Đặng Thanh Chi (Danlambao) - ...Năm 2018 đánh dấu 20 năm Tuyên Ngôn Bảo Vệ Người Đấu Tranh Nhân
Quyền được Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua, mong rằng sẽ có nhiều
chính sách mới được tiến hành để bảo vệ các nhà đấu tranh một cách
hữu hiệu hơn. “Bảo vệ một người sẽ gia tăng sức mạnh cho nghìn
người!” Đấy là chủ đề của Hội Nghị Nhân Quyền lần thứ 9 năm
nay.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và tất cả những người đấu tranh cho nhân
quyền tại Việt Nam là những chim Hoàng Yến can đảm hót vang từ
những nơi tăm tối nhất của đất nước để đánh động sứ mạng bảo vệ
những giá trị chân chính con người: nhân phẩm, và nhân quyền.
Mong rằng sẽ sớm đến ngày Việt Nam có những buổi sáng thức dậy có
Quỳnh ngồi cạnh hai con nhỏ, cùng ăn với chúng buổi ăn sáng không
cần phải vội, có nắng bên ngoài khung cửa, với một ngày mới đang
lên trên khắp các nẻo đường đất nước, nơi mà cuối cùng không còn ai
phải chọn giữa nhân phẩm hay mạng sống, để tất cả cùng vươn vai
thức dậy, hít vào lồng ngực những hơi thở đầy ắp khí tự do...
*
Khi sự thật là khí trời mà phổi ta khao khát; khi loài người cố hít
sâu hơi thở hiếm hoi; khi sự thật là dưỡng khí mà chúng cướp của
ta, và sự hận thù là đám khói đen phun tỏa. Và nếu phải hít thở
lòng căm hận, hãy để ta tìm lợi ích của hận thù:
- Chúng ta có thể căm thù sự bất công;
- Chúng ta có thể căm thù lời lừa dối;
- Chúng ta có thể ghét cửa tù khóa chốt;
- Và tiếng gõ cửa giữa đêm khuya.
Nếu chúng ta phải hít vào hơi thở thù hận, hãy để ta thở chúng ra
như làn hơi ấm, sưởi nóng những ngón tay rét cóng.
Khi công bằng lôi cuốn ta như trăng cuốn lấy đại dương, hãy để
chúng ta lướt trôi với sự nhẹ nhàng của hơi thở trên sóng thủy
triều. Và khi việc ta làm tưởng như không là gì hơn 1 tang niệm
hằng ngày, và những tên ở trọ của sự nghi ngờ và lòng sợ hãi thức
đêm trong đầu, thì hãy để hơi thở ta trở thành tiếng thở phào cứu
nạn.
Hãy để tiếng thở ra của ta trôi như lời kinh cầu vượt qua biên
giới, thổi xuyên vào từng nóc cao của mỗi một đức tin. Hãy để chúng
ta hít thở đến lúc ngọn gió mang về chỉ thuần hạt giống. Và cuối
cùng khi tất cả những khói đen tan biến, cho ta không còn gì phải
làm, không còn gì phải sợ, không còn gì phải sửa đổi: sẽ có tiếng
ngáy nhẹ nhàng của giấc ngủ, với 1 buổi sáng vươn mình thức dậy, 1
cửa sổ đầy nắng mặt trời, bánh mì trên bàn, 1 bữa sáng, ăn không
cần vội, ăn cùng những ai ta yêu thương, với cả một ngày không còn
gì phải làm, và sẽ hít vào hơi thở tuyệt hảo, với đầy ắp khí tự do!
Những lời thơ trên đã khai mạc Hội nghị Nhân quyền Quốc tế lần thứ chín tại Ái Nhĩ Lan. Trong hội trường, với sự tham dự của gần 100 nhà
đấu tranh cho nhân quyền đến từ 80 quốc gia đã lắng nghe Phụ Tá
Tổng Thư Ký Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, ông Andrew Gilmour cho biết
tình trạng các thủ lãnh các quốc gia thành viên không ngừng tìm
cách phản đối, gây khó khăn cho các cơ chế và nhân viên đặc trách
nhân quyền của Liên Hiệp Quốc khiến họ khó có thể hoàn thành nhiệm
vụ được chính Hội Đồng Nhân Quyền của các quốc gia thành viên của
LHQ giao phó: đó là bảo vệ những giá trị nhân quyền và những người
đấu tranh cho nhân quyền. Ông Gilmour cho biết nếu như ông và các
báo cáo viên nhân quyền của Liên Hiệp Quốc gặp phải những khó khăn,
thách thức, cản trở tại phòng họp trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York,
ở Geneva... thì ông có thể hình dung được mức phản ứng dữ dội của
các nhà nước độc tài đối với các nhà tranh đấu cho nhân quyền trong
chính xứ sở của họ: đàn áp, bắt bớ, giam tù, tra tấn, tịch thu hộ
chiếu, cấm đoán di chuyển, không cho trị liệu, thuốc men, không cho
gặp luật sư, gia đình v.v...
Bộ Trưởng Ngoại Giao và Thương Mại của Ái Nhĩ Lan, ông Simon
Coveney T.D. cũng chia xẻ rằng nhân quyền là nền tảng để thế giới
này đứng vững; nếu không có quyền phổ quát của con người thì không
thể có an ninh hay hòa bình. Chính vì mỗi cá nhân phải được hưởng
quyền làm người mà mỗi một người chúng ta phải có trách nhiệm để
xiển dương và bảo vệ quyền làm người của tất cả mọi người. Nhưng
ông cũng biết không phải ai cũng sẵn sàng để nhận lãnh sứ mệnh này
và chính vì thế mà nhân loại mang món nợ lớn đối với thiểu số những
anh, chị, em đã và đang dám chấp nhận mọi rủi ro, với lòng can đảm
vô bờ để tự dấn thân tranh đấu bảo vệ quyền làm người cho những
người khác trên xứ sở họ và cộng đồng thế giới mà họ chung sống.
Những lời xiển dương phát ra từ những người đứng đầu các cơ chế
chính trị các nước dân chủ và Liên Hiệp Quốc cùng những chia xẻ
nhiều máu và nước mắt của những nhà đấu tranh nhân quyền đến từ
khắp các lục địa khiến tôi càng nhớ đến Quỳnh, đến Nghiên. Hội Nghị
Nhân Quyền Quốc Tế lần thứ chín năm nay được ban tổ chức đặc biệt
quan tâm đến sự vắng mặt của hai nhà đấu tranh nhân quyền nữ của
Việt Nam: Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang bị giam với
án tù 10 năm; và Phạm Thị Thanh Nghiên, người được mời tham dự Hội
Nghị năm nay tại Ái Nhĩ Lan nhưng không thể tham dự vì sức khỏe, và
vì chắc chắn cũng sẽ không được phép xuất cảnh, như đã từng bị cản
trở khi trên đường sang Cam Bốt để thăm gia đình cùng bố chồng của
cô năm ngoái. Ban tổ chức đã nhắc đến tên tuổi và quá trình đấu
tranh của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Phạm Thanh Nghiên, hai trong các
sáng lập viên của Mạng Lưới Bloggers Việt Nam, và kêu gọi hơn 100
nhà đấu tranh cho nhân quyền hiện diện tại hội nghị không quên viết
thư thăm Quỳnh trong tù giam Khánh Hòa. Ngoài Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh, các thư thăm tù nhân lương tâm của Việt Nam còn có chị
Trần Thị Nga và Nguyễn Văn Oai, những người chị, người em can đảm,
dám sống, dám nói, và dám đứng lên hành động đúng với lương tâm con
người, thay cho tôi và bao người khác.
Khi đặt bút viết những giòng thư thăm Quỳnh, thăm chị Nga, thăm em
Oai, và cho vào thùng thư của ban tổ chức chuẩn bị sẵn mỗi ngày tại
lối vào hội nghị, tôi không khỏi nhớ đến lời thơ của nữ sĩ Erin
Fornoff đã khai mạc ngày đầu hội nghị: “Nếu chúng ta phải hít vào hơi thở thù hận, hãy để ta thở chúng ra
như làn hơi ấm, sưởi nóng những ngón tay rét cóng”. Tôi lại nhớ những ngón tay co quắp của Quỳnh vì lạnh trong tù, vì
thiếu dinh dưỡng, thuốc men gửi vào không được cai tù cho phép
nhận, theo như lời kể của mẹ Quỳnh. Viết gì cho em đây hở Quỳnh?
Giữa trăm người sao chỉ thấy thiếu vắng một mình em! Làm sao để có
thể nắm lấy tay em thổi chút hơi ấm vào những ngón tay em co rút.
Biết tính em, chắc chắn Quỳnh không mang lòng hận thù những người
đã ra lệnh bắt em ngày 10 tháng 10 năm 2016, và bản án 10 năm tù
dành cho em tại buổi xử của 1 tòa án nhát và hèn ngày 29 tháng 6
năm 2017 đối với một người mẹ yêu thương của Nấm và Gấu.
Nhớ em và hiểu tâm trạng đau đớn của một người mẹ thương con vô
cùng như em, câu hỏi đầu tiên chị dành cho ông Michel Forst, Báo
Cáo Viên Liên Hiệp Quốc giám sát tình trạng của các nhà đấu tranh
nhân quyền khi chị lấy hẹn gặp ông lúc 4 giờ chiều ngày 18 tháng 10
năm 2017: “Sau khi các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc lên án và phản
đối nhà nước Việt Nam bắt giam vô cớ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger
Mẹ Nấm, và yêu cầu đại diện nhà nước Việt Nam trả lời đúng thời hạn
vào tháng tư năm 2017 thì tháng 6, 2017, nhà cầm quyền Việt Nam
mang Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xét xử và tuyên án 10 năm. Bước kế
tiếp của ông trong cương vị là báo cáo viên Liên Hiệp Quốc đặc
trách tình trạng của các nhà đấu tranh nhân quyền sẽ là gì? Làm thế
nào để chúng ta trả lại cho 2 đứa trẻ mẹ của chúng?”
Câu trả lời riêng của ông sau đó và các mốc điểm thời gian cho mỗi
việc khiến tôi vừa hy vọng lại vừa lo. Hy vọng là vì vị phụ tá của
Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, ông Andrew Gilmour vừa được Hội Đồng
Nhân Quyền LHQ trong phiên họp tháng 9 vừa qua bổ nhiệm thành lập
cơ chế điều tra và giám sát tình trạng đàn áp, sách nhiễu, trả thù
của các quốc gia thành viên đối với những ai hợp tác hoặc có liên
lạc làm việc với các cơ chế của Liên Hiệp Quốc nhằm thúc đẩy và bảo
vệ nhân quyền tại quốc gia họ. Hy vọng là vì các vị trách nhiệm tại
Liên Hiệp Quốc nắm rõ tình trạng Quỳnh bị “trả thù” với bản án nặng
nề sau khi gia đình Mạng Lưới Bloggers Việt Nam gửi đơn đến Liên
Hiệp Quốc xin can thiệp cho trường hợp của Quỳnh. Hy vọng vì một cơ
chế mới được Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thành lập do ông Andrew
Gilmour trách nhiệm để giải quyết tình trạng có các nước thành viên
trả thù công dân họ vì từng liên lạc với cơ chế nhân quyền Liên
Hiệp Quốc, trong đó có nhà nước Việt Nam. Hy vọng là vì những nỗ
lực vận động của chúng ta cho Quỳnh, Nấm và Gấu, đã giúp các vị
trách nhiệm nắm rõ tình trạng suy thoái sức khỏe của Quỳnh trong tù
và tâm lý hai trẻ không có mẹ bên cạnh; và các bước hành động sắp
tới từ nay đến tháng 12 mong rằng sẽ giúp cho Quỳnh sớm được tự do.
Tuy thế, vẫn lo là vì Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vẫn còn bị
ràng buộc bởi quá nhiều giới hạn chính trị.
Năm 2018 đánh dấu 20 năm Tuyên Ngôn Bảo Vệ Người Đấu Tranh Nhân
Quyền được Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua, mong rằng sẽ có nhiều
chính sách mới được tiến hành để bảo vệ các nhà đấu tranh một cách
hữu hiệu hơn. “Bảo vệ một người sẽ gia tăng sức mạnh cho nghìn người!” Đấy là chủ đề của Hội Nghị Nhân Quyền lần thứ 9 năm nay. Nguyễn
Ngọc Như Quỳnh và tất cả những người đấu tranh cho nhân quyền tại
Việt Nam là những chim Hoàng Yến can đảm hót vang từ những nơi tăm
tối nhất của đất nước để đánh động sứ mạng bảo vệ những giá trị
chân chính con người: nhân phẩm, và nhân quyền.
Mong rằng sẽ sớm đến ngày Việt Nam có những buổi sáng thức dậy có
Quỳnh ngồi cạnh hai con nhỏ, cùng ăn với chúng buổi ăn sáng không
cần phải vội, có nắng bên ngoài khung cửa, với một ngày mới đang
lên trên khắp các nẻo đường đất nước, nơi mà cuối cùng không còn ai
phải chọn giữa nhân phẩm hay mạng sống, để tất cả cùng vươn vai
thức dậy, hít vào lồng ngực những hơi thở đầy ắp khí tự do.
25.10.2017
__._,_.___
Posted by: tuyen do <tonguyenviet@yahoo.com>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen