“Hôm nay chúng ta gặp nhau đây và ăn với nhau một bữa cơm là quý
lắm rồi, vì không biết ngày mai có còn cơ hội gặp nhau không!” Cha
Vinhsơn Phạm Trung Thành, linh mục điều phối chương trình Tri Ân
TPB – VNCH, mở lời như trên trong buổi khám sức khỏe tổng quát lần
thứ 10 trong năm 2017 dành cho các ông TPB – VNCH vào sáng thứ Hai
11/09/2017 tại DCCT Sài Gòn.
Cha Vinhsơn Thành có lý để nói điều đó vì trong tháng qua, có nhiều
ông TPB đã từ giã cõi trần. Ngoại lệ, có trường hợp khi nhân viên
văn phòng gọi điện mời ông về Sài Gòn để khám chữa bệnh thì mới hay
ông đã vĩnh viễn ra đi! Phận người quá mong manh. Với các ông TPB
vốn đã
thương tật và mang đủ thứ bệnh trong người thì sự sống lại
càng mong manh như mành treo trước gió.
ông TPB Vũ Văn Đại
Con số TPB ghi danh tại văn phòng CLHB – nơi phụ trách chương trình
Tri ân TPB – VNCH- đã hơn 5.500 người. Dù đã cố gắng một tháng khám
chữa bệnh tổng quát hai lần, với mỗi lần khoảng 130 người thì cũng
phải hơn 2 năm các ông mới quay lại phiên của mình. Đã có nhiều TPB
không còn cơ hội quay lại lần hai, nên mỗi dịp còn gặp mặt nhau là
một cơ hội quý báu. Được ngồi với nhau ôn chuyện xưa, chia sẻ với
nhau một bữa ăn huynh đệ là những phút giây hạnh phúc. Bữa cơm đạm
bạc nhưng chất chứa nghĩa tình, vì chính những người làm chương
trình này đã đặt mục đích phục hồi phẩm giá, danh dự của người lính
VNCH mà trong mấy chục năm ròng đã bị xã hội lãng quên hay thậm chí
loại trừ. Việc cố gắng chăm sóc y tế, chia sẻ một chút vật chất,
hay trao cho phương tiện di chuyển, muốn diễn tả rằng đây là những
người lính đáng trân trọng, đáng tri ân vì chính họ đã hy sinh một
phần thân thể để bảo vệ sự yên bình cho nền chính thể VNCH.
Ròng rã những năm trường sau cuộc chiến, đâu cần ai tri ân, đâu cần
ai biết đến, các ông vẫn “lê lết” phận người đi qua giữa thị phi
cuộc đời đó sao! “Lê lết” là từ đúng nghĩa dành cho hai ông TPB
Trần Trọng Đa và ông Vũ Văn Đại mà chúng tôi được gặp gỡ sáng nay.
Hình ảnh ông Vũ Văn Đại, cụt cả hai chân, “lê” đến với chương trình
sáng hôm nay khiến những ai bắt gặp không khỏi chạnh lòng. Dù trải
qua cuộc sống nghiệt ngã, nhưng nụ cười vẫn không hề tắt trên môi
ông. Bằng nụ cười hiền hòa ông nói: “Còn sống được là hạnh phúc
rồi!” Với ông sự sống là điều quý giá nhất. Sau ngày 30/4/75, ông
bị ném ra đường khi đang điều trị vết thương tại quân y viện. Ông
tự lê lết về nhà, tự băng bó vết thương và giành giật sự sống từng
ngày. Khi vết thương đã khô và lành, ông lại lê từ vỉa hè này lết
sang vỉa hè khác hát rong xin ăn. Khi đã có một số vốn, ông chuyển
qua nghề sửa xe đạp. Khi nghề sửa xe đạp không còn sống được nữa,
ông lại “đi” bán vé số. Lê lết thương tật, vá víu cuộc sống, nhưng
ông không hề oán hận hay than trách cuộc đời. Cười vẫn tươi và đời
vẫn vui là triết lý sống nơi người TPB này.
Còn TPB Trần Trọng Đa là một tín hữu Công Giáo thì nói rằng: “Tạ ơn
Chúa vì đã cho mình được sống đến ngày hôm nay!” Lời tạ ơn của ông
rất đơn sơ nhưng chất chứa cả niềm tín thác vào Thượng Đế. Với ông,
cuộc sống dù giàu hay nghèo, sướng hay khổ điều ấy không quan
trọng. Quan trọng là mỗi ngày ta sống trọn vẹn với nó trong lời tạ
ơn.. Ông chia sẻ rằng, khi cưới vợ chưa được bao lâu thì bị thương
cụt cả hai chân. Người vợ vẫn đón nhận ông và trong chừng ấy năm
chung sống, đã cùng ông vượt qua gian khổ để nuôi dạy con cái nên
người. Đến hôm nay, những người con của ông đã yên bề gia thất. Hai
vợ chồng già sống với nhau những ngày êm đẹp ở cuối chặng đường
đời…
Hai ông TPB trên trong số gần 120 ông đến khám chữa bệnh sáng nay
là điển hình cho triết lý sự sống nơi những người TPB còn lại này.
Xin được một lần nữa nói lời tri ân đến các ông, xin được gói ghém
trong bữa cơm trưa này: bữa cơm gắn kết tình thân, sẻ chia nghĩa
tình, là một cơ hội quý giá, vì chắc gì ngay mai ta còn dịp gặp
lại.
Vũ Hoàng Trương
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen