Dân Việt Nam khổ lắm, nước ô nhiễm, đất ô nhiễm, không khí ô nhiễm, lương tâm con người cũng ô nhiễm
Linh Mục Trần Văn Kiểm (bên phải), Giám Đốc TTCG chào mừng Đức Giám Mục và qúy vị trong HĐLT cũng như các cơ quan truyền thông và đồng hương tham dự. (Thanh Phong/ Viễn Đông)LTS: Như Viễn Đông đã loan tin phần đầu trong buổi họp báo do Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ tổ chức vào chiều Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017 tại Trung Tâm Công Giáo VN. Trong phần hai, Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Kontum đã được mời đến để trình bày về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo và thảm họa Formosa. Sau đây là nguyên văn lời phát biểu của Đức Cha Hoàng Đức Oanh do phóng viên Thanh Phong ghi lại:
Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh phát biểu trong buổi họp báo. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
“Tôi xin kính chào tất cả quý vị trong Ban Liên Tôn cũng như quý vị hiện diện ở đây. Tôi xin cám ơn quý vị và trong Ban Liên Tôn cho tôi có dịp ngồi đây để tường trình cùng quý vị. Tôi biết quý vị phát xuất từ lòng yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào của mình cho nên muốn biết về tình hình sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam cũng như đặc biệt muốn biết về tình trạng cái đại họa Formosa.
Về sinh hoạt tôn giáo tại VN thì quý vị vừa mới nghe hai đại diện tôn giáo Hòa Hảo và Cao Đài đã trình bày, còn riêng với phần tôi thì cũng rất giới hạn, bởi vì cái lãnh vực sinh hoạt của tôi cũng chỉ là ở trên hai tỉnh Kontum và Gia Lai. Sau này khi về hưu rồi tôi có dịp đi đây đi đó, tôi cũng có dịp biết được thêm chút nữa, nên có gì thì tôi xin trình bày theo khả năng và sự hiểu biết của mình.
Về tôn giáo thì quý vị cũng đã biết rồi, VN đang sống dưới chế độ cộng sản vô thần. Về lý thuyết thì giữa tôn giáo và cộng sản vô thần là không có chỗ chung. Theo lý thuyết thì chủ nghĩa cộng sản và người cộng sản được giáo dục quan niệm tôn giáo là thứ thuốc phiện ru ngủ! Chúng ta biết cái logic của nó là “phải diệt.” Cho nên trước đây dưới chế độ cộng sản thì tất cả những tôn giáo đều bị diệt một cách tàn nhẫn như ở Liên Xô trước đây, ở bên Tàu cũng như cộng sản miền Bắc v.v. và đặc biệt ở Bắc Triều Tiên bây giờ!
Bởi vì khi quan niệm đó là thuốc phiện ru ngủ thì phải diệt thôi. Quý vị ở trong gia đình mà có đứa con nó nghiện ma túy chẳng hạn thì quý vị phải ngăn cấm thôi, nhưng vì con người nên người ta quan niệm như thế này, sẽ vây chặt lại và tách cái đám nhỏ ra. Vây chặt những người đã có tôn giáo rồi để cho ở dần dần chết là hết! Còn tách cái đám nhỏ ra với hệ thống giáo dục hoàn toàn vô thần chống lại tôn giáo thì họ hy vọng rằng cái đám trẻ đó sẽ không còn tôn giáo nữa, còn đám già thì sẽ chết dần chết mòn.
Nhưng kinh nghiệm trong lịch sử cho thấy không thể đạt như thế. Vậy thì hiện nay người ta đã thay đổi. Thay đổi vì có hai lý do: Lý do thứ nhất là bởi vì kinh nghiệm cho hay, con người tự đáy lòng của họ có niềm tin. Theo như Công Giáo thì quan niệm rõ ràng như thế này, là con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh của Ngài. Thiên Chúa muốn cứu chuộc con người; và con người bao lâu chưa gặp được Thiên Chúa, Đấng tạo thành thì bấy lâu chưa được an nghỉ. Thánh Agustino đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con, bao lâu con chưa gặp Ngài thì con chưa được an nghỉ.”
Thành ra qua những kinh nghiệm đó làm cho những người điều khiển cộng sản hiện nay trên thế giới phải thay đổi. Họ thay đổi nhưng mà chưa thay đổi căn gốc đâu, họ vẫn mơ ước là sẽ có ngày người ta không còn tin đạo nữa. Không còn tôn giáo nữa! Vậy thì họ nhân nhượng một chút bằng cách là tạo cho điều kiện để phát triển nhưng với điều kiện dưới sự kiểm soát chặt chẽ của họ, và trong khi đó thì họ lập ra nhiều hình thức để xen lấn vào trong nội bộ các tôn giáo và để làm cho cái tôn giáo đó mất uy tín.
Thí dụ như một tôn giáo nào đó, họ cho những người đi tu vào làm các giáo sĩ chẳng hạn; rồi các giáo sĩ đó, với niềm tin của họ là tôn giáo chỉ là thuốc phiện nhưng họ giả vờ để sống tôn giáo đó nhưng để cuối cùng trong cuộc sống của họ là chống tôn giáo, thành ra làm tôn giáo đó mất uy tín. Thí dụ như bên Công Giáo chẳng hạn, có một ai đó giả vờ đi tu, họ rất đạo đức, rất đàng hoàng, có uy tín với mọi người thế rồi lập một cái Dòng nào đó rồi một hôm họ trở cờ với đời sống bê tha làm cho tất cả các tín đồ ngã ngửa ra, bởi vì người ta vẫn còn tin, như câu cảnh cáo thế này: “Tin đạo chứ không phải tin người có đạo.”
Thế nhưng thực tế người ta vẫn tin người có đạo, thành ra cuối cùng khi gặp những người như thế họ ngã lòng, và ở Việt Nam hiện nay có những hình thức như vậy. Và đồng thời có những điều thay đổi nữa, chẳng hạn như nhà văn Nguyễn Khải, trước 1975 ông viết nhiều tiểu thuyết chống lại Giáo Hội Công Giáo bởi vì ông vẫn quan niệm tôn giáo là thuốc phiện nhưng sau 1975, ông được tiếp xúc với các linh mục, giám mục, các giáo hữu miền Nam thì ông đã đổi lại cho nên cái tiểu thuyết cuối cùng của ông hoàn toàn không bôi bác tôn giáo, và cái di chúc của ông cho đến giờ phút này gia đình chưa công bố nhưng mà những tài liệu cuối cùng mà người ta biết được thì ông đã thú nhận rằng “Tôi tìm lại được cái Tôi đã mất.”
Có nghĩa là cái tôi của Nguyễn Khải trước đây nó không còn, nó mất gốc rồi, nay ông đã phản tỉnh và ông đã tìm được cái tôi đích thực của ông là con người có niềm tin tôn giáo. Cái này, nhạc sĩ Tô Hải mà tôi có dịp đi thăm ở bệnh viện, ông cũng đã viết cuốn hồi ký “Thằng Hèn,” có nghĩa là trước đây ông đã hèn. Bởi vì ông đã sống theo cái kiểu hèn mạt của một con người, một đảng viên. Nay ông đã tìm lại và ông thú nhận cái hèn của ông và ông bắt đầu cảnh tỉnh, ông đã tin theo Chúa và đã trở thành một Kitô hữu.
Vậy đối với vấn đề tôn giáo thì nhiều người hỏi tôi câu này: “Ở Việt Nam có tự do tôn giáo không?” Tôi thường trả lời: “Có và Không.” Có tự do tôn giáo theo nghĩa xã hội chủ nghĩa, và không có tự do tôn giáo theo kiểu mà người Tây phương hiểu hay chúng ta hiểu bây giờ. Điều này tôi cũng đã nói với tất cả cán bộ trung ương hay địa phương mà tôi gặp, tôi cũng nói như thế. Vậy có nghĩa là có tự do tôn giáo theo ý nghĩa của xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là cái tự do đó phải ở dưới quyền điều khiển của một chế độ, và theo nguyên tắc “Xin-Cho”.
Và quý vị biết nguyên tắc xin, cho là tôi xin quý vị, có nghĩa là quý vị có quyền, quý vị có thể từ chối và quý vị cũng có thể cho. Thì cái đó không phải là tự do nữa! Cái đó là cái mua chuộc, vì thế nó xảy ra một cái thứ gọi là “tham nhũng hối lộ ”mà quý vị biết, một linh mục, một tu sĩ, một giáo sĩ của một tôn giáo mà phải chấp nhận một cái hệ thống xin, cho như thế, tham nhũng, hối lộ như thế thì nó không còn là tôn giáo đích thực nữa, nó tha hóa rồi!
Còn với tự do mà bên Tây phương và chúng ta hiểu như bây giờ thì tôi có thể nói là ở Việt Nam không còn. (Quý vị muốn hiểu sao thì hiểu). Còn thực tế thì tôi nghĩ quý vị sẽ thắc mắc, muốn biết về tu viện Thiên An ở Huế hoặc là Cồn Dầu ở Đà Nẵng hoặc Thủ Thiêm ở Quận 2, Saigon. Thì quý vị biết, Dòng Thiên An ở Huế thì tôi có dịp năm nay tôi có hai lần truyền chức cho các linh mục ở Thiên An vào tháng Giêng và tháng Ba vừa qua, thế thì tôi biết ở đó trước 1975, các tu sĩ đã mua hơn một trăm héc ta. Rồi sau năm 1975, chính quyền Thừa Thiên Huế đã lấy đi một phần, rồi sau này họ tiếp tục lấy, và bây giờ tình trạng là ai đó đã bóc cái vỏ của cả bao nhiêu hecta cây thông mà các thầy đã trồng trước đây, mà bóc cái vỏ như vậy thì cây sẽ phải chết, và các tu sĩ biết rằng mình không bóc nhưng mà có người bóc như vậy thì sẽ sinh ra tranh chấp sắp tới, thế nhưng các vị tu sĩ đó vẫn kiên trì và xác định cái quyền của mình.
Ở đó có một tượng Thánh Giá các thầy dựng lên trongkhu đất đó thì mấy anh em đã vào đập phá và cái tượng vẫn còn nằm ở đó, nay gọi là cái “Đồi Khổ Nạn.” Bây giờ nó có cái lạ là nhờ có vụ đó như thế mà Thiên An đã trở thành một nơi hành hương ngày càng đông tín hữu ở miền Nam, miền Bắc tới đêm ngày, có khi cả mấy trăm người mỗi ngày như vậy, còn ở Thủ Thiêm, cái sôi nổi nhất ở Thủ Thiêm thì Quận 2 người ta định quy hoạch thành cái nơi hành chánh mới của thành phố Saigon, nhưng nó có cái lạ là họ quy hoạch có đủ chợ, đủ văn phòng, đủ công viên ngoại trừ tôn giáo không có, mà cái nhà Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là có 170 năm rồi, nó đã thành di tích lịch sử rồi.
Theo nguyên tắc công bằng mà quy hoạch thì tôn giáo phải có chỗ đứng của nó thế nhưng họ quy hoạch như thế là tôn giáo không có chỗ đứng. Họ đẩy đi xa, và có chùa Liên Trì của Phật Giáo nằm ở đó. Tôi có dịp tới thăm Hòa Thượng Thích Không Tánh trụ trì chùa Liên Trì nhiều lần, thế nhưng cuối cùng họ đã ủi, san bằng cái chùa Liên Trì. Còn bên nhà Dòng Thủ Thiêm thì họ cũng muốn ủi mấy lần. Bởi vì ở nhà Dòng Thủ Thiêm có một cái chỗ là cơ sở như nhà thờ, nhà nguyện, nhà xứ đã có hơn trăm năm rồi thế thì còn cái trường của nhà Dòng họ mượn.
Theo nguyên tắc, mượn thì phải trả thế nhưng ít lâu nay họ không làm nữa thì bên nhà Dòng đòi, họ bảo họ không trả và họ bồi thường. Bên nhà Dòng cũng bằng lòng chấp nhận bồi thường, nhưng quý vị biết, thí dụ bồi thường một mà họ bán một ngàn thì quý vị không chấp nhận được. Và thí dụ như nhà nước quy định bồi thường hai chục mà họ trả có một đồng, có nhiều nơi như vậy, và có nhiều nơi dân không phải là không chấp nhận cái lệnh quy hoạch nhưng mà vì quy hoạch bất công và bồi thường không đúng theo công bằng và nó quá chênh lệch.
Thí dụ đất Thủ Thiêm tôi không biết rõ nhưng khoảng hai triệu một mét vuông thế thì khi mình chấp nhận rồi, họ bán sang tay cho các đại gia khoảng 120 triệu chẳng hạn một mét vuông như vậy quá bất công thì người ta không chấp nhận được, thành ra với người Công Giáo chúng tôi không phải là tham cái đất, nếu mà quy hoạch đúng theo nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng nhưng vì bất công cho nên chúng tôi, người Công Giáo phải đấu tranh, không vì cho cái miếng đất đó mà cho những người thấp cổ bé miệng khác nữa, và cái khó khăn ở chỗ này là chế độ đã chống lại phong kiến vì những địa chủ thu đất rồi người dân nghèo không có đất làm thuê làm mướn.
Nay họ đấu tranh để chia đất cho dân nên dân rất đồng tình nhưng cuối cùng bây giờ thì lại địa chủ hơn cả địa chủ nửa, thành ra đất bây giờ của toàn dân mà nhà nước quản lý! Thành ra dân không có đất. Chính vì thế dân lại trở thành một thứ nô lệ mới cho nên chính vì thế mà nó có vấn đề đấu tranh đất cát ở mọi nơi, không chỉ có tôn giáo đâu mà khắp mọi nơi. Cho nên với những người có tôn giáo như chúng tôi, chúng tôi đấu tranh; không đấu tranh cho Giáo Hội mà đấu tranh cho hết mọi người để họ có quyền sống.
Hiến pháp đã từ chối cái quyền sở hữu và tất cả những khó khăn ở Việt Nam hôm nay, một trong những mấu chốt là cái quyền sở hữu, cái quyền tư hữu này đã bị từ chối. Muốn cho xã hội Việt Nam trở lại bình an, trật tự thì một trong những vấn đề là phải trả lại cái quyền tư hữu cho người dân. Bao lâu chưa trả lại thì bấy lâu còn cái tệ nạn cán bộ tung hoành chiếm đất của dân thì dân không còn.
Ở trên Kontum chúng tôi có một cái họ đạo người dân tộc, cách Kontum khoảng 6, 7 cây số, trước năm 1975 là một họ đạo gương mẫu nhưng hôm nay trở thành một họ đạo “thảm khốc”! Đủ mọi tệ nạn phát xuất từ cái chuyện đất cát, bởi vì đất ở trên đồi thì nhà nước quy hoạch trồng cao su rồi còn đất ở dưới bờ sông Darla thì bây giờ chỉ còn một ít thì nhà nước đắp đập, xây thủy điện rồi, dân không còn đất chỉ còn có cái nhà ở, bồi thường được mấy triệu bạc thì tiêu hết rồi thành bây giờ cứ ngày Chủ Nhật, sau khi dự lễ xong là bố mẹ dắt nhau ba bốn chục cây số lên rừng ở đó đến tối thứ Bảy mới đi bộ, đi xe về, ở nhà con cái không có cha mẹ coi sóc nó bỏ không đi học nữa, có đứa đi thì phá phách, ngồi trên tường, thầy, cô nói không được, rồi xe thồ ở thị xã Kontum xuống, mấy đứa con trai thì khuân vác được khoảng 5 đô một ngày thì ăn nhậu, con gái thì xe thồ nó chở lên Kontum, nếu đẹp một tý thì đi khách được năm chục hay 75 ngàn, 100 ngàn, cứ thế thành ra cả làng như thế. Trước đây cả làng có nhiều người đi tu nhất, nhiều người đạo đức nhất bây giờ nó xoay vần như vậy vì cái đất cát.
Còn Cồn Dầu, theo tôi biết, sau khi đấu tranh như vậy một số gia đình không muốn đi. Trước sự phản kháng của người dân và quốc tế, tôi xem trên internet nói rằng nhà nước đã chấp thuận cho 136 gia đình sẽ được ở lại chia đất chung quanh nhà thờ để quy hoạch đúng như vậy. Tôi nghĩ rằng Đông Yên và các nơi khác cũng sẽ y như vậy.
Thế còn điều thứ hai mà quý vị muốn biết là Formosa. Tôi có nhiều dịp tới đây thì Formosa là dãy nhà nằm dọc theo bờ biển cả mấy cây số như thế còn ngang bao nhiêu tôi không biết, tôi đi qua, Sau mấy lần biểu tình bây giờ họ xây tường hết rồi và chặn hai ba lần lưới kẽm gai, và ở trong đó không biết có bao nhiêu người. Có người nói có cả mười mấy ngàn công nhân, một số người Việt Nam phản đối không làm nữa nên họ đem người Tàu sang.
Quý vị biết ở cái cảng Sơn Đông như vậy, Formosa nằm như thế này, thì cái làng lương ở đây, cái làng Công Giáo ở đây, cái làng lương ở đây thì một phần ba cái làng lương này nằm trên đất Formosa theo quy hoạch thì họ di tản rồi, còn hai phần ba làng lương này và cái làng lương kia vẫn còn y nguyên, còn cái làng giáo này thì bị đập tan tành, nhưng mà còn mấy chục gia đình quyết tâm ở lại, và bây giờ một số gia đình họ lên Đông Yên mới họ cũng trở lại, bởi vì ở Đông Yên mới thì có nhà ở nhưng không có đất làm ăn, cuối cùng họ trở lại nhưng mà phải nói đây là cái thảm họa kinh khủng! Bởi vì nó ảnh hưởng tới bốn tỉnh miền Trung, nó ảnh hưởng tới 5 triệu dân và quý vị cứ tưởng tượng rằng nước và đất ô nhiễm mà cái nhà máy Formosa nó mới khởi động thôi chứ chưa vận hành chính thức, mà mới khởi động nó đã ô nhiễm tới bốn tỉnh thì quý vị cứ hình dung khi nó chính thức vận hành nó sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Và quý vị phải đặt vào hoàn cảnh của người dân mới thấy khổ như thế nào. Bởi vì nước ô nhiễm, cá chết như vậy, Trước đây họ phải đi mượn tiền để đóng tàu, mà dân VN mượn tiền là mượn nóng, thay vì 3% lãi thì 10%, 15% mà đóng một cái thuyền như vậy là phải tốn từ 50 đến 70 ngàn đô tức là hơn một tỷ, và mỗi tháng họ đi đánh cá hai lần, mỗi lần có thể họ bán được bảy chục triệu, một trăm triệu, một trăm hai chục triệu. Vậy 12, 13 tháng rồi họ nằm đó thì quý vị cứ tưởng tượng coi lãi nó chồng chất như thế nào, và mỗi tháng không còn thu nhập được đồng nào cả thì lấy gì mà sống?
Và trong khi đó, cái tàu đánh cá như vậy mà đậu không sinh hoạt được nữa thì chết, mà đi ở gần về không ai mua, đi xa thì tàu lạ nó ủi, về kiện cáo không ai cứu xét cả, và chất độc ô nhiễm vào nước thì đất cũng thấm nước ô nhiễm mà mỗi lần lụt lội như vậy thì quý vị nghĩ coi cái gì xảy ra, bao nhiêu chó, bò, mèo heo, gà chết, cái xác chết hai ba ngày chúng ta đã phải đem đi chôn rồi mà cả cái diện tích lớn như thế đầy những cây cối, rác rưởi, xác chết thú vật trôi lềnh bềnh, đâu có ai lo thành thử không khí cũng ô nhiễm.
Mỗi lần tôi ra là tôi ăn ở Tòa Giám Mục, ở nhà xứ, họ mua thức ăn, mua nước từ Hà Nội hay từ Saigon gửi máy bay mang vào, vậy mà cuối cùng tôi có thể nói, mình phải nhịn đói, mình ăn cầm chừng vì cái bụng không bao giờ ổn! Người quen rồi thì không thấy nhưng người khác thì sẽ thấy và bằng chứng là 57 thanh niên lực lưỡng không còn đi đánh cá được nữa, bây giờ đi kiếm việc làm, đi nước ngoài họ thử máu thì họ không chấp nhận. Tất cả đều bị nhiễm chì cả. Không đủ tiêu chuẩn quốc tế cho người ta nhận thì cuối cùng qua thế hệ này đến thế hệ khác sẽ bị ô nhiễm.
Chúng ta phải đặt mình trong hoàn cảnh của họ, chúng ta sẽ thấy hoang mang như thế nào. Trong khi đó, phía chính quyền lại xem ra dửng dưng. Tôi không hiểu rõ lắm nhưng mà thấy khó giải thích, bởi vì trước một cái thảm nạn như vậy, thí dụ như chúng tôi, một cơ sở tôn giáo mà lén lút chở một bao xi măng hay vài viên gạch vào thì quý vị chính quyền biết liền cho người đến lập biên bản ngay, thế mà cái thảm họa thế này, nó lù lù cả thế giới đều biết thì chính quyền tỉnh bơ.
Cuối cùng đến khi Formosa là người Đài Loan nhận tội thì chính quyền mới thừa nhận. Thừa nhận và lại trả lời “Biển sạch rồi,” càng không hiểu được! Trong khi đó dân rất bất mãn. Tôi mới gặp một em sinh viên đi trên máy bay hôm 18 tháng 4 bay từ Đồng Hới vào Saigon. Tôi hỏi, “Con về đâu?” em trả lời “Con đi nhận tiền bồi thường, được 17 triệu sáu trăm năm chục ngàn.”
Quý vị tưởng tượng em đó đi máy bay mất triệu tám rồi đi taxi, ăn uống vài trăm ngàn nữa. Mười hai, 13 tháng được 17 triệu 650 ngàn thì bồi thường cái gì? Lấy gì mà sống? Đấy là có người được bồi thường, có người lại không được bồi thường. Có những người không chịu ảnh hưởng trực tiếp thì được bồi thường; có những người chịu ảnh hưởng trực tiếp lại không được bồi thường.
Tôi tới Đông Yên tôi nói với cha Đặng Hoàng Nam. Tôi hỏi tại sao nước ô nhiễm như vậy mà lại làm muối? Ông cha Nam nói với tôi, đấy bên lương họ làm; thế thì tôi trả lời phỏng vấn ở đây thì có người bảo tôi “kỳ thị” bởi vì tôi nói theo lời cha Nam thôi, tôi đâu có để ý, tôi nói với cha Nam, Cha phải la giáo dân của mình đi chứ, nước ô nhiễm mà làm muối như thế bán làm sao được. Cha Nam bảo, con đâu có quyền, họ đâu phải giáo dân của con. Thế thì tôi cũng nói như vậy, cuối cùng mấy anh em ở nước ngoài bảo tôi kỳ thị tôn giáo mà thực tế là như vậy. Bây giờ anh em họ kẹt họ phải sống thì họ làm muối; muối đó ở đó không ăn nhưng ở Saigon, ở nơi khác đến mua về bán thì cuối cùng ô nhiễm hết. Ở Saigon đâu có biết, thành ra cái tinh thần người ta bây giờ hoang mang lắm.
Thế thì phản ứng của người dân rất buồn, rất hoang mang mà chính quyền lại rất khó hiểu. Trong khi đó những người dân phản đối vụ Formosa thì bị người nhà nước, chính quyền đánh đập, tù tội nữa thành ra chúng tôi càng khó hiểu hơn. Chính vì thế tôi thấy dân ở Việt Nam khổ lắm, nhưng cái điều quan trọng nhất, nước ô nhiễm, đất ô nhiễm, không khí ô nhiễm. Cái điều quan trọng hơn nữa là lương tâm con người cũng ô nhiễm, cuối cùng không còn phản ứng, thụ động trước bất cứ sự đau khổ của người khác, và cuối cùng mạnh ai lo sống lấy thành ra cái đó là cái thảm hơn nữa. Và tôi biết thế nào nói thế nấy. Xin kính chào tất cả quý vị.”
Sau đó, Đức Giám Mục đã trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan truyền thông trước khi rời hội trường ra phi trường đi Âu châu.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen