Trần Văn Tích
Tổ chức Friedrich-Ebert-Stiftung là một cơ quan phụ thuộc đảng Xã hội
Dân chủ Đức (SPD). Giống như các đảng phái chính trị khác, SPD cùng các cơ sở
lệ thuộc hoạt động qua sự tài trợ của ngân sách quốc gia và tiểu bang, nói cách
khác, hoạt động nhờ vào tiền thuế do người dân đóng.
Ngày 25.04 vừa qua, Friedrich-Ebert-Stiftung phối hợp với một cơ quan
khác để tổ chức một buổi hội thảo tại thủ đô Berlin mà mục đích chính là giới thiệu cuốn
sách mang đầu đề “UnSichtbar. Vietnamesisch-Deutsche
Wirklichkeiten“. (Vô Hình. Các Sự thật Việt-Đức). Nội dung chính của sách là
những chuyện kể. Những nhân vật tham gia kể chuyện bản thân là thuyền nhân, thợ
khách và những kẻ sang Đức rồi về lại Việt Nam. Có tất cả mười hai người Việt
Nam sử dụng lối văn trần thuật bên cạnh vài nhân vật người Việt được phỏng vấn.
Ngoài ra còn có một số người Đức góp bài viết cho cuốn sách dày 368 trang.
Khi nhận được thông tin liên
quan đến buổi hội thảo và sau khi đọc kỹ tên họ những thành phần Việt và Đức có
tên trong danh sách những người tham dự, tôi gửi thư chất vấn ban tổ chức vì
tuy sách được giới thiệu là tài liệu nghiên cứu khoa học về thuyền nhân tỵ nạn
và di dân kinh tế Việt Nam nhưng chỉ có hai người là thuyền nhân chính cống
trong khi những thành phần đang hợp tác với bạo quyền Việt cộng hoặc những kẻ
đã sang Đức kiếm việc làm, thậm chí xin tỵ nạn nhưng rồi lại quay trở về Việt
Nam sinh sống, lại chiếm đa số. Hơn nữa trong số tham dự viên có cả gã Đại sứ
Việt cộng tại Đức (nghe nói gã Đại sứ vào giờ chót từ chối không tham dự buổi hội
thảo). Thư tôi gửi cho những người Đức mà tôi xem là có thẩm quyền và trách
nhiệm nhưng phụ trách trực tiếp trả lời cho tôi qua điện thoại lại là một người
Việt.
Jason Bourne* người Việt
Người Việt trả lời tôi qua điện
thoại tự xưng tên là Thanh Long và cho biết sinh vào thập niên 1980. Theo dự
thảo chương trình, anh ta phụ trách một phần buổi hội thảo vào buổi sáng. Anh
Thanh Long còn là người sáng lập và xúc tiến từ hơn mười năm nay nhiều dự án
tạo hiểu biết giữa thiểu số di dân và đa số dân chúng trong xã hội Đức mà một
trong những dự án đó là dự án UnSichtbar. Ngoài ra lấy nguồn cảm hứng từ dự án
UnSichtbar, Thanh Long đã có sáng tác nghệ thuật mang tựa đề “Die Unsichtbaren“
(Những kẻ vô hình), tác phẩm nghệ thuật này được biết đã được triển lãm tại Hội
trường Nghệ Thuật Liên bang ở Bonn năm 2016. Lần này cùng cộng tác với tổ
chức Friedrich-Ebert-Stiftung và cơ quan DOMID, một trung tâm lưu trữ tài liệu
liên quan đến di dân ở Köln,
Thanh Long cho ra mắt cuốn sách UnSichtbar. Tất cả chi tiết liên quan đến Thanh
Long chỉ có vậy; trong khi đối với một số những người Việt Nam khác – như Đinh
Kim Tân, Hoàng Thị Mỹ Lâm, Hoàng Thị Minh Thảo, Lê Thị Lài, Lê Trần Bình, Tạ
Thị Minh Tâm – người đọc được cung cấp chi tiết về sinh quán thậm chí về gốc
gác. Tuy nhiên nếu tài liệu in trên giấy trắng và bằng mực đen không đem lại
chi tiết gì về cội rễ của nhân vật Thanh Long thì chỉ cần nghe anh nói chuyện –
qua điện thoại – một hai phút là có thể ước đoán gay gốc gác của anh. Giọng
nói, cách phát âm, lối dùng chữ của Thanh Long chứng tỏ anh không thể nào thuộc
“chủng tộc“ Việt Nam Cộng Hoà. Hầu hết nếu không là tất cả người Việt Miền Nam
khi nghe một đồng hương nói chuyện đều có thể nhận biết ngay là người đối thoại
với mình không thuộc xã hội Miền Nam trước 1975.
Con người không thuộc xã hội
Miền Nam trước 75 giờ đây ở Đức đưa ra đường lối nhằm “die Tür zur
Versöhnung zwischen den ehemaligen Kriegsgegnern einen Spalt zu öffnen“ (mở
hé cánh cửa dàn hoà giữa những kẻ thù hai bên chiến tuyến ngày trước). Nghe
thật mủi lòng.
Tuy nhiên cánh cửa lúc nào
cũng đã mở rồi
Ở nước Đức này, tập thể người
Việt tỵ nạn cộng sản đã từng đón tiếp nhiều bà con nguyên xuất thân từ bên kia
chiến tuyến. Các anh chị đến cùng chúng tôi trong những buổi sinh hoạt đấu
tranh chính trị và/hoặc văn hoá xã hội. Thông thường họ là những cá nhân : một
linh mục xuất thân từ xứ đạo Thái Hà, một nhà văn nữ ở Berlin, một nam kỹ sư ở Leipzig, một cựu sĩ quan thuộc các “lực
lượng vũ trang nhân dân“ ở München,
một nhân vật được xem là đối kháng xin tỵ nạn tại Pháp v.v..; nhưng cá biệt họ
có thể là một nhóm người khá đông đảo. Trong tam cá nguyệt đầu năm 2014, Trung
cộng đưa giàn khoan dầu xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Chúng tôi cấp tốc tổ chức
biểu tình phản đối trước đại sứ quán Trung cộng ở Berlin. Khi được biết tin
này, Bà Trịnh thị Mùi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên thuộc Hội Liên Hiệp Người
Việt toàn Liên Bang Đức – là một tổ chức của Việt cộng –, Tổng Giám đốc Trung
tâm Thương mại Thái Bình Dương ở Berlin,
nguyên là công nhân lao động xuất khẩu thời mồ ma Đông Đức, gửi điện thư và gọi
điện thoại cho chúng tôi, đề nghị cùng phối hợp tổ chức biểu tình chống Trung
cộng. Chúng tôi không đồng ý phối hợp tổ chức nhưng chấp thuận để Bà Trịnh thị
Mùi gửi người cùng tham gia biểu tình với điều kiện không được sử dụng cờ đỏ
sao vàng mà tất cả cùng đứng dưới Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ.
Bà Trịnh thị Mùi tán thành và chúng tôi có thêm một nhóm người cùng góp phần
biểu dương lực lượng. Trong trường hợp này đã có sự "làm lành" ngắn
hạn giữa hai thành phần người Việt từng ở hai chiến tuyến, một bên chống cộng
và một bên theo cộng. Sở dĩ được như vậy là vì trên nguyên tắc, những đồng bào
đã rời bỏ đất nước mà không phải vì muốn sang Đức kiếm ăn thì chỉ có thể chọn
cho mình phe nào có chính nghĩa, chọn cho mình phe nào đấu tranh cho đất nước
thoát ách nô lệ kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Trong khi đó thì thái độ thoả
hiệp với bạo quyền Việt cộng là thái độ phản bội chính nghĩa dân tộc.
Phí phạm ngân quỹ
Công luận Đức biết rõ là trường
sở nhiều nơi trên đất Đức vì thiếu tiền nên tường vách dơ bẩn, nhà vệ sinh mất
hẳn vệ sinh; nó cũng biết rõ là đường sá nhiều vùng trên đất Đức vì thiếu tiền
nên người dân chạy xe sụp ổ gà hà rầm. Tờ nhật báo General-Anzeiger ở Bonn số ra hai ngày thứ bảy/chủ nhật 29/30.04.2017 chạy tít lớn nơi trang nhất Krankenhäusern fehlt das Geld (Nhà thương thiếu tiền). Theo thiên
phóng sự này thì trong năm qua bảy bệnh viện ở Bonn với
2898 giường bệnh thiếu hụt 15,5 triệu Euro. Kết quả là phải hạn chế trang bị
hiện đại và đắt tiền và/hoặc phải dẹp bớt một số chuyên khoa. Trong khi đó thì
một tổ chức thống thuộc một đảng lớn đang tham gia cầm quyền lại có đủ tiền để
trang trải chi phí cho một buổi hội thảo nặng tính trình diễn mà nhẹ phần thiết
thực. Một mặt người dân Đức cần cù lao động oằn vai đóng thuế để rồi lúc ốm đau
vào bệnh viện thì bệnh viện thiếu tiền, ra ngoài đường thì ổ gà lồi lõm, cho
con cháu đi học thì nhà trường dơ bẩn không có vệ sinh. Mặt khác có những kẻ
hữu trách hữu quyền sẵn lòng mang công quỹ ra ứng cấp cho những kế hoạch tài
trợ chi phí di chuyển, ấn hành tài liệu v.v..nhằm hoàn thành một chương trình
được gọi tên là nghiên cứu khoa học nhân văn mà mục đích là hoá phép cho những
con người vô hình trở thành hữu hình (!?!?).
Từ trường chính nghĩa
Người Việt tỵ nạn cộng sản có
chính nghĩa. Điều này những ai còn chút lương tri, còn chút đạo lý đều không
thể nào bác bỏ được. Và những ai còn chút lương tri, còn chút đạo lý thì đều
sẵn sàng đến với những người có chính nghĩa. Ngoạn mục hơn nữa, các anh chị em
bình thản và thung dung chấp nhận cùng chúng tôi đứng dưới một lá cờ chung. Tôi
muốn nói rõ hơn : đứng dưới quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà nền vàng ba sọc đỏ.
Ngày Quốc Hận năm nay tôi đã
quan sát những thành phần dân tộc do sức hút của từ trường chính nghĩa quốc gia
phát huy tác dụng thu hút đến Hội trường Thánh đường St. Aloysius Berlin khi
các anh cùng chúng tôi cử hành nghi lễ khai mạc. Không rõ các anh đã thuộc lòng
bài Tiếng gọi công dân chưa nhưng điều đó cũng chẳng có gì là
quan trọng khi khí thế bừng bừng trong Hội trường vào lúc cử quốc ca thừa sức
tiếp lời ca, thay tiếng hát cho các anh chị em. Lúc chúng tôi cùng hát bài Deutschlandlied thì đâu có ai đảm bảo là mọi người
chúng tôi đều cùng thuộc nằm lòng quốc ca nước bạn đã cho các anh chị em một
chỗ trú thân an toàn bên cạnh chúng tôi!
Không phí phạm một xu tiền thuế
do người dân Đức đóng góp, chúng tôi vẫn đạt được mục đích mở rộng cánh cửa,
dang tay chào đón những đồng hương thực sự có lòng với chính nghĩa.
03.05.2017
* Jason Charles Bourne là một nhân vật
tiểu thuyết phản gián có lý lịch rất mơ hồ, Hollywood đã quay thành phim.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen