dịch vụ tư nhân chứng thực giấy tờ mang cùng hiệu lực mà giá cả lại thấp hơn và mau chóng hơn.

Khi nói đến Dân Chủ và Tự Do, người ta có khuynh hướng hiểu rằng đây là những vấn đề Chính trị, về những tranh chấp giữa người cai trị và dân chúng. Phải hiểu Dân chủ và Tự do thuộc lãnh vực Kinh tế. Gọi là Thị trường cạnh tranh, thì điều kiện quyết định tự do và dân chủ không thề nào không có được. Chúng tôi sẽ có dịp bàn riêng về điểm này trong bài thứ 12 với đầu đề “Dân chủ hóa Kinh tế dẫn đến Dân chủ hóa Chính trị (Démocratisation Economique  Démocratisation Politique)“. Khi cchấp nhận nền Kinh tế Tự do và Thị trường, mà không cho dân chủ và tự do ở Thị trường cạnh tranh, đó là tréo cẳng ngỗng vậy.


Những can thiệp che chở giai đoạn của Nhà Nước

Trong bài thứ 07 thuộc loạt bài Chủ đề này, chúng tôi đã viết về những hậu quả của việc Can thiệp trực tiếp của Nhà Nước đối với giá cả tại Thị trường cạnh tranh. Chúng tôi xin nhắc lại rằng Chủ trương nền Kinh tế Tự do và Thị trường coi quyền lực Chính trị là trung lập, là cảnh sát giữ trật tự (Etat gendarme et neutre). Thực vậy khi mà Môi trường Chính trị—Luật pháp (Environnement Politico-Juridique) được thiết lập cho nền Kinh tế, thí quyền lực Chính trị phải đứng trung lập giữa các Tập đoàn Kinh tế cạnh tranh và canh chừng trật tự cho việc tự do cạnh tranh không vi phạm Luật pháp Kinh tế đã được thiết lập.

Trong trạng thái bình thường của đời sống Kinh tế, Nhà Nước có thể tham dự, nhưng như một tác nhân Kinh tế mà chúng tôi đã giải thích trong đoạn trên đây. Tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt như có biến động Kinh tế như Khủng hoảng hiện nay, thì Nhà Nước có thể can thiệp nhưng trong phạm vi che chở, trợ lực những tác nhân Kinh tế tư nhân, chứ không làm Kinh tế cạnh tranh kiếm lợi nhuận cho Nhà Nước. Có sự khác biệt quan trọng giữa hai ý nghĩa can thiệp này. Thực vậy, khi Nhà Nước can thiệp LÀM KINH TẾ, thì Nhà Nước dễ lợi dụng quyền lực để lấn át các tác nhân Kinh tế tư nhân, làm mất tính cách cạnh tranh dân chủ và tự do của Thị trường. Việc can thiệp của Nhà Nước trong những trường hợp bất thường như Khủng hoảng Kinh tế, phải được hạn hẹp ở phạm vi che chở cho các tác nhân kinh tế tư nhân khỏi bị vỡ nợ hoặc nâng đỡ những tác nhân này có đủ sức cạnh tranh. Nhà Nước không thay thế tư nhân để làm Kinh tế kiếm lợi nhuận riêng cho Nhà Nước. Về phương diện này, CƠ CHẾ hiện hành ở Việt Nam không những vi phạm chủ trương nền Kinh tế Tự do và Thị trường, mà còn hoàn toàn cho phép Độc tài Chính trị cấu kết với Độc quyền Kinh tế. Một CƠ CHẾ như vậy, tất nhiên phá bỏ trọn vẹn tính cách cạnh tranh dân chủ và tự do của Thị trường vậy.


Giá cạnh tranh của Thị trường là Chỉ tiêu điều hợp

Trên các Thị trường trao đổi sản phẩm Kinh tế, thì chỉ có chừng 10% thuộc lảnh vực nhu yếu phẩm gọi là tối thiểu cuộc sống (Minimum vital), còn 90% thuộc những sản phẩm có cũng được, mà không có cũng không sao. Trong số 10% tối thiểu cuộc sống, thì 5% cũng có thể thay đổi, tỉ dụ nếu không có gạo trắng thơm, thì ăn gạo đỏ (ré hoa) cũng sống mà còn chữa bệnh phong thấp. Trong số 90% hàng hóa, thì 50% thuộc xa xỉ phẩm hoặc để thỏa mãn nhu cầu snobisme. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến 90% trao đổi Kinh tế: thỏa mãn tiêu thụ và sản xuất hàng hóa.

Giá cả trên các Thị trường thuộc 90% trao đổi tượng trưng cho những điểm sau đây:

=>       Quyết định đi từ từng cá nhân (tự do) và đúc kết thành nhóm, phong trào (dân chủ). Tì dụ về phía CẦU, giới trè muốn thay đổi Điện thoại sang Iphone; về phía CUNG, các hãng sản xuất tràn lan Iphone.

=>       Hai phía CẦU và CUNG thỏa thuận một cái GIÁ để trao đổi. Việc quyết định giá trao đổi này củng là tự do và dân chủ.

Chính cái giá của Thị trường làm CHỈ TIÊU quyết định mua hay bán. Nếu với cái giá Thị trường như vậy, người tiêu thụ còn có quyền tự do quyết định mua hay không tùy theo túi tiền mà họ có. Cũng vậy, với cái giá cái giá thỏa thuận ở Thị trường, một Xí nghiệp sản xuất phải tính xem có thể xuất với giá thành dưới giá Thị trường hay không để kiếm lời. Họ có toàn quyền ngưng sản xuất nếu không đủ khả năng.

Cái GIÁ của THỊ TRƯỜNG cạnh tranh mang giá trị của một CHỈ TIÊU đề người tiêu thụ và Xí nghiệp sản xuất quyết định trong TỰ DO ngưng hay tiếp tục hành động Kinh tế của mình. Cái giá của Thị trường có quyền lực hướng dẫn hơn là quyền lực Chính trị hay Luân lý, Tôn giáo...  Hãy để cho cái Giá của Thị trường cạnh tranh điều hợp Kinh tế.


Giáo sư Tiến sĩ NGUYỄN PHÚC LIÊN, Kinh tế
Geneva, 18.12.2008. Cập nhật Geneva, 05.11.2015
Facebooks :  (1) Phuc Lien Nguyen  & (2) Tudan Tudodanchu
Chú thích :       Một số người vì phe nhóm, đã cố tình viết lệch lạc về Lý Lịch của tôi, nên tôi xin phép cho ở đây cái Link Lý Lịch NGUYỄN PHÚC LIÊN như sau :  http://www.viettudan.net/36984/index.html


__._,_.___

Posted by: NGUYEN PHUC LIEN <viettudan@yahoo.com>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen