Bùi Anh Trinh
Năm
1973, ngày 7.2, mười một ngày sau khi ký kết Hiệp Định Paris, Kissinger
lên đường đi Hà Nội. Tại Hà Nội Kissinger trao cho Phạm văn Đồng một
công hàm của Tổng Thống Nixon, trong đó quy định thể thức thanh toán số
tiền bồi thường chiến tranh cho Hà Nội là 4,75 tỷ USD. Sau đó Thủ Tướng
cộng sản Việt Nam Phạm văn Đồng giao cho Kissinger mang về cho Tổng
Thống Hoa Kỳ một công hàm hoan nghênh tinh thần Mật ước của Nixon và hứa
sẽ thi hành nghiêm chỉnh Mật ước này. Như vậy là Mật ước đã có đủ chữ
ký của cả hai người cầm đầu chính phủ. (Lưu văn Lợi, Các Cuộc Thương
Lượng Lê đức Thọ & Kissinger tại Paris)
Nguyên văn Mật ước:
Tổng
Thống thông báo cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa những nguyên tắc sẽ chỉ
đạo sự tham gia của Hoa Kỳ về việc xây dựng lại sau chiến tranh ở Bắc
Việt Nam. Như đã nêu trong Điều 21 của Hiệp Định về chấm dứt chiến
tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris ngày 27 tháng
giêng năm 1973, Hoa Kỳ thực hiện sự tham gia này theo chính sách truyền
thống của mình.
Những nguyên tắc đó là:
1.- Hoa Kỳ sẽ đóng góp xây dựng lại Bắc Việt sau chiến tranh mà không cần một đòi hỏi chính trị nào.
2.- Con số cam kết sơ khởi là 3,25 tỷ Dollars viện trợ không hoàn lại trong vòng 5 năm. Những hình thức viện trợ khác (viện trợ phát triển kinh tế) sẽ được nghiên cứu sau.
3.-
Công việc điều hành kế hoạch viện trợ sẽ do một Ủy Ban được đặt tên là
Ủy ban hỗn hợp kinh tế Hoa Kỳ-Bắc Việt. Ủy ban sẽ được hình thành trong
vòng 30 ngày sau khi ký Hiệp Định.
4.- Chức
năng của Ủy ban này sẽ là đề ra các chương trình cho việc đóng góp của
Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng lại ở Bắc Việt Nam. Sự đóng góp của Hoa Kỳ
sẽ tiến hành trên cơ sở những yếu tố sau đây:
a/ Các nhu cầu của Bắc Việt Nam do những tàn phá của chiến tranh gây nên.
b/ Các yêu cầu của công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp của nền kinh tế Bắc Việt Nam.
5.-) Ủy ban hỗn hợp kinh tế sẽ gồm những đại diện ngang nhau của mỗi bên. Ủy ban sẽ thỏa thuận về một bộ máy để quản lý chương trình đóng góp của Hoa Kỳ vào
công cuộc xây dựng lại Bắc Việt Nam. Ủy ban sẽ cố gắng hoàn thành sự
thỏa thuận này trong vòng 60 ngày sau khi được thành lập.
6.-
Hai thành viên của Ủy ban sẽ hoạt động trên nguyên tắc tôn trọng chủ
quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng
và cùng có lợi. Những trụ sở của Ủy ban sẽ đặt tại một nơi sẽ được thỏa
thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
7.- Hoa Kỳ cho rằng việc thực hiện những nguyên tắc nói trên sẽ thúc đẩy những quan hệ kinh tế thương mại và các quan hệ khác giữa
Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và sẽ góp phần vào việc bảo đảm một
nền hòa bình vững chắc và lâu dài ở Đông Dương. Những nguyên tắc này
phù hợp với tinh thần của Chương VIII của Hiệp Định về chấm dứt chiến
tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký tại Paris ngày 27 tháng giêng năm
1973.
Điều ghi chú về những hình thức viện trợ khác:
Về những hình thức viện trợ khác, việc nghiên cứu của Hoa Kỳ cho thấy rằng những chương trình thích hợp có thể là vào khoảng 1 đến 1,5 tỷ đô la tùy theo nhu cầu của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về lương thực và hàng hóa khác.
Hiểu biết về Chương trình xây dựng lại kinh tế:
Có
sự hiểu biết là những đề nghị của ủy ban hỗn hợp kinh tế nói trong công
hàm của Tổng Thống gửi Thủ Tướng sẽ do mỗi thành viên thực hiện theo
những quy định của Hiến Pháp của mình’’ (Lưu văn Lợi, Các Cuộc Thương
Lượng Lê đức Thọ-Kissinger Tại Paris).
Tại sao cả hai bên đều không thi hành mật ước ?
Như
vậy những gì hai bên thương lượng với nhau suốt 4 năm không nằm trong
Hiệp Định, mà nằm trong Mật ước. Và hai bên ký với nhau Hiệp Định Paris
chỉ là che mắt thế gian, còn Mật ước mới là kết quả thương lượng thực
giữa hai bên.
Khoan nói tới hai bên đã mật cam kết với
nhau những gì, nhưng tại sao lại không giữ lời giao ước ? Đây là một
giao ước mật chứ không phải là giao ước công khai. Một khi giao ước mật
được ký kết thì phải được tôn trọng tuyệt đối, gần như là lời thề thiêng
liêng. Nếu có một bên phản bội thì bên kia chỉ cần tung mật ước ra
trước ánh sáng thì bên vi phạm sẽ trở thành kẻ lừa đảo.
Mãi
đến ngày 19.5.1977 Tổng Thống Hoa Kỳ Cater mới loan báo rằng sau khi ký
Hiệp Định Paris 1973, Tổng Thống Nixon đã có ký với Hà Nội một mật ước
riêng. Trong đó cam kết bồi thường 4,75 tỷ USD cho Hà Nội.
Sau
loan báo của Tổng Thống, Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên bố đó chỉ là lời hứa của
người đứng đầu cơ quan hành pháp Hoa Kỳ, cho nên quốc gia Hoa Kỳ không
có trách nhiệm phải thi hành cam kết đó. Vì vậy dư luận hiểu rằng chính
phía Hoa Kỳ đã không thi hành đúng như cam kết, nghĩa là sau Hiệp Định Paris Hoa Kỳ không chung cho Hà Nội một đồng nào trong số 4,75 tỷ.
Vấn
đề được đặt ra là tại sao Nixon lại không thi hành những điều mà ông
nhân danh Tổng Thống Hoa Kỳ để viết ra ? Trong khi đó Hà Nội cũng không
đưa mật ước ra để tố cáo Nixon thất hứa ? Nhất là khi Nixon còn tại
chức ? Đặc biệt theo như nhân dân Hoa Kỳ được biết một cách không chính
thức thì Hoa Kỳ chỉ phải chung cho Hà Nội 3,25 tỷ đô la mà thôi, tại
sao giờ đây chính phủ Cater lại loan báo là 4,75 tỷ.
Còn
về phía Hà Nội tại sao họ cứ một mực tố cáo Nguyễn Văn Thiệu vi phạm
Hiệp Định mà không công khai hay bán công khai tố cáo Nixon không giữ
lời hứa về số tiền tái thiết Bắc Việt ? Nhất là khi Nixon còn tại chức ?
Chìa khóa giải mã
Năm
1998 chính phủ cộng sản Việt Nam (Phan văn Khải) đã cho công bố toàn bộ
biên bản các cuộc mật đàm giữa Lê đức Thọ và Kissinger bằng một cuốn
sách của Đại Tá cộng sản Việt Nam Lưu văn Lợi, ông là chuyên gia thương
thuyết trong phái đoàn Hà Nội tại Paris. Cuốn sách có tựa đề là ‘’Các
Cuộc Thương Lượng Lê đức Thọ & Kissinger tại Paris’’, sách xuất bản
tại Hoa Kỳ năm 1998 nhưng phổ biến hạn chế, đặc biệt không cho lưu hành
trong nước.
Đến tháng 10 năm 2002 nhà xuất bản ‘’Công
an Nhân dân’’ mới in lại và xuất bản trong nước. Trong chương cuối có
đăng nguyên văn bản mật ước Nixon-Phạm văn Đồng, được Nixon ký ngày
1.2.1973, nghĩa là 4 ngày sau khi hai bên ký kết Hiệp Định Paris.
Bản
mật ước gồm có 7 mục, trong đó 3 mục đầu quy định thể thức chi trả 3,25
tiền bồi thường chiến tranh và 4 mục sau quy định thể thức viện trợ
kinh tế dài hạn cho Hà Nội, bước đầu là 1,5 tỷ hàng hóa và lương thực
(viện trợ với lãi xuất ưu đãi). Cơ quan điều hành hệ thống viện trợ bồi
thường chiến tranh của Hoa Kỳ tại Hà Nội sẽ được thành lập xong trong
vòng 30 ngày sau khi Hiệp Định Paris được ký kết. Và hệ thống sẽ đi vào
hoạt động trong vòng 60 ngày sau khi được thành lập, nghĩa là đồng đô la
viện trợ đầu tiên sẽ đến Hà Nội 1 tháng sau khi người tù binh Hoa Kỳ
cuối cùng đã được thả (Tù binh được thả trong vòng 60 ngày).
So sánh thời gian trao trả tù binh và thời gian bắt đầu chung viện trợ thì có thể kết luận được rằng ‘’Nếu Hà Nội thả hết 391 tù binh Hoa Kỳ xong rồi thì Hoa Kỳ mới thưởng bằng tiền viện trợ’’ Đây
là lời hứa của bên chiến thắng: Hà Nội phải thả hết tù binh vô điều
kiện, thả xong tới người cuối cùng một cách vui vẻ thì mới được chung
4,75 tỷ. (Thường thì giao ước bồi thường và trao trả tù binh được thực
hiện trên nguyên tắc: Đồng tiền đầu tiên được đưa ra cùng với người tù
đầu tiên được thả, và đồng tiền cuối cùng được đưa ra cùng với ngày
người tù binh cuối cùng được thả. Thêm một bằng chứng chứng minh Hà Nội
đã đầu hàng sau cuộc dội bom).
Vậy thì ai đánh lừa ai ?
Sự
kiện tù binh phải được thả hết trước khi Hà Nội nhận được viện trợ
chứng tỏ Hoa Kỳ không có lý do gì để sợ Hà Nội phản bội mật ước. Có
chăng là Hà Nội sợ Hoa Kỳ lấy xong tù binh rồi quỵt nợ không chung tiền.
Và thực tế xảy ra đúng như vậy, Nixon lấy được toàn bộ tù binh nhưng
không chung được 1 đồng như đã hứa. Cái gì khiến cho Nixon và Kissinger
trở thành những tay lừa đảo hạng bét ?
Người ta xem lại
biên bản từng cuộc mật đàm để truy nguyên hoàn cảnh phát sinh ra bản
mật ước Nixon-Phạm văn Đồng. Hóa ra ban đầu, trước trận thả bom 12 ngày
đêm thì mật ước đã được soạn trước nhưng chỉ có 3 mục đầu, nghĩa là bồi
thường 3,25 tỷ. Số tiền này đã được thông báo cho Quốc Hội Hoa Kỳ.
Nhưng
sau khi Hà Nội thiếu điều kéo cờ trắng trong cuộc dội bom 12 ngày đêm
thì hai bên mới ngồi lại và thêm vào 4 mục sau, có thêm 1,5 tỷ viện trợ
lương thực và hàng hóa (Đây là số tiền cho vay để phát triển kinh tế chứ
không phải là viện trợ nhân đạo không hoàn lại). Đồng thời có thêm một
kế hoạch viện trợ phát triển kinh tế về lâu về dài cho Bắc Việt.
So
sánh mật ước 3 mục (trước cuộc dội bom) với mật ước 7 mục (sau cuộc dội
bom) thì sau cuộc dội bom Hà Nội đã được Nixon thưởng thêm bằng cam kết
sẽ viện trợ phát tiển kinh tế cho Hà Nội như là viện trợ cho một nước
đồng minh, giống như viện trợ cho Nam Hàn sau Hiệp Ước Bàn Môn Điếm hay
viện trợ cho Sài Gòn sau Hiệp định Genève.
Suy ra Hà Nội đã âm thầm trở thành đồng minh của Hoa Kỳ sau cuộc dội bom, nghĩa là thay vì đầu hàng thì Hà Nội đã xin hồi chánh.
Đầu
hàng là buông súng và chịu mọi sự phán xét của kẻ thù, còn hồi chánh là
ly khai với phe cọng sản và trở thành đồng minh của phe tự do. Lê Duẩn
quyết định hồi chánh thì có lợi cho Bắc Việt nhiều hơn so với đầu hàng.
Ông ta có quyền ly khai khỏi phe cộng sản bởi vì Trung Quốc và Liên Sô
đã phản bội ông ta trước.
Còn nếu như ông ta đầu hàng
thì không có ai giúp ông hồi phục kinh tế sau chiến tranh mà trái lại
ông còn giữ nguyên quyển sổ nợ chiến phí của Liên Sô và Trung Quốc. Vả
lại chạy theo Mỹ thì tất cả dân Việt từ Nam chí Bắc đều hoan hô ông, còn
như tiếp tục chạy theo hai đàn anh đểu cáng là Trung Quốc và Liên Sô
thì dân tộc mãi mãi trong tăm tối và đói khát như Bắc Hàn hay Cu Ba ngày
nay.
Tại sao không bắt Hà Nội đầu hàng mà lại cho hồi chánh ?
Ngay
từ những ngày đầu có cuộc mật đàm Kissinger-Lê đức Thọ thì Quốc Hội Hoa
Kỳ đã mặc nhiên cho phép Kissinger có quyền bỏ tiền ra lấy tù binh trở
về. Vấn đề là Kissinger trình diễn làm sao cho việc chung tiền không có
vẻ là Hoa Kỳ bại trận. Vì vậy Nixon vẫn hợp pháp khi Kissinger soạn ra
tờ ‘’Mật ước 3 điểm’’ hứa chung 3,25 tỷ cho Hà Nội. Số tiền đã được
thông báo cho Quốc Hội Hoa Kỳ và ngay cả dân chúng Hoa Kỳ cũng được biết
một cách không chính thức.
Thế nhưng 4 mục sau (cam
kết thiết lập hệ thống viện trợ kinh tế dài hạn cho Hà Nội) là một việc
làm phi pháp, bởi vì không xin phép Quốc Hội Hoa Kỳ, ‘’lén thỏa thuận
với đối phương’’. Vả lại viện trợ kinh tế dài hạn chỉ được dành cho quốc
gia đồng minh của Hoa Kỳ chứ không thể nào dành cho ‘’kẻ thù’’.
Ngoài ra những đối thủ của Nixon trong Đảng Dân Chủ cũng có thể cáo buộc rằng cái giá để lấy tù binh trở về là công cuộc viện trợ phát triển kinh tế cho Hà Nội.
Cũng là phạm pháp vì không xin phép Quốc Hội, nhưng nếu có xin phép thì
Quốc Hội cũng sẽ bác bỏ bởi vì viện trợ kinh tế chỉ được cung cấp cho
các quốc gia đồng minh trong khi Hà Nội đang là quốc gia thù địch.
Sự kiện Nixon lẫn Hà Nội giữ kín tờ mật ước cho tới 1977 chứng tỏ ngày đó hai bên đồng thỏa thuận ‘’Hà Nội bí mật hồi chánh’’.
Hà Nội có quyền ly khai khỏi thế giới cọng sản là do Trung Quốc và Liên
Sô tráo trở, cả hai đã ngưng cung cấp vũ khí để buộc Hà Nội phải chấm
dứt chiến tranh và trả tù binh cho Hoa Kỳ.
Thế nhưng tại sao Nixon lại giấu nhẹm tin Hà Nội hồi chánh ?
Câu trả lời rằng nhân dân Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận bởi vì mối thù giữa
Hà Nội và nhân dân Hoa Kỳ đang còn nóng hổi, Quốc Hội và dân chúng Hoa
Kỳ muốn Hà Nội phải đầu hàng chứ dứt khoát không có chuyện Hà Nội tự
nhiên trở thành đồng minh của Hoa Kỳ mà chẳng phải trả giá cho tội lỗi
của họ.
Vậy thì tại sao Nixon không buộc Hà Nội phải đầu hàng đúng theo ước vọng của dân chúng Hoa Kỳ ?
Câu trả lời là Trung Quốc và Liên Sô sẽ không chấp nhận. Họ đã thỏa
thuận trói tay Hà Nội để Hà Nội ngưng theo đuổi chiến tranh chứ không
phải để cho Hoa Kỳ tha hồ đánh Bắc Việt đến nỗi phải đầu hàng. Thế giới
sẽ nguyền rủa hai đàn anh đểu cáng.
Nếu Hà Nội đầu hàng
vì trận dội bom 12 ngày đêm thì đương nhiên Liên Sô và Trung Quốc sẽ
công bố cho thế giới biết rằng trong năm 1972 đích thân Nixon đến Bắc
Kinh và Mạc Tư Khoa để năn nỉ họ thôi viện trợ vũ khí cho Hà Nội để Hà
Nội chấm dứt mộng theo đuổi chiến tranh, đem lại hòa bình cho nhân dân
Việt Nam và cho toàn thế giới chứ họ không ngờ là Hoa Kỳ đã lợi dụng
việc này để tấn công buộc Hà Nội phải đầu hàng.
Hậu
quả chắc chắn sẽ kéo theo sự căng thẳng trở lại giữa Hoa Kỳ và thế giới
cọng sản. Và dư luận thế giới sẽ coi Hoa Kỳ như là một kẻ tráo trở vô
liêm sỉ, bởi vì rõ ràng là Hoa Kỳ đã bị cộng sản Việt Nam đánh bại nhưng
lại năn nỉ Liên Sô và Trung Quốc trói tay Hà Nội để Hoa Kỳ tiếp tục hạ
gục Hà Nội.
Vì
vậy mà Nixon đã không kịp trở tay khi nghe Hà Nội đề nghị hồi chánh,
ông chỉ còn có nước bí mật giúp đỡ Hà Nội dưới hình thức viện trợ bồi
thường chiến tranh. Sau đó là hiệp thương trao đổi hàng hóa giữa hai
miền Nam Bắc (theo Hiệp Định Genève và Hiệp Định Paris). Cuối cùng là
tổng tuyển cử lựa chọn chế độ (Cũng theo Hiệp Định Genève và Hiệp Định
Paris). Dự trù đến lúc tổng tuyển cử thì Hà Nội sẽ sắp xếp cho dân miền Bắc bỏ phiếu quyết định theo chế độ tự do. Lúc đó Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa sẽ không nói gì được. Và nhân dân Hoa Kỳ không thể nào từ chối.
*(Ghi
chú: Thực ra bức mật thư đã được Hà Nội tiết lộ dần dần cho các dân
biểu nghị sĩ Hoa Kỳ từ năm 1975 nhưng những người này đã nhém đi vì
không muốn chung tiền cho Hà Nội. Họ viện lý do Hà Nội đã không thi hành
nghiêm chỉnh Hiệp Định Paris:
Tháng 12 năm 1975 phái đoàn của Hoa Kỳ do Dân Biểu Montgomery dẫn đầu đến Hà Nội đã được xem.
Ngày 15.1.1976 phái đoàn do Thượng Nghị Sĩ McGovern dẫn đầu đến Hà Nội đã được xem.
Ngày 14.4.1976, báo Nhân Dân của Hà Nội đăng một phần Mật ước với lời công kích chính phủ Mỹ (Đăng 3 điều đầu, giấu 4 điều sau).
Ngày
3.5.1977, Phái đoàn đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa cộng sản Việt
Nam và Hoa Kỳ tại Paris do Holbrooks dẫn đầu đã được thứ trưởng ngoại
giao cộng sản Việt Nam Phan Hiền cho xem.
Ngày
6.5.1977, báo Nhân Dân của Hà Nội cho đăng một phần Mật ước và một phần
Công hàm đáp nhận của Phạm văn Đồng cùng với lời chỉ trích chính phủ Mỹ
‘’chà đạp luật pháp quốc tế’’. Dân Biểu Hoa Kỳ Lester L.Wolff đòi đưa
Nixon ra tòa nếu Nixon không đưa ra bản Mật ước.
Ngày 14.5.1977 Nixon viết thư trả lời Wolff rằng chẳng có cam kết viện trợ nào cả.
Ngày
19.5.1977, trước sức ép của Wolff, chính phủ Cater loan báo ngày
1.2.1973 Nixon có ký một Mật ước với Hà Nội với con số 4,75 tỷ USD
(nghĩa là cho lộ luôn 4 điều sau mà Hà Nội đã giấu).
Ngày 21.5.1977 bộ ngoại giao Hà Nội cho công bố toàn văn Mật ước của Nixon và công hàm đáp nhận của Phạm văn Đồng).
…oOo…
ĐẰNG SAU HIỆP ĐỊNH PARIS, MẬT ƯỚC NIXON & NGUYỄN VĂN THIỆU
Bùi Anh Trinh
Năm
1973, ngày 8.1, sau trận dội bom Mùa Giáng Sinh, Hòa đàm Paris được nối
lại, mở đầu phiên họp là bài diễn văn của Lê đức Thọ, ông ta công kích
Hoa Kỳ lật lọng leo thang chiến tranh. Kissinger không còn vui vẻ hoạt
bát như các cuộc họp trước. Buổi chiều hai bên tiếp tục soạn thảo những
chi tiết của văn bản hiệp ước mà trước đây đã bị bỏ dở.
Ngày
9, 10, 11 và 12.1, hai bên hoàn thành văn bản của hiệp ước bằng tiếng
Anh lẫn tiếng Việt. Buổi chiều Kissinger và Sullivan họp với đoàn đàm
phán Việt Nam Cộng Hòa để thông báo nội dung toàn bộ văn bản Hiệp Định.
Vấn đề còn lại là Tổng Thống Thiệu có chấp thuận hay không.
* Chú giải: Đoạn
tường thuật trên đây được ghi lại trong biên bản của bộ ngoại giao Hà
Nội, do Lưu văn Lợi công bố năm 1998. Đọc qua đoạn biên bản này không ai
có thể ngờ rằng đây là một cuộc họp sau cuộc dội bom Hà Nội 12 ngày đêm
của Hoa Kỳ.
Hẳn nhiên là phải có nhiều biến cố và
nhiều thượng lượng đã xảy ra sau khi cuộc dội bom vừa chấm dứt. Thế
nhưng biên bản buổi họp được ghi lại như không hề có gì xảy ra. Chứng tỏ
Lưu văn Lợi đã buộc phải giấu kín những trao đổi đã xảy ra giữa
Kissinger và Lê đức Thọ trước khi hai ông bước vào phiên họp ngày
8.1.1975, tức là từ ngày ngưng ném bom 29.12.1972.
Những
giấu kín đó đã làm tốn rất nhiều giấy mực của những nhà nghiên cứu thời
cuộc, người ta cho rằng Hà Nội đã chịu đầu hàng trước khi cuộc dội bom
chấm dứt. Điều này sẽ được đưa ra ánh sáng 5 năm sau cái chết của
Kissinger.
Năm 1973, ngày 14.1, Tướng Alexander Haig đến Sài Gòn với tối hậu thư của Nixon cam kết ‘’Chúng
tôi sẽ không nhìn nhận quyền có mặt của quân đội ngoại quốc nào trên
mãnh đất miền Nam. Chúng tôi sẽ phản ứng mãnh liệt trong trường hợp Hiệp
Định bị vi phạm…’’, ‘’…Tôi quyết định sẽ tiếp tục viện trợ đầy đủ kinh
tế và quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa’’. Tối hôm đó họp Hội Đồng An
Ninh Quốc Gia, Tổng Thống Thiệu trình bày nội dung tối hậu thư của
Nixon. Đa số mọi người đồng ý nên ký vào vì đã có cam kết Mỹ sẽ tham
chiến trở lại để đổi lại việc quân Bắc Việt có thể vi phạm hiệp ước.
Ngày
17.1, Tổng Thống Thiệu gửi thư phúc đáp cho Tổng Thống Nixon trong một
phong bì dán kín và nhờ Haig chuyển về cho Nixon khi đến Hoa Kỳ. Nhưng
Haig về đến Tòa Đại Sứ thì xé phong bì để chuyển bằng diện tín về
Washington. Trong thư Thiệu cho biết cần một cam kết rõ ràng hơn nhằm
bảo đảm cho việc ông ta chấp nhận quân Bắc Việt ở lại miền Nam (Hồi ký
của Alexander Haig).
Ngay đêm đó, trong lúc Haig còn ở
tại Sài Gòn, Đại Sứ Bunker chuyển đến Tổng Thống Thiệu một điện văn của
Nixon, cho biết sau ngày ký hiệp ước, dự trù vào ngày 27.1, Phó Tổng
Thống Agnew sẽ đến Sài Gòn với một bản mật ước của Tổng Thống Nixon,
trong đó nêu rõ ba vấn đề:
1.- Hoa Kỳ công nhận chính phủ của ngài là chính phủ duy nhất hợp pháp ở miền Nam Việt Nam.
2.- Hoa Kỳ không công nhận quyền có mặt của quân ngoại quốc trên lãnh thổ của miền Nam.
3.- Hoa Kỳ sẽ phản ứng mãnh liệt nếu bản Hiệp Định bị vi phạm. Ngoài ra: ‘’Tôi muốn được hội kiến riêng với ngài ba hay bốn tuần sau ở tại San Clements, California để
chúng ta có dịp công khai nhắc lại mối hợp tác giữa hai nước, và sự cam
kết của Hoa Kỳ’’ (Nguyễn Tiến Hưng, Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập).
Trên
nguyên tắc, đây cũng là điều kiện để hình thành Hiệp Định, nếu không có
điện thư cam kết đó thì Tổng Thống Thiệu đã không ký vào Hiệp Định.
Nguyên bản bức điện văn được Nguyễn Tiến Hưng đưa lên sách The Palace
File, bản tiếng Việt trang 663. Vì vậy sau này cựu Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu đã hết lời nguyền rủa Hoa Kỳ bội ước.
Không phải
Tổng Thống Nixon chủ tâm lừa đảo, sở dĩ ông mạnh dạn viết bức điện cam
kết đó là vì Hà Nội đã đầu hàng. Không thể nào có chuyện Hà Nội gây
chiến trở lại, họ không còn súng đạn, không còn gạo, và đang cần tiền
viện trợ tái thiết của Hoa Kỳ (Tiến bồi thường chiến tranh). Không ngờ
là sau này tình thế đã biến chuyển khác hẳn với những toan tính của
Nixon và Kissinger.
Năm 1973, ngày 16.1. Tài liệu của CIA: ‘’Ngày
16/1 Haig đến Sài Gòn với một thư tay khác của Nixon gởi cho Tổng Thống
Thiệu rằng nếu vẫn không ký ông sẽ công khai tố cáo trước dư luận thế
giới Thiệu ngăn cản hòa bình. Thiệu vẫn hoãn binh và cho biết sẽ trả lời
Nixon vào ngày hôm sau.
Hôm sau, 15 phút sau
khi máy bay Haig rời Tân Sơn Nhất, Thiệu triệu tập Hội Đồng An Ninh thu
hẹp, đọc tối hậu thư của Nixon cho Hội Đồng nghe. Sau đó Hội Đồng bàn về
cung cách thi hành hiệp định. Việc ký kết đến đây xem như đương nhiên.
CIA báo cáo rằng ‘’trong thâm tâm Thiệu biết trước sau cũng phải ký theo
ý Hoa Kỳ, nhưng ông đã làm những gì cần thiết có lợi cho sự tồn tại của
Nam Việt Nam.’’
Sáng ngày 20/1 Thiệu triệu
tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thông báo quyết định ký. Phó Tổng Thống
Trần Văn Hương khóc nói rằng Nam Việt Nam đang ở trên một chiếc gậy,
chạy hướng nào cũng không tránh được tai họa, và ký Hiệp Định thì tai
họa nhỏ hơn. Sau khi Hương dứt lời, Thiệu nói đồng ý với sự miêu tả của
Hương (CIA and The Generals, bản dịch của Trần Bình Nam).
Theo
như đoạn tài liệu này của CIA thì Haig đến Sài Gòn ngày 14 rồi trở lại
Hoa Kỳ, sau đó ngày 16 mới trở lại với thư cam kết của Tổng Thống Nixon.
Nhưng thực ra theo hồi ký của Haig thì thay vì đem thư của Thiệu về Hoa
Kỳ thì ông và Bunker đã mở thư (do lệnh của Nixon) và chuyển bằng điện
về cho Nixon. Rồi Nixon gởi lại thư cam kết bằng điện cho Bunker để
Bunker chuyển cho Thiệu.
Tài liệu của CIA ngày đó có
hơi khác so với hồi ký của Tướng Haig, sự thực là Haig đã mở thư tại Sài
Gòn và nhận điện thư của Nixon rồi đem đến cho Thiệu chứ không có về
Hoa Kỳ. Haig và Bunker không cần phải cho CIA biết chuyện này. Do đó
đoạn tài liệu này của CIA chỉ là nhờ thâu thập qua thông tin của Trần
Thiện Khiêm, nhưng Khiêm không hề biết là Haig không có về Hoa Kỳ.
Đây
mới chỉ là bức điện thư báo trước, coi như bản nháp của mật ước, còn
mật ước có chữ ký của Nixon sẽ được Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Agnew đem đến
Sài Gòn sau khi Hiệp Định ngưng bắn được ký kết.
Ký kết hòa ước
Năm
1973, ngày 23.1, lúc 10 giờ 45 sáng, bản Hiệp Định Paris 1973 được
Kissigner và Lê đức Thọ ký tắt. Sau khi ký xong hai ông trao đổi cho
nhau cây viết để làm kỷ niệm.
Năm 1973, ngày 27.1, buổi
sáng, 4 bên tham chiến cùng ký kết Hiệp Định có liên quan đến 4 bên,
gồm có Ngoại Trưởng Hoa Kỳ William Rogers, Ngoại Trưởng Hà Nội Nguyễn
Duy Trinh, Ngoại Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Lắm, và Đại diện mặt
trận giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Bình. Buổi chiều Hoa Kỳ và Hà Nội ký
vào văn kiện thứ hai có liên quan tới sự kết ước giữa hai bên.
* Chú giải:
Dư luận Hoa Kỳ đối với Nixon: Báo Washington Post: ‘’Chúng ta biết ơn Nixon vì ông đã thực hiện lời hứa chấm dứt chiến tranh trong vòng 4 năm’’.
Báo Boston Herald Traveler: ‘’Nó tốt hơn nhiều so với một cuộc đầu hàng hèn nhát mà một số người Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận’’.
Báo Walstreet Journal: ‘’Ông
đã rút 550 ngàn quân ra khỏi Việt Nam và đem được tù binh trở về mà
không mất chế độ Sài Gòn…Kẻ địch đã hiểu rằng xương sống của người ngồi
trong Tòa Bạch Ốc được làm bằng thép…’’
Báo Cleverlnad Plain Dealer: ‘’Ván
bài quốc tế của ông đã có kết quả trước mọi thứ áp lực ở trong cũng như
ngoài nước. Đây là giờ phút oanh liệt nhất của vị Tổng Thống thứ 37 của
chúng ta’’.
Theo ghi chép của Hadleman thì sau khi xem các bài báo đó, Nixon có nhận xét rằng chưa có ai nói đúng về ông ta, đó là ‘’có bản lĩnh và kiên trì’’.
Bí mật đằng sau Hiệp Định:
Hiệp
Định gồm có 9 khoản, trong 9 khoản có 23 điều. Nội dung của 9 khoản, 23
điều cho thấy trong 4 năm đàm phán hai bên chỉ thương lượng với nhau về
3 mục là (1) Mỹ rút quân (2) Hà Nội trả tù binh (3) Mỹ bồi thường chiến
tranh. Tuy nhiên chuyện Mỹ rút quân là do Nixon tự quyết định rút quân
về để thay thế bằng quân Việt Nam Cộng Hòa chứ không phải là do kết quả
điều đình. Như vậy chỉ còn 2 vấn đề mà người ta phải hẹn nhau đến Paris
để thương lượng trong 4 năm là Hà Nội trả tù binh và đòi bồi thường
chiến tranh.
Nhưng vấn đề trao trả tù binh Hoa Kỳ và
tiền bồi thường chiến tranh chỉ được đưa ra sau khi cả Trung Quốc và
Liên Sô đều thông báo cho Hà Nội là họ muốn Hà Nội chấm dứt chiến tranh.
Lúc đó Lê Duẩn có muốn đánh tiếp cũng không có gạo, không có đạn để
đánh. Do đó chỉ cần 2 cuộc họp cách nhau 2 tháng thì Hà Nội đã đưa ra
toàn bộ các điều kiện của họ: Tức là thả tù binh Hoa Kỳ vô điều kiện,
không đòi thay thế chế độ Thiệu, không đòi thả 38 ngàn tù chính trị cọng
sản miền Nam, không buộc Hoa Kỳ phải ghi điều khoản bồi thường chiến
tranh vào trong Hiệp định đình chiến v.v…Dĩ nhiên là Nixon nợ Liên Sô và
Trung Quốc về sự nhượng bộ này.
Nội dung 9 khoản ghi trong Hiệp Định cho thấy không cần phải tốn tới 4 năm mới có được văn bản của hiệp định:
Khoản 1: Các quyền cơ bản của dân tộc Việt Nam.
Dĩ nhiên Kissinger và Lê đức Thọ không phải thương lượng với nhau về
chương này, chỉ cần sao lại chương 1 của Hiệp Định Genève).
Khoản 2: Chấm dứt chiến sự, rút quân.
Chương này dành cho chuyên viên kỹ thuật, ấn định ngày giờ ngưng bắn,
thời hạn rút quân, dĩ nhiên hai ông cũng không thương lượng với nhau về
mục này.
Khoản 3: Việc trao trả nhân viên quân sự bị bắt.
Đây mới là mục chính yếu để thương lượng nhưng tránh không nói tới chữ
‘’trao trả tù binh’’ mà nói là trao trả nhân viên quân sự bị bắt.
Khoản 4: Việc thực hiện quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam (Dĩ nhiên vấn đề này cũng không cần thương lượng, chỉ cần sao lại Hiệp Định Genève).
Khoản 5: Vấn đề thống nhất Việt Nam. Không cần thương lượng, chỉ cần nói rằng theo như Hiệp Định Genève 1954 là xong.
Khoản 6: Ủy ban kiểm soát đình chiến. Cũng không cần thương lượng, việc này cũng chỉ giao cho các chuyên viên quân sự.
Khoản 7: Đối với Cam Bốt và Lào. Cũng ghi theo như Hiệp Định Genève là xong.
Khoản 8: Quan hệ giữa Hoa Kỳ và cộng sản Bắc Việt. Đây mới là vấn đề chính, nghĩa là ai phải chung cho ai và chung bao nhiêu.
Khoản 9: Các quy định khác: Hiệp định có hiệu lực sau khi ký./.
Vậy thì chỉ cần xem lại khoản 3 và khoản 8 có 3 điều chính yếu:
Điều 5 (Thuộc khoản 3): Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi ký
hiệp định này sẽ hoàn toàn rút ra khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội,
cố vấn quân sự và nhân viên quân sự liên quan đến chương trình vũ khí,
đạn dược và các dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và các nước ngoài khác…
Điều 8 (Thuộc khoản 3): Việc trao trả những nhân viên quân sự
của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt sẽ tiến
hành song song và hoàn thành không chậm hơn ngày hoàn thành việc rút
quân nói trong điều 5.
Điều 21(Thuộc khoản 8): Hoa Kỳ mong rằng
Hiệp Định này sẽ mang lại một thời kỳ hòa giải với Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa cũng như với các dân tộc Đông Dương. Theo chính sách truyền thống của mình, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công việc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và toàn Đông Dương.
Tóm
tắt 9 khoản, 23 điều của Hiệp Định thì người ta thấy ngay sự phi lý:
Ngưng bắn da beo, chính phủ Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn tồn tại, 38.000 cán
bộ dân sự cộng sản miền Nam vẫn bị giam trong các trại tù. Trong khi đó
tù binh cộng sản Bắc Việt, tù binh Việt Nam Cộng Hòa và tù binh Hoa Kỳ
được thả, Hoa Kỳ không phải trả tiền bồi thường chiến tranh nhưng: ‘’Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết sau chiến tranh’’. Như vậy công lao chiến đấu của cộng sản Việt Nam từ 1959 tới 1973 coi như bỏ đi, họ không được một tí lợi nào cả ?
Nếu
Hà Nội sáng suốt thì bắt phải ghi rõ con số 3,25 tỷ vào điều khoản 21
và ấn định lịch trình trao đổi, hễ đưa bao nhiêu thì thả bấy nhiêu, đưa
tới đồng Dollar cuối cùng thì thả người cuối cùng. Dĩ nhiên một khi đã
ghi con số và lịch trình trao đổi thì đến khi Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết
thông qua Hiệp Định sẽ phải ký thêm một đạo luật chuẩn chi ngân sách
đính kèm. Phải chăng Lê đức Thọ đã bị lừa ?
Vì không tin là Lê đức Thọ bị lừa cho nên những nhà quan sát thời cuộc thừa hiểu rằng đằng sau Hiệp Định phải có một mật ước riêng giữa hai bên, trong đó sẽ quy định rõ con số bồi thường chiến tranh cũng như thể thức thanh toán.
Còn
về phần Quốc Hội Hoa Kỳ thì họ không có lý do gì để từ chối một hiệp
định công khai, hoàn toàn có lợi cho Hoa Kỳ, nghĩa là chấm dứt chiến
tranh, đem được tù binh trở về mà không tốn một đồng nào cả.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen