Samstag, 21. November 2015

Sài Gòn có lập “khu đèn đỏ” không?



 
                                                 alt

Quả thật đây là một đề tài “nhạy cảm” và tế nhị bởi nó đụng chạm đến thuần phong mỹ tục và tình hình thực tế. Đó là hai mặt trái ngược nhau trong một vần đề. Cho nên khi đề nghị này vừa được tung ra, lập tức trong hai tuần lễ vừa qua đã có rất nhiều cuộc tranh luận khá gay gắt từ người dân đen đến các quan chức, các học giả và ngay cả mấy ông đại biểu Quốc hội.


Thật ra, tệ nạn mại dâm thời nào cũng có, thời xa xưa cũng có “lầu xanh” chứ không phải không có. Thời sau nữa có Bình Khang, Vườn Lài… Nhưng trong những năm tháng gần đây, tệ nạn này trở nên tràn lan, nhức nhối và nó “biến tướng” thành muôn hình vạn trạng khiến nhà chức trách địa phương ngày càng bối rối, không biết làm cách nào làm diệt trừ hoặc giảm bớt, ngược lại nó cứ mỗi ngày một lan rộng.

Không cần đi tìm lý do, ai cũng biết khi nền kinh tế trì trệ, kiếm không ra việc làm, giáo dục cùng đạo đức rủ nhau băng hoại thì tệ nạn tất yếu là phải phát sinh. Người ta dù có muốn cũng khó mà sống lương thiện trong cái xã hội rối tung như mớ bòng bong này. Luật pháp cũng lại lơ mơ nên chặt đầu này nó mọc đầu kia, chặt mãi cũng không hết.

Nếu thời trước kia, các cô gái bán dâm, dù là dân lao động hay nghệ sĩ, hoa khôi, hoa hậu khi bị bắt cũng bị đưa vào “Trại Cải Huấn” hoặc có thời gian còn gọi là “Trại Phục Hồi Nhân Phẩm”. Trong đó mọi người đều được đối xử như nhau, làm việc cho quen và học bất cứ thứ nghề nghiệp nào của Trại đã đặt ra. Và, nhất là dưới cái nhìn của xã hội, họ đều là thứ đáng khinh như nhau. Thế nên tệ nạn có phần giảm đi nhiều. Còn bây giờ các cô gái bán dâm hay người mẫu, hoa khôi hoa hậu bị bắt cũng chỉ nộp phạt rồi lại cho về, phần lớn đều tiếp tục con đường cũ.
 
                                             alt
                                                     Võ Thị MX – Hoa hậu Mê Kông 2009 bị bắt năm 2003

Nhận thấy những hình phạt ngày nay không còn tác dụng gì nữa nên mới đây Thành Phố Sài Gòn lại đưa ra đền nghị lập “khu đèn đỏ”.

Lập khu đèn đỏ ở đâu?

Theo thống kê chính thức, TP Sài Gòn hiện có hơn 36.000 cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ nhạy cảm" như vũ trường, quán bar, massage, karaoke… nằm rải rác trên nhiều con đường, con hẻm của 24 quận huyện. Việc kiểm tra, quản lý vì thế gặp nhiều khó khăn. Tất nhiên còn rất nhiều địa điểm hoạt động mại dâm trá hình khác nữa, có thể gấp hai ba lần thống kê. Bởi họ hoạt động ngầm, không đóng thuế, không bảng hiệu, làm sao kiểm tra và thống kê được.
Thí dụ một số cô gái vừa bán xổ số vừa bán “của trời cho”, ở Sài Gòn gọi loại này “xổ số xổ liền”, họ thường lảng vảng ở khắp các hàng quán, đôi khi đến tận nhà mời chào. Nhất là những cô gái đứng đường ở khắp các vỉa hè những con đường vắng, nhìn họ bệ rạc và đáng thương dưới ánh sáng chập choạng vào những đêm lạnh. Đó chính là những “đối tượng” đáng được gom thu vào một khu hơn hết.

Bàn về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa tổ chức, ông Lê Minh Quý - phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Sài Gòn - cho rằng nên thí điểm gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để dễ quản lý hơn. Việc thí điểm sẽ tổ chức ở một số địa phương trọng điểm như TP Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…

Ông Lê Minh Quý lập luận: “Những lao động trong ngành nghề này sẽ được giám sát, đảm bảo quyền lợi, tránh bị bạo hành và nhất là được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra họ sẽ được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được phổ biến kiến thức để tránh các bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV/AIDS.

Ông Quý cho biết: “Qua các lần kiểm tra cũng như báo cáo từ các đơn vị, nhiều cơ sở kinh doanh “nhạy cảm” như quán bar, cơ sở massage, karaoke, cắt tóc trá hình… Nhân viên thường không ký hợp đồng, không trả lương họ chỉ nhận được tiền “bo” của khách.
Mại dâm ở TP Sài Gòn và nhiều địa phương khác đã tồn tại lâu đời. Quận, huyện thậm chí xã, phường nào cũng có nên việc xóa bỏ là không thể vì nhiều người xem đó là cái nghề để sinh nhai. Mình không thể chống mãi được vì dẹp chỗ này chỗ khác lại mọc lên nên phải thay đổi cách thức để dễ quản lý”.

Đồng ý nhưng… không hợp thuần phong mỹ tục VN

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đồng tình với đề nghị của TP Sài Gòn nhưng vẫn tỏ ra e ngại khi việc gom các dịch vụ kinh doanh “nhạy cảm” vào một chỗ không khác gì thừa nhận “phố đèn đỏ”. Bởi Việt Nam hiện chưa có luật phòng chống mại dâm mà mới chỉ có pháp lệnh nên rất khó thực hiện.
Có đại biểu cho rằng nhiều nước trên thế giới cho phép hoạt động mại dâm nhưng ở Việt Nam có truyền thống, văn hóa khác nên không thể làm như nước ngoài.

Công khai phố nhạy cảm để cán bộ không mon men
 
Trước việc Cục Phòng chống tệ nạn TP. Sài Gòn đề nghị thí điểm “phố nhạy cảm”, nói chuyện với báo chí bên hành lang QH sáng 26-10, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Sài Gòn) cho biết, ông ủng hộ chủ trương vì vừa hạn chế được các tệ nạn xã hội, bảo vệ được phụ nữ và vừa bảo vệ thuần phong mỹ tục.

Theo ông Nghĩa đề nghị: “Việt Nam đã chấp nhận nhà nước pháp quyền, chấp nhận hội nhập, chấp nhận đất nước văn minh lên thì phải chấp nhận có khu phố riêng để quản lý các hoạt động nhạy cảm. Nhiều nước trên thế giới đã làm, ngay như Cuba cũng đã áp dụng”.

Ông Nghĩa cho rằng, khi gom lại để quản lý sẽ có rất nhiều người không dám lui tới các con phố này, đặc biệt là các cán bộ công chức.

Can bộ “lách” rất giỏi và chỉ muốn đi “tàu ngầm”

Đồng quan điểm, ĐB Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH nói: “Nếu cán bộ công chức "mon men" đi vào khu đó, có nghĩa là có vấn đề. Chúng ta cũng quản lý được cán bộ công chức đi xe biển xanh qua đó nhưng cái dở là người ta sẽ lách luật rất nhiều, thay biển xe...”.

Còn bà đại biểu QH Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh: “Việc công khai theo tôi có cái lợi nữa là những người đến sẽ giảm đi thay vì cứ “dấm dúi” như bây giờ”.
Tuy nhiên bà An cho rằng, khi thực hiện chắc chắn sẽ vấp phải những rào cản về mặt tâm lý của chính những người trong cuộc cũng như dư luận xã hội bởi nước ta chưa công nhận mại dâm là một nghề. Tâm lý của người có nhu cầu cũng không muốn công khai, chỉ muốn đi “tàu ngầm”.

Nhìn lại chuyện mua bán dâm thời gian qua

Những cô gái bán dâm vì hoàn cảnh nghèo khổ, quá cùng quẫn phải chọn con đường này đáng thương nhưng không đáng trách bằng các cô gái không túng thiếu, họ chỉ thích chơi sang, hàng hiệu, xe “luých”. Cả người làm nghề lẫn công chúng đều cho rằng lý do mà các người đẹp buộc phải phục dịch các đại gia là bởi thói quen tiêu xài bạt mạng, thích ăn ngon mặc đẹp nhưng lại lười làm việc. Bán dâm là con đường ngắn nhất để những người đẹp này thỏa mãn dục vọng của mình.

Một vụ bán dâm rất… nổi tiếng vào năm 2013 đã làm dư luận dậy sóng. Đường dây bán dâm nghìn đô của Mỹ Xuân cũng khiến dư luận bàn tán. Hoa hậu Nam Mekong 2009 cùng 3 tú ông, tú bà khác cầm đầu đường dây bán dâm “khủng” quy tụ nhiều gái gọi cao cấp gồm hotgirl, hoa khôi, người mẫu, ca sĩ… có tiếng tăm trong giới showbiz.

Ngoài Mỹ Xuân, những cái tên đình đám bị bóc trần trong phi vụ này phải kể đến hoa khôi Duyên dáng thời trang 2010 Yến Duy, ca sĩ Khang Nhã Thy, người mẫu Jenny P., H.H.Y - thí sinh tại cuộc thi Người đẹp tỏa sáng 2013, Á khôi Miss Shinning Beauty 2012 Thiên Kim.

                                               alt
                                                          Á khôi TK nổi tiếng với vai trò làm người mẫu xe

Người mẫu Thiên Kim có thân hình nóng bỏng, nổi tiếng vì thường khoe dáng trong những show quảng cáo cho nhiều sản phẩm các công ty, doanh nghiệp. Ngoài ra, giới chơi môtô phân khối lớn ở TP Sài Gòn đều biết đến cô hoa khôi kiêm người mẫu và diễn viên điện ảnh bốc lửa bên những chiếc xe mô tô “khủng".

Giá mỗi lần đi khách của những người đẹp này thường vào khoảng 2000-2500 USD/lượt (khoảng 44-55 triệu đồng). Đặc biệt có những trường hợp lên đến 6.500 USD (khoảng 140 triệu đồng VN) hoặc thậm chí hàng chục ngàn USD nếu đó là trong chuyến “sex tour” dài ngày.

Bẵng đi một thời gian, những năm gần đây lại thấy “lai rai” những vụ người mẫu, hoa khôi, nữ sinh bán dâm. Và gần đây nhất, một vụ vừa được khám phá khiến dư luận lại nổi sóng trong tuần đầu tháng 11 này.

Vụ mới nhất: người mẫu Hải Yến bán dâm giá 1.000 USD

Ngày 2-11-2015 vừa qua, Công an TP. Sài Gòn đã hoàn thành kết luận điều tra, chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 5 nghi can về hành vi Môi giới mại dâm. Xin tóm tắt vụ này:

Đây là 5 nghi can trong đường dây người mẫu bán dâm 1.000 USD. Cụ thể, danh tính các đối tượng là: Lê Bảo Lộc (50 tuổi, đạo diễn, Q.5, TP. Sài Gòn), Nguyễn Thị Hải Yến (25 tuổi, diễn viên, người mẫu, Tiền Giang), Lê Thị Bảo Trân (27 tuổi, làm nghề tiếp thị), Đặng Thị Ánh Đào (24 tuổi) và Nguyễn Thị Diệu Hiền (23 tuổi, cùng là người mẫu tự do).

Từ lời khai của các đối tượng này, cơ quan điều tra đã bắt tú ông Lê Bảo Lộc - người cầm đầu đường dây và nhận hoa hồng 200 USD sau mỗi lần môi giới người mẫu.

Năm 2013, người mẫu Hải Yến được Lộc giới thiệu đi bán dâm và sau đó cô này trở thành người môi giới. Bảo Trân, Diệu Hiền cũng theo con đường này.

“Chân dài nào cũng có thể mua được”    
Đáng buồn hơn là chân dài Đoàn Ngọc Minh (25 tuổi, ngụ ở phường 7, quận 5, TP. Sài Gòn) - có một danh sách dài các cô gái sẵn sàng phục vụ các đại gia tới bến. Giá thấp nhất của đường dây này từ 1.000 USD và cao nhất là 20.000 USD. Trong đó rất nhiều gái bán dâm từng tham gia hoạt động trong giới showbiz, thậm chí là những người đã đoạt giải tại các cuộc thi sắc đẹp.

Theo lãnh đạo cục cảnh sát hình sự, trước khi bị bắt, các trinh sát từng phát hiện Minh tuyên bố trong giới ăn chơi rằng: “Đều có thể mua bất cứ chân dài nào, chỉ có điều với giá bao nhiêu...”

Điều đáng buồn nữa là một số sinh viên, nữ sinh cũng lao vào nghề bán dâm.

Cử nhân cầm đầu đường dây gái gọi sinh viên quy mô lớn

Theo báo Người Lao Động, Nguyễn Thị Hoài tốt nghiệp ĐH song không đi làm mà "chuyển nghề", đứng ra tổ chức đường dây gái gọi quy mô lớn, trong đó quá nửa là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng tại TP Vinh.

Trước đó, khi kiểm tra khách sạn Paraha ở phường Hà Huy Tập (TP Vinh), Công an TP Vinh đã bắt giữ quả tang 2 đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm. 1 trong 2 cô gái bán dâm khai là sinh viên, được đưa đi bán dâm theo chỉ đạo của 1 người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hoài. Đường dây gái gọi của có khoảng 20 cô gái trẻ (trong đó hơn một nửa là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Vinh).

Phạt như “gãi ghẻ”

Các cô gái bị bắt quả tang bán dâm cũng bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013. Cụ thể, người có hành vi bán dâm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; nếu bán dâm cho nhiều người cùng một lúc, mức phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Với người mua dâm, mức phạt từ 500.000 đồng tới 5.000.000 đồng...

Á khôi, hoa hậu bán dâm 7.000 USD cũng chỉ bị phạt 500.000 đồng. Nhiều người cho rằng phạt như thế cũng như “gãi ghẻ” mà thôi. Phạt cũng như không nếu không muốn nói là khuyến khích các cô này cứ tiếp tục “hành nghề”.              
                        
                                               alt
                                                      Hai cô gái bán dâm đứng đường tại Hồng Bàng, quận 5

 Riêng tôi cho rằng ở VN khó mà lập được “khu đèn đỏ”, mặc dù thực tế là rất cần, nhưng hầu hết các vị quan chức đều thích nói chuyện đạo đức, dù là đạo đức giả, hơn là hành động. Cần phải học lại cách làm từ trước năm 1975, không lập “khu đèn đỏ” mà nên lập lại Trại Huấn Nghiệp cho các cô gái chẳng may sa chân vào con đường mại dâm. Hoặc nếu cần thì đưa các cô gài chân dài, người mẫu, ca sĩ thích đua đòi bị bắt đều được đưa vào Trại Phục Hồi Nhân Phẩm. Có như thế các cô mới sợ, may ra bớt được tệ nạn này ở khắp các Thành phố lớn nhỏ.

Và có một điều nữa là hầu hết đường dây mại dâm cao cấp trước đây bị triệt phá, hình ảnh danh tính của các cô giá bán dâm được khai thác rầm rộ trên các trang báo khiến họ và cả gia đình mang nỗi nhục lâu dài.

Nhưng còn các đại gia mua dâm chẳng bao giờ được công bố. Tại sao lại có sự phân biệt như vậy?
Phải chăng hầu hết đó là các đại gia, nhiều tiền lắm của, quen biết hầu hết các quan lớn nên được giấu kín tên tuổi. Dư luận đòi hỏi sự công bằng trong pháp luật cũng như đời thường của mỗi người.
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen