Photo: Jerome Favre/EPA
(Hongkong – 16.June.2016) -- Các nhà hoạt động dân chủ ở Hongkong đã cực lực lên án nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh có hành động côn đồ du đãng. Làn sóng chống đối Bắc Kinh ngày càng nổi lên dữ dội hơn trong những ngày gần đây vì tình trạng các nhà xuất bản sách tại Hongkong bị Trung cộng bắt cóc đem về lục địa để tra tấn và nhốt tù. Họ nói, đây là hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh chủ trương muốn bịt miệng và dập tắt tiếng nói của những ai muốn chỉ trích nhà cầm quyền Trung cộng.
Lam Wing-kee (Lâm Vĩnh Ký), một trong năm nhà xuất bản sách ở Hồng Kông đã biến mất một cách bí ẩn hồi năm ngoái, vừa mới gây chấn động vào đêm Thứ Năm tuần vừa qua trong một cuộc họp báo chớp nhoáng tại Hongkong. Ông Lâm được Trung cộng tạm tha vào hôm Thứ Ba và bắt ông phải trở lại trình diện vào ngày Thứ Năm. Nhưng thay vì ông trở lại trình diện với nhà cầm quyền Trung cộng thì ông tổ chức họp báo để tố cáo với thế giới tự do về hành vi côn đồ của bọn cầm quyền tại Bắc Kinh. Trung cộng yêu cầu ông làm điềm chỉ viên cho cộng sản Bắc Kinh, cung cấp tên tuổi những người đến mua sách của ông. Ông Lâm đã không làm điều đó.
Bản tin trên nhật báo The Guardian xuất bản tại Luân Đôn đăng tải chi tiết, với tiêu đề: “Trung cộng Hành Động Như Bọn Côn Đồ…”. Ông Lâm, năm nay 61 tuổi, là người quản trị nhà sách Causeway Bay ở Hongkong tố cáo rằng, ông bị bắt cóc hồi tháng Mười năm ngoái và bị giam trong một xà lim trên lãnh thổ Trung cộng. Ông Lâm nói rằng, “Họ bịt mắt, trùm đầu và cột tay chân tôi”. Ông tố cáo bọn cộng sản Trung quốc ép ông nhận tội mà ông chưa hề phạm tội, và ông đã không nhận tội gì trong suốt thời gian bị giam giữ.
Ông cho biết, ông đã quyết định tố cáo nhà cầm quyền Bắc Kinh sau khi có hàng ngàn người xuống đường ở Hongkong để phản đối Bắc Kinh đã bắt cóc những nhà xuất bản sách. Ông Lâm nói: “Người Hongkong sẽ không khuất phục trước bạo lực”.
Quyết định của ông Lâm tố cáo trước công luận gây thêm sự phẫn nộ trong dân chúng trước hành động của nhà cầm quyền Trung cộng đang ngày càng đàn áp mạnh hơn đối với các nhà xuất bản các cuốn sách công bố đời tư của các nhà lãnh đạo cộng sản Trung quốc. Bốn người khác cũng bị bắt cóc, hồi tháng Mười năm ngoái, trong đó có Lee Po (Liễu Phá) mang quốc tịch Anh, Gui Minhai (Quế Mẫn Hải) quốc tịch Thụy Điển. Gui Minhai bị bắt cóc tại Thái Lan hiện còn bị giam tù tại lục địa Trung cộng, trong khi 3 người còn lại tuy không bị kiên giam nhưng bị theo dõi và kiểm soát gắt gao.
Qua lời ông Lâm vừa mới tố cáo, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Trung cộng hãy “chấm dứt lừa đảo”, chấm dứt các vụ bắt cóc những nhà xuất bản sách.
Bà Mabel Au, một trong những nhà hoạt động tại Hongkong nói rằng, tình trạng bắt cóc các nhà xuất bản sách là để bịt miệng người dân Hongkong. Bà đã tuyên bố với báo chí trong lúc đang xuống đường tại Hongkong vào đêm Thứ Sáu vừa qua, được tổ chức bởi các nhà tranh đấu đòi dân chủ tại Hongkong.
Claudia Mo, một nhà lập pháp tại Hongkong, nói với báo The Guardian rằng ông Lâm đã châm ngòi một quả bom nổ lớn, sẽ làm cho người dân Hongkong tách rời khỏi Trung cộng. Bà nói: “Bây giờ ai cũng thấy rõ, cái gọi là ‘một quốc gia, hai thể chế’ là một lời láo khoét”. Bà nói, “Chúng tôi cần phải vững tâm và tranh đấu mạnh mẽ. Vụ bắt giam ông Lâm không phải là một vụ bắt giam thông thường, mà là một vụ bắt cóc do chính nhà cầm quyền Bắc Kinh tiến hành. Nhà cầm quyền Bắc Kinh quả là một bọn côn đồ, hành xử như bọn xã hội đen đáng ngại”.
Một nhà lãnh đạo của đảng Dân Chủ Hongkong, bà Emily Lau, nói với The Guardian rằng, hành động bắt cóc của Trung cộng đối với các nhà xuất bản sách được xem là “rất dã man và hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Theo bà, những điều do ông Lâm tiết lộ cho thấy “Trung cộng sử dụng luật rừng. Trung cộng nói rằng họ muốn gia nhập vào cộng đồng quốc tế nhưng lại có những hành vi không xứng đáng, và chỉ làm cho thế giới khinh bỉ mà thôi. Bắc Kinh phải lên tiếng và lên án hành động bắt cóc bỉ ổi vừa rồi và hứa sẽ không để cho nó tái diễn. Bắc Kinh phải tỏ ra tôn trọng luật lệ và tôn trọng người dân Trung quốc”.
Một nhà văn Hongkong, ông Jason Ng cho biết những tiết lộ của ông Lâm đã “xác nhận tất cả những thứ mà lâu nay chúng tôi nghi ngờ về đảng Cộng sản Trung Quốc. Nó là một đảng lừa bịp”. Jason Ng, tác giả của cuốn sách về các cuộc biểu tình năm 2014, tin rằng những điều do ông Lâm tiết lộ sẽ kích động phong trào nổi dậy ở Hongkong. Biến cố này sẽ liên kết các nhà tranh đấu, sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử vào tháng Chín, cũng là cơ hội để các ứng cử viên dân chủ xuất hiện, vạch mặt những tên thái thú tay sai của Bắc Kinh, đang có mặt tại Hongkong.
Đến nay, Trung cộng chưa có phản ứng gì về lời tố cáo của ông Lâm Wing-kee qua buổi họp báo. Tuy nhiên, Bắc Kinh trước đây đã từng tuyên bố rằng các nhà xuất bản sách đã tự nguyện đến Trung Quốc để giúp các công tác điều tra của Bắc Kinh. Các nhà ngoại giao chế diễu những phát biểu đó của Trung cộng và lên án hành vi côn đồ bắt cóc các nhà xuất bản sách tại Hongkong, theo lệnh của Tập Cận Bình. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Anh Quốc tỏ ra quan ngại về số phận của Lee Po, là người mang quốc tịch Anh Quốc, đang bị giam giữ đâu đó tại Trung quốc. Anh Quốc cũng phản đối Trung cộng vi phạm quyền tự trị của Hongkong.
Tòa Đại Sứ Thụy Điển tại Bắc Kinh sau khi nghe lời tố cáo của ông Lâm, nói rằng họ hiểu được những gì ông Lâm tố cáo. Tòa Đại Sứ Thụy Điển đã nhiều lần yêu cầu Trung cộng cho biết Gui Minhai hiện đang ở đâu, để nhân viên ngoại giao thăm viếng, nhưng nhà cầm quyền Trung cộng không đáp ứng.
Bà Claudia Mo lo sợ về sự an toàn cho ông Lâm sau khi ông đã “dũng cảm” tố cáo tội ác mang tính thách thức đối với Bắc Kinh. Bà nói: “Tôi lo sợ họ [Trung cộng] sẽ thủ tiêu ông Lâm”. Trong khi đó, bà Emily Lau thì nói: “Hôm nay nó xảy ra cho ông Lâm, ông Lee thì ngày mai nó sẽ xảy ra bà Chan, ông Wong và nhiều người khác nữa. Càng lo sợ thì càng cần phải tố cáo cho thế giới biết”.
Sơn Hà – viết theo báo The Guardian, “China Behaving Like ‘Gangster’ State With Bookseller Kidnap…”,
“China Bans News Coverage of Hongkong Bookseller Abduction”,…
www.freevietnews.com
__._,_.___
Posted by: Yen_vlink <yen_vlink@yahoo.com>
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen