Tư Ngộ/Người Việt
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Các dự án xây dựng cầu
đường tại Việt Nam theo hình thức BOT là “trấn lột” người dân để làm
giàu cho các công ty “sân sau” của đám quan chức chế độ hoặc có quan hệ
lớn.
Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Người Lao Động hôm Chủ Nhật, 17 Tháng
Chín, ông Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung
ương, cho rằng nếu áp đặt mức lợi nhuận cố định cho nhà đầu tư dự án BOT
là “trấn lột.”
Tờ Người
Lao Động phỏng vấn ông Doanh nhân có tin bị xì ra cho biết, Bộ Giao
Thông Vận Tải “kiến nghị chính phủ cho phép nâng mức lợi nhuận của nhà
đầu tư vào các dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) hiện ở
mức 11%-12%/năm lên 14%/năm.”
Ông Lê Đăng Doanh là người thứ hai lên án các dự án BOT tại Việt Nam
là “trấn lột” người dân. Ngày 8 Tháng Chín, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên
Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, cũng đã phát biểu như vậy tại buổi hội
thảo “Dự án BOT – Chính sách và giải pháp” do Trung Tâm Trọng Tài Quốc
Tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện Nghiên Cứu Chính Sách, Pháp Luật và
Phát Triển (Viện PLD) tổ chức.
Các dự án xây dựng cầu đường theo hình thức BOT đều là “chỉ định
thầu” thay vì đấu thầu. Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN chỉ định một công ty
nào đó, dự án xây dựng cầu đường, thu “phí” kiếm lời và lấy lại vốn rồi
giao lại cho nhà nước. Tin tức tiết lộ trên mặt báo chí trong những
những ngày gần đây cho người ta thấy sự thật trắng trợn của các dự án
này.
Các công ty “tư nhân” được “chỉ định” tức giao cho thầu xây dựng các
dự án cầu đường tại Việt Nam vừa thiếu hiểu biết kỹ thuật chuyên môn,
vừa chỉ có khả năng tài chánh rất thấp giữa khoảng 10% đến 20% trị giá
dự án. Sau khi kiếm được mối thầu, họ vay tiền ngân hàng để thực hiện dự
án rồi áp đặt mức thu “phí” cho xe cộ qua lại với mức “cắt cổ” có sự
toa rập của Bộ Giao Thông Vận Tải Hà Nội. Tất cả công đoạn dự án đều
không thể không có “lại quả” cho những người có quyền gật đầu.
Không ít những dự án này, từ nam chí bắc, đều bị tố cáo là đặt không
đúng khu vực được thu phí. Thay vì trạm thu phí đặt trên “tuyến tránh”
tức đường xây dựng mới mà người sử dụng phải trả “phí.” Trạm thu phí lại
đặt trên quốc lộ đã có sẵn mà người dân đã đóng thuế để sử dụng qua phí
đóng trên xăng dầu, gồm cả phí tu sửa kiều lộ. Bộ Giao Thông Vận Tải và
nhà thầu đã khôn ngoan sử chữa bôi bác một đoạn quốc lộ rồi đặt trạm
thu phí trên quốc lộ.
Căm phẫn vì bị móc túi vừa quá bạo, vừa không đúng chỗ, thậm chí dân
địa phương chỉ đi vài trăm mét, cũng phải trả “phí” như người chạy xe
đường trường sử dụng “cả tuyến,” người dân khắp nơi đã biểu tình, trả
phí bằng tiền lẻ, gây cảnh kẹt xe kẹt đường hàng chục cây số.
Thống kê của nhà cầm quyền nhìn nhận rằng, trên cả nước có 88 trạm
thu phí thì một số nơi đã có các trạm thu phí gần nhau hơn quy định phải
cách nhau 70km.
Một cuộc thanh tra hồi tháng trước thấy loan báo trên báo chí, nói
không ít các trạm thu phí đã khai gian số tiền thu được hàng ngày. Số
lượng xe đi qua và phải trả phí nhiều gấp bội so với con số được báo
cáo. Nếu nhà thầu vẫn cứ thu phí theo đúng thời hạn ấn định trong hợp
đồng, tiền họ thu được nhờ khai gian, không phải chỉ giúp họ lời 11-12%
như quy định mà nhiều gấp bội, thành siêu lợi nhuận.
Những ai được giao cho làm dự án BOT?
“Cách làm BOT hiện nay là theo kiểu, tôi thấy anh và giao cho anh, cứ
có quan hệ là duyệt hết và nhận xét rất chung chung. Tính toán chi phí
đầu vào, dù tăng gấp đôi, cũng không có con số chứng minh. Rồi để được
thu nhiều hơn thì hạ lưu lượng xe xuống, tù mù về đếm xe, sau đưa ra mức
thu phí cao nhất, với thời gian dài nhất.”
Đó là lời tiết lộ với báo Tuổi Trẻ của ông Thứ Trưởng Bộ Kế Hoạch và
Đầu Tư Đặng Huy Đông bên lề buổi hội thảo “Giảm gánh nặng chi phí, thúc
đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ
tổ chức sáng ngày 23 Thang Tám, 2017.
Trên một số tờ báo, người ta thấy phanh phui ra dự án BOT “Pháp
Vân-Cầu Giẽ” mới chỉ sửa chữa đoạn đường 30% nhưng lại thu phí rất cao
như phí của con đường làm mới. Ai là chủ đầu tư? Báo chí tiết lộ, chủ
đầu tư dính dáng tới ông anh vợ kế của cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh.
Trong phiên họp cuối Tháng Tám của chính phủ, Thủ Tướng Nguyễn Xuân
Phúc ra lệnh “không để lợi ích nhóm trong dự án BOT.” Những gì báo chí
trong nước nêu ra đầy dẫy những dấu hiệu “lợi ích nhóm.” Chúng là một
thứ liên minh ma quỷ giữa đám quan chức tại Bộ Giao Thông Vận Tải và các
công ty sân sau của các ông.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen