RFI
Vị trí dự án đập Pak Beng và Xayaburi trong số các dự án đập trên dòng chính Mêkông ở hạ nguồn.Photo International Rivers
Tương lai sông Mêkông quả là u ám với Trung Quốc góp phần không
nhỏ vào công việc phá hoại. Tác hại to lớn của những con đập do chính Bắc Kinh
xây dựng trên thượng nguồn chưa được thẩm định đủ, thì mới đây, Trung Quốc lại
trực tiếp tung tiền giúp Lào xây dựng thêm một con đập thứ ba ở vùng hạ nguồn
sông Mêkông, sau khi đã mượn vỏ bọc một tập đoàn Malaysia để thúc giục Vientiane
ngang nhiên xúc tiến việc xây dựng con đập thứ hai, tiếp theo con đập thứ nhất
được cho là đã xong được 50%.
Theo một báo cáo ngắn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và
Quốc tế CSIS tại Washington, con đập thứ ba trên dòng Cửu Long khúc chảy qua Lào
do Trung Quốc xây dựng là đập Pak Beng, cách cố đô Luang Prabang ở miền Bắc Lào
khoảng 100 cây số đường chim bay.
Ngày 21 tháng 09 vừa qua, các quan chức Lào đã thảo luận với Tập
đoàn Đầu tư Hải ngoại Đại Đường (Datang) của Trung Quốc về đề án xây con đập Pak
Beng, sẽ có khả năng sản xuất ra 4.700 gigawatt/giờ điện một năm với hơn 90%
phần trăm sản lượng sẽ được bán sang Thái Lan.
Như thông lệ, các đại biểu Lào đã nhấn mạnh rằng Vientiane rất
quan tâm đến việc bảo đảm sao cho con đập sắp được xây dựng có được đầy đủ tính
chất « bền vững và thân thiện về mặt kinh tế ».
Sau khi dự án được phê duyệt, thông tin về đề án này sẽ được gửi
đến các nước khác trong Ủy ban Sông Mêkông và các tổ chức quốc tế để lấy ý
kiến.
Và đây chính là điều đáng quan ngại đối với các tổ chức các nước
láng giềng, đặc biệt như Cam Bốt hay Việt Nam nằm ở phía dưới con đập, vì chính
quyền Lào đã có thói quen hỏi ý lấy lệ, còn làm thì cứ làm, nhân danh chủ quyền
tối thượng của mình.
Theo một số nhà quan sát, sở dĩ Vientiane đã có thái độ ngang
ngược như vậy, đó chính là vì họ được Trung Quốc chống lưng. Nếu đối với đập Pak
Beng, vai trò của Trung Quốc rất hiển nhiên, với một tập đoàn Trung Quốc làm chủ
công trình, thì đối với đập thủy điện thứ hai ở vùng hạ nguồn sông Mêkông là Don
Sahong, ở Nam Lào, gần biên giới với Cam Bốt, thì mới đây, bàn tay Trung Quốc đã
bị vạch trần.
Trong một bài viết mới đây, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Sông Cửu
Long Ngô Thế Vinh đã nêu bật sự kiện là Mạng lưới Sông ngòi Quốc tế
International Rivers Network vào đầu năm nay 2015 đã gởi thư phản đối đích danh
Tập đoàn thủy điện Nhà nước Trung Quốc Sinohydro về việc can dự vào đề án đập
thuỷ điện Don Sahong, sẽ có tác hại môi trường và xã hội nghiêm
trọng.
Theo nhà nghiên cứu Ngô Thế Vinh, tập đoàn MegaFirst của
Malaysia, chủ đầu tư của Don Sahong, thực ra chỉ là một công ty bình phong cho
tập đoàn Trung Quốc Sinohydro. đã từng bị rất nhiều tai tiếng về những con đập
gây ra những tác hại môi sinh.
Đối với các nhà quan sát, từ lúc xúc tiến đề án xây con đập
Xayaburi vào năm 2012 cho đến đập Don Sahong, và sắp tới đây là đập Pak Beng,
chính quyền Lào luôn theo cùng một kịch bản, chờ cho kế hoạch tiến xa rồi mới
báo cho các láng giềng, lấy ý kiến nhưng phớt lờ các phản đối.
Đập Xayaburi, theo báo Vientiane Times, đã hoàn tất được 50%, và
sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019, còn đập Don Sahong thì đã bắt đầu được xây
dựng, dù vẫn bị Phnom Penh và Hà Nội chống đối.
Thái độ bất cần láng giềng của Lào, theo nhà nghiên cứu Ngô Thế
Vinh, xuất phát từ việc Lào đã có được hậu thuẫn vô điều kiện của Trung Quốc
trong việc này, và dòng Mêkông sẽ còn tiếp tục bị gây hại với các đề án khác,
trong đó tập đoàn Trung Quốc Sinohydro sẽ trực tiếp làm chủ thầu của đập Pak Lay
của Lào và Sambor của Cam Bốt, hai nước Đông Nam Á được cho là đã rơi vào quỹ
đạo của Bắc Kinh.
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen