Sonntag, 18. Oktober 2015

Vai trò phụ nữ Việt Nam trong tiến trình dân chủ hóa đất nước


 
Luật Sư Đào Tăng Dực

Khi so sánh cùng giới đấu tranh Trung Quốc với những nhân vật đối kháng đại đa số thuộc nam giới, thì điểm nổi bật của phong trào tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền của dân tộc Việt Nam là sự hiện diện đông đảo của những anh thư hào kiệt như Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Phương Uyên, Tạ Phong Tần, Đỗ Thị Minh Hạnh, cụ Bà Lê Hiền Đức…

Trong khi đó, từ thủa khai sinh nhân loại, người phụ nữ luôn lại là một giai cấp bị đối xử thiếu công bằng. Nếu chúng ta nhìn xuyên lịch sử từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á đến Phi Châu, người phụ nữ thông thường chỉ là công dân hạng nhì, trong xã hội do đàn ông ngự trị, thuộc xã hội truyền thống.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, một chính quyền Việt Nam hậu cộng sản, sau khi đã xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho đất nước, nếu không giải quyết được vấn nạn bạo hành trong gia đình (family and domestic violence), trong đó đa số các nạn nhân là phụ nữ, thì chính quyền đó vẫn chưa xứng đáng là một chính quyền của dân, do dân và vì dân (government of the people, by the people and for the people).

Nếu chúng ta phân tích thêm về nguyên nhân của bất công này, sẽ có hai nguyên nhân chính nổi bật xuyên suốt lịch sử: đó là chiến tranh và tôn giáo. Dĩ nhiên còn nhiều nguyên nhân khác không thể nói hết.
 
Chiến tranh, nhất là chiến tranh cổ điển, luôn luôn đem lợi thế về cho nam giới. Khi xã hội loài người còn đơn sơ chưa phát triển, chiến tranh căn cứ trên sức mạnh của bắp thịt. Chính vì thế giới nữ thường chịu lép vế, nương tựa vào sự bảo vệ của giới nam và chấp nhận những việc làm phụ thuộc tại hậu cần. Khi kỹ thuật chiến tranh tiến bộ hơn, với những phát triển khoa học về vũ khí có hỏa lực và tầm sát thương cao, vai trò của nam giới vẫn nổi bật, mặc dầu có sự tham gia nhiều hơn của các nữ quân nhân (Do thái là một ví dụ điển hình nhất cho vao trò của các nữ quân nhân). Tuy nhiên vẫn thua xa nam giới. Lý do là vì nhiều người tin rằng, trong DNA của nam giới, bản năng sát thương và sát địch mạnh hơn nữ giới. Chính vì thế, chúng ta có thể kết luận rằng, chiến tranh là một trong nhiều nguyên nhân củng cố cho vai trò vượt trội của nam giới, trong tương tranh quyền lực giữa hai phái tính.

Thủa xưa, phụ nữ thường trở thành những vật hy sinh, vật tế thần hoặc trở thành chiến lợi phẩm của kẻ chiến thắng.

Trong thời chiến, bất công cho nữ giới là như thế. Câu hỏi là, trong thời thái bình thịnh trị, thì nữ giới có được đối xử công bằng hơn hay không?

Theo tôi nghĩ câu trả lời không những là không, mà còn tệ hại hơn nữa.

Đáng ngạc nhiên hơn hết là lý do người nữ bị đối xử bất công nằm nơi các định chế tôn giáo. Nơi đây, tôi xin nhấn mạnh sự khác biệt giữa tôn giáo (religions) và các định chế tôn giáo (religious institutions).

Tôn giáo là nội dung lời dạy của các đấng giáo chủ khai giáo như (theo thứ tự thời gian): Bà La Môn (Ấn Độ Giáo), Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phật Giáo), Đức Lão Tử (Đạo Giáo), Đức Khổng Phu Tử (Nho Giáo), Đức Chúa Giê Su (Thiên Chúa Giáo), Đức Mahomet (Hồi Giáo), Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ (Phật Giáo Hòa Hảo) , Đức Ngô Văn Chiêu (Cao Đài Giáo) ...thông thường là những lời dạy cao cả và công bằng.

Các định chế tôn giáo trái lại, là các cấu trúc quyền lực, do những người bình thường tạo ra hầu đoàn ngũ hóa và hệ thống hóa các tôn giáo. Các định chế này đôi khi có rất nhiều khuyết điểm. Tùy theo bản chất từng tôn giáo, và hoàn cảnh xã hội sở tại, các định chế tôn giáo có sức mạnh và ảnh hưởng khác nhau. Khi duyệt xét lịch sử, chúng ta nhận thấy các định chế tôn giáo sau đây nhiều quyền lực nhất: Giai Cấp Giáo Sỹ Bà La Môn, Tòa Thánh Công Giáo La Mã tại Âu Châu, Giáo hội Chính Thống Giáo tại Nga, Giai cấp Tống Nho tại Trung Hoa và các nước Đông Á, Giai cấp Giáo Sỹ Hồi Giáo tại Iran và một số quốc gia Hồi Giáo.

Một trong những bất công mà nữ giới phải chịu là: không những các vị giáo chủ đều là nam giới, mà quan trọng hơn hết là các định chế quyền lực, còn tồn tại lâu đời sau khi các giáo chủ đã ra đi, đều do nam giới thống lĩnh.

Hâu quả là các định chế ấy không những trực tiếp có những chính sách tôn giáo trói buộc người phụ nữ, mà còn ảnh hưởng đến xã hội dân sự và chính quyền. Hậu quả là toàn bộ các chính sách quốc gia và toàn bộ nền văn hóa của quốc gia sở tại, thiên vị cho nam giới.

Những câu châm ngôn sau đây của Nho Giáo, lưu truyền hàng ngàn năm trong nền văn hóa Đông Á, tiêu biểu cho sự bất công đó:

“Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

Đại ý nói rằng, người phụ nữ trước khi lấy chồng thì phải nghe lời cha (không phải mẹ). Khi lấy chồng phải nghe lời chồng (không được cãi) và tệ hơn hết là khi chồng chết phải nghe lời con trai (không phải ngược lại hoặc nghe lời con gái).

Hoặc:

“Lấy chồng theo chồng; lấy gà theo gà, lấy chó theo chó”, không có quyền phê phán hành vi của chồng hoặc ly dị ly thân nếu người chồng không xứng đáng.

Tất cả những giáo điều trên, đều là những giáo điều có tính ý thức hệ, cùng một bản chất hạn hẹp và phi lý, như ý thức hệ giáo đều Mác-Lê mà CSVN đang tôn sùng.

Chính vì thế, giới nữ, vốn chịu nhiều bất công, có nhu cầu làm cách mạng cao hơn nam giới.

Khi nữ giới tham gia cuộc đấu tranh giải trừ cộng sản, vai trò của họ không dừng tại nơi đây. Vai trò của nữ giới không những là lật đổ bạo quyền, mà còn xây dựng một trật tự xã hội mới hoàn toàn khai phóng trên phương diện tư tưởng. Châm ngôn của những phụ nữ tranh đấu ngày hôm nay phải là câu tuyên ngôn bất hủ của tư tưởng gia người Pháp Raymond Aron:

“Ý thức hệ giáo điều cần phải triệt tiêu, hầu cho tư tưởng được tái sinh”

Thật vậy, ý thức hệ giáo điều Tống Nho đã tiêu diệt tư tưởng tự do của con người Đông Á, giam hãm sự sáng tạo (creativity) và nữ giới (womenfolk) trong sự cùm kẹp của giáo điều ngu muội, làm chậm bước tiến của nhiều dân tộc Đông Á, cho đến khi rơi vào vòng nô lệ và sự chinh phục của các đế quốc tây phương.

Chiều cao của một dân tộc lệ thuộc vào phẩm chất của những tư tưởng luân lưu trong nền văn hóa dân tộc đó. Một nền văn hóa lệ thuộc vào những ý thức hệ giáo điều kém cỏi như Tống Nho, và sau đó, lệ thuộc vào những ý thức hệ giáo điều càng kém cỏi hơn nữa như Mác-Lê, là một nền văn hóa với những tư tưởng tồi tệ nhất của nhân loại. Dân tộc Việt kém cỏi và chịu nhiều nỗi nhục nhằn ngày hôm nay, là vì Ý thức hệ giáo điều Mác- Lê đã thổi vào nền văn hóa chúng ta những tư tưởng thấp hèn nhất của nhân loại.

Trách nhiệm của người phụ nữ Việt Nam là đứng lên, đạp đổ bạo quyền CSVN. Và cùng một lược với tác động cách mạng này, dùng chút oai thừa, xóa tan những tàn tích của giáo điều Tống Nho oan khiên, đã giam hãm tâm thức và sự sáng tạo của nữ giới trong nhiều thế kỷ.

Ý thức được như thế, người phụ nữ Việt Nam mới nhận ra vị trí chiến lược của mình, trong tiến trình dân chủ hóa đất nước. Lý tưởng của người phụ nữ Việt Nam không những chỉ là xây dựng một chế độ chính trị dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, mà phải đi xa hơn nữa, đó là gạn lọc những cặn bã của nền văn hóa truyền thống, khai sáng một kỷ nguyên văn hóa hoàn toàn khai phóng, phi ý thức hệ giáo điều trong đó, tư tưởng được tuyệt đối thăng hoa.

Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã giúp người phụ nữ Tây Phương đạt nhiều thành quả trong công cuộc tranh đấu cho phụ nữ quyền. Tiến trình dân chủ hóa đất nước chắc chắn sẽ đưa đến một cuộc cách mạng kỹ nghệ, kinh tế và xã hội tại Việt Nam, hầu bắt kịp các quốc khác trong cộng đồng nhân loại.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, phụ nữ Việt Nam đã nhập cuộc đông đảo. Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Phương Uyên, Cụ Bà Lê Hiền Đức, Huỳnh Thục Vy, các chị em trong Hội Phụ Nữ Âu Cơ ..là những nữ lưu hào kiệt, đội trời đạp đất. Chắc chắn các chị đang và sẽ là những lãnh đạo xứng đáng, trong thời điểm lịch sử này của dân tộc và trong số họ sẽ có những lãnh đạo tương lai của một nước Việt Nam dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên hậu cộng sản.

Bài Nguyên thủy viết cho Đặc San Hội Phụ Nữ Âu Cơ

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen