Kể
từ sau năm 1975, vì biến cố chính trị, số người Việt Nam lưu vong sống
trên các đất nước tự do có thể tính bằng con số triệu. Có mọc rễ hay
không trên xứ người nhưng phần đông Việt kiều trong thâm tâm luôn nhớ về
quê hương nơi chôn nhau cắt rún, nơi chứa nhiều kỷ niệm từ nhỏ cho đến
lớn, nơi có đồng bào cùng màu da, cùng tiếng nói. Nhất là những người
lớn tuổi về hưu, con cái đã trưởng thành, đã nên người thay thế cha mẹ
ra đóng góp cho xã hội thì họ lại thường cảm thấy cô đơn lạc lõng bên xứ
người và muốn trở về để gởi nắm xương tàn trên quê hương mình mặc kệ
những bất đồng chính kiến, mặc kệ ngày nào đã bất kể sống chết, bỏ lại
tất cả để ra đi tìm tự do.
Ông
Tâm là một trong số người muốn trở về cố hương đó. Ông là sĩ quan cấp
tá của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, dĩ nhiên cũng như các sĩ
quan khác ông cũng phải đi học tập cải tạo một thời gian dài, nhà cửa bị
tịch thu, con cái không được học đến nơi đến chốn vì lý lịch xấu. Ngày
ông còn trong tù thì vợ ông đã mất vì quá lao lực, và suy dinh dưỡng. Ra
tù ông lại phải sống thấp tha thấp thỏm lo sợ không biết một ngày đẹp
trời nào đó bọn ác ôn bắt bỏ tù trở lại; rồi gia đình bị bắt đi kinh tế
mới; cuộc sống dưới chế độ mới thiếu thốn, khổ cực trăm bề nên ông cố
sống cố chết tìm cách đưa con cái vượt biển. Cũng may nhờ bạn tù giúp đỡ
nên chuyến vượt biển thành công. Sau một thời gian ở trại tị nạn gia
đình ông được sang định cư ở Hoa Kỳ.
Ông
Tâm qua được xứ sở tự do thì ngã bịnh mất khả năng lao động nên được
hưởng tiền bịnh do tiểu bang cấp cho. Bốn người con đứa đi học nghề, đứa
ra làm việc và từ từ đều lập gia đình có cuộc sống ổn định bên xứ
người. Nhưng vì công việc nên mỗi đứa con lại ở một tiểu bang, chỉ thi
thoảng mới gặp nhau. Còn cô gái lớn thì ở cùng một tiểu bang với cha.
Ông
Tâm ở riêng một mình. Ông không muốn làm phiền đứa con nào vì tính ông
độc lập lâu nay, cứ ngại làm mất tự do và đời sống riêng tư của con cái,
và ông cũng thích sống một mình cho thoải mái. Ông mua một cái mobile
home giá rẻ, cho một hai người thuê phòng ở chung để có thu nhập trả
tiền đất, và nhờ bạn bè làm mai giới thiệu cho ông một bà góa để đỡ
phòng không chiếc bóng.
Bà
góa này tên Tình, coi xấu người mà đẹp tính. Bà Tình hiền lành, dễ
tính, biết chịu đựng, biết im lặng nghe ông nói mà không tranh cãi gì
cả. Ông chỉ con chó mà nói là con gà thì bà cũng ừ cho đó là con gà; ông
bắt bà im thì bà không dám hó hé lấy một tiếng mà nín thinh cả mấy ngày
trời cho tới khi ông cho nói bà mới dám mở miệng... Con cái của ông đều
quí mến bà mẹ kế này và nhiều khi còn binh bà để phản đối ông quá ăn
hiếp:
- Sao cô hiền quá vậy? Ba con nói ngang nói ngược mà cô không cãi cứ để ổng ăn hiếp hoài.
Bà Tình cười hiền lành:
- Thì cô coi như ổng khùng, cãi làm chi với người khùng cho mệt.
Bà
Tình làm ở nursing home săn sóc chiều chuộng người già, người bịnh cũng
quen nên mới có thể ở chung với ông Tâm được. Tính tình hai người khác
nhau như hai thái cực nên có lẽ ở với nhau để bù đắp cho nhau. Bà Tình
dễ tính bao nhiêu thì ông Tâm khó bấy nhiêu. Ngày xưa sống trong quân kỷ
quen, ông dùng kỷ luật sắt trị lính và trị cả gia đình. Con cái phạm
lỗi là ông đét đít không tha. Ði thưa về trình, đúng giờ đúng giấc không
được sai một phút. Chiều tối là cửa đóng then cài, nội bất xuất, ngoại
bất nhập. Ra vào cửa phải đóng, quên là bị phạt mở ra đóng lại 100 lần
cho quen. Ở xứ Mỹ, bạn bè con cái có bất thình lình ghé ngang nhà thăm
ông mà không gọi điện báo trước chớ hòng ông mở cửa tiếp. Có ông bạn
thân sẵn đi câu về ghé tặng ông ít cá tươi, gọi cửa hoài ông không mở,
chỉ đứng trong nhà ngó ra nên người bạn phải treo bị cá trước cửa rồi bỏ
đi. Nhiều, nhiều kỷ luật và nội qui được đặt ra lắm nên đám con không
gần gũi cha cho mấy, đứa nào cũng sợ ông như sợ cọp. Bạn bè ai cũng lắc
đầu, bảo ông là chướng.
Vậy
mà bà Tình cũng hay, sống với ông được đến 4 năm mới chia tay vì có một
ngày ông cấm không cho bà về thăm lo cho con cái và cháu ngoại riêng
nữa. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bà phản đối, chống lại ông.
Ông Tâm muốn gì bà cũng chiều ngoài việc này. Tấm lòng người mẹ bao la
như biển, lúc nào cũng lo lắng, bảo bọc, và hy sinh cho con thì ông Tâm
chẳng thể nào mà chia cách được. Ông Tâm lâu nay quen ra lệnh và bà Tình
thì quen tuân theo nên lần này nghe bà phân trần ông đã nổi giận mất
khôn mà quát lên:
-
Ở trong nhà này phải giữ kỷ luật, phải đi về cho đúng giờ giấc. Mấy hôm
nay cứ tối mịt mới về nhà, cứ lấy cớ là về thăm cháu bịnh. Cháu bịnh
thì có mẹ nó lo. Bà dẹp đi. Bà đi với thằng nào? Từ nay không có đi thăm
cháu chiếc gì nữa. Còn không thì bà đi luôn đi. Nhà này không chứa đàn
bà vô kỷ luật, thúi tha, mất dạy.
Bà
Tình mở lớn mắt nhìn ông Tâm. Còn gì để nói nữa. Ðã biết rằng khi nổi
giận thì ăn nói hồ đồ, nhưng bà không ngờ ông Tâm lại thốt những lời khó
nghe và không tôn trọng bà như thế. Bà Tình lẳng lặng vào phòng thu xếp
hành lý bỏ gọn trong cái va ly nhỏ. Không nói thêm một tiếng để chào từ
giã ông Tâm đang mặt hầm hầm, bà xách va ly ra xe nổ máy chạy đi và
không quên gọi cho đứa con gái của ông để báo cho nó biết:
- Chào con, cô chia tay với ba con rồi và sẽ không trở lại nữa đâu. Con nhớ ghé lại săn sóc cho ổng nhen.
- Cô đi luôn à? Con cũng lo sẽ có ngày này vì tính Ba nóng quá. Cô ơi, có gì cô bỏ qua cho vì con biết Ba thương cô lắm.
Cô Tình bùi ngùi nói:
-
Cô biết Ba con tính nóng nên lâu nay nhịn và chiều ổng cho xong. Già
rồi sống nương tựa với nhau cho vui. Con cái khôn lớn tách riêng thì
mình lại càng phải dựa vào nhau để sống và an ủi cho nhau. Có điều Ba
con không cho cô về thăm con cháu là không được. Lại còn ghen tuông nói
bậy và không tôn trọng cô nữa nên cô buồn lắm. Thôi để tách nhau một
thời gian xem sao.
- Cô ơi! Cô ráng giữ sức khỏe nhé. Mai con sẽ qua thăm Ba và khuyên ổng làm hòa lại với cô.
Hôm sau cô con gái đến thăm và khuyên cha:
- Cô Tình hiền và được quá mà sao Ba để cho cổ đi vậy? Ba làm hòa với cổ đi.
Ông Tâm sửng cồ:
-
Hiền cái gì mà hiền. Bây giờ dám mở miệng cãi lại rồi còn bỏ đi nữa. Ba
không cần thứ bà chằn đó. Ba chỉ thích loại đàn bà nghe lời ba 100 phần
trăm, không được cãi mà nói gì cũng phải nghe.
Cô con gái bất mãn nghĩ thầm chứ không dám nói ra:
- Vậy thì ba đi kiếm người câm mà lấy đi. Mà phải vừa câm vừa điếc chứ nghe chửi mà không cãi được chắc họ đánh lại thôi.
Cô
Tình bỏ đi không trở lại. Ông Tâm tự ái không làm hòa xin lỗi. Ông lại
lủi thủi một mình sống kiếp độc thân góa vợ. Bạn bè cũng giúp ông đánh
tiếng mai mối nữa nhưng không bà nào chịu đèn sống chung với ông được
đến một tuần. Sức khỏe của ông lại chẳng được tốt cho lắm, bị cao máu,
cao mỡ, phải thông tim, phải cắt túi mật, mà lại phải tự lo chợ búa nấu
nướng một mình thật mệt mỏi và buồn chán. Cô con gái mỗi tuần chỉ ghé
qua thăm cha chớp nhoáng được 1 vài lần vì còn phải đi làm, phải lo cho
gia đình con cái. Nhiều khi ông ngồi đó, nỗi cô đơn gặm nhắm, nghĩ đến
một ngày thình lình từ giã cõi đời mà con cái không hay để đến khi sình
thối lên lối xóm mới biết. Rồi nghĩ đến quê hương bà con bạn bè đông
đúc, ra ngõ là có hàng quán cơm tiệm khỏi lo miếng ăn nấu nướng hàng
ngày, vui biết bao nhiêu. Ông nghĩ đến một ngày về quê hương, kiếm một
miếng đất trồng cây ăn trái, trồng bông hoa cây kiểng, vui thú điền viên
sống cho qua tuổi già, có gì chết chôn cạnh mộ bà vợ hiền cũng đỡ lạnh
lẽo. Ông chỉ sợ tụi công an đỏ làm khó dễ, nhưng rồi lại tự an ủi mình
hy vọng già rồi chắc tụi nó cũng để yên.
Lâu
nay ông Tâm cũng thỉnh thoảng liên lạc với một ông bạn thân ở quê nhà
tên Phan. Ông Phan có nhà đất ở vùng ngoại ô xa xôi, làm nghề thầy lang
vườn, tính tình thuần hậu, chân chất. Ngày trước 75, ông Phan phá đất
núi làm rẫy nên ngày nay ông có nhiều đất trên núi lắm. Ông Tâm ngày
trước đã giúp đỡ ông Phan rất nhiều và thương tính tình ông Phan nên
thường xuyên lui tới thăm nhau. Nay nghe ông Tâm than buồn và có ý trở
về sống ở quê hương, ông Phan hăng hái bảo:
- Anh về đi, tôi sẽ tặng anh một mẫu đất sát cạnh nhà tôi để xây nhà ở cạnh nhau sớm hôm hủ hỉ cho vui.
Ông Tâm cảm động:
-
Cám ơn anh nhiều. Nhưng tôi biết anh giờ cũng không khá giả gì mấy, tôi
không dám nhận đâu. Cho tôi gởi tiền mua lại miếng đất đó để anh có
tiền mà lo cho gia đình. Tôi về ở cạnh anh cuối đời anh em có nhau là
vui rồi. Chỉ sợ về đó cộng sản làm khó dễ thôi.
Ông Phan đoan chắc:
-
Chỗ tôi ở xa làng xa xóm, công an khu vực quen biết thân tình, dễ chịu
lắm. Anh về đi không sao đâu. Với lại lớn tuổi rồi tụi nó không để ý làm
khó dễ nữa đâu đừng lo. Thỉnh thoảng anh cho nó gói thuốc lá ba số 5 là
nó cảm ơn anh lắm lắm, sai gì cũng được.
Bên
đòi tặng, bên đòi mua, tình nghĩa tràn trề thật cảm động ứa nước mắt.
Cuối cùng ông Phan cũng tặc lưỡi thở dài mà nhận tiền ông Tâm gởi về trả
tiền mua miếng đất và xây nhà sẵn giùm để ông Tâm về có nhà ở ngay.
Cô con gái ông Tâm nghe cha đòi về Việt Nam ở thì phản đối:
-
Ba à, về đó làm sao sống được với Cộng sản. Tụi nó gian manh thấy Việt
kiều có tiền không để yên cho Ba đâu. Ba đã liều thân ra đi mà trở về
làm gì.
-
Tụi con không hiểu đâu. Ai cũng có cội có nguồn, ba đã già rồi, sống
nay chết mai. Ba muốn trở về bỏ nắm xương tàn trên quê hương chứ chết bờ
chết bụi ở đây buồn lắm. Ba về ở cạnh bác Phan, có bạn có bè hủ hỉ với
nhau đỡ buồn. Ba đã gởi tiền về mua đất xây nhà ở cạnh nhà bác Phan rồi.
Bác Phan bảo công an khu vực ở đó dễ lắm mà dân tình cũng hiền lành.
Cô con gái cãi:
- Thì bác ấy muốn ba về ở cạnh nên nói sao cũng được mà. Tụi con đều ở bên đây, Ba về đó lấy ai coi chừng?
Ông Tâm cay đắng:
-
Ba ở bên này các con cũng đâu thường xuyên tới thăm được. Con cái ở mỗi
đứa một phương mỗi năm họa hoằn về thăm Ba được 1 lần. Còn con thì bận
bịu, tất bật suốt ngày. Ba về đó có gia đình bác Phan sát vách, bác bảo
sẽ chăm sóc cho Ba. Bác Phan tốt lắm, cho Ba miếng đất để xây nhà mà Ba
không lấy đó.
-
Ðiều này con không biết. Phải ở lâu mới biết lòng người. Ba về đó lỡ
bịnh hoạn đi bác sĩ bệnh viện cũng khó khăn. Nhà bác Phan con nhớ là ở
tuốt trên núi khô khan nóng nực, đường đất cheo leo, nhất là không có
điện phải xài đèn dầu leo lét, và lại xa thành phố vừa buồn vừa bất
tiện. Ba ở đó không tốt đâu.
Ông Tâm cãi:
-
Hồi Ba chở tụi con lên nhà bác Phan đến nay cũng hơn chục năm rồi. Càng
ngày càng thay đổi tiến bộ chứ. Nghe bác Phan nói đã có điện rồi, dân
cư cũng đông đúc hơn nhiều, đã có đường cho xe hơi chạy tới tận nhà.
Cô con gái hỏi nhắc lại:
-
Rồi đêm hôm lỡ lên cơn đau tim làm sao đi cấp cứu? Kêu được xe chở được
đến nhà thương chắc cũng đã xong đời rồi. Ba bây giờ đâu còn khỏe nữa, ở
đây được một nền y khoa tốt gần như là nhất thế giới phục vụ, chăm sóc
thường xuyên không tốt hơn sao.
Ông
Tâm nghe con gái cản đầu cản đuôi nêu đủ lý do đã không nghe ra mà lại
đâm bực. Ông nghĩ chắc lũ con sợ mình về Việt Nam không còn được lãnh
tiền già tiền bịnh nữa và sợ phải gởi tiền nuôi cha nên cứ ngăn cản thế
kia. Ông bực bội nói:
- Ba đã quyết định rồi. Con đừng cản nữa. Ba về đó tự lo được không cần mấy đứa con phải gởi tiền về giúp mà cứ nói ra nói vào.
Thấy
cha bực mình, cô con gái im lặng không cãi nữa. Cô biết tính cha ngang
bướng ít khi chịu nghe lời ai khuyên nhất là lời khuyên của con cái mà
ông lúc nào cũng nghĩ là con nít con nôi hỉ mũi chưa sạch. Cô hỏi giọng
quan tâm:
- Ba tính khi nào thì đi? Ba có muốn con giúp đăng báo bán căn nhà này và đồ đạc không?
Một
tuần sau ông Tâm bán được căn mobile home với giá gấp đôi ông đã mua 7
năm về trước. Nhờ đã trả off nên nay ông ôm trọn gói. Ông lại còn “được”
hai lần tai nạn xe cộ vào mấy năm trước, chỉ ê ẩm và hư xe sơ sơ nhưng
nhờ mua bảo hiểm hai chiều nên được bồi thường vài chục ngàn đô. Tổng
cộng được một số tiền cũng khá. Ðã gởi ông Phan tiền mua đất và xây giùm
cái nhà gần bằng tiền bán mobile home, vị chi ông còn được tiền đền bảo
hiểm xe vài chục ngàn đô. Thời điểm bấy giờ ở Việt Nam tiền đô có giá
trị, vật giá cũng rẻ nên theo ông Phan tính toán mỗi tháng ông Tâm chỉ
cần tiêu 100 đô là đủ sống. Tằn tiện một chút ông tiêu đến nhắm mắt xuôi
tay là vừa. Vậy là bán nhà xong, thu dọn đồ đạc cần dùng vào 2 thùng
lớn, ông Tâm Việt kiều bái bai đất nước tự do Hiệp Chủng Quốc đàng hoàng
lên máy bay hồi hương, chả bù ngày nào trốn chui trốn nhủi ra đi.
Cả
nhà ông Phan gồm vợ con, dâu rể, cháu nội cháu ngoại gần 20 người thuê
xe vào Sài Gòn đón bạn vàng hồi hương. Ai nấy cũng tươi như hoa, cười
đón Việt kiều thật niềm nở, thân tình. Bà con xa không bằng láng giềng
gần, từ nay có gì chạy qua chạy lại đỡ đần nhau cũng vui đấy chứ, hai
bên cùng có lợi.
Xe
chạy xuyên đêm đến trưa thì về tới quê ông Tâm ở Ninh hòa. Thị trấn giờ
tấp nập hơn hồi ông ra đi nhiều. Ông Tâm nhìn lại một số cảnh vật quen
thuộc mà lòng bổi hổi bồi hồi nhớ lại những tháng ngày xa xưa với bao
thăng trầm vinh nhục. Ngày bỏ quê hương ra đi ông đã thề với lòng chỉ
trở về khi không còn Cộng sản, nhưng nay nào có đâu ngờ tự mình lại thất
hứa phá bỏ lời thề. Ông như con cá hồi ngược dòng cố sống cố chết vượt
bao gian nan bơi về nơi nó sinh ra. Ông đã từ bỏ nơi chốn bình yên có
gia đình, sự tiện nghi và nhất là sự tự do để tìm về một chốn mà ông
biết trước là địa ngục trần gian chỉ vì nỗi nhớ quê hương trong ông thật
tha thiết, mãnh liệt, và nỗi ao ước muốn sau này được yên nghỉ trong
lòng đất mẹ hiền.
Ðúng
như lời ông Phan nói trước, chiếc xe trung 20 chỗ ngồi cũng len lỏi
trên con đường đất gập ghềnh chạy đến tận ngõ nhà mới của ông Tâm. Căn
nhà mới quét vôi xanh, mái tôn xám, trông gọn nhỏ và xinh xắn y như
trong hình của ông Phan gởi qua. Nhưng xung quanh đất đai có vẻ khô rốc
đầy sỏi đá, cây cối lưa thưa và còi cọc, trông thảm thiết như cây cối
mọc ở sa mạc.
Ông Phan nói giọng phân bua:
-
Cả tháng nay trời không mưa nên cây cối như vậy đấy. Anh dặn tôi mua ít
cây ăn trái về trồng nhưng với thời tiết này ngó mòi mấy cây này khó
lên nổi.
Ông Tâm an ủi bạn:
- Từ từ rồi tính. Trời không mưa chắc phải làm vòi tưới.
Ông
Phan lắc đầu tỏ ý như chuyện này chắc khó rồi ông bảo tài xế đậu xe
trước cửa nhà mới của ông Tâm để dỡ hành lý xuống. Vừa bước xuống xe,
cái nóng hầm hập cháy bỏng của vùng núi táp vào người cộng thêm sự mệt
mỏi của chuyến hành trình vượt đại dương làm ông Tâm choáng váng lảo đảo
đứng không vững. Ông Phan vội đỡ ông Tâm bước lên thềm và sai thằng con
lấy chìa khóa mở cửa ngay. Một lúc sau ông Tâm mới định thần lại và
ngắm căn nhà mới của mình. Nhà chỉ có một phòng khách nhỏ, một phòng ngủ
nhỏ đặt vừa cái giường 2 người nằm, một gian bếp nhỏ xíu cỡ 3 mét vuông
và một phòng vệ sinh cũng nhỏ xíu. Tổng cộng cả căn nhà chắc khoảng 20
mét vuông. Ðồ đạc sơ sài mới chỉ có bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ và cái giường gỗ
trải chiếu hoa chắc ông Phan đem từ nhà ông ấy qua.
Ông Phan nói:
- Anh nằm nghỉ ngơi một chút, tôi biểu sắp nhỏ về bưng cái quạt máy qua cho anh và nấu cơm rồi mời anh qua xơi.
Mấy
ngày đầu gặp nhau vui vẻ vô cùng. Quà cáp từ bên Mỹ mang về cái gì cũng
lạ, đẹp, thơm, và giá trị. Gia đình ông Phan mọi người từ lớn tới nhỏ
cứ rảnh ra là tìm tới ông Tâm để nghe kể chuyện hấp dẫn của cuộc sống
bên Mỹ. Từ sớm đến tối rộn ràng vui lắm. Ông Tâm bắt đầu mua sắm thêm đồ
đạc cần thiết bày biện cho căn nhà của mình. Ông cũng mua tặng bạn mình
bộ sofa, cái bếp ga, và cái tủ lạnh. Gia đình ông Phan rất mừng cảm ơn
rối rít và càng ân cần coi ông Tâm như thần tài trên trời rơi xuống. Coi
vậy mà cũng không tốn kém chi lắm, từ cái lớn tới cái nhỏ, mua đủ thứ
mà chỉ tốn xấp xỉ 1200 đô vì đồng đô la lúc này có giá lắm.
Người xưa có câu ca dao:
Thức lâu mới biết đêm dài,
Ở lâu mới biết lòng người thực hư.
Sau
tuần lễ đầu tiên vui vẻ, ân cần là những phiền phức, khó chịu dần dần
kéo tới. Vợ và con ông Phan thường qua mượn đồ không trả, bọn nhóc
thường hay vô tư cầm nhầm món này món nọ nên đồ đạc trong nhà không cánh
mà từ từ bay mất. Ông Tâm bực mình lắm nhưng ngại không nói ra. Tính
ông cái gì ra cái đó. Xin thì ông cho mà mượn thì phải trả dù là một xu.
Thêm
nữa ở lâu ông Tâm dần dần biết được giá cả, vật liệu xây dựng và trị
giá đất thời điểm bấy giờ mới hay cái nhà của ông trị giá thật sự chỉ
bằng một nửa số tiền ông đã chi. Vậy mà phải mang ơn nghĩa với người ta
mới đau. Theo ông thấy ông Phan vẫn là con người đơn thuần, có lòng tốt
với bạn bè nhưng vợ con dâu rể của ông thì trái ngược, thích lợi dụng,
xin xỏ và có lòng tham không đáy.
Căn
nhà mới là do đứa con lớn của ông Phan lo liệu việc xây cất và có lẽ nó
đã bỏ túi số tiền chênh lệch khi mua toàn vật liệu xấu và xây quá đơn
giản, thiếu tiện nghi. Phòng vệ sinh với loại cầu tiêu trệt ngồi chồm
hổm phải múc nước dội. Không có bồn rửa mặt và nhất là không có hệ thống
nước máy. Nước dùng để nấu ăn, vệ sinh tắm rửa phải chứa trong hai
thùng nhựa lớn mà mấy đứa con nhà ông Phan gánh đổ hàng ngày từ giếng
nhà bên ấy. Thấy bất tiện quá nên ông Tâm lại bỏ tiền ra xây hồ chứa
nước, bắt máy bơm để bơm thẳng vào nhà và dĩ nhiên là ông phải làm cho
cả hai nhà. Ðã không biết đủ rồi chứ, vợ con ông Phan còn xin xỏ ông Tâm
giúp đỡ sửa sang đủ thứ cho nhà của họ làm như ông Tâm mang nợ từ kiếp
trước không bằng.
Ông
Tâm không phải hạng người tính toán keo kiệt. Nhưng cái gì cũng có giới
hạn, đâu phải ông là triệu phú và dễ bị dụ. Ông thấy rõ mình bị lợi
dụng, bòn rút từng ngày từng ngày một cách trắng trợn. Nơi ông ở hơi
vắng vẻ đìu hiu xa thị trấn, lỡ đêm hôm khuya khoắt bịnh hoạn thì phải
nhờ hàng xóm láng giềng nên ông bấm bụng chịu đựng tạm thời. Ông đánh
tiếng bà con ở thị trấn nhờ thuê một người giúp việc lo dọn dẹp nhà cửa
cơm nước riêng cho ông để khỏi phải nhờ vả lệ thuộc nhà ông Phan nữa.
Cô con gái bên Mỹ biết được tình cảnh của ông Tâm thì nhắc cha:
-
Ba liên lạc kêu cô Xuân ra ở với Ba để săn sóc cho Ba đi. Con biết cô
Xuân vẫn chưa có chồng. Con nghĩ có cổ sẽ an tâm tin cẩn hơn và Ba sẽ có
người hủ hỉ đỡ buồn.
Cô
Xuân là... bồ nhí của ông Tâm thời ông còn ở trong quân đội phải đi
biệt phái xa nhà tận miền Tây. Hai người dây dưa dan díu với nhau gần 2
năm thì ông được phân công tác trở về quê nhà, chia tay với nàng. Rồi
nước mất nhà tan ông phải đi học tập cải tạo một thời gian dài. Cô Xuân
vẫn chưa lấy chồng, thỉnh thoảng gởi thơ vào tù thăm ông. Sau khi vợ ông
mất, cô đến nhà lạy bàn thờ xin lỗi ngày xưa đã phá hoại hạnh phúc của
gia đình và xin phép mấy người con được thỉnh thoảng thăm nuôi ông trong
tù. Con của ông tư tưởng cũng thoáng nên bây giờ đã gợi ý cho cha liên
lạc với cô Xuân để nối lại tình xưa an ủi nhau lúc tuổi già.
Thật
ra chẳng đợi con nhắc, ông Tâm cũng đã có ý định đó khi trở lại quê
nhà. Cô Xuân thua ông đến 20 tuổi. Ngày ông quen cô thì cô mới 22 tuổi,
không đẹp nhưng hiền lành. Cô là con nhà gia giáo nhưng chắc vì duyên nợ
từ kiếp trước nên đã phải lòng và yêu ông dù biết ông đã có gia đình.
Ðến lúc chia tay với nhau cô vẫn ở vậy không lấy chồng và nghe nói đến
nay vẫn còn ở căn nhà cũ với gia đình người em.
Nhà
cửa sắm sửa tạm ổn xong, ông Tâm viết thơ liên lạc mời cô Xuân đến ở
với ông và cô bằng lòng ngay. Cô Xuân không muốn ông Tâm thuê người làm
mà tự mình đảm nhiệm chợ búa, cơm nước và dọn dẹp nhà cửa. Sau hơn 20
năm xa cách cô mới được cơ hội ở chung với người yêu nên vui mừng lắm và
tự nhủ sẽ hết lòng săn sóc chàng.
Vậy
là gia đình ông Phan mất đi một nguồn thu nhập là lo ăn uống và coi sóc
nhà cửa cho ông bạn vàng. Ðến khi ông Tâm từ chối không cho đứa con dâu
ông Phan mượn tiền làm vốn đi buôn; không cho thằng Ba của ông Phan
mượn tiền mua cái xe cúp đời mới; rồi còn thay ổ khóa và yêu cầu người
của nhà ông Phan đừng tùy tiện vào ra nhà của ông mà không gõ cửa thì
chiến tranh bắt đầu.
Mấy người đàn bà nguýt háy khi thấy bóng ông Tâm ra vườn:
- Già mà không nên nết! Vài bữa nó dụ hết tiền là sáng mắt.
Hoặc:
- Tưởng Việt kiều là ngon lắm.
Ðúng
là ở đời, trâu buộc thường ghét trâu ăn. Bạn bè anh em ai giàu sang ai
cùng khổ cứ ở cách xa tít mù chẳng thấy mặt nhau thì thôi, nhưng nếu cái
giàu và cái nghèo mà ở sát cạnh nhau thì trước sau cũng sinh ra rắc
rối, đố kỵ, tị hiềm. Ông Phan mỗi ngày bị vợ con tác động, nói xấu ông
bạn vàng nên cũng bị ảnh hưởng dần. Lại thêm thái độ ông Tâm khi bực dọc
thường tỏ ra nét mặt lạnh lùng băng giá nên ông Phan cũng tự ái. Thế là
chiến tranh giữa hai nhà càng ngày càng gây cấn. Láng giềng tốt ngày
xưa giờ không cho nhà ông Tâm bơm nước giếng để xài, đóng cái cổng chung
không cho dùng, phá cây không cho sống... Ðủ thứ cản trở... và cuối
cùng đưa nhau ra tòa mới chỉ sau một năm hân hoan đón Việt kiều về nước
tay bắt mặt mừng.
Ông
Phan kiện đòi lấy nhà đất lại với lý do ông Tâm chiếm đoạt đất xây nhà
trái phép. Nhưng cũng may từ khi nhờ vả ông Phan xây nhà, ông Tâm có lần
viết thơ hỏi đã gởi tất cả bao nhiêu tiền và ông Phan đã viết thơ trả
lời. Có bằng chứng giấy trắng mực đen và có cả thủ tục “đầu tiên” (tiền
đâu) nên khi ra tòa ông Tâm đã thắng là ông không chiếm đoạt đất xây nhà
trái phép. Nhưng ông Tâm là Việt kiều, đâu được phép mua nhà đất và
cũng không được phép ở lâu thường trú trên đất nước Việt Nam. Ông có
quốc tịch Mỹ, có visa về Việt Nam nhưng chỉ có thể ở Việt Nam trong vòng
2 năm thôi. Căn nhà này ông không được chủ quyền đứng tên làm chủ. Cuối
cùng ông thỏa thuận sang tay để rẻ lại cho bà con của tòa án với giá
trị tương đương 5 ngàn đô la Mỹ. Tính ra lỗ hơn hơn chục ngàn đô cho căn
nhà và quan trọng nhất là lỗ mất trắng tình bạn.
Ông
Tâm mua một căn nhà khác cũng ở xa thị trấn và nhờ cô Xuân đứng tên. Từ
ngày về nước ông đã biết được cách chi tiền cho công an khu vực để mua
hai chữ yên thân. Cứ mỗi tuần, họ tới thăm và mời “chú Ba” ra nhậu với
tụi cháu. Dĩ nhiên chú Ba phải chi cho độ nhậu dù có tham dự hay không.
Rồi Tết nhất, rồi mỗi dịp lễ lộc hoặc có chuyện gì trong gia đình họ ông
cũng lì xì chút đỉnh. Thành thử ông không cần phải ra khỏi nước để làm
lại visa nhập cảnh mà họ cũng không hỏi han làm khó dễ gì cả.
Ðủ
thứ chi tiêu chứ không phải như trước kia ông dự trù chỉ cần mỗi tháng
một trăm đô. Ăn uống chẳng bao nhiêu nhưng còn những khoản chi không tên
mà ông không dự trù trước. Về sống ở đây, không những ông phải chi tốn
cho công an mà còn chi cho bạn bè đàn em. Một vài người lính ngày xưa
làm việc dưới quyền ông nay gặp lại đều có cuộc sống khó khăn nên nhờ
ông giúp đỡ và ông không nỡ chối từ. Một số người nịnh hót nâng ông lên
tận mây xanh rồi mượn tiền và hứa chắc như đinh đóng cột sẽ trả nhưng
rồi lại trốn mất. Ông như con mồi béo bở, cứ gặp 10 người là đến 9 người
xin tiền, mượn tiền nên sau một thời gian ông tránh ra đường sợ gặp
người quen mất công từ chối.
Ra
đường thì nghi ngại, phải tránh gặp mặt người quen. Ở nhà hoài thì bực
mình, dễ gây nhau. Cô Xuân giờ đây không nhu mì hiền lành như ngày xưa
nữa. Cô hay mỉa mai, cãi lại. Cô còn hay đi về không đúng giờ giấc, hay
lê la nhà hàng xóm, hay giận hờn, và cũng hay xin tiền gởi về giúp đỡ
các em của cô có vốn làm ăn. Ông sinh ra nghi ngờ không biết cô đến với
ông vì tình hay vì tiền nữa.
Ðúng
là “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Lấy nhau rồi... chán quá cỡ người
ơi.” Về phần cô Xuân thì ngày xưa chỉ nhìn thấy một ông Tâm oai hùng,
đẹp trai, uy quyền hét ra lửa. Chàng dịu dàng, chiều chuộng nàng ra phết
mỗi khi hẹn hò gặp nhau. Bây giờ thì là một ông lão hết xí quách, hom
hem, nhăn nhó, cau có, lại còn khó chịu, độc tài, dễ nổi đóa, ngang như
cua và chỉ coi cô như một bà quản gia kiêm đủ thứ hầm bà lằng. Người yêu
của cô thay đổi nhiều quá, chẳng giống ngày xưa tí nào cả. Cô bất mãn,
cãi lại thì bị ông mắng nhiếc đuổi đi. Cô về quê thì các em lại khuyên
cô trở lại với “chồng.” Dầu gì cô cũng đã là một bà cô già, may phước
lấy được Việt kiều mỗi tháng có tiền gởi về giúp đỡ gia đình thì đừng
dại gì mà bỏ.
Hai
người cứ làm hòa rồi lại giận nhau. Cô khăn gói về quê được mấy lần thì
đi luôn. Kể ra hai người cũng ở với nhau được hơn 2 năm dài đủ để hát
bài “Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng xanh xao. Hai năm trời mùa lạnh,
cùng thở dài như nhau. Hai năm tình lận đận, hai đứa cùng hư hao. Hai
năm tình lận đận, hai đứa đành xa nhau...”*
Ông
Tâm hết tình và tiền cũng không còn nhiều. Cũng may ông còn được mấy
người con có hiếu, mỗi năm rủ nhau đóng góp gởi về cha già tiêu xài. Ông
vẫn cương quyết không về lại Mỹ, không chấp nhận cái sai của mình. Ông
tự đánh lừa mình vẫn không nhờ vả con cái khi ghi nợ số tiền các con gởi
về coi như mượn tạm để sinh sống vì ngày xưa khi đòi về lại Việt Nam
sống ông đã tuyên bố không cần các con gởi tiền về giúp đỡ. Ông cho là
căn nhà ông đang ở lên giá gấp 10, khi ông mất con cái bán mà trừ nợ.
Ông
Tâm bây giờ phải chi tiêu nhiều lắm. Ngoài tiền ngoại giao với con số
không ít còn phải chi cho sức khỏe rất nhiều. Ngày còn ở Mỹ, ông mang đủ
chứng bịnh trong người nhưng nhờ y tế của Mỹ rất tốt, lại miễn phí cho
người già và bịnh nên ông đi bác sĩ và thuốc men thường xuyên. Nhờ vậy
bịnh cao huyết áp, cao mỡ của ông không gì đáng lo ngại. Trở về Việt
Nam, ông sống xa thị trấn, bác sĩ nông thôn chẳng có năng lực bao nhiêu,
thuốc men không đầy đủ lại thêm ăn uống nhậu nhẹt không kiêng cữ nên
sức khỏe của ông giảm sút hẳn. Ông phải nhờ người quen giới thiệu một
bác sĩ giỏi ở thị trấn và bao tất cả chi phí để vị bác sĩ kia đến tận
nhà khám cho thuốc khi ông trở bịnh. Tiền bác sĩ, tiền thuốc men, và cả
tiền quà cáp cho bác sĩ ngốn của ông mỗi tháng rất cao mà bịnh thì chỉ
khống chế được giai đoạn ngắn rồi tái đi tái lại. Ðau nhức vẫn hoàn đau
nhức, đau tim vẫn hoàn đau tim, và... khó chịu vẫn hoàn khó chịu có khi
còn nặng hơn xưa.
Phải,
ông Tâm càng ngày càng khó tính. Từ ngày cô Xuân bỏ đi không trở lại,
ông nhờ giới thiệu người làm tới nhà lo việc nội trợ và để phòng khi ông
bị lên cơn tim bất thình lình thì kêu bác sĩ hoặc đưa đi cấp cứu nhưng
không ai có thể ở với ông được hơn tuần. Ông cấm họ không được ra khỏi
nhà ngoại trừ thời gian giới hạn cho đi chợ, dễ nỗi giận la mắng ầm ĩ và
làm tình làm tội đủ điều nên không ai ở được. Cũng may ông thuê được
người nấu ăn mang đến nhà hàng ngày và dọn dẹp sơ nhà cửa. Nhưng cũng vì
vậy mà ông càng ở riệt trong nhà và càng ngày càng thu mình trong căn
nhà nhỏ, chỉ khi nào rất cần thiết mới ra ngoài.
Con cái về thăm khuyên cha:
- Ba qua lại Mỹ sống với tụi con đi. Ba ở đây mà cứ ru rú trong nhà như vậy thì dễ bịnh lắm.
Ông bảo:
- Sức khỏe của Ba giờ không đi xa được đâu. Ba ở nhà quen rồi, buồn thì ra vườn chăm ngó mấy cây xoài, cây mít cũng vui.
- Nhưng Ba ở có một mình lỡ có chuyện gì bịnh hoạn bất tử ai biết mà cứu?
-
Có chị đưa cơm mỗi ngày 2 lần ghé qua đưa cơm nước mà. Với lại Ba có
thuê chồng của chỉ mỗi ngày qua nhổ cỏ làm vườn giùm. Không sao đâu, Ba
có chuyện gì họ biết liền.
Cô con khuyên:
- Ba chịu khó đi đây đi đó cho thoải mái chứ cấm cung mãi như vầy à?
Ông Tâm lắc đầu:
- Ba ra đường mà cứ sợ gặp người lợi dụng mình thì càng không thoải mái hơn.
Nhưng
đâu phải không ra đường cứ ru rú ẩn mình trong nhà là yên. Cứ mỗi tháng
vài lần, công an khu vực lại tới hỏi thăm “chú Ba” một cách thân tình:
- Chú Ba ơi, có khỏe không ra quán nhậu vài chai bia với tụi cháu cho vui.
Lâu
lâu bọn chúng nài nỉ quá ông Tâm phải ra quán uống 1 ly bia rồi lấy cớ
sức khỏe yếu bỏ về, không quên trả trước tiền độ nhậu. Còn thì ông hay
móc túi dúi cho chúng vài trăm ngàn cho yên:
- Chú hôm nay bị đau dạ dày. Cầm ít tiền ra đó uống giùm chú vài ly.
Nhiều
khi bọn chúng đang nhậu ngoài quán cũng nhớ đến chú Ba gọi phone mời ra
tham dự. Dĩ nhiên chú Ba không thể đến nhưng cũng phải biết ý cháu chắt
mà hứa sẽ... tiền đi thay người. Vậy mà ông còn khoe với con gái:
- Chút ít tiền chi ra mà Ba sai gì tụi nó cũng làm.
Nói
chữ sai là nổ cho vui vậy thôi chứ lâu lâu có rắc rối bên làng xóm cãi
cọ ồn ào hoặc bọn lưu manh ở đâu tới phá làng phá xóm ông gọi phone kêu
công an khu vực tới can thiệp. Có chú Ba chịu chi thưởng tiền đi nhậu
nên khi chú Ba gọi phone là bọn chúng tới giải quyết ngay làm hàng xóm
cũng nể nang ông lắm. Rồi có lần con chó cưng của ông chạy ra đường bị
thất lạc cũng nhờ mấy cháu kiếm lại giùm. Dĩ nhiên cũng phải hậu tạ.
Chỉ
một năm sau khi ông Tâm khoe với con gái về đám “cháu hờ dễ sai” của
mình, chuyện xấu xảy ra. Ông nhận được giấy của sở nhà đất thông báo có
đơn kiện ông chiếm dụng nhà ở trái phép của cô Trần Thị Xuân và đòi ông
phải bàn giao nhà cho cô ta 10 ngày sau. Thơ đến trễ nên 10 ngày sau
trong thơ tức là ngày mai. Ông Tâm giật mình nghĩ lại căn nhà mình đang ở
ngày đó mua đứng tên cô Xuân chủ quyền vì cô là công dân của nước Việt
Nam. Cô bỏ ra đi đã mấy năm nay, mỗi tháng ông đều gởi tiền cho cô sinh
sống đã không biết ơn rồi chớ nay lại trở ngược kiện cáo đòi chiếm nhà.
Ông
Tâm gọi điện thoại ngay cho cô Xuân nhưng phone reng không ai trả lời.
Ông cố gắng gọi liên lạc với 1, 2 người em của cô Xuân nhưng mọi người
hình như tránh mặt, không thể nào liên lạc được. Họ tránh mặt là phải vì
đã thông đồng ép cô Xuân kiện sở nhà đất đòi lấy căn nhà ông Tâm đang ở
để có tiền bù việc làm ăn thua lỗ. Và họ đã đi đêm với sở nhà đất, với
công an khu vực nên ngay ngày hôm sau ông Tâm bị đám cháu hờ công an khu
vực với những gương mặt lạnh lùng vô cảm cùng với nhân viên nhà đất
trục xuất ra khỏi căn nhà ông đang trú ngụ.
Muốn
được yên thân gởi nắm xương tàn trên quê hương đâu dễ với tình hình đất
nước nhiễu nhương bất ổn, với bọn lãnh đạo bất lương thích đi đêm như
hiện nay chuyên xài luật rừng. Ông Tâm đang trên máy bay trở về Mỹ sau
khi được Việt Nam phẫu thuật mổ cho sáng mắt để biết rằng, dùng tiền đi
mua lòng người mà nhất là bọn gian tham sẽ không được bền vững trước sau
cũng bị phản bội. Và lâu nay cũng chính vì đồng tiền ông đã mất đi bạn
bè, người yêu và nhất là sự tự do trên quê hương mình.
Thanh Mai
at 2:13 PM
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen