Donnerstag, 19. November 2015

Vàng giả từ Trung Quốc lại xuất hiện

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2015-11-16



 Nghe Audio   Phần âm thanh 
                                    620-ttvn
Một phu phố kinh doanh vàng bạc gần cửa khẩu Lào Cai
RFA photo
Năm 2014, vàng giả của Trung Quốc xuất hiện tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam và gây tổn thất không nhỏ cho người dân ở đây. Bẵng đi một thời gian ngắn, vàng giả từ Trung Quốc lại xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Và lần này, vàng giả Trung Quốc xuất hiện lộ liễu, rầm rộ hơn ở Hải Phòng so với lần trước ở Quảng Ngãi.
Vàng giả xuất hiện bằng đường nào?
Một người tên Phúc, cư dân thành phố Hải Phòng, cựu nhân viên an ninh cửa khẩu tỏ ra lo lắng: “Theo như tôi biết thì tình hình vàng giả hiện nay không thể quản lý được nữa. Vì trước đây mười năm, thời tôi còn đương chức thì nó đã loạn cào cào lên rồi nhưng chưa được đưa lên báo chí những vụ nổi cộm như hiện nay. Các cửa khẩu từ Bắc chí Nam đều có, từ Lạng Sơn, Lào Cai, lao Bảo, Tây Ninh… đều có hàng giả…”.
Theo ông Phúc, hiện nay, tại các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam đều có máy quét hồng ngoại để phát hiện ra kim loại, vũ khí, ma túy và nhiều thứ hàng quốc cấm khác. Và cũng theo qui định của nhà nước Việt Nam, bất kỳ số lượng vàng nào đi qua máy quét đều phải được dừng lại để an ninh cửa khẩu xét hỏi về nguồn gốc cũng như lý do vận chuyển. Đây là chuyện đã thành thông lệ ở các cửa khẩu Việt Nam. Thế nhưng một số lượng vàng giả không nhỏ đã lọt qua Việt Nam là do đâu?
Cũng theo ông Phúc, tình trạng mua phải vàng giả của Trung Quốc tại Hải Phòng, Hưng Yên, Lào Cai, đặc biệt là một số bà con đồng bào thiểu số ở miền núi Tây Bắc là rất lớn, không phải con số lèo tèo vài người bị mua giả như ở Hải Phòng. Bởi lẽ đội ngũ người Việt chuyên tiêu thụ hàng giả cho người Trung Quốc rất hùng hậu.
Thường thì các nhóm bán vàng giả chia làm ba cấp, cấp trung ương nằm đầu não ở Trung Quốc, do những tay chuyên sản xuất và tiêu thụ hàng giả gồm vàng giả và tiền giả nắm quyền chóp bu. Cấp thứ hai là những đầu gấu Trung Quốc và đầu gấu người Việt Nam, họ làm việc theo tỉ lệ ăn chia 50/50 số tiền 40% sau khi đã bán hàng. Và cấp cuối cùng chính là đội ngũ lính lác người Việt chuyên tiêu thụ vàng giả và tiền giả, nhóm này được hưởng 10% trên toàn giá trị hàng tiêu thụ. Và giá hàng bán được phép dao động từ 20% đến 50% tùy vào từng thị trường. Trên thực tế đây là chiêu trò của các trùm Trung Quốc nhằm kích thích số lượng tiêu thụ tại Việt Nam.
Theo như tôi biết thì tình hình vàng giả hiện nay không thể quản lý được nữa.
- Ông Phúc, Hải Phòng
Giải thích thêm, ông Phúc cho biết là chuyện này không phải giới cán bộ an ninh cửa khẩu không biết. Nhưng vì một lý do nào đó, có nhiều chuyến hàng giả có số lượng lớn khủng khiếp vẫn lọt qua cửa khẩu và nhân viên an ninh buộc phải nhắm mắt làm ngơ. Nhưng sau khi nhắm mắt làm ngơ như vậy thì cơ hội được khen thưởng và được kinh doanh mua bán hàng qua cửa khẩu sẽ thoáng hơn, không bị cấp trên để ý. Và khi số lượng vàng giả đi qua khỏi cửa khẩu Việt Nam bằng con đường chính ngạch, nó dễ dàng tiêu thụ hơn rất nhiều so với việc chẻ đường rừng. Bởi việc đi qua bằng đường chính ngạch đã có đóng thuế ngầm cho an ninh, có sự bảo hộ từ phía an ninh.
Đến khi hàng đã qua đất Việt Nam, việc còn lại là những tay đầu gấu chia phần cho đàn em, mỗi đàn em phải lo tiêu thụ vàng giả, tiền giả ở một khu vực nào đó. Khu vực nào càng quê mùa, càng khó khăn thì việc tiêu thụ hàng giả lại càng dễ. Mức giá qui định dao động từ 20% đến 50% là mức kích thích để những tên cò người Việt nhanh chóng tiêu thụ hàng.
Ví dụ như giá qui định một lượng vàng giả là thấp hơn giá vàng thật từ một đến hai triệu đồng, vì thấp hơn quá sẽ bị phát hiện. Nhưng đó là lý thuyết, khi bán, những tay cò được phép bán thấp hơn giá ước định từ 20% đến 50%, nghĩa là giá vàng trên thị trường là 30 triệu đồng một lượng chẳng hạn, thì giá ước định là 28 triệu đồng và bọn cò tiêu thụ có thể bán xuống còn 14 triệu đồng một lượng. Khi nộp tiền về cho đầu gấu, cò kiếm được một triệu bốn trăm ngàn đồng.
Kiểu cho tỉ lệ này khiến cho đám cò bên dưới bị kích thích mạnh khi tiêu thụ hàng giả. Bởi chúng có thể bán với giá dao động từ 20 đến 24 triệu đồng nhưng chúng chỉ cần khai bán được 50% giá ước định. Và không chừng chúng nghĩ rằng mình khôn hơn anh Trung Quốc vì đã ăn chặn được các trùm. Nhưng trên thực tế thì các trùm ăn số lượng lớn, chỉ cần ăn 10% hàng tiêu thụ từ các cò Việt Nam thì con số thu nhập của họ có thể cao khó mà tưởng tượng được.
Ví dụ như một đợt hàng giả đưa sang Việt Nam chừng 100 lượng vàng giả, chỉ cần mỗi lượng đưa về cho họ mười triệu đồng thì trong một thời gian ngắn họ đã kiếm được một tỉ đồng mà không hề tốn bất kì chút mồ hôi nào. Nhưng con số thu được của các trùm luôn dao đồng từ một tỉ tư đến hai tỉ đồng bởi chiêu ép cò của các đầu gấu. Và thiệt hại cuối cùng vẫn là người tiêu dùng Việt Nam.
Ai là người mua vàng giả?
Một người không muốn nêu tên, là nhân viên an ninh cửa khẩu tại Lào Cai, chia sẻ thêm: “Cái vàng giả thì nó đi theo đường chính ngạch một chút ít đó. Cơ quan bọn anh cũng có bắt được một ít nhưng anh nghĩ là không đáng kể. Theo cả tivi nó tổng kết em thấy đấy, hơn 80% rượu ngoại nhập qua cửa khẩu Lao Bảo là rượu giả. Bây giờ khó quản lý lắm, vì không có tính đồng bộ, chỗ này làm thì chỗ khác thả, mình chịu thua!”.
Theo vị này, lượng vàng giả do Trung Quốc sản xuất đang tồn tại ở Việt Nam có thể lên đến con số hàng tấn, bởi vì nó đã hoành hành trên thị trường vàng Việt Nam từ Nam chí Bắc chứ không riêng gì vài vụ như đã thấy. Những vụ đã được phanh phui và đăng báo, theo vị này chẳng qua đó là trò phản phé giữa các đám cò với nhau để triệt hạ một tay làm ăn không sóng phẳng nào đó.
Trên thực tế, các hiệu vàng tại Việt Nam vẫn tiêu thụ số lượng vàng giả của Trung Quốc rất lớn. Chính nhờ vào số lượng vàng giả từ Trung Quốc này mà các hiệu vàng nhanh chóng giàu phất lên. Thường thì các hiệu vàng này nằm ở những vùng thôn quê hẻo lánh, nơi mà phần đông người dân ki cóp từng đồng để sắm năm phân hay một chỉ vàng làm vốn giắt lưng. Và khi đã sắm vàng thì họ không bao giờ nghĩ đến chuyện bán nó đi. Và nếu lỡ có chuyện bán đi thì có khi bán không được vì chủ tiệm cho rằng kí hiệu trên chiếc nhẫn đã bị thay đổi, đã bị người nào đó đánh tráo, không phải là vàng của họ. Hoặc là nhân đạo lắm thì họ chấp nhận mua với giá chưa còn 30% giá bán bởi vàng đã bị đánh tráo.
Bây giờ khó quản lý lắm, vì không có tính đồng bộ, chỗ này làm thì chỗ khác thả, mình chịu thua!
- Một nhân viên an ninh cửa khẩu Lào Cai
Theo vị này, vụ vàng giả ở Biên Hòa, Đồng Nai có liên quan đến vàng giả từ Trung Quốc. Và phần lớn người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ki cóp từng đồng để sắm chỉ vàng làm vốn giắt lưng, làm vốn cho con cái sau này đều không biết gì nhiều về vàng và cũng không thể phân biệt chất lượng vàng, và đây là khách hàng tiềm năng của vàng giả từ Trung Quốc.
Và cả vụ lừa gạt người khuyết tật, cho họ những chiếc nhẫn cưới mà chưa đầy nửa năm sau đã đổi màu khi đeo cũng là vàng giả có nguồn từ Trung Quốc. Chung qui, vàng giả, tiền giả của Trung Quốc đã có mặt trên cả nước chứ không riêng gì tỉnh nào.
Và với đà này, đến một lúc nào đó, những tiệm vàng làm ăn tử tế phải sập tiệm bởi khi mà vàng giả đầy rẫy trong các tiệm vàng đểu, uy tín của người làm ăn tử tế sẽ bị ảnh hưởng. Lúc đó, người dân chỉ còn biết tin vào vàng của nhà nước. Và, trong chuyện vàng giả do Trung Quốc sản xuất, người thiệt hại nặng nhất là những người dân thật thà và những doanh nghiệp làm ăn tử tế.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
 

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen