Sonntag, 17. Januar 2016

Những câu chuyện của Luật sư Nguyễn Văn Đài mà tôi biết


Paulus Lê Sơn - Luật sư Nguyễn Văn Đài lần thứ hai anh bị cầm tù. Vậy là một tháng trôi qua anh nằm trên bệ xi măng lạnh giá của nhà tù Cộng sản, lạnh lẽo, bí bách, hôi thối, chặt hẹp liệu có làm giảm đi ý chí và lý tưởng của anh đối với nền dân chủ tự do của đất nước Việt Nam thân yêu chúng ta.
Tôi tin rằng những ai từng tiếp xúc và chia sẻ với anh Đài sẽ có một cảm nghiệm vô cùng thú vị, mới lạ. Anh Đài, một con người tri thức, nhẹ nhàng và điềm đạm. Cách nói của anh khiến cho người đối diện anh cảm thấy gần gũi, mến yêu.
 
Đối với riêng bản thân tôi đặc biệt yêu mến Luật sư Nguyễn Văn Đài, một con người hết sức gần gũi và thân thiện. Lần đầu tiên gặp anh Đài tại nhà thờ Thái Hà hôm diễn ra thánh lễ cầu nguyện cho Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ vào tối thứ 7 ngày 02.04.2011.
 
Anh em bắt tay nhau thân tình trong lần đầu tiên qua mấy người bạn giới thiệu, tôi rất vui vì được gặp anh trực tiếp ngày hôm đó. Tôi nói với anh "em rất vui vì hôm nay em được gặp anh trực tiếp, anh là một trong những người tiên phong trong công cuộc đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, em ngưỡng mộ và khâm phục anh lắm ạ". Anh cầm chặt tay tôi với ánh mắt sâu sắc mà nói rằng "có gì đâu mà ngưỡng mộ anh hả em, chúng ta đã có nhiều người đi trước và hy sinh rồi, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình vì lý tưởng dân chủ và tự do cho đất nước. Anh mới ra tù nhưng có đọc các bài viết của em, hãy cố lên, tương lai đất nước phụ thuộc rất lớn vào những người trẻ như các em. Hôm nào em có thời gian đến nhà anh chơi nhé". 
 
Khiêm tốn thế đấy, nhẹ nhàng và gần gũi vậy đấy, một con người có cái tâm cái phúc, cái tâm phúc của anh được thể hiện ngày trên khuôn mặt hiền từ của anh. Đúng là tâm phát tướng.
 
Tôi đã từng ở tù Nam Hà, còn gọi là Ba Sao, trước đây anh Đài từng bị giam ở đó. Những câu chuyện về anh trong buồng giam vẫn còn được anh em trong đó ghi nhớ. Anh em Tây Nguyên và Tây Bắc thường nói về anh Đài với lòng kính trọng. Anh Đài đòi hỏi các quyền cho tù nhân trong buồng giam và trong trại giam. Anh cũng chia sẻ với các anh em nghèo khó, không có gia đình thăm nuôi miếng cơm manh áo. Hình ảnh của anh vẫn để lại trong lòng anh em tù nhân chính trị một cảm giác gần gũi, thương mến mà rất cứng rắn trong việc đòi nhân quyền cho con người.
 
Khi ra tù, anh Đài là một trong những người đầu tiên đón tôi, anh không quản ngại xa xôi, vất vả đã đến tận nhà để đón tiếp một đứa em mới ra tù. Một niềm hạnh phúc lớn lao đối với một người trẻ như tôi được anh đến để chia sẻ niềm vui và nỗi đau mất mẹ. Anh nói với tôi "hãy cố gắng lên trong mọi hoàn cảnh, bên cạnh em còn có rất nhiều người đồng hành và quan tâm em".
 
Anh Đài là một ngọn đuốc thực sự trong công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Nhưng ngọn đuốc của anh Đài luôn đưa ra phía sau để cho những người trẻ như chúng tôi thấy được đường chứ anh không đưa lên cao hay về phía trước để mọi người phải chạy theo. Khiêm tốn là một đặc tính nữa của anh Đài mà tôi có thể nhận ra.
 
Dù bão tố thét gào phong ba, dù thời gian còn nhiều gian truân khó khăn nhưng tôi tin rằng với trái tim yêu mến tổ quốc và dân tộc Việt Nam của Luật sư Nguyễn Văn Đài sẽ không bao giờ chùn bước.
 
Nhân dân và tổ quốc Việt Nam có những người con như Luật sư Đài là một sự tự hào, một nguyên khí lớn của dân tộc và là một hình ảnh để thế giới ghi nhận tinh thần và trí tuệ người Việt Nam trong mọi góc cạnh của xã hội.
 
Hôm nay khóm huế, trăng ngần, sức mạnh của lý tưởng, của lòng yêu nước của anh Đài như khắc ghi vào lòng những người thiện chí và yêu nước. Đối với tôi, một con chim bồ câu đại diện cho hòa bình và tự do là chiến thắng vượt trội cho không gian và thời gian mấy mươi năm nay chế độ cộng sản đã bủa vây đất nước và người dân Việt Nam. Chính anh Đài là con chim bồ câu của Hòa Bình và tự do đó.
 
Nhớ về anh, nghĩ tới hình ảnh của chị Khánh, vợ anh trong đêm cầu nguyện tại Thái Hà như thấy những hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam can trường và hi sinh. Những hòn vọng phu nối tiếp nhau hiện hữu trên dãi đất hình chữ S này, từ xa xưa đến bây giờ và có thể còn nữa.
 
Việt Nam có những người đàn ông làm nên lịch sử và có những người phụ nữ được đầy diễm phúc. Dân tộc Việt Nam đến muôn đời sẽ khen họ là những người diễm phúc.
 
Nhớ về anh một tháng trong ngục tù cộng sản, tôi chỉ biết hướng đến anh và chị Khánh bằng lời cầu nguyện và chia sẻ cũng như mạnh mẽ hơn trong niềm tin và hi vọng với tương lai Việt Nam trên đồng cỏ xanh tươi của tự do dân chủ.
 
17/1/2015

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen