LS Đào Tăng Dực
Trong
các quốc gia tranh chấp chủ quyền hải đảo và chủ quyền trên toàn bộ
Biển Đông thì Việt Nam và Philippines là 2 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều
nhất. Có thể nói, Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn Philippines vì Biển
Đông là cửa mở duy nhất ra vùng biển của Việt Nam, trái lại Philippines
là một quần đảo và có nhiều cữa ngõ khác ra toàn vùng Thái Bình Dương.
Trong
khi chính quyền dân chủ Philippines đã có hùng tâm tráng chí đứng trên
quan điểm dân tộc, đưa Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài Thường Trực LHQ và
ngày 29 tháng 10 vừa qua, tòa án này đã chính thức chấp nhận đơn kiện
của Philippines, thì chính quyền độc tài CSVN ngoan cố tiếp tục đứng
trên lập trường ý thức hệ Mác-Lê, xưng huynh đệ với đàn anh ý thức hệ
CSTQ và cương quyết không đưa CSTQ ra tòa án náy.
Chấp
nhận đơn của Philippines là một thắng lợi lớn trên nguyên tắc cho
Philippines vì điều này chỉ xảy ra khi tòa án quyết định là mình có thẩm
quyền pháp lý (jurisdiction) để giải quyết và đưa ra phán xét căn cứ
trên công pháp quốc tế và luật hàng hải hiện hành. Điều này cũng có
nghĩa là tòa án đã bác bỏ lập luận của CSTQ là tòa không có thẩm quyền
phán xét.
Nguy
hiểm và hèn nhát hơn nữa là CSVN lại mời chủ tịch nhà nước TQ Tập Cận
Bình thăm viếng Việt Nam như một quốc khách, trong khi sự tranh chấp
pháp lý đang xày ra và tuy Việt Nam không phải là một thành phần tham dự
(party to the litigation) nhưng là một quan sát viên (observer) và
thành phần liên hệ (interested party). Sự kiện Tập Cận Bình được chính
quyền CSVN chính thức mời như một quốc khách, trong khung cảnh một cuộc
tranh chấp pháp lý về chủ quyền tại Biển Đông, sẽ được diễn dịch như một
lối hành xử (conduct) ủng hộ cho lập luận về chủ quyền của Trung Quốc,
hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam, trong những tranh chấp pháp lý tương
lai. Trên phương diện pháp lý, lối hành xử (conduct) của một nguyên cáo
hay bị cáo luôn được diễn giải như một phần của toàn bộ chứng cớ (body
of evidence) và có thể ảnh hưởng đến sự phán xét chung quyết của một
pháp đình.
Sự
kiện chính quyền CSVN mời Tập Cận Bình thăm viếng chính thức Việt Nam
vào lúc này là một hành động thiếu suy nghĩ, thiếu viễn kiến, di hại cho
quyền lợi quốc gia dân tộc và phải bị cương quyết lên án bỡi toàn dân
trong lẫn ngoài nước.
Tôi
cũng xin lập lại sách lược đối đầu dài hạn với CSTQ tại Biển Đông,
trong khung cảnh Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà tôi đề
nghị phải như sau:
Công pháp quốc tế tuy phức tạp nhưng căn cứ trên một số khái niệm chính
bao gồm: sức mạnh (force), lẽ phải (justice), tình trạng thực tế (de
facto) và tính pháp lý (de jure).
Trong tương quan hoặc xung đột giữa những quốc gia tại Biển Đông, kẻ
mạnh nhưng thiếu chính nghĩa như Trung Quốc, vì không có lẽ phải, nên
chỉ còn sử dụng sức mạnh, chiếm cứ Hoàng Sa và Trường Sa, xây dựng căn
cứ quân sự và các vùng phòng không, bất chấp lẽ phải và luật quốc tế về
biển.
Trong khi đó, những kẻ vừa có sức mạnh, vừa sinh hoạt trong môi trường
dân chủ như Hoa Kỳ và Nhật Bản thì sử dụng cả 2 yếu tố là sức mạnh và lẽ
phải, chấp nhận sự phán quyết của các tòa án quốc tế.
Chiến
thuật của kẻ mạnh và thiếu lẽ phải hoặc chính nghĩa như Trung quốc là
dùng sức mạnh, biến một sự xâm lăng trắng trợn thành một tình trạng thực
tế (de facto) mọi người phải công nhận, và với thời gian, nếu sự phản
đối của đối thủ yếu ớt, thì sẽ chuyển thành một tình trạng có tính pháp
lý (de jure) và sẽ được các tòa án quốc tế thừa nhận.
Tại một số quốc gia pháp trị tây phương có khái niệm luật gọi là
“adverse possession”. Theo luật này, nếu ông A có một căn nhà. Bà B đến
chiếm cứ ở và không trả tiền thuê. Nếu ông A không làm gì cả thì một
thời gian dài sau (chẳng hạn 15 năm) thì Bà B có thể khai với chính phủ
và chính phủ sẽ chuyển căn nhà qua tên Bà B theo khái niệm luật “adverse
possession”.
Ý
nghĩa cốt lũy của khái niệm này là: khi một người, hoặc một quốc gia có
chủ quyền thì phải phát huy tích cực chủ quyền đó. Nếu không thì không
xứng đáng giữ chủ quyền.
Trong tình huống tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông,
chủ trương “không làm gì hết” của CSVN là hoàn toàn rơi vào bẫy của
Trung Quốc. Sự kiện công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, sự kiện Lê Đức Anh
và Bộ Chính Trị CSVN ra lệnh cho lính Việt Nam không được nổ súng tự vệ
tại Gạc Ma 1988 hiện giờ chỉ là những biến cố có tính tình trạng thực tế
(de facto). Tuy nhiên khi phối hợp với sự tiêu cực trong việc bảo vệ
chủ quyền (chẳng hạn khi so sánh với Phi Luật Tân) thì trong 10-15 năm
nữa, sẽ đưa đến một tình trạng công nhận chủ quyền của Trung Quốc có
tính pháp lý (de jure).
Lúc đó, thực sự như TQ tuyên bố là chủ quyền của họ là “không thể tranh cãi” trên cả hai bình diện de facto lẫn de jure.
Đảng
CSVN đáng lẽ phải làm rầm rộ chiến đấu với TQ trên mọi phương diện, từ
ngoại giao, quân sự (ở mức độ giới hạn nhưng phải cương quyết), kinh tế,
công pháp quốc tế về luật biển và sử dụng mọi phương tiện trong tầm tay
của mình.
CSVN vì lệ thuộc quá nhiều vào CSTQ để nắm quyền cai trị, đồng thời
cũng kỳ vọng vào CSTQ can thiệp quân sự vào Việt Nam, cứu nguy cho chế
độ, trong tình huống nhân dân đứng lên lật đổ, nên chỉ phản đối chiếu lệ
bằng những lời tuyên bố vô giá trị.
Trong
khi Phi Luật Tân ngang nhiên đối đầu với TQ tại Tòa Án Trọng tài Thường
Trục (Permanent Court of Arbitration) thì Việt Nam không dám nộp đơn
như một nguyên cáo mà chỉ cho ý kiến, đồng thời minh thị tuyên bố tuyệt
đối tuân thủ đề nghị thương thuyết song phương với TQ.
Trong khi hải quân và không quân Hoa Kỳ ngang nhiên thử thách vùng nhận
diện phòng không của TQ thì CSVN làm ra vẻ khôn lanh “tọa sơn quan hổ
đấu” để chôm credit.
Trong khi hải quân Indonesia ngang nhiên nổ súng đánh chìm tàu đánh cá
TQ xâm phạm lãnh hải của mình, thì CSVN để mặc cho ngư dân Việt Nam bị
tàu TQ và hải quân TQ xua đuổi và giết hại mà không dám gọi tên là tàu
TQ mà chỉ gọi là tàu lạ.
Sự
thiếu ý thức và trách nhiệm của họ không những phản bội di sản của tổ
tiên, phương hại đến các thế hệ mai sau, mà còn triệt tiêu sinh lộ của
chính đảng CSVN trong lịch sử đất nước.
Các thành phần thân Trung Quốc và thậm bảo thủ hoặc đã bán nước như các
ông Lê Đức Anh, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Văn Đồng, Phùng Quang Thanh,
Phạm Quang Nghị, Nguyễn Chí Vịnh, Đinh Thế Huynh sẽ là những tội nhân
thiên cổ.
Lập trường đứng đắn của một chính phủ của dân, do dân và vì dân là:
- Theo gương hoặc cùng với Phi Luật Tân nộp đơn kiện CSTQ như một nguyên cáo trước Tòa Trọng Tài Thường Trực nêu trên
- Triệu hồi Đại Sứ Việt Nam tại TQ về nước, trục xuất Đại Sứ TQ tại Việt Nam và không tái lập bang giao cấp đại sứ cho đến khi TQ trao trả chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và những lãnh thổ và lãnh hải chiếm qua những biện pháp bất bình đẳng cho Việt Nam
- Thương thuyết với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore và Nam Dương hầu tạo thành một liên minh quân sự chống bá quyền TQ.
- Nhanh chóng xúc tiến tiến trình dân chủ hóa đất nước hầu mọi thành phần dân tộc (không phải chỉ có cộng sản) đều tham gia dựng nước và giữ nước.
- Xây dựng và trang bị cho quân đội bằng vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ, không phải của Nga Sô. Nên nhớ khi 6 triệu dân Do Thái đối đầu với hằng trăm triệu dân Á Rập. Do Thái thắng phần lớn vì họ sử dụng vũ khí Hoa Kỳ và Á Rập sử dụng vũ khí Nga.Trên chiến trường thực sự, phẩm chất của vũ khí còn quan trọng hơn cả số lượng vũ khí.
- Cải tổ và triệt để tư bản hóa kinh tế, chú trọng nhiều hơn vào ngoại thương với Hoa Kỳ, Nhật Bản. Liên Hiệp Âu châu thay vì lệ thuộc quá nhiều vào TQ. Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một cơ hội tuyệt vời, với điều kiện CSVN thực tâm cải tổ xã hội dân sự và chuyển hóa dân chủ một cách sâu rộng, hầu đạt đến một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.
Những phản ứng chiếu lệ và mỵ dân của đảng CSVN bây giờ, nhất là quyết
định mời Tập Cận Bình thăm viếng Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp pháp
lý tại Biển Đông, hoàn toàn đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và sự
vẹn toàn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam.
LS Đào Tăng Dực
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen