Donnerstag, 24. Dezember 2015

Khi Mã Viện làm giám khảo.

Một mặt trận hai kẻ thù
Giặc cộng bán nước, giặc tầu xâm lăng

 
Khi Mã Viện làm giám khảo.
canhco
Trong trăm mối của cuộc sống quăng quật hôm nay, người phụ nữ Việt Nam có lẽ là nạn nhân chung của mọi điều đang xảy ra từ gia đình đến xã hội. Từ một gánh hàng rong cho tới cõng con tới trường bằng phương tiện hiện đại của ngày nay là chiếc xe gắn máy, người đàn bà nào cũng gánh trên lưng thứ bổn phận ngàn năm chưa thoát được từ khi Mã Viện trút thâm thù tuyệt hận trên lưng hai anh thư xứ Giao Chỉ: Hai bà Trưng.
Cái truyền kiếp Mã Viện ấy không thể chết theo lịch sử, cũng không thể giải thích bằng cách nào khác ngoài cách hiểu duy nhất: Trung Quốc luôn ghi bài học thua cuộc nhục nhã trước một nhóm dân nhỏ bé phương Nam khi hai bà Trưng cho giặc biết thế nào là Giao Chỉ trước móng vuốt quân thù.
Móng vuốt ây chưa bao giờ ngưng đe dọa Việt Nam, kể cả khi hai nước tạm thời là đồng chí. Hai chữ đồng chí lạnh lẽo và đầy tráo trở ấy đã dạy cho Việt Nam rất nhiều bài học mà bài học nào cũng phải trả học phí bằng máu của người dân. Từ việc xâm lược bằng súng đạn ở 6 tỉnh miền Bắc cho tới chiếm trọn Hoàng Sa rồi Gạc Ma cùng các đảo khác ở Trường Sa. Máu người lính chiến hai miền Nam Bắc cùng đổ xuống cho quê hương chưa đủ, người Trung Quốc đang đầu độc cả nước Việt qua thức ăn, hóa chất và ngay cả việc phá hoại hoa màu, nông sản của dân Việt.
Phục Ba tướng quân Mã Viện luôn nằm trong não của người Tàu ở mọi trường hợp, sự căm thù ấy không thể nhạt phai nếu Việt Nam tỏ ra vững mạnh và được thế giới ngưỡng mộ. Tâm lý ghen ăn ghét ở của Trung Quốc thật ra cũng dễ hiểu vì con người không ai có thể bỏ qua mối nhục của nước lớn bị đánh đuổi thảm hại nhiều lần từ các trận xâm lược Việt Nam. Chỉ có ai tin vào tình hữu nghị viễn mơ của hai đảng mới có thể yên tâm sống trong ảo tưởng rằng Chủ nghĩa xã hội có khả năng hàn gắn mối nhục của Trung Quốc hôm xưa, và sự đn hèn của lãnh đạo Việt ngày nay.
Rõ nét nhất về tâm lý ghen ăn ghét ở của Trung Quốc đối với Việt Nam xảy ra ngay trong cuộc thi Hoa Hậu thế giới 2015 được tổ chức tại Hải Nam trong hơn một tháng qua. Trong 114 thí sinh toàn thế giới có cả đại diện Việt Nam là Trần Ngọc Lan Khuê, một khuôn mặt trong sáng và thông minh của phụ nữ Việt Nam, tuy chưa phải là điển hình vẻ kiều diễm của nhan sắc Việt nhưng có lẽ cô là một ngôi sao hiếm hoi gần như duy nhất trong tất cả mọi người đẹp mà chúng ta biết trên các sàn catwalk hay trong các cuộc thi hoa hậu gần như phá sản khắp nước.
Trần Ngọc Lan Khuê như con thiên nga lộng lẫy trên sân khấu. Tự tin trong ánh mắt, hãnh diện trên từng nụ cười, nhuần nhuyễn mỗi bước đi và lung linh sắc màu trong trang phục đã làm cử tọa bị thuyết phục từ những vòng đầu. Chiến thắng quan trọng nhất của Lan Khuê là giải thưởng do khán giả bình chọn (People’s Choice) và theo như điều lệ thì người đoạt giải thưởng này đương nhiên hưởng quyền đặc cách vào Top 5 có nghĩa là vòng chung kết để chọn ra hoa hậu và á hậu trong 5 thí sinh. Thế nhưng niềm vui này bỗng dưng bị ban tổ chức lạnh lùng phủ nhận và Lan Khuê chỉ còn biết ngồi khóc với người cuồng nhiệt ủng hộ cô trong suốt cuộc thi.
Điều kỳ quặc đáng xấu hỗ này của ban tổ chức cuộc thi do chính phủ Trung Quốc đứng sau chỉ đạo xuất phát từ tâm lý nhỏ mọn của một tay nhà giàu keo bẩn. Nó cho thấy mối thù tiềm ẩn của Bắc Kinh chưa bao giờ quên bất cứ chi tiết nào với cựu thù Hà Nội. Thứ nhất nếu Việt Nam trở thành Hoa hậu thế giới thì Trung Quốc cực kỳ ê mặt, không thể chấp nhận cho con cháu của Hai bà Trưng cỡi voi mà trên đầu mang chiếc vương miện thắng Tàu một lần nữa. Thứ hai, có lẽ quan trọng hơn, chính phủ Trung Quốc không chịu nỗi một cô gái bằng ấy tuổi đầu lại có thể hiên ngang bộc lộ ý chí của nhân dân Việt Nam trong khi cả guồng máy chính trị của Hà Nội không dám bộc lộ.
Báo Thanh Niên tường thuật chi tiết đáng trân trọng của cô gái thông minh này như sau: Trong các giải thưởng giúp cho thí sinh tiến sâu vào vòng chung kết có một giải tên là Beauty with a Purpose, hay còn gọi là Hoa hậu nhân ái. Trần Ngọc Lan Khuê đã tự chọn cho mình một chuyến đi trước đó vào cộng đồng những bệnh nhân ung thư tại Nghệ An, Dak Lak. Lan Khuê đã quay lại một video clip dài 6 phút cho hoạt động này và cô gắn bản đồ Việt Nam vào clip để giám khảo có ý niệm về một đất nước Việt Nam hôm nay với những hình ảnh nao lòng của những con người bất hạnh.
Thế nhưng, cũng chính cái bản đồ ấy làm cho ban tổ chức nổi giận, bất cứ giá nào cũng phải gạch tên Lan Khuê ra khỏi cuộc thi bởi nó đưa hai khu vực mà Trung Quốc cho là của họ: Hoàng Sa và Trường Sa.
Cô gái bé bỏng dường ấy lại có cái chính kiến mạnh mẽ của một nhà kỹ trị thì hỏi sao ban giám khảo dám cho qua nếu không họ muốn bị vào tù. Trách chi giám khảo Trung Quốc mà hãy trách chính phủ mình trước: ngây thơ và dại dột khi chọn bạn mà chơi. Thằng bạn không những là cựu thù khó đối phó mà nó còn được trang bị tận răng thứ vũ khí mà Mã Viện đã đóng xuống thân thể Việt Nam từ khi hai bà Trưng bị chúng giết: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt (Trụ đồng gãy là ngày tận diệt xứ Giao chỉ)
Viết trên trang facebook của mình, Lan Khuê chia sẻ:
“Điều gì không giết được tôi sẽ khiến tôi mạnh mẽ hơn.
Tôi vẫn tồn tại và vẫy vùng ở tận đáy vì tôi biết có biết bao con người ở đất nước tôi đang ngày đêm chung tay, đoàn kết vì dải băng Việt Nam mà tôi đang đeo.
Tôi khóc cạn nước mắt khi tôi không được xuất hiện mở màn Dances of The World. Tôi sững sờ với điểm số khi các phần thi của mình đều được đánh giá cao và nhận được sự trầm trồ từ các thí sinh. Nhưng không sao sóng gió đã đi qua. Mọi thứ đã ở lại phía sau. Những sóng gió này là động lực để tôi phải làm điều gì trong tương lai để tiếng nói của đất nước tôi mạnh mẽ hơn, có trọng lượng hơn.”
Vâng, Lan Khuê của chúng ta đấy, một nhân cách đáng trọng, một tự hào chung cho phụ nữ Việt Nam nhưng quan trọng hơn cũng là một chứng cứ làm không ít người bẽ bàng. Nếu may mắn tấm gương của em sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai còn tự bịt mắt mình đi trên con đường bị rải đinh cùng khắp lại tưởng là hoa hồng nở ra của tình đồng chí.
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" <pwillay@orange.fr>

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen