Đô đốc Mỹ Harry B. Harris (trái) tại Bắc
Kinh. Ảnh ngày 03/11/2015.Reuters
Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở «
bất cứ nơi nào » luật quốc tế cho phép, và Biển Đông « không phải là ngoại lệ ».
Ngày 03/11/2015 ngay tại Bắc Kinh, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy trưởng Bộ Tư
lệnh Thái Bình Dương của Mỹ thẳng thắn phát biểu như trên.
Bắc Kinh đã lập tức phản pháo. Bộ Ngoại
giao Trung Quốc cho rằng Mỹ đã có biểu hiện « đạo đức giả và bá quyền ».
Trong tham luận đọc tại Trung tâm
Stanford, trường Đại học Bắc Kinh, Đô đốc Harry Harris, Chỉ huy trưởng Bộ Tư
lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã tuyên bố : « Vùng biển và không phận quốc tế thuộc về
tất cả mọi người, không phải là thuộc quốc của bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào ».
Nhân vật nổi tiếng là có quan điểm cứng
rắn trên hồ sơ Biển Đông đã không ngần ngại lập lại tuyên bố của giới chức lãnh
đạo Mỹ trong thời gian gần đây : « Quân
đội của chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trên biển và trên không vào bất cứ lúc
nào và ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Biển Đông không phải – và sẽ
không phải - là một ngoại lệ ».
Theo hãng tin Pháp AFP, tuyên bố công
khai tại Bắc Kinh của Tư lệnh lực lượng Mỹ ở vùng Thái Bình Dương là một dấu
hiệu cho thấy quyết tâm của Washington trong việc bảo vệ tuyến hàng hải chiến
lược là Biển Đông, nơi Trung Quốc đang cho xây các cơ sở có thể dùng vào mục
tiêu quân sự trên các đảo nhân tạo vừa bồi đắp tại Trường Sa.
Vào tuần trước, Mỹ đã chứng tỏ quyết
tâm một cách cụ thể khi cho một khu trục hạm được trang bị tên lửa dẫn đường
tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của ít nhất một hòn đảo nhân tạo mới của Trung
Quốc tại Trường Sa, trong một chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải theo luật
quốc tế, mà Mỹ cho là có khả năng bị các hoạt động của Trung Quốc đe dọa.
Trung Quốc đã có phản ứng tức thời.
Nhân buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ
Ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng việc làm của Mỹ tại Trường Sa mới đây là một
« hành động khiêu khích trắng trợn ».
Theo phía Trung Quốc, lời kêu gọi Bắc
Kinh không quân sự hóa Biển Đông mà Washington đưa ra trong lúc lại gởi chiến
hạm đến hiện trường là « một nỗ lực để
tước bỏ quyền tự vệ của Trung Quốc trong tư cách một Nhà nước có chủ quyền ».
Tóm lại, theo bà Hoa Xuân Oánh,
hành động của Mỹ là « một biểu hiện điển
hình của thái độ đạo đức giả và chủ nghĩa bá quyền. »
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen