Bà Aung San Suu Kyi tại Quốc Hội Miến Điện ở Naypidaw. Ảnh tư liệu
chụp ngày 02/05/2012.REUTETS/Soe Zeya Tun/File Photo
La Croix hôm nay 31/03/2017 nhận định « Tại Miến Điện, hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi bị sứt mẻ », còn Les Echos viết về « Kết quả tương phản của bà Aung San Suu Kyi ». Nắm quyền từ một năm qua, bà cố vấn nhà nước vẫn chưa mang lại
được hòa bình cho đất nước. Xung đột xảy ra nhiều thêm, và quân đội
bị tố cáo vi phạm nhân quyền trầm trọng. Công cuộc dân chủ hóa Miến
Điện còn phải chờ đợi lâu hơn dự kiến.
Theo La Croix, vòng nguyệt quế giải Nobel hòa bình 1991 đã nhanh chóng bị phai
mờ. Trong vòng một năm qua, hy vọng từng dấy lên tại Miến Điện khi
bà Aung San Suu Kyi lên cầm quyền từ ngày 01/04/2016 đã trở thành
nỗi thất vọng sâu sắc. Nhiều cử tri cảm thấy như bị lừa dối. Les Echos nói thêm, không chỉ 12 tháng qua bà tránh né báo chí, mà việc bà
không có phản ứng gì trước các hồ sơ nhạy cảm như người Rohingya đã
khiến người ta phải nghi ngờ về toan tính thực sự của bà.
Sự im lặng trước hồ sơ Rohingya
Bà Aung San Suu Kyi đã coi việc giải quyết xung đột sắc tộc là ưu
tiên hàng đầu, nhưng từ sáu tháng qua, Miến Điện có thêm đến
140.000 người phải đi sơ tán và tị nạn. Hàng ngàn người Rohingya
theo đạo Hồi phải chạy trốn các « chiến dịch an ninh » của quân đội ở Arakan thuộc miền tây. Họ sang tị nạn tại
Bangladesh, và tố cáo những tội ác của quân đội Miến Điện : các trẻ
em bị thiêu sống, những người bị trói trong những ngôi nhà bốc
cháy, các vụ hãm hiếp tập thể.
Nhiều đại diện Liên Hiệp Quốc nêu ra "tội ác chống nhân loại". Ông
Myo Thant, phát ngôn viên một đảng Hồi giáo tỏ ý tiếc : « Bà Aung San Suu Kyi chưa bao giờ đi thực địa ở Arakan, chưa hề
đưa ra ý tưởng nào để giải quyết khủng hoảng ».
Đứng đầu nhánh dân sự của chính phủ, bà không lãnh đạo cả cảnh sát
lẫn quân đội triển khai tại Arakan, mà các lực lượng này nằm dưới
quyền tổng tham mưu trưởng. Tuy nhiên bà cố vấn nhà nước không hề
công khai phản đối chính sách đàn áp của các tướng lãnh đối với
người Rohingya. Thậm chí chính phủ của bà còn phong tỏa viện trợ
nhân đạo đến vùng này, và chối bỏ những vụ quân lính vi phạm nhân
quyền.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc dự định lập ra một phái đoàn để
thu thập các thông tin liên quan, nhưng đáng ngạc nhiên là bà Aung
San Suu Kyi phản đối, với lý do sáng kiến này « sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề thay vì giải quyết » - theo bộ Ngoại Giao do bà chỉ đạo.
Thất bại trong giải quyết xung đột sắc tộc
Không chỉ ở miền tây, mà cả miền bắc và miền đông Miến Điện cũng
chìm trong máu lửa. Bà Aung San Suu Kyi có gắng giải quyết xung đột
sắc tộc bằng cách đề nghị các phe nổi dậy ký vào hiệp ước hòa bình
do chính phủ tiền nhiệm soạn thảo.
Tuần này khi đi thăm các trại tị nạn Kachin ở cực bắc, thủ lãnh
quân nổi dậy địa phương đã từ chối ký kết. Còn hội nghị hòa bình dự
định vào tháng Hai đã không diễn ra, và chưa biết đến bao giờ sẽ tổ
chức được. Tại chỗ, căng thẳng tăng cao. Ở biên giới Trung Quốc,
quân nổi dậy Kokang đã tấn công vào quân đội Miến Điện, khiến
30.000 người phải di tản trong tháng Ba.
Chính phủ dân chủ, nhưng đối lập vẫn bị bỏ tù
Cho dù bây giờ là chính quyền dân chủ, nhưng các vụ bắt bớ mang
tính chính trị tiếp tục diễn ra. Đa số các đạo luật cho phép bỏ tù
những người đối lập vẫn không bị bãi bỏ, và nhiều nhà tranh đấu bị
khởi tố vì tội vu khống do đã chế nhạo bà Aung San Suu Kyi hay tổng
tham mưu trưởng quân đội trên mạng xã hội. Hiệp hội tù chính trị
Miến Điện thống kê được đến 86 tù nhân lương tâm.
Les Echos dẫn lời một chuyên gia biết rất rõ về giải Nobel hòa bình Miến
Điện thổ lộ : « Bà thực sự là một bà hoàng, không hề nghe ai cả », và nói thêm, đội ngũ giúp việc cũng không tốt vì ít ai chấp nhận
làm việc với bà. « Bà muốn kiếm soát tất cả. Ngay cả các đại biểu Quốc Hội, khi họp
tại Naypyidaw, cũng không thể trú ngụ ở nơi nào họ muốn, và bị cấm
ra ngoài, cấm phát biểu ».
Về kinh tế, Ngân hàng Thế giới dự báo tỉ lệ tăng trưởng 6,5%, giảm
nhẹ so với hai năm trước. Bà Suu Kyi nhìn nhận kinh tế không tăng
như dự kiến. Chương trình của bà đề cập đến các mục tiêu về việc
làm, đầu tư nước ngoài, phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng không nêu
ra biện pháp để đạt được. Các nhà đầu tư ngoại quốc tỏ ra dè dặt
trước bối cảnh chính trị xã hội không ổn định, và không có được
khung luật pháp rõ ràng về bảo vệ tài sản của tư nhân.
La Croix kết luận, chính phủ của các tướng lãnh trước đây (2011-2016) đã tự
do hóa báo chí, bãi bỏ kiểm duyệt, trả tự do cho hàng trăm tù nhân
chính trị và tổ chức bầu cử tự do. Nhưng hiện nay, chính phủ của bà
Aung San Suu Kyi lại không thấy chứng tỏ quyết tâm đổi mới tương
tự.
Tổng thống Philippines bất chấp Hiến pháp
Cũng tại Đông Nam Á, « Ông Duterte không tôn trọng cả nhân quyền lẫn Hiến pháp ». Đó là nhận định của ông Chito Gascon thuộc Ủy ban Nhân quyền
Philippines khi trả lời phỏng vấn của báo Le Monde, tố cáo tổng thống Philippines gây áp lực trong các cuộc điều tra
của tư pháp.
Từ khi ông Duterte lên nắm quyền ngày 30/06/2016, đã có trên 7.000
người bị giết chết dưới tay các sát thủ bí mật hoặc cảnh sát. Tuy
có lập hồ sơ vì theo luật thì những vụ cảnh sát nổ súng phải có báo
cáo, nhưng chưa ai bị điều tra. Ông Chito Gascon cho biết, có trên
2.000 trường hợp giết người liên quan trực tiếp đến cảnh sát, mà
chưởng lý phải khởi kiện.
Bộ Tư Pháp nhận lệnh của tổng thống và phía dưới là các biện lý
cuộc, tuy trên nguyên tắc thì tư pháp phải độc lập. Các thẩm phán
có được các bằng chứng, nhân chứng nhưng không truy tố ai cả, nên
gia đình các nạn nhân nhiều khi còn phải dọn nhà đi nơi khác để
tránh bị trả thù.
Chinatown ở Ý : Thủ đô của các xưởng may lậu và rửa tiền
Cũng liên quan đến Á châu, đặc phái viên Le Figaro tại Ý viết về « Cuộc săn lùng người nhập cư lậu tại Prato, Chinatown lớn nhất
nước Ý ». Có khoảng 25.000 người Trung Quốc sống tại đây, nhưng nếu kể thêm
những lao động bất hợp pháp thì con số này phải lớn gấp đôi. Cuộc chiến đấu chống các xưởng may lậu ở đây là lâu dài, nhưng tư
pháp Ý vừa ghi điểm khi vô hiệu hóa được một đường dây đã « rửa »
được đến 2 tỉ euro.
Tại Montemurlo nằm cách Prato 8 cây số, được mệnh danh là « Chinatown » của vùng ngoại ô Florence, số người Hoa chiếm đến 1/5 dân số. Có
đến 5.600 xưởng may của người Trung Quốc, tất cả đều tập trung vào
các loại quần áo giá rẻ. Một « tổ kiến » châu Á, thịnh vượng nhờ
giá lao động vô cùng rẻ, vắt kiệt sức lực người làm công và trốn
thuế hàng loạt.
Các ông chủ người Hoa sau hai năm hoạt động lại khai phá sản để
trốn tránh sự kiểm soát của thuế vụ. Chủ nhân thật sự của các xưởng
may hiếm khi được tìm ra, hầu hết đều nhờ người khác đứng tên, thậm
chí mới đây còn có trường hợp « chủ » được khai là một cô gái điếm
người Hoa ở Roma. Các doanh nghiệp này không đóng cả thuế lẫn thuế
VAT và các khoản phí xã hội, tất cả hoạt động mua bán đều bằng tiền
mặt. Những ông bà chủ giàu lên tung tiền ra mua đất đai, nhà cửa
sang trọng tại Ý và xe hơi hạng sang.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen