22 tháng 4 2017
Trả lời BBC về vụ
việc ở Đồng Tâm đang thu hút sự chú ý của dư luận, Luật sư Lê Công Định
từ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần tìm cách giải quyết tận gốc rễ
và mời đại diện xã hội dân sự vào cuộc.
Trước câu hỏi đâu là
vấn đề gốc rễ của xung đột Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội và mức độ nghiêm
trọng của nó thế nào, ông Lê Công Định cho biết:
LS Lê Công Định:
Vấn đề gốc rễ của vụ xung đột Đồng Tâm nằm ở quy định về quyền sở hữu
đất đai trong Hiến pháp hiện hành, theo đó đất đai thuộc sở hữu toàn dân
do nhà nước quản lý. Sở hữu toàn dân về tư liệu sản xuất nói chung và
đất đai nói riêng là một quan niệm do Karl Marx đề xướng trong cách nhìn
của ông về viễn cảnh một xã hội mới được xây dựng theo khuynh hướng xã
hội chủ nghĩa.
Các đảng cộng sản cầm quyền tại những nước chư hầu
của Liên Xô trước đây đều du nhập quan niệm kính tế-chính trị này vào hệ
thống pháp lý của mình. Một quan niệm thuần túy chính trị về kinh tế
được lồng ghép một cách cưỡng bức vào khung pháp lý về quyền sở hữu tài
sản khiến tạo ra hệ lụy mà ngày nay chúng ta đều thấy, đó là sự tước
đoạt quyền tư hữu đất của nông dân dưới danh nghĩa lợi ích công cộng
nhưng nhằm mục đích tư lợi.
Khi
bản dự thảo Hiến pháp 2013 được mang ra góp ý trong xã hội, nhiều ý
kiến đề nghị phải loại bỏ hẳn quan niệm sở hữu toàn dân về đất đai để
quay về bản chất pháp lý tự nhiên của quyền tư hữu tài sản, nhằm giúp
tạo đà phát triển kinh tế, nhưng tiếc thay đã bị Đảng Cộng sản Việt Nam
thẳng thừng bác bỏ. Khi ấy tôi và nhiều người đã nhìn thấy hậu quả của
sự cố chấp đó.
Phong trào dân oan là một cảnh báo về bất ổn xã hội
ngày càng lớn, và bây giờ phát triển thành một cuộc xung đột hẳn hoi
giữa nông dân và nhà cầm quyền.
BBC:Giải quyết vấn đề xung đột Đồng Tâm có dễ không? Ở góc độ pháp lý, bài toán cần giải là gì, cách giải tốt nhất theo ông là thế nào?
LS Lê Công Định:
Giải quyết xung đột ở Đồng Tâm không hề đơn giản, bởi nếu chỉ nhắm đến
phần ngọn thì trước sau nhà cầm quyền cũng đạt được mục đích. Có hai
phương thức để lựa chọn: một là dùng bạo lực trấn áp, hai là thuyết phục
bằng đối thoại. Tất nhiên, ai cũng muốn một kết cuộc tốt đẹp nên phương
thức đối thoại là giải pháp ổng thỏa trước mắt. Tuy nhiên về lâu dài,
vấn đề gốc rễ vẫn chưa được giải quyết.
Có thể tháo dỡ ngòi nổ tại
Đồng Tâm không sớm thì muộn, nhưng ngòi nổ ở những nơi khác vẫn còn
nguyên vẹn, chờ đến dịp lại bùng nổ một khi sở hữu toàn dân về đất đai
chưa bị bãi bỏ...
Giải pháp pháp lý mà tôi đề nghị đó là chấp nhận
quyền tư hữu đất đai một cách rộng rãi. Chỉ giữ lại quyền công hữu
trong một số trường hợp như tập trung đất cho mục đích công cộng phục vụ
lợi ích chung của mọi người, mục đích quốc phòng và an ninh quốc gia,
và mục tiêu kinh tế có tính chất chiến lược.
BBC:Bài toán pháp lý, xã hội mà luật sư vừa
đề cập, nếu giải rốt ráo, thì có vướng gì không khi mở rộng ra toàn xã
hội, cộng đồng, và đặc biệt là đi ngược lại quá khứ để lần ra gốc tích,
nguyên do và tìm đòi thực thi trách nhiệm?
LS Lê Công Định:
Để thực hiện giải pháp pháp lý mà tôi đề nghị cần phải sửa đổi hiến
pháp liên quan đến quyền sở hữu đất đai. Sau đó tiến hành tư nhân hóa
tài sản này. Tất cả cần có một lộ trình rõ ràng, chứ không chỉ thảo luận
suông.
Cần lưu ý, cho đến năm 1954 đất đai tại Việt Nam vừa
thuộc tư hữu, vừa thuộc công hữu. Sở hữu tư nhân đất đai là điều bình
thường trong hệ thống pháp lý của mọi quốc gia từ xưa đến nay, Việt Nam
cũng không là ngoại lệ. Chỉ đầu óc lệch lạc hoặc kém hiểu biết mới nghĩ
ra hoặc suy diễn rằng tư nhân hóa đất đai sẽ khiến tạo nên những vùng tự
trị nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.
BBC: Đảng cộng sản và
chính quyền tự chống tham nhũng, tiêu cực và lũng đoạn liệu có khả thi
không? Lấy vụ Đồng Tâm và nhiều vụ việc khác trong vài năm gần đây để
xem xét, Luật sư có bình luận gì?
Lợi dụng quyền hạn cấp đất
cho dự án kinh doanh để tham nhũng là nguyên nhân gây nên sự phẫn uất âm
ỉ lâu năm trong dân chúng. Nhưng một chính thể độc tài thì không thể
nào chống tham nhũng được...Do đó, tự họ đã tạo nên mầm mống chống đối
chính mình từ trong dân chúng.
Tất nhiên, cách dễ dàng nhất là họ gán cho cái gọi là
"các thế lực thù địch" kích động. Chẳng ai có thể kích động nếu người
dân không oán giận nhà cầm quyền và nhà cầm quyền thực thi nhiệm vụ đúng
luật.
BBC:Trở lại vụ Đồng Tâm, nếu có lời tư vấn cho tất cả các bên, cả dân lẫn chính quyền, những bên có quyền lợi, lợi ích liên quan, luật sư sẽ tư vấn thế nào và vì sao?
LS Lê Công Định:
Riêng vụ Đồng Tâm, trước mắt hai bên cần đối thoại với sự trung gian
của các tổ chức xã hội dân sự và các luật sư, vì quyền lợi đôi bên phải
được tôn trọng và đáp ứng trên căn bản luật pháp. Trấn áp bằng bạo lực
chỉ giúp chôn vùi uy tín chính trị của đảng cầm quyền nhanh chóng hơn mà
thôi.
VN: chính sách đất khiến dân phải sống nghèo?
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen