18/8/2017 17:14. 33576
Người đàn ông bị bắt giữ hôm 13.8 để điều tra có tên Nguyễn Hải
Long, là một chủ văn phòng chuyển tiền MoneyGram tại chợ Sapa CH
Séc.
Cảnh sát đặc nhiệm CH Séc (bịt mặt) khám xét và niêm phong văn
phòng chuyển tiền MoneyGram của ông Nguyễn Hải Long tại chợ Sapa
hôm 17.8
Hôm 17.8 văn phòng của ông Long cũng bị cảnh sát đặc biệt của CH
Séc đến kiểm tra và niêm phong các tài liệu cùng nhiều trang thiết
bị để tiếp tục điều tra.
Được biết, chính ông Long đã chủ động thuê chiếc xe Multivan VW
(Volkswagen) - biển số 2AB-3140 cho những người từ Việt Nam sang,
nhiều khả năng chiếc xe này đã được họ sử dụng vào việc bắt cóc ông
Trịnh Xuân thanh tại Đức hôm 23.7.
Trước đó, vào đầu tháng 7, trùng với thời điểm Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc sang dự G20 tại Đức, ông Long đã thuê đúng chiếc xe này
để chở nhiều người và chạy một quãng đường khá dài với trên 2000
km, có thể đây là một nghi vấn mà cảnh sát sẽ điều tra kỹ, vì khi
đó đi cùng đoàn Việt Nam có nhiều mật vụ, đặc biệt lần này họ đã
xin phép phía Đức được mang theo súng để dùng trên lãnh thổ châu
Âu.
Từ hôm 17.8 đã có thêm nhiều cảnh sát điều tra Đức được tăng cường
sang CH Séc để trực tiếp lấy lời khai của những người liên quan đến
vụ việc, các bức ảnh chụp nhiều khuôn mặt người Việt được đưa ra để
nhân chứng nhận diện, một số danh tính đã được xác nhận qua hình
thức này.
Hiện chiếc xe bị nghi ngờ dùng để chở nhóm bắt cóc ông Trịnh Xuân
Thanh đã bị cảnh sát CH Séc thu giữ và chuyển về Đức để truy tìm
dấu vết tội phạm.
Hôm 18.8 Công tố viện Liên bang Đức đã xác nhận có bắt giữ một nghi
can ở nước ngoài (không phải ở Đức).
Chiếc xe Auto Multivan VW (Volkswagen) - biển số 2AB-3140 đã được
ông Nguyễn Hải Long thuê cho nhóm tình nghi bắt cóc ông Trịnh Xuân
Thanh hôm 23.7 tại Berlin
Đội đặc nhiệm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đang bị truy nã khắp Liên
minh châu Âu (EU)
Trong tờ Süddeutsche Zeitung, nhật báo lớn và có uy tín hàng đầu
nước Đức, số ra hôm qua Thứ Hai 15/08/2017 có đăng một bài báo mang
tựa đề "Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Dấu vết dẫn đến cơ quan nhà
nước Đức".
Ảnh chụp bài báo của tờ Süddeutsche Zeitung, số ra ngày 15/08/2017
Bài báo chủ yếu nói về ông Hồ Ngọc Thắng, một công chức của Cục
Liên bang về Nhập cư và Người Tị nạn (Bamf) (viết tắt là BAMF), bị
lọt vào tầm ngắm của các cơ quan điều tra Liên bang Đức vì bị tình
nghi làm gián điệp. Ông Thắng làm việc từ 26 năm nay ở Bamf với
chức vụ là người quyết định các đơn xin tỵ nạn, Nơi ông làm việc là
chi nhánh của BAMF ở Jena-Hermsdorf thuộc bang Thüringen miền Đông
nước Đức (Đông Đức cũ). Với công việc này ông Thắng có quyền truy
cập vào hệ thống trung tâm của Sở ngoại kiều (lưu trữ dữ liệu đăng
ký người nước ngoài) và hệ thống lưu trữ của BAMF về các đơn xin tỵ
nạn. Ông Thắng bị tình nghi lấy những dữ liệu về Trịnh Xuân Thanh
trong 2 hệ thống lưu trữ điện tử này cung cấp cho nhà nước Việt
Nam.
Sau một thời gian Công tố viện (giống như Viện kiểm sát của Việt
Nam) bang Berlin cùng với Sở cảnh sát hình sự bang Berlin đảm trách
cuộc điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, thì nay cuộc điều tra
này đã được nâng lên một bình diện cao hơn, cấp Liên bang quốc gia,
vì qua điều tra tất cả các chỉ dấu và chứng cớ thu thập được cho
thấy rõ ràng đây là vụ gián điệp. Như vậy Sở cảnh sát hình sự Liên
bang (BKA) và Cục tình báo Liên bang (BND) đã vào cuộc.
(Xem Thông cáo báo chí của Công tố viên Liên bang Đức đảm nhận cuộc
điều tra: http://thoibao.de/tin-nuoc-duc/11336/thong-cao-bao-chi-cua-tong-cong-to-vien-lien-bang-duc---trinh-xuan-thanh-bi-bat-coc-nhot-trong-dai-su-quan-viet-nam-o-berlin.htm)
Bài báo của tờ Süddeutsche Zeitung cho biết, chiếc xe dùng để bắt
cóc Trịnh Xuân Thanh là một ô tô bảy chỗ ngồi, thuê ở Praha. Chi
tiết này đã được báo chí tiếng Việt ở hải ngoại đưa tin trong tuần
qua, ông Bùi Quang Hiếu (Chủ nhân văn phòng dịch vụ cho thuê xe
Hiếu Bùi trong chợ Sapa Praha 4 của người Việt) cho biết chiếc xe
của ông bị cảnh sát tạm thu giữ và đưa về Đức "là chiếc Multivan VW (Volkswagen) 7 chỗ ngồi, màu ánh bạc, biển số
2AB-3140, được cho mượn vào ngày 20/7, họ đem trả vào ngày 24/7,
trùng vào thời điểm xảy ra vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cho nên giới
chức đặt nghi vấn".
Chiếc xe bắt cóc Trịnh Xuân Thanh Multivan VW (Volkswagen) - biển số 2AB-3140
Thông cáo báo chí của Công tố viện Liên bang nói rõ, theo kết quả
điều tra cho đến nay, hôm Chủ nhật 23.07.2017 Trịnh Xuân Thanh và
một phụ nữ Việt Nam đi cùng đã bị xô đẩy lên một chiếc xe chuyên
chở ở giữa đường phố Berlin. Những nạn nhân bị đưa đến trong Đại sứ
quán Việt Nam ở Berlin và từ nơi này bị đưa về Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin - Trịnh Xuân bị bắt cóc đưa về đây,
trước khi bị đưa về nước
Theo nguồn tin riêng của nhật báo Süddeutsche Zeitung, hồi tháng 7
một đội đặc nhiệm của mật vụ Việt Nam gồm nhiều thành viên đã được
đưa từ Việt Nam sang Berlin để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và đội đặc
nhiệm này ở trong một khách sạn gần cửa hàng bách hóa Kaufhaus des
Westens, một cửa hàng bách hóa thuộc hạng sang trọng bậc nhất châu
Âu, thường được gọi tắt là Ka De We.
Cửa hàng bách hóa Ka De We thuộc hạng sang trọng bậc nhất châu Âu,
nơi gần khách sạn trú ngụ của đội đặc nhiệm mật vụ Việt Nam
Phương án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được mật vụ Việt Nam chuẩn bị
rất kỹ lưỡng, từng chi tiết một. Chọn địa điểm khách sạn gần cửa
hàng bách hóa Ka De We cũng là một sự tính toán tối ưu. Thứ nhất
địa điểm này nằm ở trung tâm Tây Berlin nơi hằng ngày tập trung rất
nhiều du khách nước ngoài nên tránh được sự chú ý. Thứ hai địa điểm
này chỉ cách khách sạn Shareton, nơi Trịnh Xuân Thanh thuê ở qua
đêm trước khi bị bắt cóc, vọn vẹn 1 Km đường chim bay, và cách hiện
trường (nơi xảy ra vụ bắt cóc) 1,2 Km.
Bản đồ những địa điểm liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Than
Khách sạn Sheraton Berlin Grand Hotel Esplanade, nơi Trịnh Xuân
Thanh thuê ở qua đêm
Hiện trường, nơi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - Công viên
Tiergarten
Có lẽ không phải tất cả những thành viên của đội đặc nhiệm này đã
về lại Việt Nam, có thể vẫn còn lẫn trốn trên nước Đức hoặc ở các
nước châu Âu. Theo nguồn tin riêng của nhật báo Süddeutsche
Zeitung, thì những thành viên của đội đặc nhiệm đang bị truy nã ráo
riết ở khắp các nước thuộc Liên Minh châu Âu (EU).
Hiếu Bá Linh - Thoibao.de (Tổng hợp)
Tin Nước Đức
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Việt Nam chủ động ngỏ lời đàm phám với Đức
18.08.2017 10:42 28092
Hôm qua Thứ Năm 17/08/201, Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA đưa tin, theo
một nguồn tin đáng tin cậy trong Bộ Ngoại giao Đức tiết lộ riêng
với VOA Việt Ngữ, thì Việt Nam đã chủ động đề nghị đàm phán với
phía Đức để giải quyết vấn đề khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước
sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. P
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: "Hiện các cơ quan chức
năng đang tiến hành làm rõ về sự việc ông Trịnh Xuân Thanh về nước"
Nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Đức nói với đài VOA hôm Thứ Tư
16/08/2017: “Chính phủ Việt Nam đã tiếp cận với chúng tôi và đề nghị đối thoại
với chúng tôi và chúng tôi hoan nghênh điều đó”.
Cùng ngày hôm qua Thứ Năm 17/08/2017 trong cuộc họp báo thường kỳ
của Bộ Ngoại giao Việt Nam, giọng điệu và nội dung những phát biểu
của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng
khác hẳn trước đây, không còn khẳng định việc Trịnh Xuân Thanh tự
nguyện ra đầu thú, mà bà tuyên bố, trích nguyên văn: "Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ về sự việc ông
Trịnh Xuân Thanh về nước".
Đây được coi là phản ứng chính thức của Việt Nam, hai tuần sau khi
Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.
Ngoài ra trong cuộc họp báo, bà Hằng lập lại một lần nữa, trích
nguyên văn: "Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn duy trì phát triển quan hệ đối
tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa
bình, ổn định hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới".
Trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Hằng cho biết, đến nay chưa có
thêm thông tin mới về động thái từ phía CHLB Đức sau khi xuất hiện
thông tin phía Đức sẽ xem xét biện pháp đáp trả, nếu Việt Nam không
đáp ứng các yêu cầu đưa Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức để xem xét sự
việc.
Trước những diễn biến mới này, cùng ngày hôm qua, bà Petra Isabel
Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh, nói với VOA Việt ngữ
rằng bà vẫn “đang chờ phản ứng của chính phủ Đức”, và “cho tới nay, vẫn chưa có hồi đáp của Việt Nam về việc cho ông Trịnh
Xuân Thanh trở lại Đức”.
Bà Schlagenhauf cho biết rằng sắp tới bà “sẽ không đi Việt Nam” nhưng các đồng nghiệp của bà ở Việt Nam “đang tìm cách gặp ông Thanh”.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp từ Viện Nghiên cứu
Đông Nam Á của Singapore, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng, Việt Nam
“nên nhìn thẳng vào vấn đề” và “cần liên lạc với giới chức Đức để cùng nhau xử lý cho nó phù hợp
với luật pháp quốc tế”.
Ông nói thêm: “Giải pháp giảm căng thẳng là Việt Nam tìm một tiếng nói chung nào
đấy mang tính chất thỏa hiệp đối với Đức. Đối với Đức, thỏa hiệp
duy nhất tức là có thể một lời công khai nhận sai lầm của mình có
liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh”.
Chưa rõ là việc Việt Nam sẽ đàm phán với phía Đức có hóa giải được
cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước hay không. Nếu mọi chuyện
không được giải quyết, thì Việt Nam có thể phải đối mặt với các
biện pháp trừng phạt, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói:
“Các đáp trả nó sẽ ở mấy chỗ này. Một là về chính trị. Hai là về hợp
tác kinh tế. Ba là hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức. Bốn là
hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đức. Năm là giao lưu nhân dân.
Năm lĩnh vực đó có thể bị ảnh hưởng”.Chuyên gia Lê Ngọc Sơn ở Đại học Ilmenau Đức: „Theo tôi nghĩ, người
Đức sẽ làm triệt để và thật“
Ông Lê Ngọc Sơn, một chuyên gia trẻ về quản lý khủng hoảng đang
tham gia một nhóm nghiên cứu ở Đại học Ilmenau, CHLB Đức, nhận định
với VOA Việt Ngữ:
“Theo tôi nghĩ, người Đức sẽ làm triệt để và thật. Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, trước hết phải là đặt
vào vị trí người Đức và hiểu hành động của người Đức, thay vì chúng
ta giải thích hành động của người Đức theo lối nghĩ của người Việt.
Người Đức tôn trọng kỷ cương và các trình tự. Người Đức nổi tiếng
thế giới về các trình tự. Sự quan liêu của nền hành chính Đức cũng
là một nét văn hóa ở Đức. Bộ trưởng Ngoại giao Đức phát biểu trên
báo chí là họ không ‘dung thứ’ vụ việc này, vì nó rất nghiêm trọng.
Người Đức không muốn có tiền lệ là ai cũng có thể bắt cóc ở nước
Đức này. Nó là tiền lệ xấu”.
Hiếu Bá Linh - Thoibao.de (Tổng hợp)
Nguồn:
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen