Dienstag, 7. März 2017

THƯ GỬI CÁC CHÁU VỀ CUỘC BIỂU TÌNH NGÀY 5 THÁNG 3


6-3-2017 Phạm Giao Thanh
Hình ảnh biểu tình hôm qua ở Saigon. Nguồn: Phạm Thanh Giao/ FB
Qua hình ảnh mà chú theo dõi trên FB thì thấy hầu hết các cháu đều ở cái lứa tuổi khá trẻ như các sinh viên đại học. Cho chú gọi các cháu bằng cháu và xưng chú cho thân mật.
Chú thấy người ta bàn tán về sự thất bại của các cháu trong cuộc xuống đường vừa qua, chú thấy cần phải có lá thư này, mặc dù đó sẽ là việc làm đi ngượic lại lời chú tự hứa với mình, là sẽ không bàn gì, không viết gì trên FB cho tới ngày Lễ Phục Sinh.
Khi so sánh về sự thành công hay thất bại, người ta cần phải có 2 vế, và nhiều điều kiện thì mới có thể so sánh chính xác được. Chú tự hỏi, họ dựa vào đâu mà đưa ra cái kết luận đó?
Phải chăng họ cho rằng, việc các cháu xuống đường ở Sài Gòn và một vài nơi, chưa kéo dài được dăm phút, thì đã bị tóm gọn, bắt lên xe chở đi hết. Ai ra trước nhà thờ Đức Bà hay Bưu Điện Sài Gòn sau 30 phút, thì chẳng còn gì … để thấy?
Phải chăng đối với họ, khi các cháu chỉ có ít chục người “nghe theo sự xúi dục”, xuống đường không có tổ chức, thiếu qui mô, và lại chẳng rầm rộ so với những cuộc xuống đường trước đây, là một thất bại không bàn cãi?
Hay là việc xuống đường phải theo một lối duy nhất mà họ muốn, thì mới thành công?
Ngày xưa, chú có một cây bưởi giống rất tốt mang về từ Florida trồng trước sân nhà. Sau hai năm nó lớn lên một cách èo uột, loe ngoe vài cành và khô khan nhìn đến chán. THẬT LÀ THẤT BẠI.
Ba năm sau, nó đã cao được hơn đầu người, cành đã to, lá đã xum xuê, nhìn đã khá bắt mắt. Ba mùa xuân liên tục, năm nào cũng ra lưa thưa một ít cánh hoa trắng, nhưng chẳng đậu được một trái. VẪN THẤT BẠI.
Mấy năm liên tiếp sau đó, bông trắng thơm ngập sân, bay thoang thoảng vào nhà rất dễ chịu. Đến mùa, lại còn đậu được 5-7 trái, nhưng chẳng được ăn, vì cứ lớn bằng nắm tay thì tét làm 3 làm 4. VẪN THẤT BẠI.
Cây bưởi lúc này đã hơn 10 tuổi. Chú chưa một lần được ăn lấy một quả, chẳng biết nó chua hay ngọt ra sao, chỉ biết rằng, người chủ vườn cây giống khi bán cho chú, hứa hẹn đây là giống tốt, trái to, nhiều nước và ngọt. Vẫn lớn đều và ra hoa rất nhiều, thơm ngát một sân nhà, nhưng vẫn lèo tèo vài trái, vẫn chưa đến tuổi thì đã tét . VẪN THẤT BẠI.
Thế rồi kinh nghiệm dạy cho chú, cộng với những chỉ dẫn học hỏi được, chú đã biết khi nào thì bỏ phân bón, loại gì, khi nào thì tưới nước, khi nào ngưng và đùng một cái, đến năm thứ 12 thì ôi, trái xum xuê, có tới cả trăm, mà trái nào trái nấy to hơn cái tô mà không một trái nào bị tét, da căng mọng, tròn trịa, nhìn thấy mê. Ôi quả đúng như lời khoe, nó ngon ngọt như bất cứ loại bưởi hạng nhất nào bán ngoài chợ.
CÁI THÀNH CÔNG NÓ CHỈ ĐẾN SAU NHIỀU LẦN THẤT BẠI, và SAU NHIỀU NĂM CỐ GẮNG.
Kể đến đây, có lẽ các cháu hiểu ý chú muốn nói gì rồi, phải không nào?
Những người xuống đường trước các cháu cách đây mấy năm, năm kia, năm ngoái, CÁC CHÁU CÓ THẤY HỌ THÀNH CÔNG CHƯA?
CHẮC CHẮN LÀ CHƯA, VÌ ĐẤT NƯỚC VẪN CÒN BỊ ĐỘC TÀI ĐẢNG TRỊ.
Nếu thế thì họ có hơn gì các cháu bởi TẤT CẢ MỌI THẤT BẠI THÌ CÓ GÌ KHÁC NHAU ĐÂU? CHƯA THÀNH CÔNG THÌ VẪN CHỈ LÀ THẤT BẠI chứ có gì khác?
Nhớ cái thí dụ chú kể ở trên không? Nhiều hoa nhưng chưa đậu trái, thì cũng chỉ là THẤT BẠI.
Đậu trái nhưng trái luôn bị nứt nẻ, không ăn được, thì cũng chỉ là THẤT BẠI.
CHỈ KHI NÀO CÂY ĐÂM HOA, KẾT TRÁI, CUỐI MÙA THU HOẠCH THÌ MỚI ĐƯỢC KỂ LÀ THÀNH CÔNG MÀ THÔI.
Ngày nào còn độc tài đảng trị đàn áp, và người dân vẫn phải xuống đường lên tiếng chống lại sự tàn phá môi trường, chống lại bạo quyền phục vụ nhóm thiểu số, thì NGÀY ĐÓ CŨNG VẪN CHỈ LÀ THẤT BẠI.
Chú cũng biết các cháu dư trí khôn, thừa suy nghĩ để chẳng thể bị ai lợi dụng, xúi dục được. Đánh giá các cháu như thế, thiệt là coi thường các cháu quá. Các cháu đã học được bài học của ông bác nhân cơ hội nhảy lên cướp chính quyền năm 1945 rồi, chẳng lẽ kém đến độ, lại để cho ông thủ tướng, ông tổng thống cầu bơ cầu bất, ở mãi đâu đâu, xúi dục xuống đường để ăn đòn?
Người trẻ ngày nay đã dư tuổi suy xét, đã một lần đạp cứt, chẳng lẽ lại dốt đến độ thấy đống cứt lù lù ra đó mà còn đạp vào? Nói thế quá đủ, chú chẳng muốn bàn đến những khía cạnh khác làm gì cho mất thời giờ của các cháu.
Tóm lại, những việc các cháu làm ngày hôm qua, những khuôn mặt mới lần đầu xuất hiện, tuy còn e dè sợ sệt ấy, trong con mắt chú, mới thật là những con người VÌ CHÍNH NGHĨA, VÌ ĐẠI CUỘC, DÁM ĐỨNG RA VỚI LÒNG CAN ĐẢM HƠN AI HẾT.
ĐỪNG NẢN LÒNG, CỨ CẮM CÚI TRÊN CON ĐƯỜNG MÌNH ĐÃ CHỌN.
Chú tin rằng một ngày gần đây, cái cây bưởi TỰ DO DÂN CHỦ NHÂN QUYỀN mà các cháu đang chăm bón đó, sẽ nở thật nhiều hoa, sẽ đậu rất nhiều trái. Cái giống nó ngọt sẵn, trái nó ra, cũng sẽ chỉ có chất ngọt lịm mà thôi. Tin chú đi, cái quả đó một khi đã nếm thử một lần, người ta sẽ nhớ mãi.
CHÚC CÁC CHÁU VỮNG BƯỚC và THÀNH CÔNG TRONG MỘT NGÀY THẬT GẦN.
 
THẤT BẠI, KHÔNG PHẢI LÀ TÉ NGÃ, NHƯNG LÀ KHÔNG CỐ GẮNG ĐỨNG DẬY.
(Lá thư thứ 2 gởi các cháu cũng về chuyện xuống đường 5 tháng 3)
Chú chẳng lấy thí dụ từ các vĩ nhân nào cả, nhưng chú muốn dùng chính công việc làm của các cháu để thí dụ. Chẳng phải là để tâng bốc nhau hay khoe khoang gì, nhưng muốn gởi đến một thông điệp. Đó là từ nơi con người các cháu, những con người thường, thật thường nhưng với một lòng tin dũng cảm, một ý chí sắt đá, nhất định không chịu lùi bước, nhất định không để sự sợ hãi nó lấn áp.
Những dũng khí đó, nó toát ra từ những tâm hồn, những trái tim hướng về LẼ PHẢI và CÔNG LÝ. Không chịu khuất phục, ngửng cao đầu, bước xuống đường ĐỐI DIỆN cái đám đông của bạo quyền với dùi cui và bạo lực.
Bước đường tranh đấu cho lẽ phải và chính nghĩa nó không đơn giản, nó không phải cứ chỉ muốn là được, muốn là sẽ tung tăng nhảy chân chim trên cánh đồng hoa cỏ thênh thang. Nhưng ngược lại, nó dẫn đến những gì không đoán trước được cho từng người. Sẽ có nhiều người ngã quị trong đớn đau, tủi nhục, qua việc tấn công đến từ nhiều phía, nhưng nếu nhất định không ngồi lại, nhất định kiên quyết đứng lên tiếp tục, thì cái đích đó, sớm muộn cũng phải tới. Các cháu phải vững tin điều đó.
Lịch sử cho chúng ta thấy, chưa có một cuộc vùng lên tranh đấu cho chính nghĩa và lẽ phải nào trên đất nước này, và trên cả thế giới, mà không có ngày thành công.
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu là một khoảng thời gian dài khủng khiếp cho một dân tộc. Vậy mà ông cha ta vẫn đứng dậy, từ hết ngã quị này, đến gục xuống khác. Những vị tiền nhân ấy luôn kiên cường, luôn bất khuất, nhất quyết chống tay đứng dậy và đi tới. Người sau nối bước người trước, thế hệ này tiếp tục con đường gian nan tưới bằng máu và nước mắt của thế hệ đã qua, cứ thế mà đi tới. Cái ý chí đó, cái tình yêu thương quê hương, dân tộc, giống nòi đó, luôn cuồn cuộn, chưa bao giờ ngưng chảy trong dòng máu anh hùng của dân tộc Việt.
DÂN TỘC NÀY ĐÃ CÓ BIẾT BAO NHIÊU LẦN QUỊ NGÃ TRƯỚC QUÂN THÙ VÌ CUỘC CHIẾN KHÔNG CÂN SỨC, NHƯNG CHƯA BAO GIỜ CHỊU NẰM XUỐNG - DÂN TỘC NÀY VẪN LUÔN ĐỨNG DẬY VÀ ĐI TỚI.
Thời của các cháu ngày nay cũng thế. Các cháu đã chịu bao nhiêu khốn khổ, o ép, đè nén, đã bị dồn vào đường cùng, đã bị cướp đi cái nguồn sống một cách có hệ thống và “theo đúng qui trình” như họ vẫn thường nói. Cái sự sống cheo leo của dân tộc Việt đang bị họ bóp nghẹt qua những dự án ký kết với Tàu, qua những món tiền thuế tận thu ngập mặt, qua sự bòn rút tiền của chuyển ra nước ngoài, qua những tàn phá nguồn mưu sinh sông ngòi, biển đất có chủ đích trên toàn quốc. Sự tức giận đã đến lúc phải trào dâng biến thành hành động. Và hành động sẽ chỉ bị cản trở chứ không thể bị dập tan được.
Chú vẫn còn nhớ, ngày còn bé khoảng 9-10 tuổi, lần đầu tiên chú tập đi xe đạp. Anh chú giữ yên xe cho chú đạp, mặc dù tin tưởng vào “người lớn” một tay giúp đỡ mình nhưng trong lòng lại dấy lên đủ mọi cảm giác, sợ té ngã, sợ mình yếu đuối trước một công việc to tát chưa bao giờ thử qua, lại còn nghi ngờ về khả năng của chính bản thân. Chắc các cháu cũng đã từng trải qua những cảm giác này, phải không nào?
Thế rồi, có ai mà chẳng ít là vài lần té ngã, vài lần sứt đầu gối, trầy cùi chỏ? Chú còn tệ hơn ai hết, có lần té dập cả môi, lung lay mấy cái răng cửa nữa kìa. Mỗi lần leo lên xe đạp là sợ co dúm người, nhưng chú cháu mình có đứa nào bỏ cuộc đâu? Không té ngã trầy da tróc vảy, thì làm sao hôm nay có thể cưỡi xe gắn máy chạy vù vù được?
Chú lại nhớ tới ngày đầu tiên mon men lội xuống mé bờ sông lần đầu tập bơi với chúng bạn. Ôi, cái cảm giác sợ hãi đến giờ vẫn còn mường tượng ra được. Có lẽ trên đời này, không có cái gì sợ khủng khiếp cho bằng cái cảm giác hụt hẫng giữa dòng nước mà không biết bơi, cho dù nó chỉ sâu hơi ngập qua đầu một tí … Vậy mà, nhát gan đến như chú, uống bao nhiêu là nước sông, cũng còn biết bơi. Sợ muốn chết, nhưng vẫn phải can đảm để vượt qua nỗi sợ hãi …
TRÊN ĐỜI NÀY, CÓ CÁI GÌ MUỐN ĐẠT ĐƯỢC MÀ KHÔNG PHẢI TRẢ GIÁ ĐÂU?
Chú nghĩ, khi đi biểu tình đòi hỏi quyền lợi căn bản của người dân, đòi hỏi nhà nước phải đóng cửa Formosa, và xa hơn thế nữa, xuống đường biểu tình để đòi lại TỰ DO, DÂN CHỦ, và NHÂN QUYỀN, mà các cháu, ai cũng biết trước qua những tin tức truyền lại, qua những hình ảnh trên FB, với những roi đòn đổ máu, với những đánh đập, với những tù tội, THỬ HỎI CÓ AI KHÔNG SỢ?
NÓ CÒN ĐÁNG SỢ GẤP TRĂM LẦN HƠN CẢ TÉ XE ĐẠP,
NÓ CÒN ĐÁNG SỢ GẤP CHỤC LẦN HƠN CẢ UỐNG NO MỘT BỤNG NƯỚC SÔNG.
Cuộc đời con người là những chuỗi năm tháng dài:
PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG THỨ MÀ TA CHƯA TỪNG ĐỐI DIỆN, và ĐỐI DIỆN THÌ PHẢI CÓ TÉ NGÃ. NHỮNG TÉ NGÃ CHỒNG CHẤT CỦA CUỘC ĐỜI ĐÓ, ĐƯỢC THIÊN HẠ ĐÓNG CHO HAI CHỮ THẤT BẠI.
NHƯNG THẬT SỰ, NGƯỜI TA CHỈ THẤT BẠI NẾU CHẤP NHẬN NGỒI BỆT XUỐNG, ÔM VẾT SƯỚC RỈ MÁU MÀ KHÔNG ĐỨNG DẬY CẮN RĂNG LÀM LẠI.
Những vết thẹo mờ nhạt trên đầu gối, ở khuỷu tay hay trên thân thể, chính là những dấu tích còn sót lại NHẮC NHỞ CHO CHÚNG TA RẰNG, MÌNH ĐÃ MỘT LẦN CẮN RĂNG NUỐT CÁI ĐAU ĐỂ ĐỨNG LÊN TIẾP TỤC.
 
Phạm Giao Thanh

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen