Kể xong câu chuyện "Cổ Tích Trên Đỉnh Mồ Côi", tôi vẫn còn ray rứt
trước hai câu hỏi không tìm ra lời đáp: Thứ nhất, liệu anh Bông có
lấy vợ được không ở cái tuổi bốn lăm ? Người phụ nữ, dù có rộng
lượng đến đâu cũng không thể ưng một người chồng đang nuôi 11 đứa
con nheo nhóc. Thứ hai, chuyện học hành của 11 đứa trẻ ấy rồi sẽ ra
sao giữa đỉnh núi cao hoang vu, heo hút, đường đến trường quanh co,
năm ba cây số, dốc núi dựng đứng, trập trùng ?
Tôi đã gởi vào đoạn kết câu chuyện một nỗi lo cùng với một niềm tin
mong manh, rằng : " Khi bà Tiên qua đời, liệu anh tiều phu có lo
cho những thiên thần bé nhỏ ấy học hành đỗ đạt hay không ? Những
câu chuyện cổ tích bao giờ cũng đi đến một kết thúc có hậu. Nhưng
dân gian thường hay lý giải sự bế tắt bằng những phép màu. Và tôi
hy vọng trong câu chuyện nầy, sẽ có một phép màu nào đó đến với anh
Bông. Phép màu ấy chính là cái tâm, là lòng nhân ái đang ẩn chứa
đâu đây, trên cõi đời nầy".
Và, cái phép màu ấy đã đến với anh Bông và những đứa trẻ mồ côi sau
khi câu chuyện được kể trên Sài Gòn Tiếp Thị.
Một buổi tối, Dì Ba gọi điện cho tôi, nói như nửa đùa nửa thật:
"Con biết không, mấy ngày qua có nhiều cô từ miền Trung đến miền
Tây, rồi cả bên Mỹ gọi điện cho thằng Bông để chia sẻ, bày tỏ tình
cảm, nhã ý muốn lên đây làm mẹ của mấy đứa nhỏ, giờ con tính sao ?"
Gần một năm sau tôi trở lại Đỉnh Mồ Côi thì Câu Chuyện Cổ Tích đã
có nhiều thay đổi đến không ngờ. Con đường lên đỉnh núi đã được
tráng xi măng để xe gắn máy dễ dàng lên xuống, anh Bông cho biết,
ngay tuần đầu sau khi câu chuyện được lên báo, nhiều tổ chức, cá
nhân đã mang tiền lên giúp sức, kẽ ít người nhiều, trước hết là
giúp anh làm con đường bê tông để giảm bớt nỗi nhọc nhằn khi lên
xuống núi. Mới đây, một nhóm thanh niên gọi là nhóm chim cò gồm 36
người do dược sĩ Trần Anh Tuấn dẫn đầu từ Đồng Nai lên chơi , chở
lên ba tấm nệm Kim Đan, mấy thùng đồ chơi trẻ em và 14 triệu đồng
tặng cho đám trẻ.Có một câu chuyện rất cảm động mà dì Ba nói rằng
dì sẽ giữ bí mật cho đến khi nào tôi trở lại để dì dành cho tôi một
sự ngạc nhiên.
Hôm ấy, có một chàng trai tên là Minh Triển từ Mỹ trở về, một thân
một mình trèo lên đỉnh núi, khi tới nơi, anh ôm những đứa trẻ vào
lòng rồi bật khóc. Anh nói, đọc câu chuyện trên mạng tưởng người ta
hư cấu, không ngờ sự thật là như vậy. Minh Triển cũng không nói gì
thêm, trước khi ra về, anh gởi cho dì Ba 300USD cùng với lời hứa sẽ
tìm cách giúp dì với anh Bông lo cho mấy đứa nhỏ học hành.
Mấy tuần sau, Triển gọi điện qua nói với dì Ba: "Con xin phép được
làm con nuôi của má, làm em của anh Bông, làm chú của 11 đứa trẻ để
con được góp sức chăm lo cho tụi nó". Thì ra, trong chuyến đến thăm
lần ấy, Triển đã khảo sát dưới chân núi Cấm có trường học dạy từ
lớp một đến lớp 12. Anh đề nghị anh Bông xuống chân núi mua đất xây
nhà cho các cháu có chỗ ở gần trường để học hành, công việc tiến
hành tới đâu Triển gởi tiền về tới đó.
Đến nay, ngôi nhà đã được hoàn tất, chiều ngang 9 mét, chiều dài 20
mét, một trệt một lầu, phía sau có 1.000 mét vuông đất vườn. Anh
Bông cho biết, Triển gởi về tổng cộng 45.000USD. Ngôi nhà 360 mét
vuông, mỗi đứa một phòng ngủ riêng, đó là ý tưởng của Minh Triển
vừa tập cho các cháu sinh hoạt độc lập, vừa dự phòng khi chúng lớn
lên có đủ không gian để sinh hoạt cá nhân.
Lê Minh Triển với gia đình dì Ba trong ngôi nhà mới xây dưới chân
núi
Minh Triển là ai ? Tôi gởi lại địa chỉ mail cho anh Bông với hy
vọng sẽ liên lạc với con người khá bí ẩn nầy.
Anh Bông lấy ra cho chúng tôi xem hơn mười lá thư của các chị, các
cô gởi về, không chỉ từ mọi miền đất nước mà cả những lá thư cách
nửa vòng trái đất. Mỗi người kể một hoàn cảnh, một tâm sự khác
nhau. Nhưng thật đáng trân trọng vì hầu hết những lá thư đều bày tỏ
lòng trân trọng với anh Bông. Ai cũng muốn chung vai gánh vác với
anh một phần trách nhiệm. Một chị ở Hà Nội tâm sự rằng, chị lấy
chồng gần năm năm nhưng không có khả năng sinh con, bị chồng bỏ đi
lấy vợ khác, chị sống trong những ngày tuyệt vọng thì tình cờ đọc
được câu chuyện về anh, bỗng dưng chị khát khao muốn được làm mẹ
của những đứa con anh, được bồng ẵm, được chăm sóc chúng như con
ruột của mình. Một chị ở Cali thì đặt thẳng vấn đề kết hôn với anh
và bảo lãnh cho những đứa con anh du học. Tôi hỏi Bông tính sao,
anh cười hiền: "Mình chẳng biết tính sao cả, đã thề sống độc thân
để nuôi tụi nó rồi, giờ lấy vợ, liệu người ta có thương tụi nó bằng
mình không, nói thì nói vậy chớ chạm vào thực tế mới biết, không
khéo sẽ đỗ vỡ hết, sẽ nát bét hết . . ."
*
Mấy ngày sau, tình cớ tôi nhận được mail của Minh Triển, anh tâm sự
khá dài. Ngoài những điều như dì Ba và anh Bông kể, Triển còn cho
biết tuổi thơ của anh ở Trà Vinh đã trải qua những tháng ngày cơ
cực, mồ côi cha từ bé, phải nghỉ học sớm để mưu sinh.
Năm 15 tuổi, Triển theo một chiếc tàu đánh cá ra khơi và không ngờ
rằng mình đặt chân lên đất Mỹ. Tuổi thơ lưu lạc, khao khát tình
thương. Khi lên tới Đỉnh Mồ Côi, Triển như thấy bóng dáng thân phận
mình qua từng đứa trẻ. Về Mỹ, anh quyết định gom đến đồng bạc cuối
cùng của mình dành dụm bao nhiêu năm để làm một điều gì đó nhằm
giảm bớt nỗi bất hạnh cho những đứa trẻ ấy, Triển cảm thấy như được
bù đắp cho những mất mát của chính tuổi thơ mình.
*
Tháng 5 năm 2010, tôi sang Mỹ và gởi mail báo tin cho Triển. Một
sáng sớm, Triển đến đón tôi từ Fullerton về San Diego, nơi anh đang
ở. Những ngày ở đây, tôi lại được sống trong câu chuyện cổ tích và
những phép màu:
Em mồ côi cha từ nhỏ, năm 15 tuổi, em theo một chiếc ghe biển làm
thuê kiếm tiền nuôi mẹ và hai đứa em. Một hôm, em thấy lạ, chiếc
ghe cứ đi mãi, đi mãi không đánh cá mà cũng không về, và em đã hiểu
ra rằng họ đi vượt biên. Cuộc đời em bắt đầu sang trang từ đó.
Những ngày đầu sống trên đảo Bidong, em tìm đến xin việc ở một lò
bánh mì của một người Việt tỵ nạn, người ta không nhận, em tìm gặp
ông chủ để năn nỉ:" Xin ông cho con được làm công, không cần trả
lương, chỉ cần ông cho con mỗi ngày hai ổ bánh mì thôi". Ông nhận
em vào làm và được trả công mỗi ngày hai ổ bánh mì. Được vài tháng
em nói với ông chủ: " Con muốn đi bán bánh mì nhưng không có vốn,
xin ông cho con lấy bánh trước, chiều về con trả tiền". Ngày đầu em
lấy mười ổ đi bán trong các trại tỵ nạn, ngày sau mười lăm ổ, rồi
hai mươi ổ . . . con số cứ tăng dần. Không biết từ lúc nào, ông chủ
lò bánh mì thương em như con ruột. Một hôm ông gọi em đến nói: "
Tao được xét đi Úc rồi, cái lò bánh mì có nhiều người mua nhưng tao
không bán, tao tặng lại cho mầy . . .". Những ngày trước khi đi,
ông chỉ dạy cho em cách làm bánh. Bỗng dưng em trở thành ông chủ
nhỏ như một giấc mơ. Vài tháng sau em có tiền, em tiếp tục mua thêm
một lò bánh mì nữa của một người được xét đi Mỹ. Khoảng sáu tháng
sau, trên đảo xảy ra sự cố: Một người tỵ nạn say rượu nổi loạn bắn
chết một nhân viên của Cao ủy. Họ nỗi giận, họ trừng phạt bằng cách
cắt trợ cấp lương thực. Hàng ngàn người tỵ nạn rơi vào tình trạng
đói khát. Lúc ấy, hai lò bánh của em không kinh doanh nữa mà chuyển
sang cứu đói, mỗi ngày làm ra bao nhiêu bánh mì em đem phát không
cho họ. Nhiều người mắng chửi em ngu dại, đây là thời cơ hốt bạc mà
không biết nắm bắt để kinh doanh. Em nghĩ đã đến đây, đã lâm vào
tình cảnh nầy thì ai sao mình vậy. Bao nhiêu vốn liếng em tiếp tục
bỏ ra mua bột làm bánh cứu đói đến đồng bạc cuối cùng, đến hai lò
bánh mì đóng cửa. Sau sáu tháng trừng phạt, Cao ủy họ tiếp tục cứu
trợ lương thực cho người tỵ nạn. Một người quen tới rủ em: " Mầy có
lò bánh, có nghề, tao có ít vốn, mình hợp tác làm ăn". Hai lò bánh
mì hoạt động trở lại cho đến ngày em đi Mỹ.
Sang Mỹ, em lại gặp một sự cố đáng buồn. Lúc làm hồ sơ đi Mỹ, theo
quy định thì những người dưới 18 tuổi phải có người đỡ đầu, tối
thiểu phải là họ hàng thân thuộc, em nhờ một người quen nhận em là
cháu. Nhưng khi tới Mỹ thì họ lấy hết tiền trợ cấp, mỗi tuần chỉ
đưa lại cho em 10USD. Em với mấy người bạn Việt cùng cảnh ngộ se
phòng trọ để đi học, đi nhặt rác và đi giao báo để kiếm sống. Mỗi
tuần kiếm được năm bảy chục đô, cứ lây lất như thế cho đến khi vào
đại học. Và, cuộc đời em sẽ không biết ra sao nếu không có một
"phép màu", em cho rằng đó là một phép màu.
Hôm ấy một thằng bạn rủ em tới nhà cha nuôi của nó chơi. Ông nầy là
một người Mỹ, trước đây là một tiểu thương đã nghỉ hưu, sống độc
thân và khá giả, ông đã nhận bốn sinh viên Việt Nam làm con nuôi.
Sau cuộc gặp gỡ ấy, ông lại nhận thêm em, là đứa con nuôi thứ năm.
Từ đó, thỉnh thoảng ông gọi em tới chơi, làm thức ăn đãi em, rồi
hỏi thăm, dạy bảo. Dần dà, em cảm nhận ở ông một tình cảm rất lạ,
rất đầm ấm, rất chân thành. Có hôm trời mưa, ông gọi điện hỏi em
đang ở đâu, em nói đang ở ngoài đường. Giọng ông tỏ ra lo lắng: "
Tao đã bảo mầy trời mưa không được ra ngoài !".
Một hôm ông gọi em tới và ôn tồn nói:" Tao thấy mầy học ngành điện
không ổn, ở đây có nhiều kỹ sư điện thất nghiệp, còn nếu có việc
làm thì cũng chỉ đủ sống. Mầy nghỉ học đi, mở cái công ty cắt cỏ,
tao giúp cho". Ở Mỹ, trừ khu trung tâm thành phố, mỗi nhà đều bắt
buộc phải có khu đất trồng cỏ, nếu không trồng thì bị phạt, còn
trồng mà hàng tháng không cắt theo quy cách cũng bị phạt. Ông tư
vấn cho em từ việc thành lập công ty, cách quản lý, cách tiếp thị,
quảng cáo . . .
Dạo quanh thành phố San Diego, thấy những chiếc xe bán tải với mấy
người Mễ chở máy móc đi cắt cỏ cho các sân vườn, Triển nói công
nhân của em đó, rồi kể tiếp:
Sau chuyến về Việt Nam gặp anh Bông và những đứa trẻ trên núi Cấm,
em quyết định chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản về cho anh ấy
mua đất và cất nhà dưới chân núi. Nhưng rồi em nghĩ, đó chỉ là việc
khởi đầu cho một tương lai dài đăng đẳng của mười một đứa bé. Làm
sao cho chúng học hành tới nơi tới chốn, có một cuộc sống đàng
hoàng, đó là khát vọng lớn nhất của em. Em đem chuyện ấy bàn với ba
nuôi và ngỏ ý muốn lập một hội từ thiện. Ông nói, trong mấy đứa con
nuôi, ngay từ đầu tao thấy mầy là đứa có tấm lòng, sống phải biết
vì quê hương, vì đồng bào mầy ạ. Mầy lập hội từ thiện đi, tao đứng
ra giúp đỡ, mầy quyên góp được một đồng, tao cho thêm một đồng . .
. Em cũng không ngờ, năm đầu tiên em vận động được 37 ngàn USD, ổng
góp vô 37 ngàn nữa. Vậy là, ngoài việc chu cấp cho mười một đứa con
nuôi, số tiền quỹ từ thiện hàng năm em mang về giúp đỡ trẻ em nghèo
các tỉnh.
Một hôm, ba nuôi gọi em đến, ông nói tao bây giờ già rồi, không
biết ra đi ngày nào, tao đã nhờ luật sư làm di chúc, giao lại toàn
bộ tài sản và tiền bạc trong nhà băng cho mầy. Em cầm tờ di chúc mà
bủn rủn tay chân, số tiền quá lớn, tài sản cũng quá lớn. Và lớn lao
hơn hết là tấm lòng của một người cha không cùng màu da sắc
tộc. Tôi hỏi Triển dự định thế nào với tờ di chúc ấy, anh nói:
Mong muốn trước tiên của em là cho mười một đứa con nuôi du học,
tiếp theo, em sẽ về quê xây thêm trại mồ côi theo cách làm của anh
Bông, tức là những đứa trẻ vô thừa nhận khi vừa mới chào đời.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen