Mittwoch, 21. Juni 2017

Tước quyền công dân của Gs Phạm Minh Hoàng, CSVN đã vi phạm những gì?

Trương Diệp Lâm

Ngày 1 tháng 6 vừa qua, công dân Việt Nam Phạm Minh Hoàng được ông Tổng lãnh sự Pháp thông báo bị nhà nước Cộng sản Việt Nam tước quốc tịch. Lá thư thông báo do chính ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ký ngày 19/5/2017, nhưng mãi đến ngày 9/6/2017 anh Hoàng mới nhận được.
 
Sinh ra ở Việt Nam năm 1955, qua Pháp du học năm 1973, trở về Việt Nam sinh sống từ năm 2000 với mục tiêu phục vụ tổ quốc, người công dân yêu nước này đã bị tước đi cái quyền cơ bản nhất khi mới lọt lòng, đó là quyền làm người Việt Nam. Hành vi sai trái này của chế độ cũng đầy xúc phạm khi chính đương sự không được thông báo trước, mà phải sau tổng lãnh sự Pháp.
 
Mục tiêu CSVN tước quốc tịch của anh Hoàng là để trục xuất anh ra khỏi Việt Nam, dù anh không làm điều gì sai trái mà chỉ lên tiếng đóng góp, xây dựng cho đất nước được thăng tiến và đi dạy học để mở mang kiến thức cho các bạn trẻ. Biết thâm ý của chế độ, anh Hoàng đã từ bỏ vị thế song tịch - từ bỏ quyền làm công dân Pháp, một đất nước luôn mở rộng vòng tay để ôm vào lòng một công dân gương mẫu như anh, hầu có thể chống lại quyết định tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất anh của nhà cầm quyền VN.
Con người lý tưởng và hiền hòa, nhưng đầy nhiệt huyết và dũng cảm này đã chấp nhận đồng lương ít ỏi và cuộc sống nghèo khó tại quê nhà, ngay cả những đe dọa, tù đày của chế độ để đóng góp những nỗ lực ôn hòa mong chuyển hóa đất nước. Anh đã viết những bài cảnh báo về nguy cơ Bô Xít Tây nguyên, xiển dương những giá trị nhân bản và nhân quyền, mở những lớp dạy toán, Pháp văn, kỹ thuật điện toán ...
 
Nhưng việc làm xây dựng này của anh đã làm chế độ độc tài Hà Nội hoảng sợ và họ đã làm một điều hoàn toàn ngược lại với văn minh nhân bản, đó là tước đi cái quyền thiêng liêng và đương nhiên của một người sinh ra trên giải đất của Tổ Tiên.
Theo công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc, mà CSVN là một thành viên, không một người nào bị đẩy vào tình trạng “vô tổ quốc.” Điều 15 của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã minh định: “quyền được có hoặc thay đổi quốc tịch là một quyền không thể bị tùy tiện chối bỏ hay tước đoạt.”
 
Quyền mang quốc tịch của đất nước mình sinh ra là quyền tự nhiên và đương nhiên nhất như quyền được hít thở dưỡng khí khi mới lọt lòng. Quyền quốc tịch cũng được định nghĩa là “quyền được có quyền,” do đó người mất quốc tịch cũng là người dễ bị vi phạm nhất về các nhân quyền căn bản. Chính vì vậy mà hành vi tước quốc tịch Việt Nam của ông Phạm Minh Hoàng đã bị tổ chức Human Rights gọi là “tàn bạo.”
 
Phó giám đốc Phil Robertson của tổ chức này đã nhận định “Thái độ vi phạm nhân quyền quá mức này đánh dấu mức độ thấp kém mới của Hà Nội.” Ông kêu gọi “Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước trợ giúp nhân đạo cho Việt Nam, phải nói với Hà Nội rằng sự ngược đãi này không thể được phép diễn ra, lá thư của Chủ tịch nước Cộng Sản Việt Nam phải được hủy bỏ, và hành động tước quốc tịch ông Phạm Minh Hoàng cần phải được đảo ngược ngay lập tức.”
 
Ông Robertson cũng nhấn mạnh: Nhà nước Việt Nam cần phải học được bài học rằng, họ sẽ phải trả giá về sự trả thù cực đoan đối với các nhà hoạt động chính trị. Và thế giới cần phải hành động để bảo đảm sự trừng phạt tàn độc kiểu truất quốc tịch của những người yêu nước sẽ không tiếp diễn trong tương lai.
 
Đây cũng không phải là lần đầu tiên chế độ Hà Nội e sợ Gs Phạm Minh Hoàng. Họ đã từng bỏ tù anh vào tháng 8 năm 2010 với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền CSVN” - một cáo buộc dùng cho biết bao người VN yêu nước khác. Sau khi mãn hạn tù, họ cũng cấm anh không được giảng dạy ở các trường đại học VN, và tiếp tục chính sách theo dõi, đe dọa, xách nhiễu, cô lập kinh tế – như vẫn thường áp dụng đối với các cựu tù nhân lương tâm VN. Khi mọi biện pháp khống chế này đều thất bại, họ đã “sáng tạo” ra thủ thuật mới: Tước quốc tịch!
 

Từ phải sang trái: Gs Phạm 
Minh Hoàng, người anh cựu 
chiến sĩ Quân Lực VNCH bị
 thương tật nặng cần chăm
 sóc, chị Hoàng và con gái.
Không chỉ các tổ chức và chính giới quốc tế lên tiếng phản đối hành vi này của Hà Nội, mà các luật sư, giáo chức, tôn giáo và các nhà hoạt động trong nước cũng đã chỉ trích hành vi sai trái này của chế độ.
 
Thầy giáo Vũ Mạnh Hùng, thuộc Hội Cựu Giáo chức Chu Văn An, nguyên giảng viên trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật thương mại tại Hà Nội, đã chia sẻ với RFA về bản lên tiếng của hội liên quan tới trường hợp của thành viên khiêm sáng lập viên Phạm Minh Hoàng như sau:
 
Chúng tôi thấy những điều bất công trong xã hội thì chúng tôi lên tiếng. Để bảo vệ những quyền lợi chính đáng, trước hết là công lý và lẽ phải cho những người thầy giáo dám dấn thân nói lên lẽ phải và công lý, nói lên sự thật, giúp cho xã hội thay đổi và tiến bộ. Đối với trường hợp thầy giáo Phạm Minh Hoàng thì tôi thấy là việc Chủ tịch nước ông Trần Đại Quang ra cái quyết định đó là trái với luật pháp và đạo lý của dân tộc.”
 
Luật sư Lê Công Định đã có một bài viết phân tích pháp lý, và khẳng định rằng việc làm nói trên của ông Trần Đại Quang là sai luật.
 
Rõ ràng các lãnh đạo của thể chế vô kỷ luật hiện nay tại VN đang “ngồi xổm” lên luật pháp và hiến pháp của chính họ. Chế độ độc tài này sẵn sàng dở mọi thủ đoạn để răn đe và kiềm hãm sức bật đang ở mức “tức nước vỡ bờ” của người dân, dù là thủ đoạn phi nhân và phi nghĩa tới đâu đi chăng nữa – như hành vi tước đi quyền quốc tịch và quyền công dân thiêng liêng, quyền bảo vệ đất nước trước một tập đoàn vọng ngoại, bất tài và tham quyền cố vị.
 
Nhưng người dân Việt Nam sẽ không để yên cho những thành phần này tiếp tục thao túng đất nước, bỏ tù và trục xuất người yêu nước để thu tóm quyền lực, vơ vét của cải và dâng hiến tài nguyên cho ngoại bang.
 
Đồng bào trong nước và hải ngoại đang cùng đồng hành với Giáo sư Phạm Minh Hoàng để khẳng định:
  • Sự chọn lựa làm người Việt Nam là một quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm mà không một chính quyền nào có khả năng tước đoạt.
  • Quyền yêu nước là một quyền thiêng liêng của mọi con dân Việt Nam, không bạo lực nào có thể ngăn cấm hay tước đoạt.
  • Lên tiếng và hoạt động ôn hòa, xây dựng để cải thiện đất nước là một bổn phận thiêng liêng của mọi con dân Việt Nam. Ý thức này cần được trân quý và xiển dương.
  • Danh dự, nhân quyền và nhân phẩm của người Việt Nam phải được phục hồi và bảo vệ.
Khi chính nghĩa rực sáng qua muôn vàn con tim và khối óc, thì phi chính nghĩa và bạo lực sẽ tàn lụi. Đó là định luật bất di dịch trong dòng lịch sử của dân tộc và nhân loại.
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen