Đinh Lâm Thanh
Tôi vừa nhận được một mail trực tiếp từ Việt Nam. Điều làm tôi chú ý là người gởi ở trong nước quan tâm đến chữ quốc ngữ, đồng thời người gởi chuyển tiếp cho tôi hai mail của Dr. Thanh lên tiếng về vấn đề nầy. Chuyện bà Dr. Thanh lên tiếng không quan trọng đối với tôi nhưng đây là một vấn đề lớn mà bất cứ ai, nhất là những người gốc Việt ở hải ngoại muốn bảo tồn nền văn hóa cổ truyền thì vui lòng chú ý, đừng để gia tài tiếng Việt quý báu của chúng ta bị pha chế, bóp méo trở thành lệch lạc rồi đi đến mất gốc.
Tôi biết và rất quý trọng Đại Tá Mathieu Trần, tuổi đời có thể hơn tôi vài ba năm nhưng Ông vẫn còn xông pha trong giới truyền thông. Đại Tá Mathieu Trần là một người quốc gia có lý tưởng, mặc dù sức khỏe đã kém nhưng đã để ra nhiều thời gian sinh hoạt trên các diễn đàn, nghiên cứu tìm hiểu và phổ biến những vấn đề mới lạ, hữu ích cho mọi người. Nhưng sau khi đọc đề nghị của Đại Tá Mathieu Trần, tôi không đồng ý khi ông cho rằng chữ quốc ngữ hiện nay của chúng talai cổ ngữ Latinh, cần phải thay đổi, phải viết ngắn gọn để khỏi mất thời giờ. Tôi có quan niệm trái với Đại Tá Mathieu Trần, vì người Việt nên cám ơn các Giám Mục Tây Phương. Các vị nầy đã dựa vào tiếng Latinh để rút ra những chữ cái và nghiên cứu các dấu đặt biệt nhưhuyền, sắc, hỏi, ngã, nặng và chữ đ, ơ, ư, để viết ra thật rõ ràng và đầy đủ theo cách phát âm của người Việt chúng ta. Ví dụ, nếu trước kia không lấy cái gốc chữ Latinh để ráp thành vần đúng theo tiếng nói của người Việt, thì có thể ngày nay chúng ta vẫn còn dùng chữ Nôm,mà phần lớn cách phát âm hơi khó đọc và chữ viết thì quanh co…có vẻ như phụ thuộc vào dòng họ chữ Tàu !
Đã gọi là chữ quốc ngữ, có nghĩa chúng ta đã công nhận là chữ viết chính thức và thống nhất của người Việt Nam từ trước đến nay. Nhưng tiếc thay, sau ngày Hà Nội xua quân cướp nước, chúng mang cái văn hóa đỏ vô liêm sỉ vào cài đặt vào phong tục tập quán cổ truyền nhằm xóa bỏ tàng tích văn minh, nhất là đối với văn-hóa-văn-chương chữ nghĩa của chúng ta. Bây giờ người Việt Nam trong nước lại viết và nói rập theo khuôn từ Hà Hội mang vào : đặt thêm danh từ mới, viết tắt và nói thật tóm gọn, mất câu mất chữ, chẳng những đã khó nghe mà ý nghĩa câu văn chẳng ra gì nữa. Đó là cái ‘mode’ mới của chế độ cộng sản mà nhiều người Việt hải ngoại cũng thích xử dụng theo ngay cả trên các hệ thống truyền thanh truyền hình tại Mỹ ! Một khi đã bất mãn và không chấp nhận lối nói và viết của Việt cộng thì chúng ta không thể vô lý thay đổi lối viết ‘làm biếng’ của Đại Tá Mathieu Trần để hủy hoại gia tài chữ nghĩa của chúng ta. Không biết Đại Tá Mathieu Trần có để ý đến nhiều chữ viết mà Đại Tá đã dùng theo Việt cộng như chữ y thay bằng chữ i (yêu thành iêu). Do đó, sau khi đọc những gì Đại Tá Mathieu Trần đề nghị, tôi thấy chẳng những không có gì lợi cho lối viết mới, vì hình thức toàn là những chữ ‘gãy’(cụt ngủn), kỳ cục, vô nghĩa, khi đọc lên nghe không đúng với âm điệu tiếng Việt truyền thống mà còn ảnh hưởng trầm trọng đến việc bảo tồn văn hóa của chúng ta. Đó là chưa nói đến nếu có ai ngâm thơ theo lối chữ mới nầy, chắc chắn nghe thật vô duyên !
Tôi cũng xin nói thêm, chữ Việt không những phong phú với hình thức viết mà còn phát âm rất gọn, người nước ngoại quốc có thể đọc theo lối đánh vần của họ (dù không hiểu nghĩa), đồng thời chữ Việt dễ dàng học và dịch ra tiếng nước ngoài. Hơn nữa, tiếng Việt của chúng ta khi viết hoặc nói, có lúc ẩn ý rất nhiều nghĩa khác nhau. Tùy lúc, tùy hoàn cảnh, tùy người và tùy sự việc đề cập đến…mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu được rành mạch. Đây là một ưu điểm mà người ngoại quốc ít có trong văn chương của họ và họ chẳng bao giờ hiểu được tường tận khi nghe người Việt nói chuyện ẩn ý với nhau.
Tiếp đến, chúng ta phải phải công nhận một điều rằng, tiếng Việt thật hoàn hảo và độc lập, ngoại trừ vẫn còn một vài chữ đọc ra có âm hưởng quốc tế đang dùng và chưa thể thay thế như chữ ga (gare) xe lửa. Trước đây cũng đã có người muốn thay thế chữ ga xe lửa bằng chữ trạm xe lửa, nhưng hình dung thật chính xác thì tầm lớn của gaxe lữa thành phố không thể ví như một trạm xăng, trạm buýt nhỏ nằm ngay giữa đường giữa chợ. Tuy nhiên ngôn từ ga đã ăn sâu lòng người từ đối thoại đến văn chương, đồng thời cũng trở nên một tiếng bình dân thân thương của người Việt từ xưa đến nay, thì chúng ta có thể giữ lại đợi quyết định của Hàn Lâm Viện Tiếng Việt trong tương lai.
Ngoài ra, tiếng Việt còn phong phú biểu lộ rõ ràng qua các dấu sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã…Mỗi dấu nằm trên các chữ đều có những âm đọc và ý nghĩa khác biệt rõ ràng, ví dụ như ma, má, mả, mã, mà, mạ…, ngai, ngài, ngải, ngãi, ngại… tinh, tĩnh, tỉnh, tình, tịnh…. Hơn nữa, những chữ cái đơn khi viết ngắn gọn cũng đủ nghĩa, ví dụ bắt đầu từ 1 chữ như ạ, ý, ở… hai chữ như đi, ta, ăn…ba chữ như tay, nhà, phố… đến 4, 5 và…tối đa 6 chữ như giường, thương, nghiêm …. Sau đó là các chữ được ghép với nhau, gọi là chữ kép để làm đậm nét, thêm ý nghĩa, ví dụ như mạnh mẽ, tha thiết…, hay mang một nghĩa hoàn toàn khác với từng chữ đơn ghép lại, ví dụ như nghĩa địa, cộng đồng… Còn nữa, đề nghị của Đại tá Mathieu Trần muốn đơn giản bỏ bớt dấu hỏi và luôn luôn dùng dấu ngã theo như bài kèm theo phía dưới. Như vậy, những chữ muốn có nghĩa bắt buộc phải dùng dấu hỏi, ví dụ như mả (chôn người), nghỉ (việc làm) nếu cho biến mất dấu hỏi theo ý của Đại Tá Mathieu Trần, đồng thời phải thay thế dấungã vào đây thì các chữ nầy hoàn toàn đổi khác nghĩa : mã (ngựa) vànghĩ (suy nghĩ). Vậy khi muốn nói đến mồ mả ông bà hay nghỉ việc làm mà viết hai chữ mả và nghỉ bằng dấu ngã thì ý hoàn toàn sai. Thêm nữa, tôi lấy một ví dụ của Đại Tá Mathiêu Trần khi đề nghị viết chữ ‘huỳnh huỵch… ta kó thễ viết huình huịch’, nhưng theo tôi, viết theo kiểu mới thì chữ vẫn dài (năm chữ đơn)và khi đọc hai chữhuỳnh huỵch (hai âm) thì phải đọc cho đúng âm là hu ình và hu ịch (bốn âm), nghe chẳng ai hiểu gì cả ! Xin ghi chú thêm, lối viết chữ y dài thành chữ i ngắn là của Việt cộng sau nầy thường dùng. Ngoài ra có nhiều vị viết tên mình như Ng..Dzoanh, Ng Dzu, Ng…Nguiễn Ng. Í…là ý thích riêng tư của mỗi người, nhưng viết trong văn chương thì hơi khó xem một chút.
Có thể kết luận, chữ quốc ngữ có một lối viết đặc biệt và độc đáo của người Việt Nam, không thể pha chế, sửa đổi hoặc thay thế. Chúng ta sống trong chế độ hoàn toàn tự do, Đại tá Mathieu Trần có quyền đưa ra đề nghị về một lối viết mới cho tiếng Việt. Tôi hoàn toàn tôn trọng ý kiến đó và tôi cũng xin được quyền đưa ra ý kiến của tôi, một người cầm viết tranh đấu cho lý tưởng quốc gia và bảo vệ nền văn hóa cổ truyền, nhất là trong lãnh vực văn chương. Với chủ trương của người cầm viết, sáng lập và đồng thời chủ tịch Hội Văn Hóa Người Việt Tư Do, tôi không đồng ý đề nghị của Đại Tá Mathieu Trần, và cũng nhân cơ hội nầy xin kêu gọi những người thường trăn trở trước vận đất nước điêu linh, trước nền văn hóa suy đồi, trước lối viết văn của Việt cộng ngày nay và nhất là trước việc Tàu cộng cướp nước…thì đừng gây xáo trộn những truyền thống tốt đẹp đã có trước kia của chúng ta, nhất là vấn đề chữ quốc ngữ ! Còn nữa, nếu viết tiếng Việt theo đề nghị dưới đây của Đại Tá Mathieu Trần thì khi đọc dễ bị vấp phải cái giọng ‘đã đớt’ của trẻ con đồng thời tạo thói quen cho người ngoại quốc đọc tiếng Việt đã ‘ngọng’ lại càng ‘ngọng’ thêm nữa.
Trước khi chấm dứt, kính thưa Đại Tá Mathieu Trần, những lời mộc mạc trên đây có làm buồn lòng Đại Tá thì xin ĐạiTá ban cho hai chữTha Thứ. Hết lòng đa tạ.
Đinh Lâm Thanh
Paris, 05.9.2016
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen