Bà Ngọc Ánh bật khóc khi trò chuyện với phóng viên về
tin chính quyền quận Tân Bình vừa có chỉ thị dẹp chợ lá dong tồn tại trên nửa thế kỷ.
Từ sau 23 Tết, trên một đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám, gần ngã 3 Ông Tạ (phường 7, quận Tân Bình) chợ lá dong rục rịch nhóm họp. Chợ lá dong tồn tại ngót hơn nửa thế kỷ, chỉ nhóm họp vài ngày, đã trở thành nét văn hóa độc đáo của người Sài Gòn mỗi độ xuân về.
Lá dong, lạt tre, khuôn gói bánh… từ Gia Kiệm (Đồng Nai), Bảo Lộc (Lâm Đồng) Bà Điểm, Hóc Môn (quận 12)… đổ về, bày ra vỉa hè, phục vụ nhu cầu gói bánh chưng của người dân thành phố. Trong những ngày cận Tết, nơi đây từ lâu đã trở thành một trong những đoạn vỉa hè nhộn nhịp nhất của Sài Gòn.
Sáng nay, 23.1, nhằm ngày 26 Tết, chúng tôi đã có mặt tại chợ lá dong truyền thống này. Lá dong xanh mướt một đoạn vỉa hè dài. Khung cảnh mua bán tấp nập, vui tươi. Thế nhưng, nhiều người bán lá dong tại đây đang rầu rĩ, buồn bã vì vừa mới nhận được thông báo của Trật tự đô thị quận Tân Bình buộc phải dẹp chợ.
Ngồi bên đống lá dong, mớ lạt và chồng khuôn gói bánh chưng, chị Ngọc Ánh mắt đỏ
hoe : “Tôi vừa nhận thông báo xong, sắp phải rời cái vỉa hè này rồi. Gia đình tôi đã có 3 đời bán lá dong tại đây, từ thời ông cố còn sống. Chúng tôi là dân lao động nghèo, lương thiện, ra đây kiếm dăm ba đồng bạc để mua con cá miếng thịt cho gia đình dịp Tết. Bán chỉ được có mấy ngày cận Tết, tới 28 Tết đã tan chợ rồi, sao người ta lại đi cấm? Cấm thì phải cấm từ đầu, chứ giờ mới cấm thì chúng tôi phải làm sao với mớ lá dong này?”
Chợ lá dong trên đường Cách Mạng Tháng Tám
Chung nỗi buồn ngày cuối năm với bà Ánh, ngồi gần đó, bà Chánh rưng rưng: “Chú có chụp ảnh thì tranh thủ đi. Năm sau không còn nhìn thấy chợ lá dong này nữa đâu. Tôi và mấy đứa con mới bày lá dong ra đây bán từ hôm qua, hôm nay người ta đòi dẹp, không cho bán nữa rồi”.
Bà Nguyễn Thị Ý, một bà lão có hàng chục năm gắn bó với chợ lá dong tự phát giữa Sài Gòn, đang ngồi loay hoay cột lại bó lá dong, sắp xếp lại đống khung cho gọn gàng. Đôi mắt buồn hiu, bà nghẹn ngào:
“Chú nhìn thử hết những người ngồi bán tại đây, coi có ai không lam lũ? Nghèo khổ hết. Giờ này người ta lo chuẩn bị nhà cửa đón Tết, chúng tôi còn phải ngồi vỉa hè, tranh thủ kiếm vài đồng. Chúng tôi cũng ý thức mình chiếm vỉa hè nên luôn sắp xếp gọn gàng, trật tự…Vậy mà người ta sắp đuổi. Năm sau sẽ không còn chợ lá dong này nữa rồi”.
Ôm bó lá dong, mớ lạt, khuôn bánh vừa mua chất lên xe, anh Trịnh Văn Bình, ngụ tại Gò Vấp chia sẻ: “Năm nào tôi cũng ra đây mua lá dong, lạt, khuôn về gói bánh chưng cúng ông bà. Năm sau chợ dẹp, tôi không biết đi mua ở đâu. Tôi nghe tin mà buồn quá”.
Lựa mua lá dong gói bánh chưng vào sáng 26 Tết
Theo thời gian, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống dần mai một, biến mất, Tết trở nên nhạt nhẽo. Chúng ta nên giữ lại chợ lá dong này, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân nghèo lương thiện. Người bán cũng không làm mất trật tự đô thị, chợ cũng chỉ nhóm họp trong vài ngày cận Tết ngắn ngủi. Và điều cốt lõi nhất: Chợ lá dong này đã tồn tại ngót hơn nửa thế kỷ, ăn sâu vào tâm khảm nhiều người dân Sài Gòn, trở thành nét văn hóa độc đáo mỗi độ xuân về. Sẽ là điều vô cùng tiếc nuối nếu chợ lá dong biến mất…
Một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận tại chợ lá dong trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc phường 7, quận Tân Bình sáng nay:
Đa số người bán lá dong đều nghèo, tranh thủ kiếm thêm ít tiền mua miếng thịt, con cá cho gia đình vào dịp Tết.
Có cả trẻ em ra phụ ba má bán lá dong trong những ngày nhà trường cho nghỉ Tết
Bà Nguyễn Thị Ý buồn so bên mớ lá dong khi nghe tin chính quyền quận Tân Bình “giải tán” chợ, không cho bán nữa.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen