Nguyễn Thơ Sinh
Như tên gọi của bài báo kỳ này: Những cái nghề đã chết, thực ra nói
vậy để an ủi nhau thôi. Còn thật ra trong tương lai sắp tới đây rất
nhiều nghề sẽ chết. Nhất là con người cứ tiếp tục đối diện với kỹ
nghệ tự động hóa. Nhiều cái nghề cứ tưởng không bị máy móc tự động
và robot thay thế cuối cùng sẽ lần lượt rơi vào cảnh cáo chung. Và
cuối cùng nhân loại sẽ tiến về đâu?
Nhắc lại chuyện cũ một chút. Những ai lớn tuổi còn nhớ những gánh
hát hát cải lương cũ ngày nào ở Việt Nam. Những đoàn hội chợ Tết.
Những chương trình ca nhạc lưu diễn xoay tua tại những vùng quê xa
xôi hẻo lánh. Ngày đó những gánh hát này còn kiếm ăn được dân quê
đâu có dịp lên tỉnh. Và rồi sau đó những gánh hát ấy đã chết. Một
phần vì đời sống hiện đại. Vì Tivi. Sau cùng là Internet. Những
gánh hát hội chợ ấy lần lượt rã gánh, buộc phải tắt thở. Rưng rưng
đêm diễn cuối cùng. Ông bầu và cánh nghệ sĩ, cùng với đám nhân
viên, từ anh cửu vạn chuyên dựng rạp, gỡ rạp cho đến chị nấu bếp,
kiêm luôn công việc giặt giũ, chợ búa… tất cả đều nghẹn ngào khi
nói lời chia tay, ngày mai đường ai nấy đi.
Hoài cảm. Vâng. Đó là thứ tài sản quý giá nhất của tâm hồn. Những
ai từng một lần đi theo đoàn hát hay sống chung với toán thợ bỏ quê
đi làm ăn xa mới thấm thía được cảm giác chia tay. Họ từng sống
chung với người dưng, với dân tứ xứ nên hiểu được tình cảm tương
thân tương ái, bán anh em xa mua láng giềng gần, tắt lửa tối đèn,
chi huynh chi đệ… Để rồi khi tạm biệt, hoài cảm là thứ duy nhất họ
giữ lại vì nó không bị hư hỏng, chỉ bị han rỉ bên ngoài, lúc cần
đem ra lấy tro đánh sẽ sáng choang như thuở ban đầu.
Khi báo chí loan tin Đoàn xiếc Ringling Bros. and Barnum &
Bailey Circus – gọi tắt là Ringling Bros. vốn được coi là ông anh
cả trong làng xiếc Mỹ từng đem lại niềm vui cho nhiều thế hệ khán
giả Mỹ tuyên bố rã đám, nhiều người đã nghẹn ngào bàng hoàng. Vâng.
Gánh xiếc này cuối cùng đã tắt thở. Một chuyến ra đi quá phũ phàng.
Không ai có lỗi ở đây cả. Luật đào thải khắc nghiệt là thế. Chỉ tội
nghiệp cho những người đã từng gắn bó, từng dan díu tình cảm với
đoàn xiếc này là chưng hửng. Họ muốn con cháu họ sẽ có được cảm
giác vui sướng như họ đã từng có với đoàn xiếc này.
Tìm hiểu kỹ người ta càng cảm động hơn với Đoàn xiếc Ringling Bros.
Đặc biệt khi họ nghe câu chuyện cảm động một con voi già thò hai
chiếc ngà qua ô cửa sổ hẹp để xoa dịu một đứa trẻ trong đoàn xiếc
bị ốm nặng. Một nữ diễn viên xiếc mới sanh con được ba tháng đã
phải trang điểm phấn son, khoác áo diễn, tươi cười bay lượn mua vui
cho khán giả. Một bác nhân viên già chuyên dọn dẹp chuồng cọp rưng
rức khóc một mình khi nhìn những con thú đã gắn bó với bác nhiều
năm qua. Đây là lần biểu diễn cuối cùng của chúng, những con vật
mệnh danh chúa tể sơn lâm oai phong lừng lẫy ấy. Tội nghiệp chúng
quá…
Với những di dân mới đến Mỹ mải mê đi làm kiếm tiền, hoặc do tiếng
Anh còn lõm bõm nên không mấy chú tâm đến những sinh hoạt giải trí
xứ người. Một phần vì mải mê tranh thủ, một phần vì bỡ ngỡ trước
bao lo toan, chuyện đi xem một cuốn phim mới ra lò ngoài rạp đã
hiếm, nói gì đến chuyện đi xem xiếc. TV sẵn quá mà. Coi phim đĩa
tạm cũng được. Sau này có thêm youtube.com, chuyện xem phim càng tiện lợi hơn. Sau đó điện thoại thông minh
xuất hiện, thừa mứa những lựa chọn. Thế là những chương trình biểu
diễn nghệ thuật giải trí, các show xiếc càng lúc càng èo uột hơn,
gần như chỉ lay lắt sống chứ không hoành tráng xôm tụ như xưa nữa.
Vì thế một gánh xiếc được mệnh danh là Show Diễn Vĩ Đại Nhất Hành
Tinh (nguyên văn: The Greatest Show on Earth) của đoàn xiếc
Ringling Bros. xem ra chẳng ăn nhập gì đến sự bận rộn của họ.
youtube.com
Enjoy the videos and music you love, upload original content, and
share it all with friends, family, and the world on YouTube.
|
Được biết đoàn xiếc đồ sộ nhất của Mỹ này có hai gánh diễn riêng.
Cả hai đều tắt thở trong tháng 05 năm 2017 này. Không ai có thể cứu
vãn một đoàn xiếc từng được coi là niềm khát khao được xem của
nhiều thế hệ. Người Mỹ thực dụng? Hay Đoàn xiếc Ringling Bros.
chẳng là cái đinh gỉ gì trong mắt ông chủ đoàn. Doanh thu ít. Chi
phí cao. Nhiều thứ lắt nhắt lắm. Cuối cùng người và thú của đoàn
xiếc vì thấp cổ bé miệng nên chẳng làm gì khác hơn được. Những thế
hệ diễn viên yêu nghề. Tình cảm giữa họ và những con thú của đoàn
xiếc. Vĩnh biệt những tháng ngày rong ruổi. Thật không ngờ. Số phận
của đoàn xiếc Ringling Bros. đầy hấp lực là thế vẫn không đủ sức
trụ lại thêm một vài thập niên nữa…
Nhân viên của đoàn xiếc này chắc chắn sẽ buồn. Nỗi buồn của thứ
tình cảm gắn bó thân thương nay bị đối xử bạc đãi, dù có thể biện
minh hay đổ thừa cho hoàn cảnh. Họ rong ruổi đời du mục. Sống đùm
bọc lẫn nhau. Tình cảm chan hòa. Cuộc đời vô định rày đây mai đó.
Sâu lắng hơn cả tiếng vỗ tay của khán giả đủ mọi lứa tuổi la hét
đến vỡ rạp. Thẳm sâu hơn đồng lương còm từ cái nghề họ đã gắn bó cả
đời. Lắng đọng và thiêng liêng lắm. Nhưng hôm nay họ đang phải ngậm
ngùi nói lời chia tay với đời sống đã quen thuộc, đâu phải cứ nói
muốn chóng quên là nói được.
Hơn một trăm năm qua, chính xác hơn cách đây 146 năm, tiền thân của
Đoàn xiếc Ringling thành lập năm 1871 luôn dẫn đầu là thương hiệu
độc đáo của làng xiếc Mỹ. Nói đến xiếc Mỹ là nói đến Ringling Bros.
Năm 1919, hai ông tổ trong nghề xiếc Mỹ là Phineas Taylor “P. T.”
Branum và James Anthony Bailey vốn từng có gánh xiếc riêng đã cộng
tác với đoàn xiếc dưới sự điều khiển của mấy anh em nhà họ
Ringling. Từ đó tên chính thức đầy đủ của đoàn xiếc này là Ringling
Bros. and Barnum & Bailey Circus. Ông chủ sau cùng của Ringling
Bros. là Tập đoàn Feld Entertainment tuyến bố đóng cửa nó vì lượng
khán giả mua vé liên tục sa sút trong khi chi phí điều hành của
đoàn vẫn không ngừng tăng vọt.
Đồ sộ và hoành tráng, đoàn xiếc Ringling Bros. có đến hai gánh biểu
diễn độc lập. Một gánh có tên là Circus Extreme và gánh còn lại có
tên Out of This World. Mỗi gánh cần đến một đoàn xe lửa dài cả dặm
với 60 toa chở người và thú, cùng với những đạo cụ biểu diễn. Cổ
phiếu của Đoàn xiếc này được niêm yết trên sàn giao dịch chứng
khoán với mã giao dịch RBBX. Tầm cỡ là thế nhưng giới chủ đầu tư
của Ringling Bros. vẫn không thể làm gì khác hơn để cứu nó.
Ringling Bros. được khán giả ưu ái thì đã sao, doanh thu từ vé vào
cửa thu vào vẫn không đủ thanh toán các chi phí to tát bắt buộc
phải trả.
Đã thế giới bảo vệ động vật luôn tìm đủ mọi cách gây áp lực với
Ringling Bros. vì họ tin rằng lợi ích thực của những con thú trong
đoàn xiếc đã bị tước đoạt. Họ tin rằng chúng cần được sống ở nơi
hoang dã, chí ít cũng là sở thú với môi trường gần sát với tự
nhiên. Vì vậy để duy trì đoàn thú diễn này, Ringling Bros. buộc
phải tuân thủ những qui định ngặt nghèo của luật pháp hiện hành.
Kết quả: Vừa phải nộp phạt, vừa phải huấn luyện bài bản cho nhân
viên quản thú, họ phải có những chứng chỉ cần thiết khi chăm sóc
thú vật vốn rất tốn kém và cồng kềnh, rất nặng óc. Tháng 05 năm
ngoái voi không còn chính thức biểu diễn tại đoàn xiếc Ringling
Bros. Hệ quả, đứng trước những áp lực lớn lao, Ringling Bros. buộc
phải chọn cho mình con đường bất đắc dĩ: Tuyên bố phá sản.
Nên khi nghe tin Đoàn Xiếc Vĩ Đại Nhất Thế Giới này cáo chung,
thiên hạ đã không khỏi ngậm ngùi. Họ nghĩ: Chẳng lẽ không ai chịu
đứng ra cứu lấy mạng sống của đoàn xiếc này? Mỹ, một quốc gia giàu
có nhất của hành tinh – Thế mà người ta nỡ lòng nào để cho Ringling
Bros. – Viên ngọc quý của lịch sử Mỹ – phải tắt thở với thân phận
của một con hát lẩy bẩy tuổi chống gậy.
Có người thắc mắc: Nếu như chính phủ Mỹ từng cứu nguy cho nhiều tập
đoàn lớn, nhiều ngân hàng lớn khỏi những vũng lầy suy thoái; vậy
tại sao họ không thể cứu nguy cho Ringling Bros.? Hay đoàn xiếc này
chỉ là chuyện vặt, không đáng để các chính khách bận tâm vì họ đang
lo đến những chuyện quốc gia đại sự khác?
Hay người ta nghĩ chủ nhân của Ringling Bros. là một tỷ phú nên số
phận của Ringling Bros. là chuyện riêng của ông ta. Được biết tài
sản của Nhà tỷ phú Kenneth Jeffery Feld năm 2017 tổng cộng lên đến
2.4 tỷ Mỹ kim. Ông là CEO của Feld Entertainment – cơ quan điều
hành của Đoàn xiếc Ringling Bros. cùng với các thương hiệu tên tuổi
khác như Disney on Ice, Doodlebops Live, Disney Live, Monster Jam,
International Hot Rod Association, và AMA Supercross Championship.
Thành ra đoàn xiếc Ringling Bros. sập tiệm chẳng qua chỉ là chuyện
của cá nhân ông. Chẳng ai rảnh nghĩ đến chuyện giúp ông một tay.
Hay dân Mỹ văn minh hơn, nhân đạo hơn, yêu thú vật hơn; cộng thêm
áp lực của giới bảo vệ động vật, cụ thể là tổ chức PETA (People for
the Ethical Treatment of Animals) đã liên tục đưa những thông tin
bất lợi cho Ringling Bros., vô tình chẳng khác nào châm dầu vào
lửa.
Dân Mỹ vốn yêu thú vật. Khi họ thấy những con cọp hung dữ nhưng
ngoan ngoãn dưới sự điều khiển của quản hổ, thấy những chú voi cồng
kềnh nhưng biết diễn trò rất khéo léo dưới sự huấn luyện của các
quản tượng. Rồi lạc đà biết nghe lời. Lừa biết diễn trò. Cứ thế
những công phu khổ luyện của người và thú của đoàn xiếc Ringling
Bros. bị PETA phanh phui, cuối cùng những chiêu bí mật của nghề
nghiệp bao năm qua Ringling Bros. giữ kín cẩn thận đã bị phanh phui
trần trụi. Thiên hạ vì thế đã nghĩ Ringling Bros. đối xử độc ác với
thú vật.
Than ôi. Cuối cùng vì thế mà Ringling Bros. đã phải hạ màn.
Phải chăng con người dễ động lòng trước những cảnh ngộ chia tay
ngậm ngùi nên họ xót xa cho Đoàn xiếc Ringling Bros. Mà thôi. Cuộc
đời mà. Đâu phải đây là lần đầu tiên Ringling Bros. tắt thở. Nhiều
doanh nghiệp khác cũng đã ngậm ngùi lên đường trước đó.
Blockbuster. Radioshack. Curcuit City… Có những cái tên, có nhiều
cái nghề cứ ngỡ an toàn chắc chắn. Nhưng số phận trớ trêu đã cấu
kết với thời gian, lâu lâu tung ra một đòn chí mạng. Thế là đường
đường chính chính, cây đa, cây đề như Ringling Bros. như thế mà vẫn
bị bứng gốc…
Thắp cho Ringling Bros. một nén nhang lòng, vừa để hoài niệm, vừa
để cảnh báo những tháng ngày sắp tới nhiều cái nghề sẽ biến mất.
Không riêng gì nghề xiếc, nghề quản thú, nghề bán hàng rong tại
những đêm diễn của gánh xiếc… mà nhiều nghề khác cần phải coi
chừng.
Vâng. Đến một lúc nào đó, cứ đà này, Gã thần đèn tự động hóa một
khi thoát khỏi chiếc đèn cổ tự do, gã sẽ tung hoành, sẽ tha hồ tác
oai tác quái… nhân viên đọc đồng hồ điện, gas, nước, y tá, tài xế,
nhân viên bán bảo hiểm, nhân viên quầy ngân hàng, nhân viên bán
hàng…
Để rồi…
Năm 2019 – 2020 – 2030… Nhiều cái nghề đang nóng hiện nay sẽ nối
gót Ringling Bros. trở thành thiên cổ. Cuối cùng chỉ còn đọng lại
trong tâm tưởng của người hoài cổ những hoài niệm của những cái
nghề từng hái ra bạc một thời, và những ái ngại trước một tương lai
càng ngày càng đầy những bất trắc không biết nghề nào sẽ tắt thở kế
tiếp.
Nguyễn Thơ Sinh
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen