Donnerstag, 8. Dezember 2016

TINH THẦN MÃ THƯỢNG

Đại-Dương
                                             
Trong thế giới đảo điên, trắng đen, vàng thau lẫn lộn liệu có cần tinh thần mã thượng hay không?
Chẳng phải ai cũng có hoặc tán tụng tinh thần mã thượng của kẻ khác. Không hiếm người chê bai hoặc nhục mạ kẻ có tư tưởng hoặc hành vi mã thượng.
Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ mới hơn 200 tuổi vẫn không thoát khỏi quy luật bất thành văn của nhân loại.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã biểu thị một trận đấu trời long đất lở khi các đối thủ, kể cả cổ động viên đã dồn nỗ lực bôi tro trát trấu cho phía đối phương. Đồng thời, tô son điểm phấn quá mức cho gà nhà.
Hằn học, bực dọc, giận dữ, hân hoan, phấn khởi, vui mừng khi nói cũng như viết về gà nhà hoặc đối thủ đã làm cho không khí bầu cử sôi động và đầy kịch tính như lúc xem một trận đấu thể thao.
Trên sân thể thao hoặc sàn đấu không những có kẻ thua, người thắng mà còn có thể huề. Sau trận đấu dù thua, thắng, hoà, các đối thủ vẫn siết chặt tay thông cảm cho những vết thương đã gây cho đối phương do quyết tâm giành chiến thắng. Nhân loại gọi đó là tinh thần thể thao hoặc tinh thần thượng võ.
Nhưng, trên chính trường chỉ có thua hoặc thắng. Bởi thế mà kẻ thua phải chúc mừng người thắng và xác định tuân phục kết quả bầu cử.
Ứng viên Hillary Clinton chúc mừng đối thủ Donald Trump dù như bị đứt từng đoạn ruột. Chính Clinton trong chiến dịch vận động đã cam kết tuân hành kết quả bầu cử nên khó chối cãi.
Trong diễn văn mừng chiến thắng, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ không truy tố Hillary Clinton vì chẳng muốn gây thêm tổn hại cho gia đình Clinton.
Clinton thất cử vì nhiều lý do như quá tự tin vào quỹ tranh cử dồi dào so với của Trump. Nhưng, đó là một nguyên nhân thất bại khi cử tri không muốn quyết định của một tổng thống siêu cường duy nhất lại bị các nhóm lợi ích chi phối hoặc điều khiển từ ghế sau.
Clinton tin vào sức mạnh của truyền thông thiên tả đang chiếm đa số hệ thống thông tin toàn cầu. Nhưng, cử tri cần một vị tổng thống đủ khả năng nêu ra chính sách ích quốc lợi dân mà không một nhóm lợi ích nào có thể gây áp lực. Chẳng phải cơ quan truyền thông nào cũng đấu tranh cho chính nghĩa mà không vì tiền (được chi dưới nhiều hình thức khác nhau).
Clinton tin vào sức mạnh của đảng Dân Chủ mà quên rằng đã có phân nửa đảng viên đứng về phía Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ độc lập tranh cử sơ bộ dưới ngọc cờ Dân Chủ. Lẽ ra, Clinton phải hiểu rõ 1/2 đảng viên Dân Chủ đã không đề cử để đấu với Trump mà biết yếu điểm của mình.
Clinton tin vào khả năng ăn nói và quyết tâm gác chuyện quốc sự của Barack Obama để chuyên chú vận động cho Clinton dù có bị dư luận chê trách đã không giữ đúng cương vị trung lập của tổng thống đương nhiệm. Hơn nữa, 8 năm trị vì của Obama, dân Mỹ sống trong ảo tưởng mà đối diện với thực tế phủ phàng khi tỉ lệ phát triển kinh tế thấp hơn các vị tiền nhiệm, 95 triệu người thất nghiệp, 40 triệu người hưởng trợ cấp, một thị trường nhân dụng bán-thời-gian. Tỉ lệ thất nghiệp dưới 5% như Bộ Lao Động ghi nhận chỉ phản ánh số người hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp chứ không phải toàn bộ thị trường nhân dụng. Khó ai chỉ được chiến trường nào trong 8 năm qua do Obama chỉ huy đem lại thắng lợi. Tập Cận Bình và Vladimir quay Obama như con dế. Cử tri không muốn nước Mỹ rơi vào chế độ Obama nối dài.
Clinton rất hài lòng vì nhiều nguyên thủ quốc gia và truyền thông quốc tế loan tin khả năng nước Mỹ có nữ tổng thống đầu tiên lên tới 80%. Họ cần vị tổng thống Mỹ yếu đuối, dễ mua chuộc và thích uống nước đường mới có thể lợi dụng. Nhưng, cử tri Mỹ cảm thấy bị sỉ nhục khi tự hỏi sao một siêu cường duy nhất từng hy sinh mạng sống của con em ưu tú, chia cơm xẻ áo cho thiên hạ, bảo vệ nền hoà bình, an ninh cho nhân loại suốt hơn nửa thế kỷ lại bị các dân tộc chịu ơn lên mặt dạy dỗ và can thiệp trắng trợn vào cuộc bầu cử của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Được truyền thông tả phái khắp thế giới phóng lên tận mây xanh nên Hillary Clinton không màng tới chuyện vận động tại các tiểu bang đong đưa (swing state) làm cho cử tri có cảm tưởng bị bỏ rơi. Cử tri cần một vị tổng thống chăm lo cho họ chứ không phải vì chiếc ghế trong Toà Bạch Ốc.
Sau kỳ bầu cử, mọi người phải cấp tốc rữa sạch khuôn mặt bị vấy bùn do cố ý hay vô tình; xoá sạch những vết thương trong óc, trong tim, trong tâm gây ra bởi hận thù, ganh ghét, tị hiềm đã làm mờ lý trí, sứt mẻ tình thương.
Ứng viên chỉ được 1% phiếu bầu đang xin kiểm phiếu lại ở vài tiểu bang mà bất cứ ai cũng biết dù kết quả thế nào cũng không thay đổi số phận của bà ta.
Vậy tại sao phải làm? Phải chăng có một thế lực nào đó không muốn toàn dân Mỹ đoàn kết để vực nước Mỹ thoát khỏi vũng lầy suốt 8 năm qua? Hillary Clinton đã cử đại diện tham gia cuộc tái kiểm phiếu ở Wisconsin.
Cuộc bầu cử nào cũng gây chia rẽ, cần sự hàn gắn nhanh chóng để đoàn kết xây dựng đất nước.
Donald Trump bị cáo buộc độc tài. Thử hỏi hệ thống chính trị của Hoa Kỳ có thể tồn tại một nhà độc tài hay không? Có chăng chỉ là thái độ quyết đoán khi đứng trước các nguy cơ có thể xảy ra cho đất nước trong mọi lĩnh vực kinh tế, an ninh, chính trị, hoà bình, chiến tranh, xã hội, phát triển.
Trump đã tham khảo nhiều nhân vật từng ủng hộ hay chống đối quyết liệt vào giai đoạn tranh cử hầu cố tìm người thích hợp nhất cho chính sách “đàm phán trong thế mạnh”.
Trump đã điện đàm với các nguyên thủ dân chủ ở Châu Á để bác bỏ lời cáo buộc sẽ bỏ rơi khu vực có nền kinh tế năng động nhất trong thế kỷ thứ 21. Làm sao một trùm phát triển địa ốc lại có thể rút chân khỏi môi trường phát triển?
Trump cũng tán gẫu với Thủ tướng Pakistan hàm ý muốn kéo nước này ra khỏi vòng tay Trung Quốc và thân thiện hơn với Ấn Độ.
Hàn gắn dân tộc, thân thiện với ngoại quốc, bảo vệ luật pháp và trật tự thế giới sẽ giúp cho Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ vẫn là người bạn đồng hành khả kính với mọi dân tộc trên quả địa cầu.

Đại-Dương
Dec 7, 2016
__._,_.___

Posted by: bebeliem@aol.com

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen