Khi đại diện Ban Văn Vũ Điễm Sáng đến tham dự buổi Tưởng Niệm
Hai Bà Trưng vào ngày 05.03.2017 tại Wiesbaden, trước khi ra về chị Xuân Bình
ghé tai tôi nói nhỏ :“ mấy đứa nhỏ đang dựng một hoạt cảnh và định giao cho cô
Nga một vai“ Tôi cười cười và vui chờ
xem kịch bản.
Các
sinh hoạt Hội Đoàn trong tháng 4 rất bận rộn, kịch bản gì đó chưa biết đề tài
cũng quên quên bên cạnh các tin về VN rất nóng bõng, tôi lo viết diễn văn đọc
vào ngày Quốc Hận để đưa cho chị Mỹ Nga bổ túc và dịch qua tiếng Đức rồi suy
nghĩ về bài viết cảm tưởng cho ngày Giổ Tổ Hùng Vương, rồi BBC bên Hội Cựu học
sinh Gia Long hối và hăm khi đòi bài viết cho Đặc San Đại Hội sắp tới nên tôi
cũng quên không nhắc nhở chị Xuân Bình dù tháng ngày đến Giổ Tổ Hùng Vương đã cận!
Đến giữa tháng 4, qua Email tôi nhận được kịch
bản „Bà Triệu“ đọc biết nội dung và xem mình được giao phó vai gì. Kịch bản Bà
Triệu, xin nhấn mạnh ở đây: do các cháu trong Ban VVĐS tự biên soạn viết lời, tự
phân cảnh phân vai và đạo diễn, thật là đáng ngưỡng phục trình độ hiểu biết lịch
sử và văn chương VN của các cháu. Tôi với vai Oma kể truyện cho hai đứa cháu
nghe về vị nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Lịch sử là một môn tôi đau khổ từ thuở
còn ngồi ghế nhà trường vì môn này phải học thuộc lòng!. Nhớ cách đây 15 năm
khi nhận đóng vai Nguyễn Thái Học trong vở kịch thơ „ Lời thề trước đền Hùng“
nói về cuộc khởi nghĩa và sự hy sinh của 12 vị anh hùng của Việt Nam Quốc Dân
Đãng và cách đây 5 năm cũng ôm một vai trong kịch thơ „Ánh kiếm Mê Linh“ của
anh Đỗ Văn Thông, tôi đã ráng học bài thật thuộc( lo sợ muốn chết!) để khỏi bễ
dĩa khi lên sân khấu. Sau hai vở kịch thơ đó tôi hơi ớn phải học bài và nhủ
lòng thôi gác kiếm …định bụng giã từ sân khấu… với các vở kịch thơ.
Lần
này, hoạt cảnh không phải kịch thơ mà là kịch nói, nói nhưng cũng phải học bài
mà trong hoạt cảnh này, vai Oma là vai độc nhất nói nhiều nhất từ đầu đến cuối.
Thời gian để học cũng không còn nhiều, thêm vào đó còn phải học hát 6 bài với tốp
ca của Hội để lên sân khấu cùng ngày hôm đó. Chà! hơi nhiều cho Oma nhưng Oma
cũng uống thuốc liều nhận tuốt…
Ngày
tập dợt đợt 1 với các cháu, tôi nhăn nhó: „Chắc cô học không kịp…“ Tường Vân thấy
vậy bèn an ủi: „nếu không thuộc thì cô đọc vậy“ tôi nghĩ cầm giấy đọc thì hơi kỳ
và làm vở kịch bớt giá trị về phần trình diễn nên định bụng sẽ ráng học bài,
các cháu đã tin tưởng giao vai thì mình phải làm sao cho xứng lòng tin cậy đó.
Định bụng nhưng bụng nó không theo nên kịch bản vẫn chưa được thuộc như dự định.
Khi lên trông cháu ngoại, tôi cũng cẩn thận xếp kịch bản vào giõ xách để học
nhưng khi cháu thức thì bà không thể học
còn khi cháu ngủ thì bà cũng lăn quay ra ngủ…
Vài
hôm trước khi tổng dợt cháu Trúc Anh gửi qua Whatapp một đoạn nhạc và giải
thích: „Mấy chị em cháu tính là sẽ có nhạc đệm lồng vô hoạt cảnh“ điều đó có
nghĩa là tôi phải theo sát kịch bản từng chữ chứ không thể cương như tôi tính
trong trường hợp mình lỡ quên một hai giòng! Nhạc đệm chạy là mình bị đóng
khung thời gian nói! Nếu không thuộc, Oma sẽ lạng quạng! Coi chừng chuyển nhạc
qua phần múa của các cháu mà tôi vẫn còn nói hoặc nhạc của phần Oma vẫn còn mà
Oma nín không nói thì lố ra cái đuôi
quên tuồng quên bài của Oma! Hai cô cháu tập qua phone theo nhạc để canh tốc độ
nói của tôi và Trúc Anh điều chỉnh thời gian nhạc đệm, điều đó bắt buộc tôi phải
đọc hay nói theo kịch bản không được thiếu một chữ một lời! Bối rối quá và
trong lúc lo âu đó, tôi „đột xuất“thông minh suy ra một cách giải quyết vấn đề!
Hai
ngày đi Berlin (29+30.04) dự cuộc Biểu tình Ngày Quốc Hận vừa về tới nhà thì
sang ngày kế tiếp 01.05 là ngày Tổng dợt chuẩn bị cho phần văn nghệ trong ngày
Giỗ Tổ tại Darmstadt. Phần hoạt cảnh sẽ dợt sáng sớm nên tôi quyết định đi xe lữa
thay vì lái xe để lợi dụng thời gian ngồi xe lữa đó đặng ôn bài! Mấy bài hát mà
anh Dân trưởng ban văn nghệ yêu cầu nên thuộc dù được cầm bài hát đến hôm đó
tôi mới mở ra coi! Đúng là đợi nước đến chân mới nhảy! mắt nhắm mắt mở, leo lên
xe lửa tính để ôn bài thì leo lên ngay cái toa có năm bà bạn trong club tập
sport cũng đáp chuyến xe này đi chơi đang ngồi trong xe tán dóc, gặp tôi các bà
òa lên chào hỏi nên tôi đành xếp bài vở qua để lịch sự ngồi trò chuyện!
Đến
nơi tập dợt bỗng cái chân thấy đau đau, có lẽ mấy hôm trước đi nhiều quá hoặc
ngồi xe đi Berlin lâu quá, tôi đi khập khiễng khiến anh Nhàn lưu ý và viết
Email đề nghị hôm trình diễn có lẽ anh sẽ dặn các cháu lo cho cô Nga cây gậy! Lại
thêm một nỗi sợ, nếu chân đau thêm thì e rằng phải chống gậy mất mà Oma trong kịch
là Oma chơi Facebook, Oma tham gia các hoạt động đấu tranh vì dân tình còn
trong nước còn đau khổ, vác cây gậy theo thì yếu quá! Lại thêm một nỗi lo!
Nỗi
lo thuộc bài hay đọc bài tạm xếp qua thì đến giai đoạn thay quần áo! Lúc thay
áo dài tôi mới hết hồn vì trong phần dợt lại hoạt cảnh trên sân khấu thiệt, tôi
đã vứt cái đồ nghề trình diễn cho hoạt cảnh đâu đó khi lo thay áo dài để dợt phần đi lên đi xuống
cho bài Quốc ca! Toát mồ hôi hột vì thất lạc cái Iphone và cuốn sách! Thật là dở
khóc dở cười vì tôi đâu có thuộc bài!?Phone thì mượn được nhưng cuốn sách thì
sao đây? Tôi đã „thông minh đột xuất“ cắt những đoạn quan trọng, dán vô một cuộc
sách“em tập đọc“ định là Oma sẽ đọc sách cho cháu nghe! nay cuốn sách mất tiêu
và kịch bản nếu muốn có thì chỉ còn cách duy nhất là phải chạy về nhà anh Nhàn
để in mà thì giờ thì không cho phép! Lên sân khấu tới nơi rồi! Thế là tôi chạy
lên chạy xuống miệng thì lãm nhãm để mọi người nghe thấy mà tìm giúp! Cuối cùng
sau một hồi thót tim tưởng chừng bỏ cuộc thì đồ nghề mới chịu lòi ra, nó nằm im
ru trong một góc khuất sau tấm màn sân khấu! Hú hồn!
Theo thứ tự trình diễn, bài hát „Cô Gái Việt“
của Hội Văn Hóa Phụ Nữ được vinh dự mở màn với một đoạn phát biểu cảm tưởng, sau đó thì đến anh Văn Nghệ lên ca một bài,
chỉ một bài thôi là đến hoạt cảnh Bà Triệu mà tôi là người phải xuất hiện đầu
tiên. Có nghĩa là tôi, sau phần ca hát phải lo ba chân bốn cẵng chạy lẹ xuống
sân khấu chen vô phòng thay đồ, lúc đó các diễn viên cho hoạt cảnh này với mấy
chục em cũng đang thay đổi xiêm y chuẩn bị ra tuồng, em đứng em ngồi đầy cả cái
phòng „ấm cúng“cho bấy nhiêu diễn viên và ca sỹ!. Tả xung hữu đột, miệng thì cứ
xin lỗi xin lỗi lia chia để chen vô thay quần áo. Bên tai tôi lúc đó có tiếng
Việt Tú và một hai chị em khác nói:“ để em giúp cho, giúp cho“ thật là đỡ khổ
và lúc này mới cảm động và thấm hai chữ giúp đở lúc ngặt nghèo!
Lúc
tập dợt tôi có hai đứa cháu, cháu gái Vy thì không phải lo, duy cháu trai Bảo
Phúc thì cháu không chịu ngồi yên, tôi phát rét vì nhớ khi dợt cháu chạy lung
tung, không biết hôm nay cháu có nhớ khúc nào tới phiên cháu để cháu nói cho ăn
khớp nên dặn đi dặn lại và nói với cháu:“con chú ý khi nào Oma đặt tay lên đùi
con thì con nói nhé“. Dặn thì dặn nhưng không biết nó có thuộc bài, có ráp vô
đúng câu đúng lúc hay không nên lòng bối rối không yên! Ai dè lên sân khấu cháu
ngồi đàng hoàng ngay ngắn, nói đúng lớp lang và rất ư dạn dĩ! đúng là đạo diễn
chọn người phân vai rất khéo!
Hoạt
cảnh Bà Triệu thông suốt, được các bạn bè tham dự khen ngợi.Lời Oma dặn dò hai
đứa cháu, các cháu đã viết thật hay, thật ôm trọn ý nghĩa trao đến cho các cháu
được sanh ra và lớn lên trên nước Đức! Tôi thật thán phục các cháu trong ban
Văn Vũ Điễm Sáng và các môn sinh trong Đại Gia Đình Việt Võ Đạo. Trong niềm
thán phục đó có luôn niềm tự hào và hy vọng về giới trẻ với các sinh hoạt cộng
đồng của người Việt Quốc Gia tại Đức. Từ đây biên kịch gia Đỗ Văn Thông đã có hậu
duệ về lãnh vực viết hoạt cảnh và đạo diễn, từ đây trong lãnh vực văn hóa với
chủ đề chống ngoại xâm có thêm hoạt cảnh viết nên bởi các người trẻ. Đây không
chỉ là nỗi niềm hạnh phúc riêng của tôi mà còn của các bạn thuộc thế hệ cao
niên và trung niên tại Đức, đồng nêu lên ý kiến khen ngợi buổi lễ Giổ Tổ Hùng
Vương nói chung và hoạt cảnh Bà Triệu nói riêng khi quý vị ấy được tôi phỏng vấn.
Nỗi
lo về hoạt cảnh bà Triệu đã chấm dứt , giờ thì lo sau này còn có được ai cho
mình đóng kịch nữa hay không khi nhớ câu anh Thông cười cười nói „Cô Nga đóng
ngày càng già dặn“ Các bạn đọc bài xin lưu ý và nhớ hiểu hai chữ già dặn của
anh Thông, người nỗi danh về dụng ý thâm thúy và chơi chữ nhé!
Phi
Nga
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen